[Cảm Nhận] Trả Ta Kiếp Này - Le Monde D'isis
Có thể bạn quan tâm
TRẢ TA KIẾP NÀY – Góc nhìn khác về cổ trang cung đấu
Tựa đề: Trả ta kiếp này
Tác giả: Thiên Tình Hữu Phong
Dịch giả: Phiêu Dương
Thể loại: ngôn tình, cổ đại, cung đấu.
Đơn vị phát hành: Cẩm Phong books và NXB Văn học
Số tập: 01 (đã hoàn thành)
Một số thông tin khác: Bìa cứng, giấy xốp Phần Lan, có kèm bookmark, 672 trang
Từ đầu năm đến giờ đã đọc xong ba bộ ngôn tình cung đấu: Mệnh phượng hoàng (tên gốc: Từ thứ nữ đến hoàng hậu) của Hoại Phi Vãn Vãn, Thượng cung của Vân Ngoại Thiên Đô và Trả ta kiếp này. Thứ tự liệt kê trên cũng cho thấy mức độ đánh giá từ thấp đến cao của isis dành cho 3 câu chuyện.1
Cung đấu từ phim đến tiểu thuyết với isis là một thứ đặc sản của Trung Quốc. Vì đã là đặc sản thì nó chỉ có thể ngon nhất khi được viết ra, làm ra bởi những bộ óc Trung Quốc (à nhưng Thâm cung nội chiến của TVB cũng rất rất xuất sắc). Đồng thời với đó, khi theo dõi kha khá phim, đọc dăm ba câu chuyện, isis cảm thấy đỉnh cao của cung đấu đã đến và đi. Nó không còn đủ sức làm cho người xem kinh ngạc nữa vì mọi thứ đã được khai thác gần như sạch sẽ đến cạn kiệt.
Đơn cử như tác phẩm chuyển thể Hậu cung Chân Hoàn truyện gây sóng gió năm 2012. Nội dung ổn, diễn viên ổn, phục trang đẹp, xem khá hay nhưng không-thật-mới-lạ, không có điểm nào thực sự đột phá khiến người ta ngạc nhiên, thán phục và ồ à trong đầu. Chân Hoàn truyện có yếu tố mới nhất định ở một chừng mực nào đó khi không dẫm vào những vết chân trước như tỷ muội trở mặt thành thù (tất nhiên không thể phủ nhận việc của Chân Hoàn và An Lăng Dung nhưng nó không phải motif hoàn toàn giống với những tác phẩm trước). Người ta nhớ mối quan hệ đằm thắm giữa Chân Hoàn với Thẩm My Trang, Kính tần, Đoan phi, Hoán Bích… thay vì thấy trong cả hậu cung, mọi nữ nhân đều coi người khác là kẻ địch và không có lấy một mẩu chân tình. Nhưng nhìn về đại thể, Chân Hoàn truyện không thật lạ-lẫm hay xới lên điều gì khiến tôi trăn trở đủ để thấy nó KHÁC BIỆT hoàn toàn với những người tiền nhiệm. Bình bình ổn định như thế, có chăng bộ phim xử lý những tình tiết một cách gọn gàng, sạch sẽ và mang lại cho người ta một cảm giác chân thực thay vì quá hồng phấn hoặc quá bi kịch, quá tàn ác một chiều – những thứ dạo gần đây có vẻ hơi bị thừa mứa.
Cũng trong bối cảnh người đọc được/bị vây xung quanh bởi ê hề những lời mời gọi, càng ngày càng khó bị thuyết phục và làm cho ngạc nhiên như thế, Trả ta kiếp này xuất hiện như một thứ KHÁC (hay – dở bàn sau). Thiên Tình Hữu Phong đã nói như thế này về câu chuyện của mình:
“Tôi chỉ muốn viết về một nữ phụ điển hình. Không nhất định phải giản đơn, lương thiện, ôn nhu, ngây thơ, mạnh mẽ hay thuần khiết mới có thể làm nữ chính. Lòng dạ độc ác, không từ thủ đoạn cũng có thể!”
Lần đầu tiên đọc lời giới thiệu này rồi đọc dòng chú thích được Cẩm Phong nhắc đi nhắc lại: Đây không phải câu chuyện dành cho những trái tim yếu đuối tôi đã suy nghĩ:
– Cổ trang, cung đấu, không xuyên không, nữ chính có vẻ không làm thánh-nữ, cũng hấp dẫn đấy!
– Nhưng nghe PR thế kia cũng dễ là chiêu trò câu khách lắm!
Nhưng rồi sau khi được tặng cuốn sách này, mất 3 ngày để đọc xong một cách chóng vánh, tôi nghĩ tác giả đã nói đúng, nói một cách chân thật về tác phẩm của mình mà không cần hoa mỹ hay xoắn xuýt làm màu. Đọc hết Trả ta kiếp này (gồm cả ngoại truyện), gập sách lại rồi tự hệ thống các tình tiết từ đầu, tôi thấy thực ra những điều Thiên Tình Hữu Phong chọn để kể không có gì mới lạ. Những nhân vật như Bạch Ngân, Vũ Đoàn (Cửu hoàng tử, Hoàng đế sau này), Mộ Thiên Âm (Hoàng hậu), Mộ Thiếu Bạch, Giang Mịch (Mộ phu nhân), Hà Chiêu nghi… cùng mối quan hệ của họ với nhau là những điều khá phổ thông. Trả ta kiếp này trở nên KHÁC BIỆT bởi từ ngôi kể xưng “tôi” – điểm nhìn của nữ chính Bạch Ngân – ta được nhìn một Hoàng đế có chân tình; một Hoàng hậu xuất thân cao quý, đến chết cũng cao quý; một mối nhân duyên vợ chồng tuy không nói nhiều nhưng cũng có đôi phần cảm động, đẹp đẽ giữa Mộ Thiếu Bạch và Giang Mịch. Nói cách khác, Thiên Tình Hữu Phong chọn một lối kể ngược, kể về những điều tốt đẹp từ góc nhìn của một kẻ xấu. Nếu kể xuôi thì Trả ta kiếp này rồi cũng sẽ như những câu chuyện cung đấu khác, thậm chí có thể không bằng vì Bạch Ngân xấu xa một cách quá kinh-điển, motif yêu người không nên yêu, kẻ không-đáng-được-thương-xót đổ đống ra rồi.
Thường được nghe PR những điều đại loại như: Nàng X xuất thân abc, từ một thiếu nữ ngây thơ trong trắng, dần dần cuộc sống nơi hậu cung đã tôi luyện nàng trở nên sắc sảo, bản lĩnh. Bộ phim/câu chuyện kể về con đường trở thành xyz (hoặc là sủng phi hoặc là Hoàng hậu…) của nàng X. Nếu vậy với Trả ta kiếp này, lời PR ngắn gọn và chính xác nhất có lẽ sẽ là: Một thiếu nữ đã trở thành kẻ xấu/nhân vật phản diện như thế nào.
Bạch Ngân không hẳn là một cô bé đơn thuần, ngây thơ. Điểm tương đồng giữa nàng với những nữ chính tử tế khác là gia cảnh bần hàn (lấy đó làm điểm khởi đầu để tiến thân lên cao), gặp cảnh oan trái, có một mối tình từ thuở bé với một công tử đẹp trai, tài giỏi. Cái yêu của trẻ nhỏ như thói quen, nồng nhiệt nhưng mù quáng. Bạch Ngân ôm cái mù quáng, cố chấp ấy suốt từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành, mang cái cố chấp trong tình yêu cùng mặc cảm thân phận để khẳng định điều ngược lại: không phải xuất thân mà là cơ mưu mới có thể khiến con người thành công. Thành công của người tốt khác và người xấu khác.
Cùng là một hành động, nếu nhìn từ góc độ người kể chuyện trung lập khác, nhìn từ góc độ hướng thiện khác và nhìn từ góc độ Thiên Tình Hữu Phong lựa chọn trong Trả ta kiếp này lại khác. Cảm giác mới lạ chính ở điểm bóc từng lớp ý nghĩa ra xem dưới những điều tốt đẹp, phổ biến kia thực ra là những âm mưu, toan tính nhỏ nhen gì. Đơn cử chính là những điều Bạch Ngân làm trước mặt Vũ Đoàn. Hành động ấy quen lắm, các nữ chính tốt đẹp đều làm thế, Bạch Ngân cũng làm thế nhưng ẩn chứa rất nhiều màu tối đằng sau nên nó mới thú vị. Cảm giác mới mẻ chính là nhìn những điều tốt đẹp dưới con mắt của một kẻ mất dần đi thiện lương. Ở đây, tôi đang nhớ đến chi tiết khi Mộ Thiên Âm tự chọn cái chết cho mình – một chi tiết không lạ mà lại lạ.
Cái hay trong Trả ta kiếp này là những những lập luận cay đắng, nghiệt ngã của Bạch Ngân về cuộc sống. Dù nàng có xấu xa đến đâu thì cũng thật khó để nói những lý lẽ kia là hoàn toàn sai lầm, thật khó để không bị cuốn theo những sự kiện, những suy tư hết lớp này đến lớp khác ấy. Từ chỗ vì dòng đời xô đẩy mà phải tự vệ, Bạch Ngân về sau tự lựa chọn lấy con đường chìm sâu vào dục vọng và chấp niệm, mỗi lúc một gay gắt, mỗi lúc một cạn tình hơn. Càng đọc về cuối tôi càng thấy sợ, thấy lạnh người vì nàng. Tôi không ghét nàng, chỉ mong nàng làm ơn dừng lại. Chỉ cần dừng lại, chỉ cần lùi một bước, nàng sẽ có tất cả.
Cố chấp quá lớn, độc đoán quá lớn, cô độc quá lớn, tham lam quá lớn… đó có lẽ là tất cả bi kịch của Bạch Ngân. Bi kịch đó dù Hoàng đế có yêu loại nữ nhân “không có vẻ đẹp bên ngoài cũng chẳng có vẻ đẹp bên trong như nàng” đến bao nhiêu cũng không thể giúp nàng phục thiện, không thể giúp nàng sống thật bình an. Như người xem tướng đổi tuổi thọ của Bạch Ngân để hoàn thành tâm nguyện từng nói, hắn chỉ cho nàng cơ hội còn việc thành hay không, việc được đến đâu là ở tại bản thân mỗi người, thiện – ác là do con người ta tự chọn. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân chính là như vậy.
Về cuối, trở đi trở lại là câu hỏi: “Ngươi đã tỉnh ngộ chưa?”. Bạch Ngân tỉnh ngộ khỏi điều gì đây? Tôi nghĩ vấn đề xuyên suốt trong Trả ta kiếp này không phải là ái tình mà là việc con người từ bỏ những ham muốn quá mức của bản thân ra sao, từ bỏ những thành kiến của mình như thế nào và học lấy một chữ “đủ”. Tỉnh ngộ mà người xem tướng hỏi Bạch Ngân chắc không dễ trả lời bằng một, hai dòng nhưng lý do khiến nàng tình ngộ thì tôi nghĩ là mình biết. Là Vũ Đoàn, là Hoàng thượng. Tình yêu bao dung, lòng nhân của người ấy không cứu được Bạch Ngân, không bảo toàn được sự trong sáng còn lại của nàng nhưng ít nhất cũng vừa kịp khiến nàng tỉnh lại và làm một điều đúng đắn trong cuộc đời mình. Vũ Đoàn yêu Bạch Ngân nhưng Bạch Ngân chắc chắn không yêu Vũ Đoàn hay nói đúng hơn nàng đã từng có cơ hội yêu lại người ấy. Tiếc rằng đóa hóa đó chưa kịp nở thì đã bị vùi dập tơi tả đến mức không thể nhú lên trở lại mất rồi. Nàng chỉ bị tình cảm của người ấy làm cho cảm động đủ để muốn đền ơn, dù từng có thời chắc nàng đã nghĩ người đầu gối tay ấp với mình là kẻ bỏ đi, là một quân cờ vô tri không hơn không kém. Đó là việc người cảm hóa người, nó vượt ra xa hơn ranh giới yêu đương nam – nữ bình thường.
Tôi không cho Trả ta kiếp này là một câu chuyện đặt ra những tình huống éo le để quăng quật, hành hạ nữ chính (nhưng hành hạ tâm hồn nam chính thì đúng đấy). Nữ chính Bạch Ngân tự làm tự chịu. Tôi cũng không đánh giá kết thúc của chuyện là có hậu hay không có hậu. Nó hay, hợp lý và cần-phải-như-thế. Chuyện lồng trong chuyện, ván cờ lồng trong ván cờ, số phận lồng trong số phận. Có thể từng nhân vật đơn lẻ có những bi ai riêng của họ nhưng nhìn từ một góc độ khác cao hơn, xa hơn của Quân Hoa tiên quân (tức anh chàng xem tướng) thì con người chỉ là một cái gì thoảng qua với đủ hỉ, nộ, ai, lạc trần tục trong mắt thần tiên. Giá trị thay đổi khi góc nhìn thay đổi, cũng tựa như lời nguyện ước của mỗi nhân vật được xem xét ở nhiều chiều cạnh khác nhau rồi để nhận ra không thực có nguyện ước nào thực sự được vẹn toàn.
Bạch Ngân muốn đứng đầu thiên hạ để bù đắp lại quãng đời bị người khác chà đạp, khinh thường nhưng đạt được rồi nàng mới nhận ra thứ mình theo đuổi sao quá phù hoa, vô nghĩa và uổng phí thanh xuân.
Vũ Đoàn muốn một người có thể thành tâm thành ý yêu mình, nguyện chết vì mình và chàng cũng nguyện yêu người ấy cả đời không bao giờ thay đổi. Cuối cùng nữ nhân ấy là ai? Là Bạch Ngân, Hà Tịnh Đan hay Mộ Thiên Âm đây? Tình cảm chàng trao cho Bạch Ngân ban đầu là tình yêu nhưng sau liệu có còn như vậy hay đã chuyển thành sự thương xót mong cứu vớt lại phần nào?
Mộ Thiên Âm muốn chàng sống nhưng cuộc sống ấy liệu có tốt đẹp thật hay không khi kí ức về người chàng yêu nhất đã bị xóa bỏ và người ấy sẽ không khi nào xuất hiện lại trước mặt chàng được nữa. Tôi không cho hành động của Quân Hoa tiên quân là tạo nên bi kịch. Đó là việc cần phải làm, cần phải như thế thì mới hợp lý, thế thôi.
Trang cuối cùng khép lại, cảm giác chẳng hề bi thương, xoắn xuýt tít mù, chỉ như một con đường dài lấm đầy bụi đất, mưa dầm với đủ cung bậc thăng trầm. Khi tỉnh lại thấy phố chợ vẫn huyên náo như xưa mới nhận ra cuộc đời có thể rẽ theo thật nhiều hướng khác nhau. Và khi quay trở lại thời điểm mấu chốt ấy, con người đã chọn khác và sống khác đi. Vậy nên cái kết của Trả ta kiếp này với tôi là một cái kết tốt, cái kết mang lại dư âm nhã nhặn cùng một nụ cười.
***Điểm trừ:
– Về phía Cẩm Phong: Nên có một cái bìa đẹp hơn, liên quan đến nội dung câu chuyện hơn. Nên có một phần giới thiệu hấp dẫn và rõ ràng hơn ở bìa sau của cuốn sách. Isis ban đầu không định mua vì đọc giới thiệu ấy, isis còn chả hiểu đây là truyện cổ trang hay hiện đại (cũng có thể tại tôi ngốc), không nắm được một cái gì cụ thể về nội dung bên trong.
– Về bản thân tác phẩm: Đây là cuốn tiểu thuyết ngôn tình thứ 2 tôi chưa tìm thấy chi tiết nào bản thân cho là cẩu huyết (Thượng cung làm tôi hơi buồn vì phiên ngoại của Hạ Hầu Thần, Mệnh phương hoàng làm tôi hơi thất vọng vì tập 4. Đến gần kết rồi mà cả 2 truyện ấy vẫn lòi ra những chi tiết có hơi hướng máu chó – với tôi thôi ;___;). Ngôi kể thứ nhất nên những việc liên quan đến chính trị không thể bao quát được hết dẫn đến có những chi tiết viết theo kiểu thuần túy thông báo kết quả là điều có thể châm chước được. Tuy nhiên có một vài vấn đế đáng nhẽ cần phải làm cho sắc sảo, gọn ghẽ, triệt để và thuyết phục hơn thay vì đưa ra một cái gì đó còn khá thô, mới dừng lại ở mức ý tưởng trứng nước như:
+ Tình cảm ngưỡng mộ, sự dựa dẫm về tinh thần bị lầm thành tình yêu giữa Bạch Ngân và Mộ Thiếu Bạch
+ Lý do Bạch Ngân cuối cùng quay sang hành hạ Giang Mịch. Những hành động cụ thể của Hoàng thượng để đưa đẩy đến cái kết khi chàng đoạt lại quyền bính.
+ Bạch Ngân sau cái chết của Tiểu Bôi sao lại có thể nhanh chóng tin cậy Tiểu Ngư?
+ Đoạn Bạch Ngân tỉnh ngộ khi nàng ở trong xác của Giang Mịch, nhận ra tình cảm đơn phương của Vũ Đoàn giành cho mình.
+ Tôi nghĩ rằng không nhất thiết phải có đoạn của Quân Hoa tiên quân với Dao Trì tiên nữ. Ý tưởng đó thì tốt nhưng không nhất thiết phải làm phức tạp hóa lên như vậy. Có thể chỉ dừng lại ở một đạo sĩ/thầy phù thủy thích đi ngao du đây đó sưu tầm thọ mệnh và chiêm ngưỡng tâm hồn của những vị khách của mình. Khi ấy, góc nhìn sẽ là góc nhìn của kẻ bên ngoài bàng quan, không phán xét, chỉ chiêm ngưỡng qua đôi mắt từng trải của mình thôi.
Chia sẻ:
- Bấm để chia sẻ trên Twitter (Mở trong cửa sổ mới)
- Nhấn vào chia sẻ trên Facebook (Mở trong cửa sổ mới)
Có liên quan
Từ khóa » Cầu được Kiếp Này Review
-
Cầu Được Kiếp Này - Truyện FULL
-
Hội Nhiều Chữ - #REVIEW: KIỂU THÊ Tác Giả: Tiếu Giai Nhân...
-
Cầu Được Kiếp Này - SSTruyen
-
Cầu Được Kiếp Này - MOBI/EPUB/PDF/AZW3 - Ebook Truyện
-
TỔNG HỢP REVIEW 5 TRUYỆN TRỌNG SINH ĐÁNG ĐỌC NHẤT ...
-
Cầu Được Kiếp Này - Truyện 5z
-
[Hoàn] Cầu Được Kiếp Này – Tình Hệ Nhược Si - Doc Truyen
-
[Review] Thề Nguyện | MDH
-
Review Cảm Nhận Đời Này Kiếp Này - Tác Giả : Phỉ Ngã Tư Tồn
-
Review Đến Lượt Em Yêu Anh – Ngôn Tình Hiện đại Sủng
-
Review Ngắn (51-100) - Hoa Ban
-
REVIEW TRUYỆN 'TRẢ TA KIẾP NÀY' - Tâm Điểm 247
-
Truyện [Hoàn] Cầu Được Kiếp Này - Tình Hệ Nhược Si - TruyenKul