Cảm Nhận Về Hình Tượng Người Lính Trong đoạn Thứ Ba Bài Thơ Tây ...
Có thể bạn quan tâm
Cảm nhận hình tượng người lính Tây Tiến ở đoạn thứ ba trong bài thơ để thấy được vẻ đẹp tinh thần của những người lính Tây Tiến, miêu tả được vẻ đẹp tinh thần của những con người tiêu biểu cho một thời kì lịch sử một đi không trở lại.
Đề bài:Nêu cảm nhận của anh (chị) về hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thứ ba bài thơ Tây Tiến (từ Tây tiến đoàn binh không mọc tóc đến Sông mã gầm lên khúc độc hành)
Dàn ý chi tiết cảm nhận đoạn thứ ba bài thơTây Tiến
1. Mở bài
- Tây Tiến là bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của Quang Dũng. Bài thơ được Quang Dũng viết vào năm 1948 ở Phù Lưu Chanh khi ông đã xa đơn vị Tây Tiến một thời gian.
- Đoàn quân Tây Tiến được thành lập vào đầu năm 1947. Những người lính Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, trong đó có cả học sinh, sinh viên.
- Đoạn thơ cần phân tích là đoạn thứ ba của bài thơ, trong đó Quang Dũng đã khắc họa hình tượng tập thể những người lính Tây Tiến bằng bút pháp lãng mạn, thấm đẫm tinh thần bi tráng.
2. Thân bài
a. Vẻ đẹp lãng mạn của người lính Tây Tiến :
- Hình tượng tập thể những người lính Tây Tiến được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn với khuynh hướng tô đậm những cái phi thường, sử dụng rộng rãi thủ pháp đối lập để tác động mạnh vào cảm quan người đọc, kích thích trí tưởng tượng phong phú của người đọc.
- Trong bài thơ, Quang Dũng đã tạo được một không khí, chuẩn bị cho sự xuất hiện trực tiếp của những người lính Tây Tiến ở đoạn thơ thứ ba này. Trên cái nền hoang vu hiểm trở vừa hùng vĩ vừa dữ dội khác thường của núi rừng (ở đoạn một), và duyên dáng, mĩ lệ, thơ mộng của Tây Bắc (ở đoạn hai), đến đoạn thơ thứ ba, hình ảnh những người lính Tây Tiến trực tiếp xuất hiện với một vẻ đẹp độc đáo và kì lạ:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
... Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
- Quang Dũng đã chọn lọc những nét tiêu biểu nhất của những người lính Tây Tiến để tạc nên bức tượng đài tập thể đặng khái quát những gương mặt chung của cả đoàn quân. Qua ngòi bút của ông, những người lính Tây Tiến hiện ra đầy oai phong và dữ dội khác thường. Thực tế gian khổ thiếu thốn đã làm cho người lính da dẻ xanh xao, sốt rét làm họ trụi cả tóc.
Quang Dũng không hề che giấu những sự thực tàn khốc đó. Song, cái nhìn lãng mạn của ông đã thấy họ ốm mà không yếu, đã nhìn thấy bên trong cái hình hài tiều tụy của họ chứa đựng một sức mạnh phi thường. Và ngòi bút lãng mạn của ông đã biến họ thành những bức chân dung lẫm liệt, oai hùng. Cái vẻ xanh xao vì đói khát, vì sốt rét của những người lính, qua cái nhìn của ông, vẫn toát lên cái oai phong của những con hổ nơi rừng thiêng. Cái vẻ oai phong, lẫm liệt ấy còn được thể hiện quan ánh mắt giận dữ (mắt trừng gửi mộng) của họ ...
- Cái nhìn nhiều chiều của Quang Dũng đã giúp ông nhìn thấy xuyên qua cái vẻ oai hùng, dữ dằn bề ngoài của những người lính Tây Tiến là những tâm hồn còn rất trẻ, những trái tim rạo rực, khao khát yêu đương (Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm). Như vậy, trong bốn câu thơ trên, Quang Dũng đã tạc lên bức tượng đài tập thể những người lính Tây Tiến không chỉ bằng những đường nét khắc họa dáng vẻ bề ngoài mà con thể hiện được cả thế giới tâm hồn bên trong đầy mộng mơ của họ.
b. Chất bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến :
- Khi viết về những người lính Tây Tiến, Quang Dũng đã nói tới cái chết, sự hi sinh nhưng không gây cảm giác bi lụy, tang thương. Cảm hứng lãng mạn đã khiến ngòi bút ông nói nhiều tới cái buồn, cái chết như là những chất liệu thẩm mĩ tạo nên cái đẹp mang chất bi hùng:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
....
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
- Khi miêu tả những người lính Tây Tiến, ngòi bút của Quang Dũng không hề nhấn chìm người đọc vào cái bi thương, bi lụy. Cảm hứng của ông mỗi khi chìm vào cái bi thương lại được nâng đỡ bằng đôi cánh của lí tưởng, của tinh thần lãng mạn. Chính vì vậy mà hình ảnh những nấm mồ chiến sĩ rải rác nơi rừng hoang biên giới xa xôi đã bị mờ đi trước lí tưởng quên mình vì Tổ quốc của người lính Tây Tiến. Cái sự thật bi thảm những người lính Tây Tiến gục ngã bên đường không có đến cả mảnh chiếu che thân, qua cái nhìn của nhà thơ, lại được bọc trong những tấm áo bào sang trọng. Và rồi, cái bi thương ấy bị át hẳn đi trong tiếng gầm thét dữ dội của dòng sông Mã:
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Cái chết, sự hi sinh của những người lính Tây Tiến được nhà thơ miêu tả thật trang trọng. Cái chết ấy đã tạo được sự cảm thương sâu sắc ở thiên nhiên. Và dòng sông Mã đã trân trọng đưa tiễn linh hồn người lính bằng cách tấu lên khúc nhạc trầm hùng.
- Tóm lại, hình ảnh những người lính Tây Tiến trong đoạn thơ này thấm đẫm tính chất bi tráng, chói ngời vẻ đẹp lí tưởng, mang dáng vẻ của những anh hùng kiểu chinh phu thuở xưa một đi không trở lại.
3. Kết bài
- Tây Tiến là sự kết tinh những sắc thái vừa độc đáo vừa đa dạng của ngòi bút Quang Dũng. Nhà thơ đã sáng tạo được hình tượng tập thể những người lính Tây Tiến, miêu tả được vẻ đẹp tinh thần của những con người tiêu biểu cho một thời kì lịch sử một đi không trở lại.
- Thơ ca kháng chiến chống Pháp đã miêu tả thành công hình ảnh người lính. Và Quang Dũng, qua bài thơ Tây Tiến nổi tiếng của mình, đã góp vào viện bảo tàng hình ảnh những người lính đó bức chân dung người lính Tây Tiến rất độc đáo của mình.
Các em vừa tham khảo qua dàn ý chi tiết cảm nhận về hình tượng người lính trong đoạn thứ ba bài thơ Tây Tiến. Hy vọng với dàn ý chi tiết này em hoàn toàn có thể tự triển khai ý để viết được một bài văn hay. Các em cũng có thể tham khảo qua một số bài văn mẫu của chúng tôi dưới đây:
Xem thêm: Sơ đồ tư duy Tây Tiến
Top 3 bài văn hay cảm nhận về hình tượng người lính trong đoạn thứ ba bài thơ Tây Tiến
Bài văn mẫu 1
Trong những sáng tác của Quang Dũng, nếu chọn năm bài thơ tiêu biểu, nhất định Tây Tiến phải được nhắc tên, đứng ở hàng danh dự. Đọc Tây Tiến, chúng ta sống lại một thời lửa cháy cùng đoàn quân lừng tiếng đã đi vào lịch sử, chúng ta có thể quên một số câu thơ trong bài, nhưng không thể quên được hình ảnh đoàn quân ấy:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
.........
Sông Mã gầm lên khúc độc hành!
(Phân tích khổ thơ thứ ba trong bài Tây Tiến)
Nếu như ở những đoạn thơ đầu, hình ảnh đoàn quân mới hiện lên qua nét vẽ gián tiếp - nói đến gian khổ, hi sinh và địa bàn hoạt động - thì ở đây, đoàn quân ấy đã hiện lên với những nét vẽ cụ thể, gân guốc, rạch ròi. Đã thành khuôn sáo khi đề cập đến sự can trường của các chiến binh. Ở đây, ta tưởng như gặp một mô-típ như thế:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùng
Nhưng trước hết, đây là những câu thơ tả thực - thực một cách trần trụi: chiến sĩ Tây Tiến hồi ấy hoạt động ở những vùng núi rừng hiểm trở, rừng thiêng nước độc, chết trận thì ít mà chết vì bệnh tật thì nhiều, có những con suối rửa chân rụng lông, gội đầu rụng tóc. “Quân xanh” ở đây có thể hiểu là xanh màu áo, xanh lá ngụy trang và xanh làn da vì thiếu máu. Những hình ảnh rất thực đó, vào bài thơ, với giọng điệu và cách diễn tả lãng mạn của Quang Dũng đã như mang nghĩa tượng trưng, rất có khí phách. Mười bốn chữ thơ mà chạm khắc vào lịch sử hình ảnh một đoàn quân phi thường, độc đáo, có một không hai trong cuộc đời cũng như trong thơ ca. Đoàn quân của một thuở “xếp bút nghiên lên đường chinh chiến” của các chàng trai Hà Nội kiêu hùng, hào hoa.
Vì vậy, khó khăn, gian khổ là thế, nhưng các chiến binh Tây Tiến vẫn không nguôi đi những tình cảm lãng mạn:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
“Mộng” và “mơ” của người lính được gửi về hai phương trời: biên cương, nơi còn đầy bóng giặc - mộng giết giặc lập công, và Hà Nội, quê hương yêu dấu - mơ những bóng dáng thân yêu. “Dáng kiều thơm”, ấy là vầng sáng lung linh trong kí ức, “tố cáo” nét đa tình của người lính. Nhưng với các chiến sĩ Tây Tiến, nỗi nhớ ấy là sự cân bằng, thư thái trong tâm hồn sau mỗi chặng hành quân vất vả, chứ không phải để thối chí nản lòng. Vậy mà một thời, câu thơ “đẹp một cách lãng mạn” này đã khiến cho tác giả của nó và chính bài thơ phải “trải bao gió dập, sóng dồn”.
Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi - xưa nay đi chiến trận, mấy ai trở về, các chiến sĩ Tây Tiến cũng không khỏi tránh phải những mất mát, hi sinh.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Sau những câu thơ rắn rỏi, đẹp đẽ, đến đây, âm điệu câu thơ chợt trầm và trùng xuống để độc giả thấy rõ hơn bản chất của sự việc. Dường như đây là một cảnh phim được cố ý quay chậm. Còn gì thiêng liêng và cao cả hơn sự hi sinh, chấp nhận gian khổ của người lính. Trên đường hành quân người chiến sĩ Tây Tiến gặp biết bao ngôi "mồ viễn xứ" của những người con "chết xa nhà". Nhưng các chiến sĩ ta nhìn thấy với đôi mắt bình thản, bởi họ đã chấp nhận điều đó. Một trong những động cơ thôi thúc họ lên đường là hình ảnh người anh hùng da ngựa bọc thây mà họ tiếp nhận được trong văn chương sách vở. Một niềm đam mê trong sáng pha chút lãng mạn.
Hai câu thơ cuối tiếp tục âm hưởng bi tráng, tô đậm thêm sự mất mát hi sinh nhưng đó lại là một cái chết cao đẹp - cái chết bất tử của người lính Tây Tiến.
Áo bào thay chiếu anh về đất.
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Hai câu mới đọc qua tưởng như chỉ làm nhiệm vụ miêu tả, thông báo bình thường nhưng sức gợi thật lớn. Đâu đây vẫn như còn thấy những giọt nước mắt đọng sau hàng chữ. Hai câu thơ rắn rỏi mà cảm khái, thương cảm thật sâu xa. Làm sao có thể dửng dưng trước cảnh “anh về đất”? “Anh về đất” là hóa thân cho dáng hình xứ sở, thực hiện xong nghĩa vụ quang vinh của mình. Tiếng gầm của sông Mã về xuôi như loạt đại bác rền vang, vĩnh biệt những người con yêu của giống nòi.
Trước đây, khi nhắc đến những dòng thơ này, người ta chỉ thấy những biểu hiện nào là “mộng rớt”, “buồn rơi”... nhưng thời gian đã khiến chúng ta nhìn đúng hơn vào bản chất, có thời đại ấy mới có văn chương ấy.
Tây Tiến là bài thơ, là tấm lòng của những người chiến binh Tây Tiến. Bài thơ có nhạc, họa; bên cạnh cái bi là cái hùng, bên cạnh mất mát, đau thương là niềm kiêu hãnh anh hùng. Nửa thế kỉ đã qua, bài thơ ngày một thêm sáng giá và đoạn thơ khắc họa đoàn quân Tây Tiến đã trở thành một hoài niệm khó quên của một thời kì lịch sử hào hùng trong buổi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.
Bài văn mẫu 2
Tây Tiến là bài thơ xuất sắc viết về những người anh hùng dân tộc – những người lính đã hy sinh trong cuộc kháng chiến hào hùng của đất nước. Nhà thơ Quang Dũng viết nên bài thơ Tây Tiến với một vẻ đẹp bi tráng nhưng cũng không kém phần hào hùng lãng mạn. Nét bi tráng ấy được thể hiện rõ nhất trong đoạn thơ thứ ba của bài thơ Tây Tiến. Đoạn thơ đã khắc họa hình tượng tập thể anh hùng những con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến.
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
...........
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
(Bình giảng đoạn thơ thứ ba trong bài thơ Tây Tiến)
Đọc đoạn thơ, khung cảnh chiến trường nơi Tây Bắc núi non hùng vĩ như hiện ra ngay trước mắt người đọc. Ở hai câu thơ đầu tiên của đoạn thơ, nhà thơ Quang Dũng đã vẽ ra một bức tranh hiện thực về môi trường khốc liệt mà những người lính khi xưa phải đối mặt. Đó là bệnh tật hoành hành. Nơi rừng thiêng nước độc, núi cao vách đứng trùng trùng như rình rập đòi mạng người, điều kiện sống của những người lính rất khắc nghiệt. Một trong những căn bệnh đáng sợ nhất đó là bệnh sốt rét. Sốt rét làm người lính “không mọc tóc”. Cách nói giảm nói tránh thật hài hước, cho ta thấy tinh thần lạc quan hết mực của người lính dù trong hoàn cảnh khó khăn. Bệnh sốt rét cũng làm nước da người lính trở nên xanh xao, như hòa mình vào màu xanh của cành lá cây ngụy trang trên mũ, ba lô và vai áo. Bệnh tật dày vò là thế nhưng những người chiến sĩ vẫn giữ một tinh thần chiến đấu quật cường. Họ vẫn quắc thước hiên ngang, xung trận đánh giáp lá cà làm cho giặc Pháp kinh hồn bạt vía. Những gương mặt “dữ oai hùm” nổi bật lên trong màu xanh lá là hình ảnh để lại cho người đọc một khắc ưu tư về dấu ấn đau thương trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Gian khổ và ác liệt thế, những người lính vẫn mộng mơ đúng như chất lãng mạn của những người thanh niên trẻ. “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới” là giấc mộng dệt nên từ ý chí giết giặc đuổi thù, mang lại bình yên độc lập cho dân tộc. Họ dùng đôi mắt trừng trừng của mình để mở to anh dũng chiến đấu với kẻ thù, với ý chí mạnh mẽ thề sống chết với lũ xâm lược. Cũng chính đôi mắt trừng ấy là ánh nhìn đăm đăm về nơi quê nhà, là đôi mắt có tình, thao thức nhớ về quê hương Hà Nội, về một dáng kiều thơm trong mộng trong mơ. Người lính Tây Tiến không chỉ biết cầm súng cầm gươm theo tiếng gọi của đất nước mà còn rất hào hoa và giàu tình cảm trong cuộc sống. Giữa bao nhiêu gian khổ, thiếu thốn, giữa hoàn cảnh tính mạng bị đe dọa, trái tim họ vẫn rung động, nhớ nhung về vẻ đẹp của Hà Nội. Những thanh niên vì bảo vệ tổ quốc mà ra đi ngày ngày vẫn nhớ về quê hương xưa cũ. Phải chăng đó là ngôi nhà con phố, những con đường hoa sữa thu thơm lừng hay bóng dáng kiều diễm thướt tha của người con gái Hà Nội?
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Nét bi tráng của người lính Tây Tiến thể hiện thật rõ nét qua những câu thơ trên. Họ ra đi, cầm súng bảo vệ đất nước, và họ ngã xuống hy sinh tráng liệt. Sự hy sinh của những anh hùng vô danh ấy làm cho ta cảm thấy thật xót thương và kính phục biết bao. Câu thơ “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” vang lên như một lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, vừa ngang tàn mà cũng vừa cao đẹp. Nơi núi rừng Tây Bắc hoang vu hẻo lánh ấy có bao “mồ viễn xứ” nằm “rải rác” của những chiến sĩ đã ngã xuống. Chỉ có “áo bào thay chiếu” che thân xác các anh nhưng Tổ quốc và nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn của họ và sự hy sinh bình dị mà cao cả ấy. Các anh đã “về đất” một cách thanh thản, yên nghỉ trong lòng đất Mẹ trên vùng đất quê hương, bình yên một giấc ngủ nghìn thu.
Tiếng thác sông Mã “gầm lên” như lời khóc thương bi tráng, “khúc độc hành” ấy đã tạo nên không khí thiêng liêng, và cao cả. Người lính Tây Tiến ra đi, cả non sông đất trời đều thương tiếc. Thật vĩ đại và thiêng liêng biết bao! Những vần thơ hay và cảm động qua ngòi bút nhà thơ Quang Dũng đã chạm đến trái tim người đọc. Ta cảm phục con người những chiến sĩ và tinh thần chiến đấu của các anh. Ta tự hào và biết ơn những người lính của thế hệ đi trước và đau thương cho sự hy sinh thầm lặng mà cao cả ấy. Có thể nói, bài thơ Tây Tiến đã giúp bao người con Việt Nam dấy lên lòng yêu nước và lòng biết ơn về những thế hệ người lính cụ Hồ.
Bài thơ Tây Tiến đã khắc tạc một tượng đài hùng vĩ uy nghiêm về những người lính Tây Tiến dũng cảm can trường, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh cho nền độc lập dân tộc. Tượng đài ấy mãi mãi đứng sừng sững trong làng văn học Việt Nam và trong trái tim của toàn thể người con đất Việt. Đoạn thơ thứ ba của bài thơ Tây Tiến là hình ảnh sắc nét nhất về chân dung người lính Tây Tiến. Nhờ vào hồn thơ tài hoa và bút pháp lãng mạn của nhà thơ Quang Dũng, sự hy sinh thầm lặng của người lính sẽ mãi vang danh muôn đời.
Có thể bạn quan tâm: Bài văn phân tích hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến
Bài văn mẫu 3
Quang Dũng là hồn thơ đôn hậu, hào hoa thanh lịch, yêu tha thiết quê hương đất nước, có khuynh hướng khai thác vẻ đẹp lãng mạn anh hùng. Đoạn thơ dưới đây trong bài thơ Tây Tiến của ông khắc họa hình tượng tập thể anh hùng những con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến.
"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
.........
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành"
Những vần thơ ngồn ngộn chất hiện thực, nửa thế kỷ sau mà người đọc vẫn cảm thấy trong khói lửa, trong âm vang của tiếng súng, những gương mặt kiêu hùng của đoàn dũng sĩ Tây Tiến. “Đoàn binh không mọc tóc”, “Quân xanh màu lá”, tương phản với “dữ oai hùm”. Cả ba nét vẽ đều sắc, góc cạnh hình ảnh những “Vệ túm”, “Vệ trọc” một thời gian khổ được nói đến một cách hồn nhiên. Quân phục xanh màu lá, nước da xanh và đầu không mọc tóc vì sốt rét rừng, thế mà quắc thước hiên ngang, xung trận đánh giáp lá cà “dữ oai hùm” làm cho giặc Pháp kinh hồn bạt vía. Sở dĩ người lính Tây Tiến đầu trọc da xanh là do hậu quả của những tháng ngày hành quân vất vả vì đói và khát, là dấu ấn của những trận sốt rét ác tính làm tóc rụng không mọc lại được, da dẻ héo úa như tàu lá. Những cơn sốt rét rừng ác tính ấy không chỉ có trong thơ Quang Dũng mà còn để lại dấu ấn đau thương trong thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung.
Gian khổ và ác liệt thế, nhưng họ vẫn mộng vẫn mơ. “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”. Mộng giết giặc, đánh tan lũ xâm lăng “xác thù chất đống xây thành chiến công”.
Hai chữ “mắt trừng” gợi nhiều liên tưởng: mắt trừng là mắt mở to nhìn thẳng về phía kẻ thù với chí khí mạnh mẽ thề sống chết với kẻ thù. Nhưng đôi mắt trừng ấy còn “gửi mộng qua biên giới” là đôi mắt có tình, đôi mắt thao thức nhớ về quê hương Hà Nội về một dáng kiều thơm trong mộng trong mơ. Với ý nghĩa ấy ta thấy, người lính Tây Tiến không chỉ biết cầm súng cầm gươm theo tiếng gọi của non sông mà còn rất hào hoa, giữa bao nhiêu gian khổ, thiếu thốn trái tim họ vẫn rung động, nhớ nhung về vẻ đẹp của Hà Nội: đó có thể là phố cũ, trường xưa, những con đường mùa thu thơm lừng hoa sữa… hay chính xác hơn là nhớ về một dáng kiều thơm, bóng dáng của những người bạn gái Hà Nội yêu kiều, diễm lệ.
Có một thời người ta hiểu rằng câu thơ này mang mộng tiểu tư sản quá nhiều làm giảm đi chất chiến đấu. Trên chiến trường, trong lửa đạn thì “mắt trừng”, giữa đêm khuya trong doanh trại có những cơn mơ đẹp: “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Ba chữ “dáng kiều thơm” từng in dấu vết trong văn lãng mạn thời tiền chiến, được Quang Dũng đưa vào vần thơ mình diễn tả thật “đắt” cái phong độ hào hoa, đa tình của những chiến binh Tây Tiến, những chàng trai của đất nghìn năm văn vật, giữa khói lửa chiến trường vẫn mơ, vẫn nhớ về một mái trường xưa, một góc phố cũ, một tà áo trắng, một “dáng kiều thơm”. Ngòi bút của Quang Dũng biến hoá, lúc thì bình dị mộc mạc, lúc thì mộng ảo nên thơ, và đó chính là vẻ đẹp hào hùng tài hoa của một hồn thơ chiến sĩ.
Bốn câu thơ tiếp theo ở cuối phần 3, một lần nữa nhà thơ nói về sự hy sinh tráng liệt của những anh hùng vô danh trong đoàn quân Tây Tiến. Câu thơ “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” vang lên như một lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Có biết bao chiến sĩ đã ngã xuống nơi góc rừng, bên bờ dốc vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Một trời thương nhớ mênh mang: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ…”. Các anh đã “về đất” một cách thanh thản, bình dị; yên nghỉ trong lòng Mẹ, giấc ngủ nghìn thu.
Chẳng có “da ngựa bọc thây” như các tráng sĩ ngày xưa, chỉ có “áo bào thay chiếu anh về đất”, nhưng Tổ quốc và nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn các anh. Tiếng thác sông Mã “gầm lên” như một loạt đại bác nổ xé trời, “khúc độc hành” ấy đã tạo nên không khí thiêng liêng, bi tráng và cao cả:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Các từ Hán Việt xuất hiện bất ngờ trong đoạn thơ (biên cương, viễn xứ, chiến trường, áo bào, khúc độc hành) gợi lên màu sắc cổ kính, tráng liệt và uy nghiêm. Có mất mát hy sinh, có xót xa thương tiếc, không bi lụy yếu mềm, bởi lẽ sự hy sinh đã được khẳng định bằng một lời thề: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Biết bao xót thương và tự hào ẩn chứa trong vần thơ. Quang Dũng là một trong những nhà thơ đầu tiên của nền thơ ca kháng chiến nói rất cảm động về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ vô danh. Hơn 20 năm sau, những thi sĩ thời chống Mĩ mới viết được những vần thơ cảm động như thế.
Tây Tiến đã dựng lên một tượng đài hùng vĩ uy nghiêm về những chàng trai Hà Nội “mang gươm đi giữ nước” dũng cảm, can trường, trong gian khổ chiến đấu hy sinh vẫn lạc quan yêu đời. Anh hùng, hào hoa là hình ảnh đoàn binh Tây Tiến. Hai đoạn thơ trên đây thể hiện cốt cách và bút pháp lãng mạn, hồn thơ tài hoa của Quang Dũng.
-/-
Trên đây là bài văn mẫu phân tích hình tượng người lính trong đoạn thứ ba bài thơ Tây Tiến mà Đọc tài liệu đã biên soạn. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các bạn trong quá trong học tác phẩm cũng như ôn luyện. Chúc các bạn học tốt môn Văn khi tham khảo văn mẫu lớp 12 tại Doctailieu.com.
Từ khóa » Hình ảnh Người Lính Tây Tiến đoạn 3
-
Phân Tích Tây Tiến Khổ 3 - Hình Tượng Người Lính Tây Tiến
-
Top 5 Bài Cảm Nhận đoạn 3 Tây Tiến Hay Nhất
-
Top 7 Bài Phân Tích đoạn 3 Tây Tiến Hay Chọn Lọc
-
TOP 17 Mẫu Phân Tích Khổ 3 Tây Tiến Hay Nhất - Văn 12
-
Phân Tích Vẻ đẹp Của Người Lính Tây Tiến Trong đoạn 3 - TopLoigiai
-
Cảm Nhận Của Anh Chị Về Hình Tượng Người Lính Tây Tiến Trong Khổ ...
-
Hình Tượng Người Lính Trong đoạn Thơ Thứ Ba Của Bài Tây Tiến
-
Phân Tích Hình ảnh Người Lính Tây Tiến được Tập Trung Khắc Họa ...
-
Phân Tích Hình Tượng Người Lính Tây Tiến Trong đoạn 3, Bài Mẫu 2
-
Đề 8: Cảm Nhận Của Anh Chị Về Hình Tượng Người Lính Tây Tiến ...
-
Cảm Nhận Của Anh (chị) Về Hình Tượng Người Lính Tây Tiến Trong ...
-
Cảm Nhận Khổ 3 Tây Tiến ❤️️Hình Tượng Người Lính ... - SCR.VN
-
Phân Tích Khổ 3 Bài Thơ Tây Tiến Năm 2021 - Văn Mẫu Lớp 12