Can Thiệp Bít Lỗ Bầu Dục, Giải Thoát Nữ Doanh Nhân Khỏi Nỗi Sợ đột ...

Hơn 20 năm chung sống với trái tim không lành lặn, một lần đột quỵ nhồi máu não khi mới ngoài 40, nỗi lo bệnh tật cứ lởn vởn quanh nữ doanh nhân ngành mỹ phẩm. Chỉ đến khi được can thiệp bít lỗ bầu dục trong tim, chị mới trút bỏ được gánh nặng bệnh tật luôn chực chờ.

Hồi trẻ, chị N.T.H.P. (49 tuổi, ở Trà Vinh) P. từng tự hào mình khỏe mạnh nhất trong mấy anh chị em. Đến khi mang thai đứa con đầu lòng năm 27 tuổi, đi khám bác sĩ nói chị có bệnh tim bẩm sinh “tồn tại lỗ bầu dục”, tuy chưa gây nguy hiểm đến thai kỳ nhưng nó mở đầu cho nỗi lo “tim mình có bệnh” cứ lởn vởn quanh chị.

Hai lần sinh nở là hai lần thấp thỏm về trái tim nhưng may sao vẫn mẹ tròn con vuông. Tiếp đó, chị đã tìm đến những bệnh viện chuyên về tim mạch để thăm khám nhưng các bác sĩ chưa đề ra phương án khắc phục.

Cho đến năm 2013, sau một trận cảm nặng, huyết áp chị tụt thấp rồi lại cao chót vót, vô bệnh viện mới biết là đột quỵ, chị được chuyển đi điều trị tại TPHCM. Đến giờ, cơn bạo bệnh năm 42 tuổi vẫn còn ám ảnh chị P.: “Kỳ đó tui cứng hàm, đớ lưỡi, ú a ú ớ, bác sĩ nói là nhồi máu não. Nằm viện 3 tháng rưỡi tui mới về nhà. May mà cũng không bị di chứng. Một lần là sợ lắm rồi!”.

Một lần đã sợ lắm, mà bệnh này có thể bị lần 2, lần 3… nên khi biết Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ chuyên về đột quỵ, có nhiều chuyên gia ở TPHCM về nên chị tìm đến. Đối với mỗi bệnh nhân đột quỵ não các bác sĩ sẽ đi tìm nguyên nhân để có cách phòng ngừa đột quỵ tái phát, bởi tỷ lệ đột quỵ não tái phát khá cao, mỗi lần tái phát nguy cơ tử vong sẽ cao hơn. Vì vậy, tại Bệnh viện S.I.S, một lần nữa, chị được khám kỹ vấn đề tim mạch.

TS.BS Lê Trọng Phi và ekip tiến hành siêu âm tim qua thực quản cho bệnh nhân N.T.H.P

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường – Phó khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết: ở bệnh nhân P., điện tim 24 giờ (holter ECG) không ghi nhận cơn rung nhĩ nên loại trừ nguyên nhân nhồi máu não do cục máu đông từ rối loạn nhịp tim. MRI sọ não có tổn thương nhồi máu não cũ, nhưng không ghi nhận tình trạng hẹp mạch não nên loại trừ nguyên nhân đột quỵ não do hẹp mạch máu.

Tiến hành siêu âm tim qua thành ngực và siêu âm tim cản âm ghi nhận tồn tại lỗ bầu dục khoảng 3mm. Chức năng co bóp cơ tim bảo tồn, không ghi nhận hẹp hở van tim. Siêu âm tim qua thực quản ghi nhận rõ ràng hình ảnh tồn tại lỗ bầu dục, bệnh nhân đã được chẩn đoán nhồi máu não do nguyên nhân từ lỗ bầu dục này.

Hình ảnh DSA ca can thiệp bít dù lỗ bầu dục, “vá” tim cho chị N.T.H.P.

Sau đó, bệnh nhân được chỉ định bít lỗ bầu dục bằng phương pháp can thiệp nội mạch qua da. Ca can thiệp tiến hành ngày 17/5, kéo dài khoảng 20 phút, được thực hiện với sự hỗ trợ của TS.BS Lê Trọng Phi, một trong những chuyên gia đầu ngành về tim mạch.

Nhìn giỏ hoa tươi thắm do bạn bè gửi tặng mừng ca can thiệp tim thành công, khóe mắt chị N.T.H.P. long lanh chực trào. Là một nữ doanh nhân điều hành chi nhánh phân phối mỹ phẩm có tiếng ở Trà Vinh, chị P. tự nhận mình là người mạnh mẽ mà lại hay… mít ướt, nhưng những giọt nước mắt sau này sẽ không xuất phát từ nỗi buồn lo bệnh tật, mà là niềm vui được trở lại với gia đình, với công việc không còn lo nơm nớp về bệnh tim hay đột quỵ lần nữa.

Niềm vui xuất viện của nữ doanh nhân 49 tuổi87% tất cả nguyên nhân nhồi máu não do mạch máu xơ vữa hoặc cục máu đông từ tim.

30% nguyên nhân đột quỵ nhồi máu não không rõ nguyên nhân.

40-50% người đột quỵ não không rõ nguyên nhân có tồn tại lỗ bầu dục trong tim.

25% người bình thường có tật bẩm sinh tồn tại lỗ bầu dục trong trái tim.

Các phương pháp xác định tồn tại lỗ bầu dục: siêu âm tim qua thành ngực, siêu âm tim cản âm, siêu âm tim qua thực quản.

Can thiệp bít lỗ bầu dục qua da

Bít lỗ bầu dục bằng phương pháp can thiệp nội mạch qua da mới được nghiên cứu trong 5 năm gần đây. Những năm gần đây các nhà nghiên cứu thấy khi đóng lỗ này ở những trường hợp đột quỵ không rõ nguyên nhân sẽ phòng ngừa được đột quỵ tái phát.

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường

Từ khóa » Tồn Tại Lỗ Bầu Dục ở Trẻ Sơ Sinh