CÁN CÂN LỰC LƯỢNG GIỮA TA VÀ PHÁP TRONG CHIẾN DỊCH ...
Có thể bạn quan tâm
CÁN CÂN LỰC LƯỢNG GIỮA TA VÀ PHÁP TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ 1954
ThS. Trần Ngọc Sáng
Khoa Xây dựng Đảng
Năm 1953, cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương của thực dân Pháp đã bước qua năm thứ tám. Nước Pháp đã thực sự sa lầy, không còn đủ sức chịu nổi gánh nặng khổng lồ mà cuộc chiến đem lại. Dù đã huy động tiềm lực kinh tế, quân sự đến mức gần như cao nhất, song Pháp vẫn không sao thiết lập lại được bộ máy cai trị trên toàn Đông Dương như trước năm 1945. Trái lại, mỗi ngày trôi qua, quân Pháp phải hứng chịu những tổn thất nặng nề cả về nhân mạng và cơ sở vật chất.
Cuộc chiến tranh xâm lược kéo theo sự khủng hoảng về chính trị, kinh tế, tài chính ngay tại nước Pháp. Số đông nhân dân Pháp từ lâu đã hiểu rõ nguyện vọng hòa bình thực sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam. Tất nhiên đó phải là một nền hòa bình trên cơ sở độc lập và thống nhất thực sự. Song, vào thời điểm bấy giờ, giới cầm quyền Pháp vẫn ngoan cố cho rằng, chưa đến mức nước Pháp, một trong tứ cường của thế giới, buộc phải chấp nhận một điều kiện như vậy.
Để tháo gỡ tình thế khó khăn, tháng 5/1953, chính phủ Pháp cử tướng Henri Navarre (1898 - 1983) sang làm tổng chỉ huy quân viễn chinh ở Đông Dương, với hy vọng sớm giành thắng lợi quân sự quyết định, tìm “lối thoát danh dự” cho nước Pháp.
Sau một thời gian tìm hiểu tình hình thực tế, tháng 7/1953, Navarre đã xây dựng xong kế hoạch quân sự của mình ở Đông Dương để đệ trình trước Hội đồng Tham mưu trưởng và Hội đồng Quốc phòng tối cao Pháp. Lần đầu tiên từ khi chiến tranh bùng nổ, một tổng chỉ huy có kế hoạch chiến lược về quân sự nhằm giành chiến thắng trong 02 năm. Navarre đã gây được ấn tượng tốt trong giới quân sự và chính trị nước Pháp. Và điều quan trọng hơn, Kế hoạch Navarre được Hoa Kỳ tán thành, ủng hộ.
Kế hoạch Navarre cơ bản gồm hai bước:
Bước 1 (Từ Thu Đông năm 1953 và Mùa Xuân năm 1954): Quân Pháp giữ thế phòng ngự chiến lược ở chiến trường miền Bắc, tránh giao chiến với chủ lực quân ta; tiến công chiến lược ở chiến trường phía Nam, đánh chiếm các căn cứ kháng chiến, trước hết là vùng tự do Liên khu 5 và Khu 9; đồng thời ra sức mở rộng lực lượng ngụy quân, tập trung xây dựng khối chủ lực cơ động mạnh đủ sức đánh bại các đại đoàn chủ lực của ta.
Bước 2 (Từ Thu Đông năm 1954): Khi đã hoàn thành các mục tiêu trên, quân đội viễn chinh Pháp sẽ dồn lực lượng ra chiến trường miền Bắc, thực hiện các đòn tiến công chiến lược trên chiến trường chính, giành thắng lợi lớn về quân sự, buộc chính phủ kháng chiến của ta phải đầu hàng, hoặc chấp nhận đàm phán kết thúc chiến tranh theo những điều kiện do Pháp đặt ra. Nếu ta khước từ, quân cơ động chiến lược của Pháp sẽ tập trung mọi nỗ lực để tiêu diệt quân đội chủ lực của ta.
Có thể nói, kế hoạch Navarre là một bước đi đầy tham vọng của chính phủ Pháp và rộng hơn là cả chính phủ Hoa Kỳ trong cuộc chiến tại Đông Dương. Kể từ khi Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp Jean de Lattre de Tassigny (1889 – 1952) qua đời, từ “chiến thắng” trong cuộc chiến tranh tại Đông Dương đến bây giờ mới xuất hiện trở lại trên chính trường nước Pháp.
Để thực hiện kế hoạch của mình, Navarre đề xuất Hoa Kỳ tăng thêm viện trợ quân sự gấp hai lần so với trước (chiếm 73% chi phí chiến tranh ở Đông Dương), tăng thêm ở Đông Dương 12 tiểu đoàn bộ binh, tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ một lực lượng cơ động mạnh gồm 44 tiểu đoàn (trong tổng số 82 tiểu đoàn cơ động trên toàn Đông Dương). Đây được đánh giá là một nước cờ rất cao tay của viên tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp. Nước cờ này có nhiều mục đích:
Một là, việc tập trung quân cơ động tại đồng bằng Bắc Bộ nhằm sẵn sàng đối phó hiệu quả đối với cuộc tiến công lớn của chủ lực ta vào khu vực này. Đây là tình huống mà cơ quan tham mưu của Pháp phán đoán là có nhiều khả năng xảy ra.
Hai là, tập trung quân cơ động tại đồng bằng Bắc Bộ nhằm có lực lượng mở chiến dịch Adlante (tên gọi chiến dịch đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5 của quân đội Pháp) và đối phó với chiến tranh du kích đang phát triển mạnh ở các vùng tạm chiếm.
Ba là, uy hiếp được các vùng tự do rộng lớn của ta ở Thanh - Nghệ - Tĩnh, Trung Du và Việt Bắc, buộc chủ lực ta phải bị động đề phòng, không dám tiến quân đi các hướng khác.
Về phía ta, tháng 9/1953, Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông - Xuân 1953 – 1954. Qua phân tích kỹ lưỡng Kế hoạch Navarre và tình hình thực tiễn chiến trường cả nước, Thường vụ xác định chủ trương tác chiến của ta là tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà lực lượng địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng, buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa điểm xung yếu mà chúng không thể bỏ.
Thực hiện chủ trương đó, ta triển khai đồng loạt những mũi tiến công vào Tây Bắc và Thượng Lào, Tây Nguyên, Trung Lào, Hạ Lào. Với những đơn vị không lớn hoạt động ở những hướng khác nhau, ta đã thực hiện được mục tiêu đầu tiên, rất quan trọng, đó là làm cho lực lượng cơ động của Pháp buộc phải phân tán ra các nơi:
- Tại Trung và Hạ Lào: Navarre buộc phải xây dựng một tập đoàn cứ điểm mới tại Xê - nô.
- Tại Thượng Lào: Navarre lập thêm hai tập đoàn cứ điểm mới ở Luông Phabang và Mường Sài.
- Tại Tây Nguyên: Một tập đoàn cứ điểm mới xuất hiện ở An Khê.
- Tại Điện Biên Phủ: Đây là tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp tại Đông Dương, gồm những đơn vị ưu tú và hệ thống khí tài hiện đại bậc nhất thế giới thời điểm đó.
Như vậy, dưới sức ép tiến công của quân ta, tại đồng bằng Bắc Bộ Navarre chỉ còn lại 3 binh đoàn cơ động. Trong thực tế, phần lớn những đơn vị của các binh đoàn này cũng không còn là cơ động, vì phải chia ra để bảo vệ những khu vực, tuyến đường quan trọng. Có thể nói hầu hết trong tổng số 82 tiểu đoàn cơ động chiến lược và chiến thuật của Navarre đã buộc phải phân tán khi trận đánh chính tại Điện Biên Phủ chưa nổ ra. Những hoạt động trong Đông – Xuân 1953 - 1954 của quân ta đã làm đảo lộn thế bố trí lực lượng của quân Pháp trên các chiến trường.
Hạ tuần tháng 11/1953, Navarre mở cuộc hành binh Castor (Hải Ly), ném xuống Điện Biên Phủ 6 tiểu đoàn với ý định ngăn chặn một đại đoàn chủ lực của quân ta đang tiến vào Tây Bắc. Vào thời điểm đó, việc làm này chỉ mang tính chất một cuộc hành binh thứ yếu, nhằm giữ nguyên trạng tình hình trên chiến trường chính theo chủ trương phòng ngự chiến lược của Navarre. Ba tháng sau, từ những cuộc điều binh của ta trên bàn cờ chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, Điện Biên Phủ đã trở thành nơi quyết chiến chiến lược, quyết định vận mệnh của cuộc chiến tranh.
Tính đến thời điểm đầu tháng 3/1954, quân Pháp tại Điện Biên Phủ có 12 tiểu đoàn và 07 đại đội bộ binh, phần lớn là những đơn vị tinh nhuệ bậc nhất của quân đội viễn chinh Pháp. Về pháo binh, Pháp có 02 tiểu đoàn pháo 105mm (24 khẩu), 02 tiểu đoàn súng cối 120mm (20 khẩu), 01 đại đội pháo 155mm (04 khẩu). Về thiết giáp, Pháp có 01 đại đội xe tăng (18 chiếc). Lực lượng không quân thường trực tại sân bay Mường Thanh có 07 máy bay khu trục, 05 máy bay trinh sát, 04 máy bay vận tải và 01 máy bay trực thăng. Ngoài ra, Navarre khẳng định sẽ dành 2/3 lượng máy bay ném bom và máy bay tiêm kích và 100% máy bay vận tải trên toàn Đông Dương để yểm trợ trực tiếp cho Điện Biên Phủ trong trường hợp tập đoàn cứ điểm bị tiến công. Tổng số quân địch tại Điện Biên Phủ lúc này khoảng 12.000 người. [1]
Đối với quân ta, lực lượng tiến công Điện Biên Phủ gồm 09 trung đoàn bộ binh (27 tiểu đoàn), 01 trung đoàn sơn pháo 75mm (24 khẩu), 02 tiểu đoàn lựu pháo 105mm (24 khẩu), 04 đại đội súng cối 120mm (16 khẩu), một trung đoàn cao xạ 37mm (24 khẩu) và 02 tiểu đoàn công binh. [2]
Như vậy, so sánh về lực lượng bộ binh, ta hơn địch về số tiểu đoàn (27/12 tiểu đoàn), nhưng quân số mỗi tiểu đoàn của ta chỉ bằng 2/3 quân số tiểu đoàn địch và trang bị yếu hơn rất nhiều. Về pháo binh, ta hơn địch về số lượng (64/48 khẩu), nhưng đạn pháo dự trữ của ta rất hạn chế. Ta hoàn toàn không có lực lượng thiết giáp. Ngoài ra, chỉ một trung đoàn pháo cao xạ 37mm của ta phải đương đầu với toàn bộ không quân hùng mạnh của địch.
Một lần nữa, so sánh lực lượng lại chỉ ra rằng, ta không có ưu thế về binh lực trước kẻ địch. Ngay về số lượng bộ binh đơn thuần, ta cũng không hơn địch bao nhiêu. Theo lý thuyết chiến tranh, bên phòng ngự bao giờ cũng nắm phần lợi thế hơn so với bên tấn công. Muốn giành thắng lợi, quân số bên tấn công bao giờ cũng phải đông vượt trội so với bên phòng ngự. Thêm vào đó, hầu hết các đơn vị chủ lực của ta còn thiếu kinh nghiệm đánh công kiên, khả năng tác chiến còn nhiều hạn chế.
Tất nhiên, lợi thế của ta ở Điện Biên Phủ cũng là rất rõ ràng. Ta chủ động tiến công, địch bị động phòng ngự. Ta là lực lượng bao vây, địch là đối tượng bị bao vây. Điều này cho phép ta có thể lựa chọn thời điểm và huy động lực lượng tùy ý để mở các cuộc tiến công. Hơn nữa, pháo binh của ta tuy bố trí phân tán, nhưng vẫn có thể tập trung hỏa lực vào một vị trí tiến công để tạo nên bất ngờ, đè bẹp sức phản kháng của pháo binh địch.
17h 05 phút ngày 13/3/1954, đợt tấn công đầu tiên của quân ta vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Chỉ trong vòng 5 ngày chiến đấu (từ 13/3 đến 17/3), cánh cửa phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã mở toang. Các cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo lần lượt bị tiêu diệt. Đợt tiến công mở màn đã giáng một đòn chí tử vào hi vọng giành thắng lợi của Chính phủ và giới quân sự Pháp. Tính chung trong đợt tiến công này, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn 2 tiểu đoàn Pháp tinh nhuệ, 1 tiểu đoàn và 3 đại đội quân Pháp bị bắt. Tổng cộng 2.000 lính Pháp đã bị loại khỏi vòng chiến đấu, 12 máy bay bị bắn rơi.
Sự tiêu hao binh lực của ta trong đợt tiến công đầu tiên này không lớn, có thể được bù đắp nhanh chóng, nhìn chung các đơn vị vẫn còn sung sức, không những thế tinh thần còn được nâng lên rất nhiều sau những chiến thắng vang dội.
Tuy nhiên, ở phía ngược lại, địch cũng nhanh chóng bù đắp những thiệt hại về người và vũ khí sau những thất bại đầu tiên. Xét tương quan lực lượng, quân địch ở Điện Biên Phủ vẫn còn quá mạnh so với ta.
Sau hơn 10 ngày tạm nghỉ ngơi để chuẩn bị trận địa tiến công, ngày 30/3/1954, đợt tiến công thứ hai của quân ta vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Mục tiêu của đợt tiến công này nhắm vào dãy cao điểm phía Đông của phân khu trung tâm tập đoàn cứ điểm. Sau 5 ngày chiến đấu, ta đã chiếm được 04 ngọn đồi hiểm yếu, làm chủ một phần cao điểm then chốt A1.
Sau những đợt tiến công ác liệt, lực lượng của ta đã bị tiêu hao, tuy nhiên, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng đã phải nhận lấy một đòn tử thương. Chỉ tính từ ngày 28/3/1954 đến ngày 2/4/1954 quân Pháp bị loại khỏi vòng chiến thêm 2.089 người.[3] Cuộc chiến khốc liệt đã làm tiêu tốn đạn dược, phương tiện chiến tranh với một nhịp độ không thể tưởng tượng nổi, nằm ngoài dự tính của những nhà chỉ huy quân viễn chinh Pháp.
Từ khi chiến dịch bắt đầu đến thời điểm này, ta đã tiêu diệt khoảng 5000 quân địch (tương đương 06 tiểu đoàn, trong đó có 03 tiểu đoàn bị tiêu diệt gọn). Tuy nhiên, do được tăng viện, lực lượng của tập đoàn cứ điểm vẫn còn khoảng 1 vạn quân, mặc dù không phải toàn bộ đều là lực lượng trực tiếp chiến đấu. Số quân địch vẫn còn là quá lớn đối với ta và Pháp vẫn còn có khả năng tăng viện.
Về phía ta, ngoài việc bù đắp cho quân số bị tiêu hao, hai vấn đề khó khăn lớn của ta ngày càng gay gắt đó là lương thực và đạn dược. Việc tiếp tế hậu cần cho chiến dịch là một trong những khó khăn lớn nhất mà ta phải đương đầu nếu muốn giành chiến thắng. Bằng sự nỗ lực tuyệt vời của đồng bào cả nước, ta đã dần khắc phục được khó khăn về khâu yếu này. Cuối tháng 4/1954, các kho của mặt trận đã có đủ dự trữ lương thực cho cả tháng 5. Về đạn cho lựu pháo, ngoài 5.000 viên lấy được từ kẻ địch, hơn 400 viên thu được ở mặt trận Trung Lào đã được chuyển đến nơi. Các nước xã hội chủ nghĩa anh em cũng đã viện trợ cho ta 02 giàn hỏa tiễn 6 nòng. Sau đợt 2 của chiến dịch, ta đã xây dựng thêm 01 tiểu đoàn ĐKZ 75 và 01 tiểu đoàn H6 hỏa tiễn.
17h chiều ngày 1/5/1954, đợt tiến công cuối cùng vào tập đoàn cứ điểm diễn ra. Quân địch lúc này đã sức tàn lực kiệt, không thể kháng cự nổi đà tiến công như vũ bão của quân ta. Đến ngày 07/5/1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của ta tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy của tướng Christian de Castries, báo hiệu chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn toàn thắng lợi. Toàn bộ 11.000 quân địch còn lại ở Điện Biên Phủ phần lớn đều bị bắt sống.
Tóm lại, có thể khẳng định rằng, xét về tương quan lực lượng, chưa bao giờ tại Điện Biên Phủ quân ta có ưu thế về binh lực so với quân Pháp. Tuy nhiên, điểm khác biệt là ở chỗ, quân ta càng đánh lại càng mạnh lên, còn kẻ thù càng đánh càng kiệt quệ và rệu rã. Điều này là do quân ta đã có được chiến lược, chiến thuật tấn công đúng đắn, và hơn tất cả là do sự đoàn kết, đồng lòng ủng hộ của toàn thể đồng bào cả nước cho đến ngày toàn thắng. Đây chính là quy luật phát triển của một đội quân cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi thêm một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, sánh với những trận Như Nguyệt, Bạch Đằng, Chi Lăng... trong lịch sử./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Võ Nguyên Giáp (2018), Tổng tập hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, HN.
- Quý Lâm, Dấu ấn chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2019.
- Nhiều tác giả (2018), Almanach những nền văn minh thế giới, Nxb Hồng Đức, HN.
[1] Võ Nguyên Giáp (2018), Tổng tập hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, HN, tr 946.
[2] Võ Nguyên Giáp, Sđd, tr 946 – 947.
[3]Võ Nguyên Giáp, Sđd, tr 1037.
Từ khóa » Tổn Thất Của Pháp Trong Chiến Tranh Việt Nam
-
Thiệt Hại Ghê Gớm Của Thực Dân Pháp Sau Cuộc Kháng Chiến 9 Năm
-
Tổn Thất Nhân Mạng Trong Chiến Tranh Việt Nam - Wikipedia
-
Chiến Tranh Đông Dương – Wikipedia Tiếng Việt
-
Sự Thán Phục Của Người Pháp Dành Cho đôi Chân Việt Nam
-
Hậu Quả Của Cuộc Chiến Tranh Việt Nam (1954-1975) - USSH
-
Việt Minh Giết Bao Nhiêu Lính Đức ở Điện Biên? - BBC News Tiếng Việt
-
Sự ám ảnh Của Quân Mỹ Trong Chiến Tranh Xâm Lược Việt Nam
-
Bản In
-
Tổn Thất Nhân Mạng Trong Chiến Tranh Việt Nam - Du Học Trung Quốc
-
Sức Mạnh Khát Vọng Hòa Bình Và Thống Nhất đất Nước
-
Nhân Dân Miền Nam Trực Tiếp Chống Xâm Lược Mỹ Và Tay Sai, Làm ...
-
Những Người Mỹ Cuối Cùng Tử Thương Trong Chiến Tranh Việt Nam
-
Nội Dung Chính Sách Thành Tựu