Cẩn Thận Với Những Bệnh Dị ứng Hay Gặp

Dị ứng thực phẩm

Dị ứng thực phẩm có thể xảy ra với bất cứ ai, vào bất cứ độ tuổi nào. Khi bị dị ứng thực phẩm, người bệnh sẽ có các dấu hiệu rất dễ nhận biết. Ở ngoài da thì nổi mẩn, mề đay, ngứa, sưng đỏ, mạch máu sưng phồng. Ở hệ thống tiêu hóa thì môi, miệng và cuống họng sưng phồng, đầy bụng, nôn mửa, bụng đau cuộn, tiêu chảy. Ở hệ thống hô hấp thì khó thở, suyễn, khò khè, ho, nghẹt mũi, chảy nước mũi... Những phản ứng của dị ứng thực phẩm có thể xảy ra ngay khi ăn những loại thực phẩm dị ứng, hoặc sau vài giờ, có khi vài ngày sau đó. Ở những người có cảm ứng quá mạnh, chỉ cần ngửi hoặc sờ mó vào thực phẩm là có thể bị ngay dị ứng. Nếu bạn đã từng bị dị ứng thực phẩm, trước khi ăn bất cứ món gì, nhất là ở tiệm, hãy hỏi kỹ về món ăn định chọn. Và nhớ mang theo mình thuốc chống dị ứng để phòng trường hợp bất trắc.

Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là hiện tượng mũi bị viêm, sưng tấy do dị ứng với các tác nhân trong và ngoài cơ thể như bụi, khói, lông, tơ, thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất không khí... Các dấu hiệu điển hình là bệnh nhân ngứa mũi, họng và mắt, hắt hơi thường xảy ra vào buổi sáng, giảm nhiều vào buổi trưa và buổi tối, chảy nước mũi trong, sau đó thì có màu vàng hoặc trắng đục do bị bội nhiễm, nghẹt mũi thường xảy ra sau một tràng hắt hơi và kèm theo một số triệu chứng phụ như nhức đầu, ho, đau họng và có thể sốt nhẹ. Nếu bị viêm mũi dị ứng theo mùa bạn nên ở trong nhà, đóng các cửa sổ; sử dụng máy lạnh thông khí, tránh sử dụng quạt vì nó có thể mang các dị nguyên bên ngoài vào; tắm hoặc thay quần áo sau khi đi ra ngoài, tránh phơi quần áo ngoài trời.

Dị ứng mắt

Nhiều người cho rằng, da, mũi mới dễ bị dị ứng, chứ mắt, do luôn có nước mắt “bảo vệ” nên khó nhiễm bệnh. Nhưng trong thực tế, mắt thuộc nhóm cơ quan có nguy cơ cao bị dị ứng do mắt thường xuyên tiếp xúc với môi trường. Không những thế, do phần bên ngoài của mắt lại luôn ẩm ướt, nên khả năng bám dính và kích ứng của các kích thích và dị nguyên sẽ tăng lên. Nhờ có nước mắt, các dị nguyên có thể nhanh chóng bị rửa trôi, nhưng chỉ cần một thời gian rất ngắn, chúng cũng đã có thể gây ra các biểu hiện dị ứng tại mắt. Người ta chia dị ứng mắt thành nhiều dạng: viêm kết mạc dị ứng; viêm giác mạc; viêm bên trong nhãn cầu... Các viêm nhiễm tại mắt có thể là do các nguyên nhân sau: dị ứng phấn hoa, viêm mũi xoang dị ứng, dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, hen, chàm, mất cân bằng dinh dưỡng, hóa chất, dùng mỹ phẩm bừa bãi... trong đó dị ứng mắt theo mùa là bệnh nhẹ, chỉ gây ngứa ngáy, mắt đỏ, chảy nước mắt. Cơ nguyên dị ứng mắt là phản ứng do tế bào mast cell bị kích thích bởi Immunoglobin E, khởi sự do bụi dị ứng sinh ra. Những chất trung gian từ tế bào mast cells như histamine, prostaglandins, leucotrienes và kinins lần lượt kích thích dây thần kinh, làm nở mạch máu, tiết ra chất nhờn, làm mắt ngứa, cay và đỏ, sưng thành bọng nước trong mắt và ra ghèn. Khi bị di ứng mắt, cách tốt nhất là phải loại trừ nhanh chóng các dị nguyên ra khỏi mắt. Bệnh nhân không nên dùng tay dụi mắt vì sẽ kích thích tế bào mast cells làm bệnh nặng thêm. Bệnh nhân có thể rửa mắt bằng nước lạnh, nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo (nếu dùng nước mắt nhân tạo mà còn bị đau mắt thêm, hay đỏ mắt hơn, hay bị kích thích thì nên ngưng dùng). Chườm lạnh cũng là phương pháp hữu hiệu để giảm phù mi, giảm ngứa và kích thích do làm co mạch và ổn định màng tế bào có chức năng miễn dịch. Để phòng dị ứng, bệnh nhân phải tránh tiếp xúc với những dị nguyên, chất kích thích có thể gây dị ứng cho mắt.

Nguồn: http://suckhoedoisong.vn

Từ khóa » Dị ứng Khói Than