Cảm Nhận 2 Khổ Thơ đầu Tràng Giang - Huy Cận - Văn Mẫu 11

Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài thơ Tràng Giang – Huy Cận – Văn mẫu 11

“Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm,

Gió trăng ơi! nay còn nhớ người chăng?

Hơn một lần chàng đã gửi cho trăng

Nỗi hiu quạnh của hồn buồn không cớ.”

(Mai sau – Huy Cận)

Nỗi sầu vạn cổ của chàng Huy Cận khi xưa không phải là “vô cớ”. Mọi cớ sự cũng xuất phát từ một tâm hồn đa sầu, đa cảm, có cuộc đời gắn bó với quê hương, đất nước. Nỗi hiu quạnh cũng có nguồn cơn từ chiều sâu tâm trạng luôn muốn hoà nhập vào thế sự, hoá thân vào thiên nhiên rồi lại bẽ bàng nhận ra thế sự đa đoan, vũ trụ thì rộng lớn còn kiếp người lại quá nhỏ nhoi. Tâm sự ấy được nhà thơ bộc bạch qua bài thơ Tràng giang, nỗi buồn cũng dài như sông, mênh mông như sóng nước. Đặc biệt trong 2 khổ thơ đầu bức tranh thiên nhiên hiện ra triền miên, tẻ nhạt để thấm hết nỗi buồn thân phận nổi trôi, vô định của kiếp người.

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Sông dài trời rộng bến cô liêu”

          Khoảng thời gian trước Cách mạng tháng Tám, đại đa số thanh niên, tri thức trẻ nhất là những người có tinh thần dân tộc, hầu như bế tắc khi không tìm được hướng đi cho bản thân trong hoàn cảnh xã hội rối ren, đất nước rơi vào tay giặc. Chàng trai Huy Cận đang nhìn đời bằng đôi mắt xanh non bỗng nhuốm màu sầu khổ khi ý thức được nỗi đau thân phận. Nỗi buồn này không phải buồn cho mình mà là buồn cho người. Nỗi sầu cũng không vì thân thế mà vì nhân thế.

          Bài thơ Tràng giang ra đời trong cảnh tình ấy, thêm nỗi lòng nhớ quê nhà dai dẳng khi đứng trước cảnh sông dài, trời rộng. Tràng giang ban đầu có tên Chiều trên sông, sau đó chính nhà thơ sửa lại và in trong tập Lửa thiêng (1939). Với thể thơ bảy chữ trường thiên, Tràng giang như một miền hoài tưởng xa xôi mà ở đó mỗi khổ thơ hiện lên thành một bức tranh thuỷ mặc có chiều sâu liên tưởng. Chiều sâu này được tạo ra từ ngay nhan đề. Tràng giang có nghĩa là sông dài hoặc trường giang. Tuy nhiên về mặt âm tiết thì tràng sẽ ngân vang hơn trường. Âm tiết mở này rất phù hợp để gợi cảm giác dòng sông khoáng đạt, bao la, vô tận. Tràng giang còn là tiếng gọi tha thiết của thi nhân khi đang lạc lõng, chơi vơi giữa cuộc đời, mong muốn giao cảm với người, với đời mà nhận lại tuyệt vọng, đắng cay.

          Bài thơ mở ra với câu đề từ “bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” đã làm dấy lên cảm xúc rợn ngợp khó tả khi trước mắt chúng ta là không gian bao la của sông dài và trời rộng. Một trạng thái “bâng khuâng” nhiều nghĩ ngợi, lo âu và buồn tủi khi nghĩ về phận mình, phận đời còn vô định. “Trời rộng”, “sông dài” vẽ ra một không gian bất tận ở đó chữ “nhớ” như một nhịp cầu nối hai bờ. Tuy vậy cái hữu hình không sao ngăn được sự vô hình của tâm trạng đang choáng ngợp cả không gian, lẫn thời gian. Cấu tứ bài thơ cũng đặc biệt khi bốn khổ thơ đặt cạnh nhau như bốn bức tranh tả cảnh mà cũng tả tình. Dẫu đều mang một màu tâm trạng cô đơn, sầu tủi nhưng mỗi nỗi sầu mang một diện mạo riêng.

          Khổ thơ đầu tiên đã vẽ ra cảnh sông nước tràng giang mênh mông, ở đó có những nỗi buồn thân phận cho kiếp người lạc lõng, vô định.

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song.

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

Củi một cành khô lạc mấy dòng”

Cảnh sông nước bất tận còn tình người trước sông nước thì triền miên nỗi buồn. Thế nên từng câu thơ đã hiện ra gợi vào lòng người cảm giác lâng lâng khó tả “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Bức tranh thiên nhiên đan xen bức tranh tâm trạng, cảnh và người song song nhau, đan cài trùng điệp. Sự đan cài này bắt đầu từ hình ảnh “sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”. Cũng là cơn sóng ngàn năm còn vỗ nhưng không “dữ dội, dịu êm” cũng chẳng “ồn ào, lặng lẽ”. Sóng từng lớp “gợn” nhẹ nhàng, đều đặn đúng với nhịp sóng lòng nơi trái tim đang thổn thức. Cơn sóng gợn là sóng nước cũng là sóng lòng đang âm ỉ, cái “gợn” của sóng là cái “gợn” của tâm hồn.

          Mỗi gợn sóng đồng điệu với “buồn điệp điệp”. Từ láy “điệp điệp” gợi những lớp sóng bủa vây nghìn trùng, day dứt không ngừng nghỉ. Huy Cận không dùng cách nói của người xưa “trùng trùng điệp điệp” hoặc “trùng điệp”, cái mới của nhà thơ là thổi hồn vào cho từng đợt sóng để “điệp điệp” không chỉ tả sóng mà còn là nỗi ám ảnh của cõi lòng. Nỗi buồn điệp điệp là nỗi buồn có thể cảm nhưng không thể nói hết bằng lời, chỉ có “buồn điệp điệp” mới diễn tả đúng tinh thần của “gợn”.

          Trên nền khung cảnh mênh mông ấy thì hình ảnh con thuyền đang xuôi dòng một cách hững hờ “Con thuyền xuôi mái nước song song”. Thuyền và nước xưa nay vẫn là một đôi, một cặp. Thuyền theo dòng nước, nước nhẹ đẩy thuyền trôi. Cũng là hai hình ảnh quen thuộc nhưng sao câu thơ không gợi được sự sum vầy mà lạc lõng, đơn côi. Từ láy “song song” có nét nghĩa của đi bên cạnh nhau, song hành nhau nhưng vẫn không thể nào chạm vào nhau. Giữa nước và thuyền dường như đã định sẵn sự biệt ly khi chẳng bao giờ có thể gặp gỡ, chỉ song song bên nhau chứ không gắn bó tha thiết gì nhau.

          Nước xuôi trăm ngả còn thuyền thì xuôi theo dòng nước, cứ tưởng đồng hành cùng nhau ai ngờ lại nhuốm mầm chia biệt dù đang ở gần kề. Sự chia biệt này thể hiện rõ ở câu tiếp theo

“Thuyền về nước lại sầu trăm ngả”

Chỉ bằng hình ảnh thuyền và nước đã xuất hiện trước đó nhưng câu thơ mang nhiều nét nghĩa theo từng cách hiểu khác nhau gắn với từ “lại”. Nếu chúng ta ngắt câu thơ ra thành nhịp 2/2/3 thuyền về/ nước lại/ sầu trăm ngả thì có thể thấy được nét nghĩa: thuyền rời đi còn nước thì ở lại, cả hai không thể gặp gỡ thế nên sầu nhớ.  Cũng cách ngắt nhịp này ta hiểu từ “lại” là động từ có nghĩa đến vậy câu thơ mang nét nghĩa: thuyền rời đi thì nước đến. Cả thuyền và nước không giao nhau tại một thời điểm nên chẳng thể gặp nhau. Khi ngắt câu thơ ra thành: thuyền về/ nước lại sầu trăm ngả thì ta có thể hiểu một trạng thái tâm lý khác của nước. Thuyền đến nơi cùng nước thì nước lại cảm thấy buồn. Dù ở cách hiểu nào từ “lại” cũng mang sự độc đáo diễn tả vòng tuần hoàn của tâm trạng. Thuyền và nước mãi mãi chẳng gặp gỡ nhau, chuyến hành trình dài của cả hai đều vô định.  Thế nên nỗi “sầu trăm ngả” của nước và thuyền là mối sầu thiên thu của thi nhân trong cảnh tình chia cắt, mình lạc lõng với xã hội, mình chơi vơi cùng mình.

          Con thuyền, sóng nước còn là phép ẩn dụ cho thân phận và cuộc đời. Con thuyền là kiếp người đơn độc, nhỏ nhoi chẳng thể làm chủ được chuyến hành trình trên con sông cuộc đời vô tận. Hiểu được nỗi buồn của Huy Cận để thấy con thuyền vô định kia không ai khác là nhà thơ và lớp thanh niên chưa tìm ra lối đi cuộc đời mình. Nỗi trăn trở này được nhà thơ gửi vào hình ảnh cành củi khô lạc mấy dòng.

“Củi một cành khô lạc mấy dòng”

Câu thơ khá ấn tượng với phép đảo ngữ “củi một cành khô” mà không phải là “một cành củi khô”. Phép đảo ngữ này nhấn mạnh hình ảnh củi khô trên dòng tràng giang buồn bi thiết. So với những thi liệu quen thuộc “sóng, nước, thuyền” đã xuất hiện trước đó thì “củi” đúng là rất mới mẻ. Hình ảnh này vượt ra ngoài tính vi phạm, trở thành điển hình cho thân phận lạc loài, bơ vơ, nhỏ bé của kiếp người. Thế nên “củi” chính là hình ảnh mang nghĩa ẩn dụ tượng trưng sáng tạo trong khổ thơ. Củi mang bản chất đã không còn sự sống đặt bên cạnh tính từ “khô” lại càng héo hắt, hết hy vọng. Điều đáng nói là cái khô héo, cạn kiệt sự sống ấy được đặt trong một môi trường mênh mông sóng nước.

Những con số đếm như “trăm, một, mấy” đặt ở đoạn thơ như chứng minh cho sự đối lập giữa cái ít ỏi, lẻ loi của phận người và cái lớn lao, rợn ngợp của cuộc đời.

Một thân, một phận như cành củi khô chẳng biết về đâu khi đời trăm ngả mà ngả nào cũng muôn trùng sóng nước. Nỗi buồn của thi nhân được gợi lên từ những hình ảnh mang màu cổ điển như sóng, con thuyền, dòng sông và cả những hình ảnh đời thường “củi”. Dù vẽ nên cảnh sông nước bao la nhưng dường như nét nào cũng rời rạc, chia lìa. Bởi lẽ “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du). Cái nhìn của Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám là cái nhìn “rớm vị chia phôi” nên đâu đâu cũng là lời “than thầm tiễn biệt”. Cái nhìn ấy cũng là cái nhìn chung của lớp thi sĩ còn đang ngổn ngang trước cảnh tang tóc đau thương của đất nước.

“Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước

Chọn một dòng hay để nước trôi?”

(Dậy lên thanh niên – Tố Hữu)

          Đứng trước mênh mông của vũ trụ, con người thường choáng ngợp và nghĩ nhiều về thân phận nhỏ nhoi của mình. Tâm sự này chất chứa suốt chặng đường thơ của Huy Cận trước Cách mạng. Bức tranh thứ hai không phải là cảnh sông nước rộng lớn nhưng vẫn là không gian bao la đến vô tận. Đối lập với không gian ấy là cuộc sống ảm đạm, hắt hiu.

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.”

Cảnh vật trong khổ thơ này được bổ sung phong phú hơn, có “cồn nhỏ”, “gió đìu hiu”, “tiếng làng xa”, “chợ chiều”, “sông dài”, “trời rộng”, “bến cô liêu”. Tuy vậy so với khổ thơ trước thì bức tranh bằng ngôn từ này không khởi sắc hơn mà chỉ cụ thể hơn nỗi sầu sâu thẳm. Một buổi chiều trên sông, cảnh cũng ngả hoàng hôn vắng lặng. Nhìn về phía có cồn đất nổi giữa sông chẳng góp được cho dòng tràng giang một nét giới hạn mà chỉ khiến cho sông càng rộng, cồn càng nhỏ. Sự đối lập của “cồn” trong không gian rộng còn được tô điểm thêm bởi hai từ láy “lơ thơ” và “đìu hiu”. “Lơ thơ” diễn tả sự rời rạc, nhỏ lẻ dễ khiến người ta liên tưởng đến những âm như “bơ vơ”, “trơ trọi”. Cảnh đã lặng đến thế có chút sống động của gió cũng không thể tạo chút tâm trạng nào khác “đìu hiu” nghe bẽ bàng, quạnh. Quẽ. Một câu thơ có sự xuất hiện của hai từ láy đặt hai đầu của “cồn nhỏ” giống như một chiếc đòn gánh tâm trạng mà hai đầu là sự trống trải, ít ỏi, thưa thớt và buồn tẻ đến tột cùng.

          Khổ thơ vẫn có chút sự sống tồn tại ở câu “đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”, tuy nhiên sự sống này vẫn còn mơ hồ chưa cụ thể. Cách dùng từ ngữ của nhà thơ khiến chúng ta phải đặt tâm trạng vào hai cảnh huống khác nhau. “Đâu” có thể hiểu là “đâu đây” khẳng định sự tồn tại của âm thanh buổi chợ chiều. Dù buổi chợ đã “vãn” không còn náo nhiệt như ban sáng nhưng ít ra cũng còn chút âm thanh sự sống. Từ “đâu” trong trường hợp này khiến ta nhớ đến chuyện thế sự của một ngư phủ trên chiếc thuyền câu bé tẻo “cá đâu đớp động dưới chân bèo” (Thu điếu – Nguyễn Khuyến). Thế nhưng “đâu” còn có một nét nghĩa khác chỉ sự phủ định không có cả âm thanh buổi chợ dù là chợ chiều đã vãn. Nếu hiểu theo nghĩa này cảnh vật sẽ chìm trong tuyệt đối im lặng trong cảnh hoàng hôn. Nếu hiểu theo nghĩa có đâu đó tiếng chợ cũng chẳng khiến tâm trạng con người khởi sắc, âm thanh vang vọng xa xa thưa thớt chỉ làm lòng người nặng nỗi sầu nhớ mông lung.

          Đã không tìm được chút gì mới mẻ để vơi bớt nỗi sầu, thi nhân hướng đôi mắt của mình vào không gian cao rộng của tràng giang.

“Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”

Không gian ba chiều được mở ra với sự kết hợp của các cụm từ mới khiến cho câu thơ vừa quen lại vừa lạ lẫm. Nhìn ở góc độ nào cảnh vật cũng dường như vô biên không ranh giới, khó lòng mà dùng những tính từ thuận theo lẽ thường mà diễn tả. Thế nên mới có cái “sâu chót vót” , “nắng xuống, trời lên”. Trong hai câu thơ có hai cặp từ đối lập nhau “xuống, lên”, “dài, rộng”. Riêng hai động từ “xuống, lên” chỉ sự vận động ngược hướng dù cùng một phương thẳng đứng. Sự góp mặt của hai động từ này kết hợp với “nắng” và “trời” sự vô biên của không gian được mở ra theo chiều cao. Hai tính từ trái nghĩa “dài”, “rộng” gắn với “sông” và “trời” mở sự vô biên ra chiều ngang. Không gian có sự vận động rõ rệt kéo theo của nắng và trời, nắng xuống đến đâu, trời cao đến đó.

          Chính sự nới rộng này đã dẫn đến cái nhìn “sâu chót vót” bề ngoài có vẻ không hợp lý vì thông thường người ta dùng “chót vót” cho cao. Thế mà Huy Cận lại dùng sự kết hợp này rất có hồn. Để diễn tả độ cao không gì bằng từ láy “chót vót” bởi vì bản thân nó luôn trong trạng thái chưa hoàn tất được độ cao cần nói đến, có nghĩa là độ cao ấy khó mà diễn tả hết được. Trời cao chót vót là lẽ đương nhiên. Tuy vậy cái nhìn của nhà thơ không dừng lại ở đỉnh trời mà xuyên đến tận đáy vũ trụ để cảm hết chiều sâu. Điều thú vị còn nằm ở vị trí của điểm nhìn không phải từ dưới lên cao, cũng không phải từ trên xuống mà từ đáy vực sâu thẳm hướng lên. Cái nhìn của thi nhân chi phối độ sâu và cao của trời chứ không phải tự nhiên mà có.

          Để phù hợp với kích thước vô tận của trường giang thì “sông dài, trời rộng” một không gian bao quát muôn trùng nước, muôn trùng trời vây lấy “bến cô liêu”. Sông càng dài, trời càng rộng thì lẽ hiển nhiên bến sẽ cô liêu. So với sông và trời thì bến dường như mất hết sự kết nối nên ôm nỗi “cô liêu” muôn thuở. Bến cô liêu là cách nói nhân hoá, bến cô liêu hay người trên bến cô liêu? Hình ảnh này mới tương xứng với cồn nhỏ đìu hiu và cành củi khô trơ trọi. Trước sự vô tận của vũ trụ thì con người nhỏ bé chẳng thể tìm được nơi bám víu. Thế nên mỗi cảnh, mỗi vật đều nhuốm linh hồn buồn bã, phôi phai, mờ nhạt. Sự sống có chăng cũng chỉ là dấu hiệu mờ nhạt không thể an ủi được đáy lòng khắc khoải.

          Hai khổ thơ đầu là sự kết hợp hài hoà giữa bút pháp cổ điển và hiện đại nên chúng ta tìm thấy cả những thi liệu mang phong vị Đường thi, nhiều hình ảnh tượng trưng và cả những chất liệu đời thường. Quan trọng hơn cả là trong lớp vỏ cổ điển ta tìm thấy một tâm hồn hiện đại. Đấy là cái tôi cô đơn trước cuộc đời, cái tôi lạc lõng khi đất nước đang trong cảnh lầm than, kiếp sống con người vô định. Từ bức tranh sông nước đượm buồn, nhà thơ bộc lộ tấm lòng “ưu thời mẫn thế” của mình. Đó là tấm lòng của lớp thanh niên yêu nước, đau đời nhưng không thể cứu được đời.

“Cha ông năm tháng đè lưng nặng

Những bạn đương thời của Nguyễn Du

Nung nấu tâm can, vò võ trán

Đau đời có cứu được đời đâu.”

(Các vị La Hán chùa Tây Phương – Chế Lan Viên)

Hai bức tranh đầu của Tràng giang khép lại, nhưng những đường nét u buồn vẫn còn đọng trong lòng mỗi chúng ta. Cái buồn của những tiếng kêu đau đáu cho phận mình, phận người trước cuộc bể dâu. Vũ Ngọc Phan đã từng nhận xét “Huy Cận than thân thì ít mà góp tiếng khóc cho đời thì nhiều”. Tiếng khóc ấy là tiếng khóc của người trai nặng tình với non sông, đất nước, khao khát được giao hoà với đời, được sống trong cuộc đời tự do.

Từ khóa » Cảm Nhận Hai Khổ đầu Tràng Giang