Cảm Xúc Là Gì? Các đặc điểm Và Quy Luật Của Cảm Xúc

1,9K

Trong khi phản ánh thế giới khách quan, con người không chỉ nhận thức thế giới mà còn tỏ thái độ với nó. Khi nghe một bản nhạc hay chúng ta không chỉ tri giác (nghe, nhìn) mà còn xuất hiện các cảm xúc như rung động, bồi hồi, xúc động… Hoặc trước tin tức về chiến tranh trên thế giới với hàng loạt người chết, thương tật, bên cạnh việc tri giác, ta còn cảm thấy đau xót, tức giận…Những hiện tượng tâm lý biểu thị thái độ của con người đối với những cái mà họ nhận thức được như vậy, được gọi là cảm xúc và tình cảm của con người.

Mục lục ẩn 1. Khái niệm cảm xúc (xúc cảm) 2. Những đặc điểm của cảm xúc Cảm xúc những biểu hiện bề ngoài rõ ràng Các cảm xúc rất đa dạng và phong phú Tùy theo loại cảm úc mà những dấu hiệu bộc lộ sẽ khác nhau 3. Các quy luật của cảm xúc a. Quy luật lây lan b. Quy luật thích ứng c. Quy luật tương phản hay cảm ứng d. Quy luật di chuyển e. Quy luật pha trộn Quy luật về sự hình thành tình cảm Cảm xúc và Tình cảm

1. Khái niệm cảm xúc (xúc cảm)

Cảm xúc là sự rung động của bản thân đối với hiện thực nảy sinh trong quá trình tác động tương hỗ với môi trường xung quanh và trong quá trình thỏa mãn nhu cầu của mình.

Cảm xúc xuất hiện có tính chất phản xạ, vì vậy nó là sự phản ánh của thế giới hiện thực tác động vào con người. Khác với các quá trình nhận thức (cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng) cảm xúc chỉ phản ánh những mặt của hiện thực được thể hiện nổi bật lên như một quá trình thực tế tác động lẫn nhau giữa con người với môi trường khi các nhu cầu của họ được thỏa mãn.

Trong đời sống tâm lý con người, thường xuất hiện bốn loại cảm xúc điển hình là vui, buồn, sợ hãi và giận dữ. Những cảm xúc này thường gây nên những biến đổi nhất định cho mỗi người. Cảm xúc có thể được xem như một tình trạng tâm lý mãnh liệt, nhất thời, chóng qua do một hình ảnh, một kích thích gây ra kèm theo những biến đổi về tâm sinh lý. Ví dụ những khi lo lắng, sợ hãi, thường kèm theo biểu hiện sinh lý như run, đổ mồ hôi, nói lắp …

Tuy nhiên, không phải mọi người đều có sự biểu lộ cảm xúc giống nhau mà nguyên nhân tạo ra cảm xúc và tính dễ xúc cảm để bộc lộ cảm xúc của con người là hoàn toàn khác nhau. Tính dễ xúc cảm của một cá nhân sẽ làm cho cá nhân đó bộc cảm xúc một cách mãnh liệt. Sự tác động của một hiện tượng nào đó có thể gây nên sự thỏa mãn hay không thỏa mãn, thích hay không thích; một sự kiện nào đó có thể làm chủ thể vui hay buồn, có thể rung động một cách dễ chịu hay khó chịu. Cùng một tin buồn, người có thể bình tĩnh, đối diện với vấn đề, nhưng người đa cảm có thể bị rối loạn toàn bộ sinh hoạt nội tâm cũng như thể xác. Mức độ cảm xúc khác nhau là vì có sự khác biệt về tính cảm xúc ở mỗi cá nhân.

Bánh xe cảm xúc của Plutchik's

Bánh xe cảm xúc của Plutchik’s

2. Những đặc điểm của cảm xúc

Cảm xúc những biểu hiện bề ngoài rõ ràng

Đặc điểm tiêu biểu của cảm xúc con người và động vật là các trạng thái tâm lý chủ quan bên trong luôn có những biểu hiện bên ngoài nhất định qua cử chỉ, nét mặt, đặc điểm tư thế, động tác và cả những phản ứng có liên quan đến những thay đổi trong hoạt động của hệ tim mạch, hô hấp, tuyến nội tiết… Chẳng hạn, khi con người sợ hãi, da mặt có thể tái mét, chân tay run, cử động khó khăn do cơ trở nên co cứng… Khi bối rối, da mặt có thể đỏ bừng, toát mồ hôi. Khi sung sướng, người ta cười, cơ mặt giãn ra, hơi thở sâu, động tác thoải mái, giọng nói có thể lớn hơn, tự tin hơn. Cảm xúc cũng thể hiện ở giọng nói của chủ thể. Những vận động diễn cảm của nét mặt xảy ra do hoạt động của một nhóm cơ đặc biệt trên mặt là những cơ thực hiện những động tác rất khác nhau và có sự phân biệt vô cùng tinh tế, do đó tạo ra những sắc thái vô cùng phong phú của nét mặt khi có những rung động cảm xúc khác nhau. Có thể nói rằng cảm xúc xuất hiện thường kèm theo những biến đổi về tâm sinh lý. Người ta có thể « biến sắc » khi gặp sự cố bất thường, nguy hiểm và người ta có thể mất khôn ngoan, tự chủ kém khi đang trong cơn giận dữ. Hoạt động của các cơ thường diễn ra một cách không ý thức, một cách tổng hợp rất phức tạp.

Các cảm xúc rất đa dạng và phong phú

Sự phong phú của các cảm xúc không chỉ về mặt nội dung của các hiện tượng mà nó có liên quan tới, mà còn theo các đặc điểm về chất của mình và theo vô số các sắc thái cảm xúc tương tự. Sự sợ hãi không chỉ xuất phát từ sự khiếp đảm hay khi chủ thể đối diện với tình trạng bị kích động mà còn có thể bắt đầu từ sự thiếu tự tin ở chính chủ thể. Người ta có thể vui vì nhiều lý do khác nhau, và niềm vui của mỗi lý do cũng hoàn toàn khác nhau.

Tùy theo loại cảm úc mà những dấu hiệu bộc lộ sẽ khác nhau

Cảm xúc xuất hiện và biểu hiện tùy thuộc vào trạng thái chủ quan của chủ thể và tùy thuộc vào tính chất của các kích thích. Niềm vui làm khuôn mặt rạng rỡ, nụ cười thêm tươi, tuần hoàn và hô hấp thoải mái trong lúc nỗi buồn lại làm vẻ mặt sạm lại, mắt mất thần, mặt nhăn nhó …

3. Các quy luật của cảm xúc

a. Quy luật lây lan

Xúc cảm, tình cảm của người này có thể được “lây” sang người khác, như: vui lây, buồn lây, chia sẻ, đồng cảm. Nền tảng của quy luật này là tính xã hội trong tình cảm con người. Chính những tình cảm của tập thể, tâm trạng của xã hội được hình thành trên cơ sở của quy luật này. Một hiện tượng tâm lý xã hội biểu hiện rõ rệt quy luật này là hiện tượng “hoảng loạn”. Quy luật lây lan của cảm xúc, tình cảm có ý nghĩa rất to lớn trong các hoạt động tập thể của con người như học tập, lao động, chiến đấu.

b. Quy luật thích ứng

Tương tự như trong quá trình cảm giác, trong xúc cảm tình cảm cũng có hiện tượng thích ứng. Một xúc cảm, tình cảm nào đó được lặp đi lặp lại với một cường độkhông thay đổi thì cuối cùng cũng bị suy yếu, bị lắng xuống. Đó là hiện tượng thường được gọi là sự “chai dạn” của tình cảm.

c. Quy luật tương phản hay cảm ứng

Trong quá trình hình thành hoặc biểu hiện tình cảm, sự xuất hiện hoặc sự suy yếu đi của một tình cảm này có thể làm tăng hay giảm một tình cảm khác xảy ra đồng thời hoặc nối tiếp nó. Đó là hiện tượng “cảm ứng” hay “tương phản” trong tình cảm, ví dụ: “ôn nghèo, nhớ khổ”, “ôn cổ, tri tân”.

Vận dụng quy luật này vào trong văn học, nghệ thuật, càng yêu nhân vật chính diện bao nhiêu càng ghét nhân vật phản diện bấy nhiêu. Quy luật này được chú ý nhiều khi xây dựng các tình tiết, các tính cách và hành động của nhân vật nhằm đánh “trúng” tâm lý độc giả hay khán giả, làm thỏa mãn nhu cầu đạo đức, thẩm mỹ của họ.

d. Quy luật di chuyển

Xúc cảm, tình cảm con người có thể di chuyển từ một đối tượng này sang một đối tượng khác có liên quan tới đối tượng gây nên tình cảm trước đó.

Trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta cũng hay gặp hiện tượng “giận cá chém thớt”, “ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng” hay “vơ đũa cả nắm”.

Quy luật này nhắc nhở chúng ta phải chú ý kiểm soát thái độ cảm xúc của mình, làm cho nó mang tính chọn lọc tích cực.

e. Quy luật pha trộn

Nhiều khi hai tình cảm đối cực nhau có thể xảy ra cùng lúc nhưng không loại trừ nhau mà chúng pha trộn vào nhau. Sự pha trộn của xúc cảm, tình cảm là sự kết hợp màu sắc âm tính của hiện tượng với màu sắc dương tính của nó, hơn nữa màu sắc âm tính là nguồn gốc và điều kiện để nảy sinh màu sắc dương tính. Tính pha trộn cho phép hai cảm xúc, hai tình cảm đối lập nhau có thể cùng tồn tại ở một con người, chúng không loại trừ nhau mà quy định lẫn nhau. Ví dụ, sự pha trộn giữa cảm xúc lo âu và tự hào, muốn được chinh phục nhưng cũng sợ hãi ở những nhà thám hiểm. Sự ghen tuông trong tình cảm đôi lứa cũng là sự pha trộn giữa yêu và ghét, hay hiện tượng “giận mà thương” …

Quy luật này cho thấy rõ tính chất phức tạp, nhiều khi mâu thuẫn của tình cảm con người. Sự thật những mâu thuẫn đó phản ánh tính phức tạp, đa dạng và mâu thuẫn có thực trong thực tế khách quan mà thôi.

Quy luật về sự hình thành tình cảm

Xúc cảm là cơ sở của tình cảm, tình cảm được hình thành do quá trình tổng hợp hóa, động hình hóa, khái quát hóa những xúc cảm đồng loại, chẳng hạn tình cảm mẹ con, lòng yêu quê hương, đất nước.

Tình cảm được xây dựng từ những xúc cảm, nhưng khi đã hình thành thì tình cảm lại chi phối và thể hiện qua các xúc cảm đa dạng.

Nguồn tham khảo: Tâm lý học ứng dụng kinh doanh, Đại học Tài chính – Marketing

Cảm xúc và Tình cảm

Cảm xúc là những rung cảm của con người đối với những sự vật và hiện tượng có liên quan đến việc thỏa mãn hay không thỏa mãn nhu cầu. Cảm xúc thường là những rung cảm ngắn, nhất thời, không ổn định hay thay đổi. Trong quá trình giao tiếp với nhau những cảm xúc tích lũy dần dần sẽ biến thành tình cảm tương ứng.

Tình cảm là những rung cảm đã trở nên ổn định, bền vững và kéo dài. Tình cảm và cảm xúc là hai cấp độ khác nhau của đời sống tình cảm của con người.

Những tình cảm tích cực như yêu thương, quý trọng và những cảm xúc dễ chịu nảy sinh trên cơ sở những tình cảm đó là cho hai người lại có nhu cầu gặp gỡ giao tiếp với nhau. Ngược lại, những tình cảm tiêu cực như sự căm thù, khinh bỉ và những cảm xúc khó chịu nảy sinh làm cho hai người xa lánh nhau, ngại giao tiếp.

Trong giao tiếp, tình cảm, xúc cảm chi phối lại cách nhận thức của chúng ta về đối tượng. Chúng có thể làm cho chúng ta nhận thức sai lệch đi, méo mó đi. Hơn nữa tình cảm, xúc cảm cũng chi phối rất mạnh tới hành vi của con người trong giao tiếp. Chúng có thể tạo nên hưng phấn, sáng suốt, hoạt bát, sự tươi trẻ, nhưng cũng có thể làm cho con người trở nên mò mẫm, chán nản, mất hết tinh thần, sinh khí. Đặc biệt trong giao tiếp nếu xảy ra những cơn xúc động mạnh thì chúng có thể làm cho ta mất hết sáng suốt, không ý thức được hành vi, không lường trước được hậu quả, dẫn đến sai lầm trong hành vi và quyết định.

Để giao tiếp có hiệu quả cần kiềm chế và làm chủ được tình cảm, xúc cảm của mình.

Tình cảm tích cực-“Yêu”-được hình thành trên cơ sở sự tích lũy dần dần của nhiều cảm xúc tích cực. Vì vậy, muốn để đối tác yêu quý mình, dứt khoát chúng ta phải luôn làm cho đối tác vui khi tiếp xúc với ta. Muốn để khách hàng yêu quý sản phẩm dịch vụ của mình, mỗi lần sản phẩm dịch vụ đó đến với khách hàng, sản phẩm dịch vụ đó phải làm cho khách hàng hài lòng, ít hơn nhiều những lần làm cho khách hàng không hài lòng. Điều đó tất nhiên không thể đến với những sản phẩm dịch vụ kém chất lượng, những lời nói tốt đẹp không đi kèm chất lượng tốt của sản phẩm, dịch vụ.

Tình cảm tiêu cực-“Ghét”- được hình thành trên cơ sở sự tích lũy dần dần của nhiều cảm xúc tiêu cực. Vì vậy, muốn để đối tác không ghét quý mình, dứt khoát mỗi lần xảy ra cảm xúc tiêu cực trong quan hệ với đối tác, chúng ta phải rút kinh nghiệm nghiêm túc để đối tác được đền bù lại bằng nhiều cuộc tiếp xúc vui vẻ với chúng ta ở những lần tiếp sau đó.

5/5 - (1 bình chọn)Bài viết liên quan:
  1. Tình cảm, xúc cảm trong giao tiếp
  2. Cảm xúc thẩm mỹ là gì?
  3. Trí tuệ cảm xúc (EI) là gì?
  4. Kĩ năng nhận biết và quản lý cảm xúc
Cảm xúc

Từ khóa » Ví Dụ Xúc Cảm