Cần Sa - Cuộc Chiến Quanh Ta - Báo Công An Đà Nẵng
Có thể bạn quan tâm
(Cadn.com.vn) - Từ một loài cây hoang dại, cần sa đã đi vào đời sống của con người và nó tồn tại với cả 2 mặt hoàn toàn đối lập: tích cực và tiêu cực. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến những tác hại không lường trước được khi con người lạm dụng cần sa, và bị loài cỏ độc này khống chế đến tàn hại sức khỏe, đánh mất tương lai.
Cây cần sa (cannalis sativa), còn gọi là bồ đà, bu đà, cây lanh gai... Trong cần sa có chứa chất tetrahydrocannabinol: (THC), chất này có tác dụng hạ huyết áp, an thần, nhưng đặc biệt là kích thích và gây nghiện, tạo cảm giác thư giãn, sảng khoái, phấn chấn với những ảo giác. Nhựa cần sa có nồng độ gây nghiện gấp 8-10 lần thảo mộc cần sa. Tinh dầu cần sa có màu hơi tối và nồng độ các chất gây nghiện cao gấp 3-4 lần nhựa cần sa. Hiện nay phần lớn các quốc gia trên thế giới đều coi việc trồng, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ cần sa là bất hợp pháp. Vậy nhưng, bây giờ nhiều người sử dụng cần sa vẫn tưởng... đó chỉ là một loại thảo mộc.
Cách đây vài năm, thanh niên Đà Nẵng cũng rất khoái sử dụng cần sa, coi như một kiểu chơi sành điệu. Đến quán bar, cà-phê nào mà có mùi khói ngai ngái thì đích thị chỗ đó đang phi bồ đà. Loài cỏ độc này dễ mua, quán thuốc lá lẻ nào cũng có, họ gùi bán như thuốc rê, thuốc lào... Sau này, Nhà nước xác định bồ đà là một loại cỏ độc chứa chất ma túy gây nghiện có tác hại rất lớn, nên khuyến cáo không được dùng thì tình trạng sử dụng có lắng đi một dạo.
Lớp thanh niên trẻ bây giờ lao vào ma túy tổng hợp, bởi nó dễ mua, dễ sử dụng, dễ phi tang, và khi sử dụng thì không bay mùi như bồ đà. Song không phải ai cũng có tiền để chơi “hàng trắng”, “hàng đá”, “thuốc lắc”... nên một số người, đa số làm nghề xe thồ, phụ hồ, thợ nề, công nhân, sinh viên... đang là đệ tử trung thành của loại cỏ độc này. Tuy nhiên, họ sử dụng bồ đà không phải ở dạng thô như trước, tức chỉ là lá, rễ, thân cây phơi khô rồi cuộn lại hút, mà chủ yếu sử dụng bồ đà đã ủ kỹ (dạng như ủ thuốc rê), sử dụng nhựa hoặc tinh chất bồ đà...
Những thứ này nồng độ THC cao, độc tính cao và sử dụng không bay mùi khét. Để chứng minh về tác hại của bồ đà, xin kể câu chuyện mà người viết được tận mắt chứng kiến. Năm 1996, người viết rất thân với một anh bạn học Trường Quốc gia Âm nhạc Huế - anh người Quảng Nam, đẹp trai, lãng tử, thổi kèn hay tuyệt và cũng là “đệ tử” của cỏ độc bồ đà. Lúc đầu mới sử dụng anh thấy thật vui vẻ, khỏe khoắn, những bữa cơm rau đói rã rời của thời SV không hành hạ anh nữa vì chỉ cần hút vài điếu bồ đà.
Anh lạm dụng bồ đà đến mức nó hủy hoại nghiêm trọng hệ thống thần kinh trung ương - có giai đoạn đến ngay cả những người bạn thân như tôi anh cũng không nhận ra, cứ ngơ ngơ ngác ngác như người mất hồn, thân hình tiều tụy. Rồi anh lặng lẽ ra đi sau một lần say thuốc, chấm dứt một tuổi xuân, một tài năng đang độ chín. Chính cái chết của anh đã cảnh tỉnh cho rất nhiều SV đang hút bồ đà thời đó ở đất thần kinh.
Cần sa được sấy khô. |
Lâu quá rồi, bây giờ lại thấy nhiều đối tượng ở Đà Nẵng, trong đó có cả SV đang lao vào sự quyến rũ ma mỵ của bồ đà. Năm 2001, lực lượng CSGT CATP Đà Nẵng trong lúc TTKS đã phát hiện xe du lịch chở hàng tạ cần sa ép chặt, có cả vũ khí nóng... thủ phạm bỏ chạy thoát thân. Số cần sa này được biết chở vào tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Nha Trang. Sau vụ này, nguồn hàng khan hiếm, tình trạng sử dụng cần sa ở Đà Nẵng cũng giảm xuống. Nhưng thời gian gần đây nó lại rộ lên, không ồn ào với lượng buôn bán tiêu thụ lớn, không tập trung đông đảo những người hút hít, không nhạc ầm ĩ, song cần sa vẫn chảy vào Đà Nẵng, con nghiện cần sa vẫn âm thầm móc nối mua hàng về sử dụng, hoặc nhồi vào các điếu thuốc hút công khai.
Chúng mua nhựa cần sa về hòa với nước cất chích thẳng vào ven thì độ ép phê tăng lên rất nhiều, song cũng cực kỳ nguy hiểm, bởi khả năng sốc thuốc dẫn đến chết người, hoặc khả năng lây nhiễm HIV rất cao. Nếu chưa đến mức như vậy, thì nồng độ độc tố trong cần sa là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng biến chứng suy hô hấp, hoặc đẩy nhanh tiến độ phá hoại của các tế bào ung thư trong cơ thể. Qua nghiên cứu của các nhà khoa học kết luận: thói quen hút cần sa làm đột biến sự tiến triển của bệnh tâm thần ở người dễ mắc bệnh, nhất là trạng thái tâm thần phân liệt, chưa kể cần sa gây cho người hút trạng thái ngất ngây, dễ bị kích động.
Theo báo cáo mới đây nhất của Cơ quan Phòng, chống ma túy (Bộ CA), trong năm 2009, lực lượng CA phát hiện, thu giữ gần 2.000kg cần sa tươi, rất nhiều cần sa khô và nhựa cần sa đóng thành bánh hoặc viên nén như ma túy tổng hợp. Nhưng đó vẫn chỉ là con số thống kê từ những vụ bị phát hiện, bắt giữ, còn thực tế thì có rất nhiều trường hợp khác, nhiều hình thức khác đưa cần sa về bán cho con nghiện, có nhiều địa phương phát hiện cần sa được trồng ngay tại rẫy hoặc trong vườn nhà, thậm chí trồng trong chậu như cây kiểng để cung cấp cho con nghiện hoặc để sử dụng...
Nguyễn Xuân Tung bị đưa đi cai nghiện tập trung. |
Tại Đà Nẵng, chưa có thống kê hiện có bao nhiêu người sử dụng ma túy dưới dạng bồ đà, song từ những vụ án đã phá, bên cạnh số tang vật thu được là heroin, hồng phiến, ketamin thì còn có cả bồ đà. Một số vụ lực lượng CATP Đà Nẵng phát hiện gần đây có những con nghiện nặng, tái nghiện nhiều lần vẫn trung thành với cỏ độc bồ đà bởi nó rẻ tiền, nếu không hút mà chích nhựa vào trong ven thì tính ép phê còn mạnh hơn ma túy tổng hợp và độc tính của nó rất nặng.
Điển hình như trưa 21-5-2010, lực lượng CSPCTPMT và Kinh tế CAQ Hải Châu phối hợp CAP Thuận Phước bắt quả tang tại nhà số 306 - Chung cư số 4, P. Thuận Phước, Nguyễn Văn Đông (1972, trú địa chỉ trên) đang bán cần sa cho Nguyễn Đức Huy (1962, trú P. Bình Thuận, Q. Hải Châu). Khám xét tại chỗ lực lượng CA thu giữ 6 bao ni-lông đựng cần sa và một số tang vật có liên quan.
Theo điều tra, Đông là đối tượng nghiện ma túy, thời gian gần đây đã chuyển sang buôn bán cần sa. Mới đây, rạng sáng 26-5, khi lực lượng CAQ Hải Châu đột kích quán bar Eve Pub phát hiện hơn 20 đối tượng đang say ma túy, trong đó có nhiều đối tượng sử dụng cần sa, cụ thể như trường hợp của Nguyễn Xuân Tung (1988, trú P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà). Tung nghỉ học sớm, theo nghề thợ nề rồi đua đòi theo bạn xấu và trở thành đệ tử trung thành của cỏ độc bồ đà từ mấy năm nay...
Rõ ràng, tác hại của việc sử dụng bồ đà cũng như thực trạng thanh thiếu niên sử dụng loại cỏ độc này dù diễn ra âm thầm, nhưng nó lại là một mặt trận nóng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Vậy nên, ngăn chặn và chấm dứt việc buôn bán, vận chuyển, sử dụng bồ đà là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Hoài Hương
Từ khóa » Bồ đà Là Cái Gì
-
Cần Sa Có Phải Là Ma Túy Không? - Vinmec
-
Hút Bồ đà: Giới Trẻ đang Sa đà Với Làn Khói Nâu | Báo Dân Trí
-
Sa Vào Bồ đà Là Chết ! - Báo Người Lao động
-
Khiếp đảm Chuyện Giới Trẻ Say Bồ đà - Công An Nhân Dân
-
Rợn Người Giới Trẻ "nhậu Khói" Bồ đà - Tuổi Trẻ Online
-
Cây Bồ Đà Là Gì - Rợn Người Giới Trẻ Nhậu Khói Bồ Đà
-
Cần Sa Có Phải Là Ma Túy?
-
Rợn Người Giới Trẻ “nhậu Khói” Bồ đà - Báo Thanh Niên
-
Cần Sa (chất Kích Thích) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Hướng Dẫn Phân Biệt Các Chất Ma Túy Hiện Nay Và Tác Hại Của Chúng
-
Cần Sa - Loại Ma Túy ảnh Hưởng đến Não Bộ Vĩnh Viễn
-
Hút Cần Sa - Thú Chơi đầy Hiểm Họa
-
Những điều Cần Biết Về Cần Sa
-
Hút Bồ Đà Có Tác Hại Gì
-
[Top Bình Chọn] - Cây Bồ đà Là Gì - Hoàng Gia Plus
-
Kinh Ngạc Với Những Sự Thật ít Ai Biết Về Cần Sa