Cần Làm Rõ Nhiều Vấn đề ở Dự án Xây Dựng Cơ Sở Hạ Tầng Khu đất ...

Nhiều lần bị từ chối cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Thuộc diện bị cưỡng chế thu hồi đất, ông Bùi Đình Tứ, ông Nguyễn Công Chức, bà Phùng Thị Khánh cùng trú tại tổ dân số 4, phường EaTam, TP Buôn Ma Thuột cho biết: Ngày 23/12/1977, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 241/QĐ-UB thành lập Trường Hành chính tỉnh Đắk Lắk.

Khuôn viên Trường Hành chính là xưởng cưa cũ do Nhà nước tiếp quản sau giải phóng, phía ngoài là rừng cây. Do đời sống thiếu thốn, các hộ gia đình là cán bộ, nhân viên của trường đã tiến hành khai hoang trồng lương thực, rau màu.

Để tránh tranh chấp, năm 1983, Công đoàn Trường Hành chính tỉnh đứng ra phân chia ranh giới cho mỗi hộ gia đình khoảng hơn 1.000m2.

Từ năm 1984, các hộ gia đình trên đã canh tác, trồng trọt ổn định, không có tranh chấp và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp với Nhà nước. Trong đó, lô đất của ông Tứ và ông Chức liền kề với khu vực đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

Năm 1988, Trường Hành chính đề nghị các hộ trồng cây cà phê thông qua nhà trường ký hợp đồng liên kết với Liên hiệp Các Xí nghiệp cà phê Đắk Lắk. Sau do khảo sát không có nguồn nước tưới nên việc liên kết hợp đồng này không diễn ra.

Năm 2000, ông Chức chia diện tích 1.426,8m2 cho 5 người con là: Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Đức Hướng, Nguyễn Thị Thu Hoài, Nguyễn Đức Hữu, Nguyễn Thị Lệ Hằng.

Trường hợp gia đình ông Tứ cũng sinh sống, canh tác ổn định trên diện tích hơn 1.000m2.

Từ năm 2000, các hộ gia đình có tên trên đã tiến hành kê khai đề nghị UBND TP cấp GCNQSDĐ.

Hồ sơ hộ gia đình ông Chức bao gồm: Đơn xin xác nhận QSDĐ và đất nông nghiệp có sơ đồ lô đất kèm theo ngày 14/8/1997, đã được UBND phường EaTam xác nhận ngày 15/8/1997; Giấy xác nhận quyền sở hữu nhà ở và lô đất kèm theo được UBND phường EaTam xác nhận ngày 27/7/2004; Đơn xin xác nhận diện tích đất sử dụng đã được UBND phường EaTam xác nhận ngày 25/6/2006...

Tuy nhiên, UBND TP Buôn Ma Thuột nhiều lần từ chối cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Chức, ông Tứ.

Ông Bùi Đình Tứ, ông Nguyễn Công Chức, bà Phùng Thị Khánh trình bày sự việc. Ảnh: T.V

Theo ông Chức, có rất nhiều trường hợp có cùng nguồn gốc đất đã được cấp GCNQSDĐ. Trong đó, có hộ bà Trần Thị Anh đã được UBND TP Buôn Ma Thuột cấp GCNQSDĐ ngày 20/4/2004 bao gồm 2 thửa số 8 là 1.175m2 và thửa số 16 là 2.653m2 số tờ bản đồ Độc lập, thời hạn sử dụng đến năm 2010. Sau đó, GCNQSDĐ này đã được gia hạn, bà Trần Thị Anh đã tiến hành cho tặng, sang nhượng cho một số người khác.

Trả lời các khiếu nại của người dân, tại Báo cáo số 221/BC-UBND thành phố ngày 9/7/2018 đã nêu: Việc cấp GCNQSDĐ trên là đúng luật, các hộ khác không được cấp do không hoàn thiện được hồ sơ, không có bản xác nhận là hộ sản xuất nông nghiệp dù đã được hướng dẫn.

“Điều này là hoàn toàn sai sự thật, không hề có ai hướng dẫn chúng tôi”, ông Chức bức xúc.

Ngày 8/4/2016, hộ ông Chức nhận được thông báo của UBND TP về việc thu hồi diện tích 1.399,2m2 thuộc thửa đất số 10, tờ bản đồ số 56, phường EaTam để thực hiện Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng khu đất Trường Hành chính cũ theo Quyết định số 228/QĐ-UB ngày 1/2/1999 của UBND tỉnh Đắk Lắk.

Không đồng tình, người dân đã khiếu nại thông báo thu hồi.

Tuy nhiên, tại Văn số 848/UBND-TNMT ngày 11/5/2016 của UBND TP không chấp nhận các kiến nghị của người dân.

Ngày 31/8/2018, UBND TP Buôn Ma Thuột tiếp tục ban hành quyết định thu hồi đất thực hiện Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng khu đất Trường Hành chính cũ kèm theo là quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án.

Bồi thường không thỏa đáng, gây ảnh hưởng đến lợi ích của người dân

Đại đa số người dân không đồng ý với quyết định thu hồi đất, bởi phương án bồi thường, hỗ trợ quá thấp. Trong đó, có hộ ông Nguyễn Đức Hạnh bị thu hồi 306m2 đất trồng cây lâu năm, trên thửa đất có nhà chỉ được hỗ trợ hơn 5 triệu đồng; hộ ông Nguyễn Đức Hữu bị thu hồi 285,7m2 đất trồng cây lâu năm, trên thửa đất có nhà được hỗ trợ hơn 450 ngàn đồng.

Ngày 12/12/2018, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột ra Thông báo số 510/TB-UBND thụ lý khiếu nại lần đầu.

Ngày 22/3/2019, UBND TP ban hành Văn bản số 267/TB-UBND thông báo kết quả giải quyết khiếu nại nêu rõ: UBND phường EaTam và Trung tâm Phát triển quỹ đất xác định hộ gia đình sản xuất nông nghiệp chưa đúng quy định.

Theo luật sư Đặng Quang Linh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Trị: Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột đã thụ lý khiếu nại nhưng không giải quyết theo đúng quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, tiếp tục ban hành văn bản giải quyết không bằng hình thức quyết định. Thậm chí, Văn bản số 267/TB-UBND nói trên còn có nội dung “lạc đề”, không giải quyết nội dung mà người khiếu nại yêu cầu.

Các hộ dân tiếp tục có đơn gửi đến Thành ủy Buôn Ma Thuột, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk nhưng chỉ nhận được các phiếu chuyển đơn.

Tại biên bản làm việc ngày 4/5/2019, ông Phạm Văn Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Buôn Ma Thuột có ý kiến: Tổng số hộ có diện tích thu hồi để thực hiện Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng khu đất Trường Hành chính cũ là 34 hộ. Có 23 hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nguồn gốc liên kết trồng cà phê với Trường Hành chính cũ với tổng diện tích 19.718m2.

Trong 4 hộ đã được cấp GCNQSDĐ gồm có hộ bà Trần Thị Anh, bà Lê Thị Hải Yến, ông Lê Thanh Bình, bà Phan Thị Thẳng; 10 hộ thuộc đối tượng sản xuất nông nghiệp nên đủ điều kiện bồi thường đất nông nghiệp, 9 hộ không đủ điều kiện bồi thường đất nông nghiệp.

Ngày 19/3/2021, UBDN TP Buôn Ma Thuột có Quyết định số 1482/QĐ-UBND thanh tra nguồn gốc đất một số hộ dân tại khu đất Trường Hành chính cũ.

Hơn 6 tháng sau, UBND TP ban hành Kết luận thanh tra số 03/KL-UBND ngày 24/9/2021, trong đó nêu: Nguồn gốc đất của các ông bà: Bùi Đình Tứ, Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Đức Hướng, Nguyễn Thị Thu Hoài, Nguyễn Đức Hữu, Nguyễn Thị Lệ Hằng có nguồn gốc của Trường Hành chính cũ đã được UBND tỉnh thu hồi của Trường Chính trị giao cho UBND TP quản lý theo Quyết định 228/QĐ-UB.

Tại kết luận này, UBND TP cho rằng: Năm 1984, Trường Hành chính tỉnh đã lập hợp đồng kinh tế về việc liên kết trồng cà phê với hộ gia đình ông Tứ và ông Chức. Tuy nhiên, UBND TP Buôn Mê Thuật không đưa ra các tài liệu, văn bản chứng minh như: Sơ đồ, bản đồ quyết định cấp đất, GCNQSDĐ, quy hoạch sử dụng đất của Trường Hành chính cũ; hợp đồng liên kết trồng cà phê… dẫn đến việc xác nhận sai nguồn gốc đất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân.

Trước tình trạng khiếu nại kéo dài của người dân, ngày 9/3/2022, UBND TP Buôn Ma Thuột có Quyết định số 1476/QĐ-UB về việc phê duyệt phương án bổ sung hỗ trợ. Theo đó, điều chỉnh mức hỗ trợ hộ gia đình ông Nguyễn Đức Hữu từ 450 nghìn đồng lên hơn 167 triệu đồng, hộ ông Nguyễn Đức Hạnh từ hơn 5 triệu đồng lên hơn 177 triệu đồng. Tuy nhiên, hộ ông Chức và ông Hạnh vẫn không chấp nhận với mức bồi thường trên.

Ngày 20/5/2022, UBND TP Buôn Ma Thuột ra Quyết định số 2982/QĐ-UB về việc cưỡng chế thu hồi đất; Thông báo số 654/TB-BTHCC về việc thay đổi thời gian tổ chức cưỡng chế; Thông báo số 30/TB-BTHCC ngày 6/6/2022 về việc tiếp tục biện pháp cưỡng chế để thực hiện công trình.

Đến ngày 8/6/2022, chính quyền TP đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất với 7 hộ gia đình.

Nhiều vấn đề pháp lý cần được làm rõ

Luật sư Đặng Quang Linh nhận định, việc tiến hành cưỡng chế thu hồi đất trên của UBND TP Buôn Ma Thuột có nhiều vấn đề pháp lý cần được làm rõ.

Luật sư này chỉ ra rằng, trước đó, ngày 27/5/2022, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Công văn số 4365/UBND-NNMT giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét rà soát, tham mưu UBND tỉnh xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Cũng theo luật sư, Ban Thực hiện cưỡng chế số 2979 UBND TP còn mắc lỗi trong Thông báo số 30/TB-BTHCC ngày 6/6/2022 nêu: Thời gian áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi bắt đầu lúc 8h00 ngày 8/6/2002 đến hết ngày 10/6/2022 là hơn 20 năm. Sai sót nghiêm trọng nhưng Ban Thực hiện cưỡng chế số 2979 không thu hồi, điều chỉnh văn bản mà vẫn tiếp tục thực hiện cưỡng chế.

Cũng tại văn bản này, ông Phạm Văn Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP ký thay lãnh đạo UBND TP làm Trưởng ban Thực hiện cưỡng chế 2979, nhưng không ghi chức danh và sử dụng con dấu của Trung tâm Phát triển quỹ đất để thay cho con dấu của UBND TP. Do đó, đã vi phạm nghiêm trọng về nội dung, hình thức văn bản hành chính nên Thông báo số 30/TB-BTHCC không có giá trị pháp lý, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Trị khẳng định.

Ở diễn biến khác, người dân còn phản ánh, từ Quyết định số 228/QĐ-UB ngày 01/2/1999 của UBND tỉnh, họ đã có đơn khiếu nại với nội dung: UBND tỉnh thu hồi đất của Trường Hành chính trùng với đất của các hộ dân.

Trường Hành chính cũ được thành lập năm 1977, không có quyết định giao đất của UBND tỉnh Đắk Lắk, nên diện tích đất nhà trường đang sử dụng chỉ có 18.040m2; diện tích đất còn lại là 30.680m2 bị UBND tỉnh thu hồi là đất do cán bộ, nhân viên nhà trường khai hoang, san lấp hố bom để canh tác trồng cây cải thiện đời sống.

Việc UBND tỉnh thu hồi đất nhưng không tống đạt cho các hộ dân bị thu hồi là trái với Điều 28 Luật Đất đai 1993, luật sư Linh cho biết.

Bên cạnh đó, Quyết định số 228 nêu rõ: Giao 30.680,2m2 đất trong tổng số diện tích đất nói trên cho UBND TP Buôn Ma Thuột quản lý, để thu thuế nông nghiệp theo quy định. UBND TP phải tiến hành hoạt động quản lý Nhà nước về đất đai là hướng dẫn đăng ký, cấp GCNQSDĐ cho người dân làm cơ sở thu thuế nông nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều lần UBNDTP từ chối cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân.

Theo luật sư Linh, căn cứ theo hoàn cảnh lịch sử sử dụng đất, hiện trạng và các văn bản pháp lý liên quan, người dân yêu cầu được công nhận QSDĐ, được đền bù theo Điều 101 Luật Đất đai 2013 là hoàn toàn khách quan và chính đáng.

Từ khóa » Diện Tích Hồ ông Giám