Cần Cách Nhìn đúng Về Giá Trị Cây Keo

Trồng keo ở lập địa không phù hợp

Việc phát triển cây keo một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch, sử dụng giống và trồng trên những lập địa không phù hợp, kỹ thuật canh tác không bền vững dẫn đến hiệu quả và giá trị kinh tế, môi trường của rừng keo thấp, từ đó dẫn đến những nhận thức sai lệch về vai trò của cây keo.

Gỗ keo được sử dụng để làm ván ghép thanh. Ảnh: Hồng Hải.

Gỗ keo được sử dụng để làm ván ghép thanh. Ảnh: Hồng Hải.

Hiện nay, diện tích rừng trồng keo của nước ta đã đạt trên 2,2 triệu ha, chiếm khoảng 60% tổng diện tích 3,69 triệu ha rừng trồng sản xuất của cả nước. Các loài keo tai tượng, keo lá tràm, keo lai giữa 2 loài này và keo lá liềm đã được xác định là những loài cây trồng rừng chủ lực cho vùng thấp, nơi có độ cao so với mức nước biển dưới 700m.

Các loài keo này đã khẳng định vai trò quan trọng trong phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải tạo đất, chống xói mòn, chống cát bay, cung cấp nguồn nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản ở nước ta. Rừng trồng keo đã mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần xóa đói giảm nghèo ở các khu vực miền núi.

Tuy nhiên, việc quy hoạch vùng trồng các loài keo ở một số địa phương còn chưa chi tiết, rõ ràng, không bám sát yêu cầu lập địa của các loài keo, do đó vẫn quy hoạch hoặc vẫn cho phép trồng rừng keo ở những lập địa có điều kiện khí hậu và đất không thích hợp, nơi có độ cao so với mực nước biển trên 700m, độ dốc cao (>35o), nơi thường xuyên có gió xoáy và gió bão trên cấp 8.

PGS.TS Phí Hồng Hải, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.

PGS.TS Phí Hồng Hải, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.

Đối với người dân, còn có tình trạng trồng keo tự phát, chỗ nào có đất là trồng. Chính vì vậy, rừng keo sinh trưởng kém, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả kinh tế, dễ bị đổ gẫy, gây sạt lở đất. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố nhiều tiêu chuẩn Việt Nam về yêu cầu lập địa cho Keo tai tượng và Keo lai (TCVN 11366-1:2016) và Keo lá tràm (TCVN 11366-3:2019) và rất cần áp dụng chính xác khi thực hiện xây dựng quy hoạch chi tiết vùng trồng keo ở các địa phương.

Cần quản lý chặt chất lượng cây giống

Trong rừng trồng, giống là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định năng suất và chất lượng rừng trồng. Giống đã góp phần tăng năng suất trung bình của rừng trồng keo ở nước ta từ 10m3/ha/năm lên 17 - 19 m3/ha/năm trong những năm gần đây.

Rừng trồng thâm canh keo lá tràm 10 tuổi tại Bình Dương. Ảnh: Hồng Hải.

Rừng trồng thâm canh keo lá tràm 10 tuổi tại Bình Dương. Ảnh: Hồng Hải.

Đến nay, Bộ NN-PTNT đã công nhận hàng chục giống cho các loài keo. Tuy vậy, số lượng giống sử dụng phổ biến trong sản xuất còn hạn chế, chuyển giao giống mới còn chậm và thời hạn sử dụng một số giống quá lâu (không trẻ hóa), dẫn tới thoái hóa giống, giảm chất lượng sinh lý làm ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng rừng trồng.

Nhiều tổ chức và cá nhân vẫn coi giống tiến bộ kỹ thuật hay giống quốc gia đều có thể trồng bất kỳ lập địa nào, nên sử dụng chưa đúng giống cho lập địa trồng rừng của mình. Ngoài ra, sử dụng cây hom để trồng rừng hiện vẫn rất phổ biến. Cây hom thường có hệ rễ bàng, không có rễ cọc, do đó cây dễ gẫy đổ khi có gió bão. Trong khi cây keo nuôi cấy mô có chất lượng sinh lý tốt hơn, cây có rễ cọc chắc chắn đồng thời sạch bệnh hơn cây hom.

Chính vì vậy, cây mô thường có thân thẳng, ít cành nhánh và khả năng chống chịu gió bão tốt. Như vậy, các tổ chức và cá nhân trồng rừng keo cần lưu ý sử dụng đúng giống phù hợp với điều kiện lập địa của mình và nên sử dụng giống cây mô để trồng rừng, mang lại hiệu quả cao. Các cơ quan quản lý cũng cần quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây lâm nghiệp và có chính sách hỗ trợ hơn nữa để phát triển rừng trồng bằng giống nuôi cây mô.

Trồng keo chưa đúng kỹ thuật

Một yếu tố khác ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng rừng là các biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng trồng. Rất nhiều hộ nông dân trồng rừng keo ở nước thực hiện theo phương thức trồng rừng quảng canh, trồng mật độ dày (thường trên 2.000 cây/ha), không chăm sóc nuôi dưỡng. Với mật độ dày, rừng trồng thường có đường kính nhỏ, thảm thực vật dưới tán rừng sẽ không thể phát triển, làm giảm khả năng giữ nước, chống xói mòn và cũng có thể gây ra hiện tượng sạt lở đất ở những lập địa có độ dốc cao.

Cần có định hướng cho trồng rừng keo gỗ lớn với những giống keo mới chất lượng cao. Ảnh: NNVN.

Cần có định hướng cho trồng rừng keo gỗ lớn với những giống keo mới chất lượng cao. Ảnh: NNVN.

Việc phát dọn sạch thực bì và đốt trước khi trồng rừng hiện cũng rất phổ biến ở nhiều địa phương, dẫn tới ô nhiễm môi trường, tăng xói mòn đất, về lâu dài sẽ làm suy thoái đất đai canh tác. Một điều đáng quan tâm nữa là hầu hết những người tham gia trồng rừng bằng cây keo chỉ với mục đích sau khi trồng được 5 - 6 năm, thậm chí 4 năm đã chặt hết để bán cây cho các doanh nghiệp làm nguyên liệu giấy hoặc xuất khẩu gỗ dăm, vừa khai thác kiệt dinh dưỡng đất, sản lượng gỗ xẻ ít, kém hiệu quả kinh tế. 

Để phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rừng keo, cần:

- Chọn đúng lập địa cho cây keo (đặc biệt lưu ý độ cao so với mực nước biển nên <700m; độ dốc <25o; tầng đất từ 50 - 100cm). Vùng thường xuyên có gió xoáy và gió bão trên cấp 8 không phù hợp cho các loài keo. Thực hiện tốt việc quản lý lập địa, hạn chế đốt vật liệu hữu cơ sau khai thác.

- Sử dụng giống phù hợp cho từng điều kiên lập địa, sử dụng cây giống chất lượng tốt; nên ưu tiên sử dụng giống từ nuôi cấy mô tế bào.

- Sử dụng phân bón hợp lý cho rừng trồng keo. Cây keo có khả năng cố định đạm nên cần sử dụng phân bón nhiều lân để tăng cường hoạt động cố định đạm của cây. Hạn chế cày xới đất mặt, nhất là trên diện tích đất dốc gây xói mòn đất, giảm khả năng giữ nước.

- Trồng đúng mật độ: 1.300 - 1.600 cây/ha là hợp lý; không nên trồng dày quá. Áp dụng tỉa thân, tỉa cành, tỉa thưa đúng kỹ thuật để tạo rừng gỗ lớn có chất lượng cao.

Trong trồng keo, cần tăng luân kỳ kinh doanh rừng, hợp lý nhất từ 7 - 12 năm để đạt được hiệu quả kinh tế cao, tạo gỗ lớn, tăng khả năng cải thiện môi trường của rừng keo. Áp dụng khai thác tác động thấp, như duy trì, bảo dưỡng hệ thống đường lâm sinh đúng kỹ thuật; hạn chế mở đường mới khi khai thác; mở đường đúng kỹ thuật, nhất là hệ thống thoát nước, tránh dồn ứ nước tạo dòng chảy gây xói mòn rãnh lớn có nguy cơ sạt lở, xói mòn cao.

Từ khóa » Trồng Keo Là Gì