Cần Làm Gì Khi Biết Mình Trở Thành Người Tiếp Xúc Gần Với Bệnh Nhân ...

Bác sĩ Nguyễn Văn Lơ trao giấy chứng nhận hoàn thành cách ly phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho công dân Việt Nam về nước.

Phóng viên: Trong dịch bệnh Covid-19 ngành chuyên môn có dùng chữ “F” để so sánh cấp độ lây nhiễm, Bác sĩ hãy nói rõ hơn về khái niệm này?

Bác sĩ Nguyễn Văn Lơ: Khái niệm các chữ “F” là quy ước mang tính tương đối của ngành chuyên môn để đơn giản hóa cách gọi, cách hiểu các cấp độ nguy cơ lây nhiễm vi-rút SARS-CoV-2. Cụ thể, “F0” là ca bệnh xác định, tức là người có xét nghiệm dương tính với vi-rút SARS-CoV-2; “F1” là người tiếp xúc gần với “F0”, hay còn gọi là người tiếp xúc vòng 1. Ngoài các trường hợp nguy cơ cao như người nhập cảnh, các người đi, đến từ ổ dịch đang hoạt động, các khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội cũng được xem như “F1”. “F2” là những người tiếp xúc với “F1”, hay còn gọi là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần hay là người tiếp xúc vòng 2.

Tương tự như vậy, “F3” là người tiếp xúc với “F2”; “F4” là người tiếp xúc với “F3”…

Phóng viên: Cấp độ nguy hiểm của những người tiếp xúc gần với ca bệnh sẽ như thế nào? ngành chuyên môn cần xác định đến F mấy để theo dõi, thưa Bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Văn Lơ: Những người tiếp xúc gần hay còn gọi là “F1” là người có nguy cơ mắc Covid-19 rất cao, bởi vì đã có tiếp xúc gần trực tiếp với ca bệnh xác định, trong khi khả năng lây lan của vi-rút SARS-CoV-2 qua rất nhiều phương thức như qua giọt bắn do người bệnh ho hoặc hắt hơi, qua các hạt bắn rất nhỏ lơ lửng trong không khí, do “F1” tiếp xúc với các bề mặt ô nhiễm do giọt bắn rơi… Khi các “F1” nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 từ “F0” sẽ trở thành ca bệnh xác định, tức là trở thành “F0”. Và như vậy các “F” dưới “F1” sẽ được nâng cấp lên thành các “F” có mức độ lây nhiễm cao hơn.

Để quản lý và xử lý kịp thời các trường hợp có nguy cơ mắc Covid-19, khi có ca bệnh xác định, tức là có “F0”, ngành y tế sẽ phối hợp tiến hành truy vết tất cả các “F” có nguy cơ trên nguyên tắc càng quản lý tốt đến các “F” có nguy cơ càng thấp thì càng tốt. Trên thực tế chúng ta thường truy vết đến “F3”, vì khi có ca bệnh xác định trong chuỗi lây bệnh thì “F3” sẽ trở thành “F2” và được áp dụng phương án cách ly theo nguy cơ thấp nhất là cách ly tại nhà.

Phóng viên: Biện pháp cách ly được áp dụng đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 được quy định như thế nào? tại sao có cách ly tập trung và cách ly tại nhà?

Bác sĩ Nguyễn Văn Lơ: Theo quy định hiện nay thì những người tiếp xúc gần với “F0” sẽ được cách ly tập trung. Và những người có tiếp xúc với “F1” sẽ được cách ly tại nhà. Sở dĩ có 02 phương thức cách ly khác nhau như thế là tùy thuộc vào mức độ nguy cơ lây nhiễm khác nhau. Những người được cách ly tập trung là những người có mức độ nguy cơ lây nhiễm cao, có khả năng đã nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 mà không có triệu chứng lâm sàng cần được quản lý nghiêm, có chế độ chăm sóc y tế thường xuyên, liên tục bởi những người có chuyên môn. Còn đối những người có tiếp xúc với “F1” hay còn gọi là “F2” sẽ được cách ly tại nhà bởi vì có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn, với sự tự tuân thủ là chính, chỉ cần đến sự trợ giúp y tế khi có các triệu chứng lâm sàng của nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 như sốt, ho, khó thở, đau họng, mất khứu giác… Mặt khác, các “F2” phải được cách ly tại nhà để đảm bảo không đi đâu và chờ kết quả xét nghiệm của “F1”. Nếu F1” dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 thì “F2” sẽ chuyển thành “F1” mới và phải được đưa đi cách ly tập trung.

Phóng viên: Mọi người cần làm gì khi biết mình thuộc một trong những F nêu trên và có cách nào để tự nhận biết mình thuộc F mấy?

Bác sĩ Nguyễn Văn Lơ: Việc chúng ta nhận biết mình thuộc “F” mấy đa số thông qua quá trình truy vết của các cơ quan chuyên môn khi phát hiện “F0”. Tuy nhiên, việc truy vết không phải lúc nào cũng hoàn hảo, do đó bản thân người dân cũng có thể tự nhận biết mình thuộc “F” mấy thông qua việc tự giác tìm hiểu mối quan hệ của bản thân với các “F” khi có thông tin chính thức từ cơ quan chuyên môn về các “F”. Khi được cơ quan chuyên môn xác định là các “F” thì mọi người nên tuân thủ các quy định chuyên môn về cách ly y tế do chính quyền quyết định. Hoặc nếu tự bản thân nhận biết mình thuộc “F” mấy thì nên trung thực trình báo với chính quyền hoặc cơ quan y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, đồng thời thông báo cho những người đã từng tiếp xúc với mình biết.

Phóng viên: Có trường hợp F3 hoặc F2… trở thành F0, Bác sĩ cho biết trường hợp này là như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Văn Lơ: Thực tế gần đây có các trường hợp gọi là “F2” hoặc “F3” trở thành “F0”. Điều này xảy ra khi các “F” này trở thành “F0” trước khi phát hiện các “F” cao hơn. Cụ thể với “F3” trở thành “F0” xảy ra khi “F3” này được phát hiện trước khi phát hiện “F2”. Nghĩa là trong quá trình có “F0”, chúng ta mới truy vết được “F1”, chưa truy vết đến “F2” và “F3”; và người “F3” đó lại tình cờ đi khám bệnh và được xét nghiệm sàng lọc có kết quả dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Khi đó chúng ta truy vết lại mới biết người này là “F3”. Trong trường hợp này chuỗi lây nhiễm đã qua nhiều cấp độ lây. Ngoài ra, cũng có khả năng khác là “F3” này bị lây qua “F0” khác, nghĩa là họ là “F3” của chuỗi này, nhưng lại là “F1” của chuỗi khác. Khi có các trường hợp này xảy ra là rất phức tạp, do có thể đã có nhiều ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng mà chúng ta chưa phát hiện được.

Phóng viên: Ngoài những thông tin nêu trên, Bác sĩ có điều gì muốn nhắn nhủ với những người không may khi có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19?

Bác sĩ Nguyễn Văn Lơ: Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc ngoài cộng đồng, xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều trường hợp bệnh không phát hiện được nguồn lây. Nhiều biến thể mới xuất hiện với khả năng lây nhiễm nhanh và mạnh hơn. Nếu không may tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 thì chúng ta hãy can đảm, chủ động trình báo với chính quyền hoặc cơ quan y tế để được áp dụng biện pháp phòng dịch phù hợp. Từ khi phát hiện mình có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 nên tuyệt đối mang khẩu trang, không tiếp xúc ai và không đến nơi đông người. Ngoài ra, tất cả mọi người cần tự giác phối hợp thực hiện tốt việc phòng bệnh cho bản thân mình và cộng đồng bằng cách thực hiện thường xuyên và đầy đủ thông điệp 5K của Bộ Y tế, bao gồm: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập -Khai báo y tế.

Phóng viên: Xin cảm ơn Bác sĩ!

BÁ THI (thực hiện)

Từ khóa » F4 Thì Cần Làm Gì