Cần Thận Trọng Tin Chia Sẻ Bài Thuốc Phòng COVID-19

Gần đây, nhiều người chuyền tay nhau toa thuốc Tây uống để phòng COVID-19. Về Đông y, người dân chia sẻ phương pháp dân gian như xông hơi, uống nước chanh mật ong, uống vitamin C... Trong đó, phương thức đang được lan truyền nhiều nhất là uống nước dừa, nấu cùng đường phèn, gừng. Theo các bác sĩ, người dân không nên tin vào những tin đồn, mà cần được bác sĩ tư vấn, điều trị nếu không may mắc bệnh.

Cần thận trọng trước những toa thuốc phòng COVID-19 được chia sẻ trên mạng Internet.

Chị Nguyễn Thị Diễm Phượng, bán nước giải khát ở đường Võ Trường Toản, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đang luôn tay chặt dừa cho khách. Chị cho biết: “Gần đây nhiều người đến mua dừa. Họ còn nói lấy nước 1 trái dừa, nấu với 6 lát gừng và 6 cục đường phèn (đầu ngón tay) nấu sôi, để nguội uống giúp phòng bệnh COVID-19. Không biết có hiệu quả không mà nhiều người mua uống. Có người uống được vài ngày, gặp tôi than uống nhiều nóng trong người, chịu không nổi mới ngưng uống”.

Còn chị B.T.N được người quen chỉ toa thuốc uống phòng COVID-19 gồm: Omepprazol, Coldacmin, Hapacol, Vitamin C, Eugica và Terpinzoat. Tin tưởng, chị mua cho cả nhà uống để phòng COVID-19. Mỗi người trong nhà uống từ 1-2 liều để phòng bệnh. Chị N cho biết: “Xung quanh nhà xuất hiện nhiều ca F0, sợ lây bệnh nên tôi mua cho cả nhà uống. Nhiều người dân mách nhau uống C sủi, 1 tháng uống 10 viên”.

Không riêng gì chị N, nhiều người dân chuyền tay nhau các toa thuốc chép tay điều trị F0 tại nhà, thậm chí còn đến nhà thuốc mua trữ sẵn trong nhà. BS Võ Đình Quỳnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TP Cần Thơ, đơn vị đang phụ trách Bệnh viện Dã chiến số 3, cho biết: “Trong Đông y không có bài thuốc nào từ nước dừa, đường phèn và gừng để phòng, điều trị COVID-19. Phương pháp tốt nhất hiện nay là 5K và vaccine. Song song đó là tăng sức đề kháng bằng cách tập thể dục (nhất là tập thở, xoa bóp toàn thân), dinh dưỡng hợp lý. Người dân không nên tin vào các lời đồn, thiếu căn cứ khoa học”.

Những bài thuốc phòng bệnh là giả nhưng có thể gây ra bệnh thật. Vì thế, khi áp dụng bất cứ bài thuốc nào người dân nên tham khảo thông tin chính thống, tư vấn bác sĩ. Với các bài thuốc, phương pháp trị bệnh Đông y, F0 cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để áp dụng cho đúng. Hiện nay, các đơn vị như Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Sở Y tế TP Cần Thơ có ban hành hướng dẫn cụ thể việc sử dụng thuốc, chăm sóc, theo dõi F0 điều trị tại nhà.

Quyết định số 4539/QĐ-BYT ngày 25-9-2021 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch COVID-19”. Theo Y học cổ truyền, với COVID-19, tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp trên, giai đoạn đầu tập trung chủ yếu ở vùng mũi họng. Sử dụng một số phương pháp y học cổ truyền kết hợp với các phương pháp phòng bệnh khác theo quy định để hạn chế lây nhiễm và phòng ngừa bệnh.

Xông phòng ở, nơi làm việc: Dùng các loại thuốc, tinh dầu có tác dụng phương hương hóa thấp.

Phương pháp 1: Nguyên liệu: Hoắc hương, Sả, Chanh, Bạc hà, Húng quế, Gừng, Tỏi, lá Bưởi, Kinh giới, Tía tô, Tràm gió… Có thể dùng 1 loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại 200g-400g, tùy theo diện tích phòng. Cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuyếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Ngày 2 lần, sáng và chiều.

Phương pháp 2: Sử dụng tinh dầu Hoắc hương, Sả, Chanh, Bạc hà, Hương nhu, Bưởi, Tràm, Quế... được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành. Liều dùng, cách dùng: Tùy theo diện tích phòng (10 - 40m2) lấy lượng tinh dầu phù hợp (2 - 4ml), hòa tan tinh dầu trong ethanol 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2 đến 3 lần.

Lưu ý: Không được xông trực tiếp vào người. Không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.

Sát khuẩn/vệ sinh tại chỗ vùng mũi họng: Sử dụng dung dịch có nguồn gốc từ dược liệu có tác dụng tuyên phế lợi họng, thuốc cổ truyền để xúc họng, xịt mũi họng, xông mũi họng nhằm làm sạch đường hô hấp trên. Lựa chọn sử dụng một số dược liệu, thuốc cổ truyền nhằm bồi bổ chính khí, nâng cao thể trạng: Hoài sơn, Trần bì, Hoàng kỳ, Bạch linh, Bạch biển đậu, Đảng sâm, Thái tử sâm, Ý dĩ nhân, Cam thảo… Lưu ý: Người có bệnh lý nền cần tuân theo tư vấn và chỉ định của thầy thuốc.

Bài, ảnh: H.HOA

Từ khóa » Dừa Gừng đường Phèn Trị Covid