Cận Thị ở Trẻ Em Có Nguy Hiểm Không? | TCI Hospital

Cận thị ở trẻ là một vấn đề đáng lo ngại với tỷ lệ trẻ mắc cận thị ngày càng tăng lên. Vậy cận thị ở trẻ em có nguy hiểm không, có kiểm soát và chữa được không, bạn hãy theo dõi trong bài viết dưới nhé.

Menu xem nhanh:

Toggle
  • 1. Cận thị ở trẻ em có nguy hiểm không?
    • 1.1. Bong võng mạc dịch kính
    • 1.2. Lác (lé)
    • 1.3. Nhược thị
  • 2. Cận thị ở trẻ em có phòng ngừa được không?
  • 3. Cận thị ở trẻ em có chữa được không?

1. Cận thị ở trẻ em có nguy hiểm không?

Ở trẻ bị cận thị trục nhãn cầu dài hơn so với bình thường khiến hình ảnh được hội tụ ở trước võng mạc. Vì vậy trẻ chỉ có thể nhìn rõ những vật ở cự ly gần, còn các vật ở khoảng cách xa nhìn bị mờ. Do đó, nếu cận thị ở trẻ không được điều chỉnh thì trẻ không nhìn thấy chữ ở trên bảng, làm kết quả học tập bị suy giảm.

Vậy cận thị ở trẻ em có nguy hiểm không, một vấn đề được không ít bậc phụ huynh quan tâm khi có con bị mắc tật cận thị. Cận thị ở mức độ nhẹ chỉ gây ra bất tiện trong học tập, vui chơi, sinh hoạt mà không nguy hiểm đến thị lực của trẻ. Tuy nhiên, cận thị nặng lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về mắt cao hơn so với bình thường. Đáng chú ý nhất là cận thị tiến triển nặng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe thị lực ở trẻ, dẫn đến mắc các bệnh lý về mắt khác như bong võng mạc dịch kính, lác, nhược thị.

cận thị ở trẻ

Cận thị ở trẻ có thể biến chứng nguy hiểm thành các bệnh lý ở mắt.

1.1. Bong võng mạc dịch kính

Bệnh lý về mắt này ít xảy ra với trẻ, nhưng nếu trẻ bị cận thị nặng bẩm sinh thì các bậc phụ huynh cần lưu ý. Mức độ cận thị càng cao thì trục nhãn cầu càng dài và lồi ra phía trước, lúc này võng mạc sẽ bị kéo cong khiến vùng chu biên võng mạc bị mỏng và thoái hóa dần. Lâu ngày, các tế bào thần kinh sẽ mất kết dính dẫn tới bong võng mạc hoặc xuất huyết dịch kính, với tình trạng này thì khả năng phục hồi thị lực rất kém, nguy cơ cao có thể bị mù hẳn.

1.2. Lác (lé)

Lác (lé) là tình trạng hai đồng tử của mắt không nằm ở vị trí cân đối, khi nhìn thẳng mà bị lệch sang một bên hoặc cả hai bên đều bị lệch. Khi cận thị càng cao, sự phối hợp điều tiết cơ mắt quy tụ càng kém và dẫn tới lác ngoài hoặc lác luân phiên, gây mất thẩm mỹ và suy giảm thị lực.

Nếu trẻ bị lác nhẹ có thể đeo kính cận để khắc phục, tuy nhiên nếu trẻ có độ cận quá cao, thì hiện tượng lác cũng không điều chỉnh hết được.

Nhiều phụ huynh khi thấy con bị lác thường chỉ nghĩ rằng gây mất thẩm mỹ mà không biết rằng lác còn ảnh hưởng đến sức khỏe thị lực của trẻ, và lác có thể biến chứng thành bệnh nhược thị.

cận thị nặng gây lác ở trẻ

Lác là một biến chứng nguy hiểm của cận thị nặng ở trẻ em.

1.3. Nhược thị

Nhược thị là biến chứng nguy hiểm nhất ở trẻ bị cận thị, triệu chứng thường rất khó để nhận biết khiến nhiều phụ huynh khi phát hiện con bị nhược thị thì tình trạng bệnh đã nặng và có thể lỡ mất thời điểm vàng để thực hiện điều trị nhược thị cho trẻ.

Nhược thị là tình trạng suy giảm thị lực nặng do não bộ không thể nhận biết được hoàn toàn hình ảnh mà mắt truyền đến. Nhược thị xảy ra khi cận thị nặng, khiến mắt phải điều tiết quá nhiều, võng mạc không kích thích để truyền tín hiệu ảnh một cách rõ nét.

Vì vậy, các bậc phụ huynh nên cho trẻ đi khám mắt định kỳ để phát hiện kịp thời tiến triển cận thị và thực hiện các phương pháp kiểm soát sớm.

2. Cận thị ở trẻ em có phòng ngừa được không?

Nếu như không bị cận thị bẩm sinh thì cận thị ở trẻ hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng các phương pháp sau:

– Cho trẻ dành thời gian chơi ngoài trời, giảm thời gian tiếp xúc với tivi và máy tính.

– Cho trẻ đi khám mắt ngay khi có các dấu hiệu bất thường hoặc khám mắt định kỳ để kiểm soát tốt các vấn đề ở mắt, trong đó có cận thị.

– Ngoài ra, các bậc phụ huynh và thầy cô giáo cần chú ý nhắc nhở trẻ chú ý giữ tư thế ngồi thẳng khi học, ngồi học ở nơi đủ ánh sáng, không ngồi học liên tục trong thời gian dài, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử,… Bên cạnh đó, nên cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin A.

kiểm soát cận thị ở trẻ em

Cho trẻ đi khám mắt định kỳ là biện pháp tốt giúp phòng ngừa cận thị ở trẻ.

3. Cận thị ở trẻ em có chữa được không?

Hầu hết các phương pháp điều trị cận thị hiện nay chưa có phương pháp nào có thể chữa dứt điểm cận thị, kể cả cận thị ở trẻ mà chỉ hỗ trợ điều chỉnh lại khúc xạ của ánh sáng trước khi đi vào mắt thông qua thấu kính hoặc điều chỉnh lại tạm thời hình dáng của giác mạc. Vì vậy, để có thể nhìn rõ được thì trẻ cần đeo kính.

Hai phương pháp giúp hỗ trợ cải thiện thị lực hiệu quả và an toàn ở trẻ em cận thị là điều chỉnh kính và chỉnh hình giác mạc tạm thời

– Chỉnh kính: Trẻ sẽ được bác sĩ Nhãn khoa chọn đơn kính với phù hợp với độ cận để cải thiện tầm nhìn cũng như mang lại cảm giác thoải mái cho mắt.

– Ortho K (Orthokeratology): là kính áp tròng cứng giúp định hình lại “tạm thời” hình dạng của giác mạc khi đeo khoảng 6 – 8 tiếng vào ban đêm khi ngủ. Khi tháo kính vào sáng ngày hôm sau trẻ sẽ nhìn rõ được thế giới xung quanh mà không cần đeo kính lại trong ngày. Vì vậy trẻ có thể tự tin và thoải mái học tập, vui chơi mà không cần lo quên hay rơi vỡ kính. Đặc biệt, Ortho K còn có khả năng làm chậm lại hoặc dừng lại tăng độ cận thị của trẻ, được bác sĩ nhãn khoa khuyên dùng để kiểm soát cận thị ở trẻ ở mức một mức nhất định.

Như vậy, cận thị ở trẻ em hoàn toàn có thể diễn tiến nặng gây nguy hiểm đến sức khỏe thị lực của trẻ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì vậy, khi trẻ bị cận thị thì các bậc phụ huynh nên cho con đi khám và điều trị càng sớm càng tốt. Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI là nơi thăm khám, chẩn đoán và điều chỉnh tật cận thị cho trẻ được hàng chục nghìn bậc phụ huynh tin tưởng lựa chọn.

Từ khóa » Các Bệnh Nguy Hiểm Về Mắt ở Trẻ Em