Cảm Nhận Khổ 5 Bài Thơ Việt Bắc

     Cảm nhận khổ thơ 5 bài Việt Bắc gồm tổng hợp mẫu dàn ý chi tiết và bài văn mẫu tham khảo phân tích cảm nhận về khổ thơ thứ 5 trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Đề bài: Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…

(Trích Việt Bắc - Tố Hữu).

Dàn ý cảm nhận khổ thứ 5 bài Việt Bắc

I. Mở bài:

-  Cũng giống như bài phân tích khổ thứ 5 bài Việt Bắc các em cần giới thiệu tác giả, tác phẩm và trích dẫn đoạn thơ :

+ Tố Hữu là một trong những lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp thơ ca Tố Hữu đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

+ Việt Bắc (10/1954; in trong tập thơ cùng tên), được đánh giá là tác phẩm tiêu biểu cho văn học thời kì kháng chiến chống Pháp, cũng là thành tựu nghệ thuật nổi bật trong sự nghiệp thơ Tố Hữu.

+ Đoạn thơ thứ 5 (từ câu 25 đến câu 36) ghi lại nỗi nhớ của người cán bộ kháng chiến với những kỉ niệm xúc động về một thời “đắng cay ngọt bùi” trong cuộc sống sinh hoạt và kháng chiến nơi chiến khu Việt Bắc.

II. Thân bài: Cảm nhận đoạn thơ thứ 5 Việt Bắc

1. Về nội dung: Nỗi nhớ tràn ngập không gian thời gian, thấm vào cảnh vật thiên nhiên:

- Nỗi nhớ của người Cách mạng với đồng bào, với thiên nhiên Việt Bắc được so sánh với nỗi nhớ người yêu: cồn cào, da diết, nồng nàn…

- Nhớ thiên nhiên thanh bình, yên ả, đơn sơ mà thơ mộng:

+ Những đêm trăng sáng yên ả thanh bình, những buổi chiều nắng trải vàng ấm áp trên nương.

+ Nhớ cảnh núi đèo, bản làng chìm trong sương khói, cảnh bếp lửa bập bùng trong mỗi đêm đông và hình ảnh con người thân thương, tảo tần đi về hôm sớm.

+ Nhớ cảnh rừng nứa, bờ tre, ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.

- Nhớ cuộc sống của đồng bào và chiến sĩ đầy khó khăn gian khổ nhưng nghĩa tình sâu nặng: hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác (đắng, cay, ngọt, bùi), cụm động từ (chia củ sắn lùi, sẻ nửa, đắp cùng) diễn tả cảm xúc nhớ thương của người ra đi đối với người ở lại.

-> Họ đều là những người cùng gánh trên vai mối thù đế quốc, cùng trải qua bao buồn vui, đắng cay, ngọt bùi nhưng luôn cưu mang, đùm bọc nhau.

2. Về nghệ thuật

- Thể thơ: lục bát truyền thống với cách gieo vần đặc trưng đã làm cho đoạn thơ mang âm điệu ngọt ngào, êm ái..

- Biện pháp tu từ: Điệp từ “nhớ” cùng lối so sánh đặc biệt đã bộc lộ một cảm xúc thương nhớ dạt dào. Việc liệt kê một loạt những hình ảnh cùng địa danh của Việt Bắc đã khắc họa thật sâu nỗi niềm thương nhớ của một người chiến sĩ - thi sĩ đối với quê hương thứ hai của mình…

- Hình ảnh, ngôn ngữ: giản dị tự nhiên, gần gũi…

Kết luận

- Đoạn thơ trên chính là bản tình ca về lòng chung thủy sắt son, là tiếng lòng của nhà thơ, hay cũng chính là của những người Việt Nam trong kháng chiến.

- Tố Hữu đã thể hiện thành công tình cảm của người cán bộ dành cho thiên nhiên, nhân dân Việt Bắc không chỉ là tình cảm công dân xã hội mà còn là sự sâu nặng như tình yêu lứa đôi.

Bài văn mẫu cảm nhận khổ 5 bài Việt Bắc

Tố Hữu là một trong những nhà thơ của lí tưởng và cộng sản, ông xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam với phong cách nghệ thuật độc đáo. Thơ của ông mang đậm chất trữ tình, lãng mạn, nhưng vẫn bao gồm đó là hơi thở của dân tộc, của cách mạng. Tiêu biểu cho giọng thơ rất riêng và độc đáo của Tố Hữu phải nhắc đến bài thơ Việt Bắc – bài thơ là tình cảm, là tinh thần yêu nước của con người Việt Nam. Bài thơ được triển khai theo lối kết cấu đối đáp giữa kẻ ở người đi. Trong những lời đối đáp của người đi, đã có biết bao nhiêu tình cảm nhớ nhung, da diết; và một trong những nỗi nhớ ấy là:

"Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi…"

Việt Bắc là tác phẩm nằm trong thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ Việt Bắc được triển khai theo lối kết cấu đối đáp giữa kẻ ở, người đi vô cùng tự nhiên, khéo léo. Những câu hỏi gợi nhắc của người ở lại đã khơi nguồn biết bao kỉ niệm ùa về. Dường như mọi thứ bỗng thức dậy và trôi trong mạch cảm xúc dào dạt tưởng chừng không bao giờ cạn. Chỉ riêng đoạn thơ 8 câu này, Tố Hữu đã sử dụng từ “nhớ” tới bốn lần trong lòng người đi, nỗi nhớ này chưa qua thì nỗi nhớ khác đã ùa về như lớp sóng miên man không dịu. Mỗi lần niềm nhớ rung lên là bao kỉ niệm ùa về, bao nghĩa tình được bồi đắp. Có thể nói nhớ thương đã trở thành điệp khúc, lực hấp dẫn để hút về tất cả kí ức hoài niệm dấu yêu.

Đúng vậy,  hiếm có thi sĩ nào mang trong tim nỗi nhớ tha thiết, khắc khoải, cháy bỏng khi dã từ chiến khu Việt Bắc: “Nhớ gì như nhớ người yêu”. Một dòng thơ mà hai lần chữ “nhớ” được lặp lại. Nỗi nhớ cứ lơ lửng ám ảnh mãi tâm trí người đi đến mức không thể kìm nén được. Lời thơ buông ra với ngữ điệu hết sức đặc biệt, nửa như nghi vấn, nửa như cảm thán tạo ấn tượng, ám ảnh người đọc. “Như nhớ người yêu” là hình ảnh so sánh, ví von thật lãng mạn, tình tứ. Nỗi nhớ Việt Bắc được cảm nhận như nỗi nhớ thương người yêu. Có khi ngẩn ngơ, ngơ ngẩn; có khi bồn chồn, bối rối, bổi hổi, bồi hồi. Khi da diết khắc khoải, khi lại đau đáu thăm thẳm. Nỗi nhớ khi chia xa Việt Bắc phải chăng hàm chứa mọi cung bậc cảm xúc ấy.

Ngoài ra, chảy về trong nỗi nhớ niềm thương là cảnh sắc Việt Bắc thơ mộng hiền hòa:

"Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương"

Những câu thơ như một bức họa gợi cảm về cảnh rừng Việt Bắc thơ mộng, hữu tình. Có đêm trăng huyền ảo, mảnh trăng lấp ló nơi đầu núi, có những chiều tỏa nắng trên nương và hình ảnh những nếp nhà, bản làng thấp thoáng trong sương khói bồng bềnh. Không miêu tả chi tiết, Tố Hữu chỉ chấm phá, khơi gợi. Tuy nhiên, với những người trong cuộc, chỉ chừng ấy thôi cũng đủ bồi hồi, xao xuyến biết bao. Hòa cùng vẻ đẹp bình dị và thơ mộng của thiên nhiên Việt Bắc là hình ảnh con người Việt Bắc rất đỗi thân thương:

“Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.”

Hình ảnh thơ gợi tả tinh tế sự tần tảo, đảm đang, chịu thương, chịu khó của những cô gái nuôi quân nơi chiến khu Việt Bắc. Không quản khó nhọc gian nan, những người phụ nữ Việt Bắc vẫn sớm hôm cần mẫn nuôi dấu cán bộ. Hình ảnh bếp lửa gợi những buổi đoàn tụ ấm cùng và nghĩa tình quân dân nồng đượm. Tình quân dân, cách mạng mà mang không khí ấm áp, yêu thương như tình cảm gia đình. Hẳn trong trái tim nhà thơ đã để thương một người con gái Việt Bắc biết hi sinh vì Cách mạng.

Nhưng đó chẳng phải là kết thúc nỗi nhớ, tình cảm lại tỏa ra tràn ngập cả núi rừng Việt Bắc. Những kỷ niệm chung và riêng đan xen nhau, lần lượt hiện ra trong tưởng tượng của người đi:

"Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi...."

Những đồi tre bát ngát, những dòng suối mát trong, con sông hiền hòa, tất cả cứ in sâu trong nỗi nhớ người về. Nhắc đến dòng sông, đồi núi, rừng nứa, bờ tre là dưng dưng bao kỉ niệm, đong đầy bao yêu thương. Những cái tên: Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê có lẽ không đơn thuần chỉ là những địa danh mà còn ẩn dấu bao kỉ niệm cảm xúc. Những gắn bó gian khổ, ngọt bùi đã trở thành những kỷ niệm da diết trong trái tim người đi khó có thể quên được. Biết bao những xúc động bồi hồi cùng những ngọt ngào dưng dưng dồn chứa trong mấy chữ “đắng cay, ngọt bùi” cùng dấu chấm lửng cuối dòng thơ. Người đi muốn nhắn gửi với người ở lại rằng người về xuôi sẽ không quên bất cứ một kỉ niệm, một kí ức nào.

Có thể thấy, đoạn thơ ngắn chỉ với 8 câu thơ đã thể hiện rõ nỗi nhớ da diết của người đi Việt Bắc, đó là tấm lòng chân tình của cán bộ kháng chiến với Việt Bắc bằng thể thơ lục bát nhịp nhàng, uyển chuyển; hình ảnh trong sáng giản dị, gợi cảm, đoạn thơ đã tạo nên sức hấp dẫn đối với độc giả. Đọc đoạn thơ, ta thấy bịn rịn một tấm lòng nhớ thương da diết vô hạn.

-/-

Ngoài nội dung trên, để bài văn hay và đầy đủ hơn, các em có thể xem thêm những phân tích Việt Bắc chi tiết đã được Đọc Tài Liệu biên soạn.

Từ khóa » Cảm Nhận Khổ Nhớ Gì Như Nhớ Người Yêu