Cảm Nhận Về Một Số Tác Phẩm Của Priest | Hải Đường Tĩnh Nguyệt

qiye

Truyện của Priest tôi mới chỉ đọc có bốn bộ Thiên Nhai Khách, Cẩm Sắt, Thất gia, Trấn Hồn nhưng chẳng hiểu sao lòng cứ nôn nao mãi. Mặc dù bài vở dí tận mông thế nhưng những suy nghĩ, cảm xúc về các nhận vật trong truyện cứ vẩn vơ trong lòng mãi. Cuối cùng đành phải viết ra hết đây mới an tâm quay về làm bài tiếp được.

Có thể nói, sau Công Tử Hoan Hỉ, Tự Từ thì Priest là tác giả thứ ba khiến tôi nhìn tên là yên tâm, là biết truyện hay, sẽ không làm tôi thất vọng. Cái tên Priest giống như là tem bảo đảm vậy khiến đứa đọc truyện không bao giờ nhìn tên tác giả như tôi bắt đầu thói quen mới. Tôi đến với Priest qua bộ Thiên Nhai Khách được nhà Lưu Niên Tự Thủy edit hoàn, bộ khiến tôi khắc khoải chờ nhất là Thất gia vì có tin xuất bản nên không ai edit, mà tôi lại không đọc được QT, rồi sau đó là Trấn Hồn, và cuối cùng là Cẩm Sắt mới đọc vào ngày hôm kia. Tôi để ý trong truyện của Priest, các anh công có điểm khởi đầu thua em thụ : Ô Khê là con tin, địa vị khó nói, khó tránh khỏi cảnh đôi khi phải hạ mình, Cảnh Thất là vương gia cao cao tại thượng, Hách Liên Dực thành công đoạt ngôi, quốc gia thái bình, dân chúng sống yên vui có hơn nửa là công của Cảnh Thất. Ôn Khách Hành cha mẹ bị người khác giết hại, phải uống máu, ăn thịt cha, để người khác nghĩ mình là kẻ điên, lăn lộn, đánh cược với mạng sống trong Quỷ cốc để tồn tại, Chu Tử Thư lại là người sáng lập ra Thiên Song người sợ mất mật, bỏ không ít công sức để tạo dựng giang sơn tráng lệ cho đấng minh quân. Bạch Ly là ma vật, phải nuốt lấy các ma vật nhỏ khác để tồn tại, thời thời khắc khắc như đứng đống lửa, như ngồi đống than sợ ma vật phản phệ còn Thi Vô Đoan lại là kẻ xoay chuyển cục diện cả một đất nước, một thế hệ. Thẩm Ngụy lại là quỷ vương ở nơi dơ bẩn nhất, thấp kém nhất, còn Triệu Vân Lan  là Côn Lôn thần quân sinh ra vào thuở khai thiên lập địa người người sùng bái. Sự chênh lệch thân phận này phần nào khiến cho các anh công của chúng ta không ngừng vươn lên, không ngừng ép mình phá vỡ các giới hạn để trở thành người xứng đáng sóng đôi với người mình ngưỡng mộ, thương yêu (ngoại trừ trong Thiên Nhai Khách).

Hầu hết, khởi nguồn của mối quan hệ giữa đều họ là thương tiếc, quý mến và bảo vệ của các anh thụ đối với nửa kia của mình. Với thân phận và tài năng, Triệu Vân Lan, Thi Vô Đoan, Cảnh Thất là người tiếp thêm hy vọng, là ánh sáng duy nhất giữa đêm đen, cũng phần nào là lý tưởng sống của Thẩm Ngụy, Bạch Ly và Ô Khê. Họ không ngừng vùng vẫy giữa vũng bùn tăm tối, chịu những đau khổ thấu xương nhập cốt, trả giá rất lớn để bản thân có thể mạnh mẽ hơn, có thể bảo vệ mình, bảo vệ người ấy, bảo vệ cả ánh sáng và hy vọng mà người ấy mang lại. Còn Chu Tử Thư lại cho Ôn Khách Hành chút gợi nhớ về người mẹ đã mất, chút hứng thú, chút thương yêu để giữ hắn lại với cuộc đời này. Cả đời Ôn Khách Hành vì trả thù mà sống, nếu như không có sự quyến luyến thương yêu với Chu Tử Thư thì sau khi trả thù xong, tôi nghĩ anh cũng sẽ đi theo cha mẹ mình. Vì chung quy, đời này chỉ mang lại khổ đau cho anh, thế nên còn gì để níu kéo? Cái tình giữa họ bảo bọc, lại buông lơi, không giam cầm người ấy lại mà cho người ấy cả bầu trời để vùng vẫy, còn bản  thân lại chọn cách đứng bên cạnh để dõi theo và bảo vệ đến khi nào người ấy mỏi gối chùn chân. Sâu đậm lại nhẹ nhàng, yêu thương ít nói qua lời mà đong đầy trong những cử chỉ, ánh mắt, lo lắng khó thốt thành lời.

Khó có thể nói rõ giữa họ là yêu khi nào, thương khi nào. Cả hai hoặc là người đứng trên cao được vạn người tôn quý, hoặc là kẻ thấp dưới đáy bùn bị vạn thứ phỉ nhổ, khác biệt lớn như thế nhưng đều có chung nỗi cô đơn, lẻ loi chẳng ai hiểu.  Có lẽ vì thế mà cả hai tìm đến nhau, cho nhau hy vọng, cho nhau hơi ấm để vượt qua nỗi khó khăn, đau đớn của từng người. Tình cảm trong truyện, không chỉ là tình yêu, mà còn là tình huynh đệ, tình thân, tình thương, tình tri kỷ. Cả hai đều thấu hiểu nỗi cô đơn, ràng buộc, chấp nhất của nhau. Có thể hiểu được suy nghĩ người kia chỉ qua ánh mắt, lời nói. Khó có thể định nghĩa được yêu trong truyện Priest là như thế nào. Nghĩ nó mơ hồ, nhưng lại rất rõ. Nếu không yêu, sao một Vô Đoan ích kỷ, cố chấp lại có thể uống ly hận thủy, kết nối linh hồn với Bạch Ly, thay anh chịu nhân quả, chịu nỗi khổ ly hồn rồi lại nhập thể, đau như bị lăng trì, sống không được, chết không xong. Nếu không yêu sao Thẩm Ngụy lại có thể vượt qua những năm tháng dài đằng đẵng, chịu bao ràng buộc, kết nối vận mạng mình với lục địa, sẵn sàng hy sinh thân mình để tế Đại Phong chỉ để ngắm nhìn từng kiếp của người nọ, chịu bao đau đớn để đổi lại những kiếp bình an làm người, có hỉ, có bi cho Vân Lan. Nhưng tưởng chừng rất rõ lại hóa ra mơ hồ. Chẳng biết Vân Lan yêu Thẩm Ngụy khi nào, có khi là những cảm xúc ăn năn tiếc nuối vì để Thẩm Ngụy gánh chịu mọi thứ từ thời xa xưa, có khi là hứng thú nhất thời, cũng có khi thấy người nọ trăm phương ngàn kế, luôn luôn đứng trong bóng tối để bảo vệ mình bình an, thế nhưng anh lại nguyện dốc hết mọi thứ chỉ để chết cùng Thẩm Ngụy. Chẳng biết một Chu Tử Thư luôn luôn muốn tránh kẻ cà lơ phất phơ như Ôn Khách Hành động tình lúc nào mà lại chịu sống vì người ấy. Chết là một điều rất dễ nhưng vì ai đó mà sống thì lại khó hơn nhiều. Những yêu, hận, luyến, thương trong truyện của Priest cứ đan xen vào nhau như vậy, chẳng thể tách rời, mà cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu, vậy mà những cảm xúc yêu hận lại rõ ràng đến vậy. Có một người nói với tôi, làm sao để định nghịa được tình yêu, yêu là gì, thế nào gọi là yêu? Nó rất trừu tượng, chỉ biết được rằng ở thời điểm ấy, người mà mình thương nhất, quý trọng nhất, không muốn xa rời nhất, không muốn làm tổn thương nhất là người ấy thì như thế đã đủ rồi, cần xét chi yêu với không yêu. Ngẫm lại, câu này áp dụng vào truyện của Priest thật là đúng.

Priest viết truyện thì, nói hài thì không hẳn là hài, nói bi lại chưa chắc là bi. Khi đọc dòng giới thiệu của Cẩm Sắt bảo là ấm áp, hài, có phần hơi ngược thì không hiểu sao tôi lại chả tin lắm lại nghĩ cái phần ngược nó chắc nhiều hơn, mà quả đúng như vậy. Cái đau trong ấy không phải quằn quại, không hẳn xé lòng mà chỉ như một cái dằm đâm vào trong thịt, ẩn ẩn đau không dứt. Thấy bứt rứt không nguôi nhưng chẳng thể làm gì được. Thế cục trong truyện bắt buộc mỗi nhân vật phải làm như thế khiến người đọc không thể ghét họ được. Chung quy, thời thế tạo anh hùng chứ anh hùng có làm nên thời thế bao giờ.

Trong bốn truyện đã đọc của Priest thì tôi thích nhất Thiên Nhai Khách. Đó là truyện đầu tiên đưa tôi đến với Priest. Nhân vậy khiến tôi ấn tượng nhất là Ôn Khách Hành, sự đau thương, quá khứ thê thảm của anh được mô tả bâng quơ trong vài câu tưởng như đùa của mình. Quá đau thế nên không dám nhớ kỹ, lại không thể quên thế nên đành phải hóa nó thành những câu chuyện, lời nói sáo rỗng, để phần nào cố quên đi nỗi đau mà nó mang lại, nhưng vẫn nhớ mãi lý do khiến mình sông trên đờn này. Còn những nhân vật khác thì đều để lại ấn tượng trong lòng tôi, nhưng không biết phân chia thứ tự như thế nào. Mỗi người trong họ đều cho tôi những cung bậc cảm xúc khác nhau và tôi đều rất quý trong nó. Một khuyết điểm là nhiều khi tôi không thể hiểu được hết mớ huyền huyễn trong truyện, những cái truyền thuyết, đạo tông này nọ. Nhưng đó là do khác biệt văn hóa nên không hẳn là khuyết điểm.

Cảm ơn Chốn Về, cảm ơn Lưu Niên Tự Thủy vì đã mang Priest đến với tôi, chuyển tải những ý nghĩa, những cảm xúc  ấy trong những lời văn mượt mà để tôi có thể cảm nhận rõ ràng nhất. Cảm ơn rất nhiều.

Ngoài ra cũng cảm ơn Chốn về vì đã cho free bản word. Hì hì, còn bên nhà Lưu Niên Tự Thủy thì cảm ơn vì bạn đã để public để mình cop về. Hôm bữa không biết vào lộn nhà thấy private mà lòng đau như cắt.

Share this:

  • Facebook
  • X
Like Loading...

Related

Từ khóa » Thủ Vệ Cuối Cùng Review