Cán Bộ Làm Thủ Tục Cấp Căn Cước Công Dân Là Ai? Công Chức Làm ...

Trong quá trình đi làm căn cước công dân, tôi thắc mắc các cán bộ làm thủ tục cấp căn cước công dân là ai, nhiệm vụ của họ là gì? Tôi thấy đa số họ đều là công an, vậy có phải chỉ có công an mới được làm công việc này hay không? Thẩm quyền cấp căn cước công dân có phải cũng thuộc về họ không? Tôi hiện nay đang là công chức trong Ủy ban nhân dân (UBND) xã, chuyên thực hiện các công việc như xây dựng dự toán thu, chi ngân sách cấp xã để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, quyết toán ngân sách cấp xã, thực hiện báo cáo tài chính,… Vậy khi ở địa phương tôi tổ chức làm căn cước công dân cho mọi người, tôi có được tham gia vào quy trình này hay không? Mục lục bài viết Nội dung chính
  • Cán bộ thực hiện quy trình cấp căn cước công dân là những ai?
  • Trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước công dân là gì?
  • Thẩm quyền cấp thẻ căn cước công dân thuộc về ai?
  • Công chức UBND cấp xã có được tham gia vào đội ngũ cấp căn cước công dân hay không?

Cán bộ thực hiện quy trình cấp căn cước công dân là những ai?

Khi người dân thực hiện các yêu cầu cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân, họ sẽ được làm việc trực tiếp với các cán bộ quản lý căn cước công dân. Khoản 8 Điều 3 Luật Căn cước công dân 2014 có quy định cụ thể về tên gọi của nhóm cán bộ này như sau:

“8. Cơ quan quản lý căn cước công dân là cơ quan chuyên trách thuộc Công an nhân dân, làm nhiệm vụ quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.”

Như vậy, các cán bộ làm thủ tục cấp căn cước công dân được gọi chung là cơ quan quản lý căn cước công dân. Đây là những cán bộ chuyên trách thuộc Công an nhân dân, chuyên làm các nhiệm vụ về quản lý căn cước công dân, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Cơ quan quản lý căn cước công dân

Trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước công dân là gì?

Điều 6 Luật Căn cước công dân 2014 quy định chi tiết những trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước công dân, gồm:

“1. Thu thập, cập nhật chính xác thông tin về công dân.
2. Chỉnh sửa kịp thời khi có căn cứ xác định thông tin về công dân chưa chính xác hoặc có sự thay đổi.
3. Niêm yết công khai và hướng dẫn các thủ tục hành chính về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật này.
4. Bảo đảm an toàn, bí mật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
5. Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, tài liệu về công dân khi được cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu theo quy định của pháp luật.
6. Cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định của Luật này.
7. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, cơ quan quản lý căn cước công dân có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện các công việc trong quá trình làm căn cước công dân như: thu thập thông tin công dân; chỉnh sửa, cập nhật thông tin khi chưa chính xác hoặc có sự thay đổi; thực hiện công tác cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân theo quy định. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý căn cước công dân còn thực hiện một số công việc liên quan như: niêm yết công khai và hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính về căn cước công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm; bảo đảm an toàn, bí mật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Thẩm quyền cấp thẻ căn cước công dân thuộc về ai?

Điều 27 Luật Căn cước công dân 2014 nêu rõ: thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân thuộc về Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an.

Do đó, thẩm quyền cấp căn cước công dân không thuộc về tất cả các cán bộ quản lý căn cước công dân, mà chỉ do Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an đảm nhiệm.

Công chức UBND cấp xã có được tham gia vào đội ngũ cấp căn cước công dân hay không?

Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Căn cước công dân 2014 nêu trên, cán bộ thực hiện việc quản lý căn cước công dân như thu nhận thông tin, lấy dấu vân tay, mô tả các đặc điểm nhân dạng,… Những công việc trên sẽ chỉ được thực hiện bởi các cán bộ có chuyên môn, thuộc đội ngũ công an nhân dân, nên công chức UBND xã không thể và cũng không có đủ thẩm quyền để tham gia vào quy trình nêu trên.

Như vậy, các cán bộ quản lý căn cước công dân thuộc về cơ quan quản lý căn cước công dân, có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện các công việc theo quy định chi tiết trong Luật Căn cước công dân 2014 và các văn bản khác có liên quan. Những công việc trong quy trình này cần các cán bộ có chuyên môn và thẩm quyền thực hiện, nên công chức UBND cấp xã không thể tham gia vào quy trình cấp, đổi cấp lại căn cước công dân cho người dân.

Từ khóa » Các Cơ Quan Cấp Căn Cước Công Dân