Cần Thiết Ban Hành Nghị định Số 72/2020/nđ-cp Quy định ... - Quốc Hội

Toàn cảnh buổi tập huấn Luật Dân quân tự vệ 2019

Tại buổi tập huấn, báo cáo viên cho biết, sau khi Quốc hội thông qua Luật Dân quân tự vệ năm 2019, để triển khai thi hành luật, ngày 30 tháng 6 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ. Đây là Nghị định quan trọng hàng đầu trong hệ thống pháp luật về dân quân tự vệ (DQTV), được cơ quan, đơn vị, địa phương, Nhân dân và lực lượng DQTV trên phạm vi toàn quốc rất quan tâm. Nghị định quy định nhiều nội dung mới, nhất là chế độ, chính sách đối với DQTV. Thực hiện tốt Nghị định này sẽ góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng DQTV.

Việc ban hành Nghị định là cần thiết vì các lý do sau: Thứ nhất, Luật Dân quân tự vệ năm 2019 giao Chính phủ quy định 7 nội dung liên quan đến tổ chức xây dựng lực lượng, chế độ, chính sách đối với DQTV. Thứ hai, ngày 05/01/2016 Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật DQTV năm 2009 (thay thế Nghị định số 58/2010/NĐ-CP) đã bộc lộ vướng mắc, bất cập về: Định mức bảo đảm chế độ, chính sách về phụ cấp chức vụ, trợ cấp ngày công lao động còn thấp, chưa tương xứng với tính chất hoạt động đặc thù quốc phòng, quân sự và mức sống tối thiểu của người lao động. Kiểu dáng trang phục chưa mang tính đặc trưng của Dân quân tự vệ là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân và chưa phù hợp với hoạt động đặc thù quốc phòng, quân sự. Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định: Thôn đội trưởng kiêm nhiệm chức vụ chỉ huy dân quân tại chỗ ở thôn; bảo đảm tiền ăn, phụ cấp đặc thù đi biển; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực. Quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị làm việc cho Ban chỉ huy quân sự cấp xã chung cho cả hai trường hợp có trụ sở làm việc và trường hợp chỉ có phòng làm việc là không phù hợp với thực tế. Quy định tiêu chuẩn trang phục chung cho các thành phần Dân quân tự vệ là chưa phù hợp, vì dân quân thường trực làm nhiệm vụ thường trực như hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội tại ngũ, nên tiêu chuẩn trang phục phải được bảo đảm nhiều hơn so với các thành phần Dân quân tự vệ khác.

Mục tiêu ban hành Nghị định nhằm cụ thể hóa nội dung của Luật Dân quân tự vệ giao Chính phủ quy định để tổ chức xây dựng, quản lý Dân quân tự vệ được chặt chẽ; bảo đảm chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ đúng quy định của Luật Dân quân tự vệ và thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan.

Quan điểm chỉ đạo của Nghị định là thể chế đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, đúng quy định của Luật Dân quân tự vệ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; Tháo gỡ vướng mắc, bất cập; không quy định chính sách mới, không làm tăng kinh ngân sách, kinh phí bảo đảm cho DQTV; Định mức chế độ, chính sách đối với DQTV phải cân đối với điều kiện, khả năng của đất nước và từng địa phương; phù hợp với tính chất hoạt động của từng loại hình DQTV.   

Báo cáo viên cho biết, Nghị định gồm 4 chương, 18 điều; so với Nghị định 03/2016/NĐ-CP giảm 9 điều. Nghị định quy định về: Phân cấp quản lý đơn vị Dân quân tự vệ; số lượng Phó chỉ huy trưởng, tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị làm việc của Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; trang phục, sao mũ, phù hiệu của Dân quân tự vệ; mức hưởng chế độ phụ cấp các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ; định mức bảo đảm chế độ, chính sách cho từng thành phần Dân quân tự vệ; điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí, chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bị ốm đau, bị tai nạn, chết.

Nội dung cơ bản của Nghị định được bố cục thành các chương như sau: Chương I: Quy định chung, gồm 2 điều (Điều 1 và Điều 2), quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; Chương II: Phân cấp quản lý đơn vị Dân quân tự vệ; số lượng Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, gồm 2 điều (Điều 3 và Điều 4); Chương III: Bảo đảm trang thiết bị làm việc của Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ, gồm 11 điều (từ Điều 5 đến Điều 15); Chương IV: Điều khoản thi hành, gồm 3 điều (Điều 16, Điều 17 và Điều 18)./.

Từ khóa » Bố Cục Luật Dân Quân Tự Vệ 2019