Cần Xử Lý Nghiêm Tình Trạng Xe Máy Nẹt Pô Gây ô Nhiễm Tiếng ồn

Trong khi lực lượng chức năng không phải lúc nào cũng tuần tra, kiểm soát cố định dọc tuyến hay lưu động nên người dân cảm thấy rất bức xúc trước tình trạng tiếng ồn do các đối tượng sử dụng xe máy không có bộ phận giảm thanh hoặc độ/chế lại xe gây ra, đồng thời muốn biết mức phạt nếu cá nhân cố tình thay đổi kết cấu, sử dụng phương tiện giao thông không đảm bảo quy chuẩn tiếng ồn.

Về vấn đề này, pháp luật đã quy định rất rõ ràng, cụ thể Khoản 2 Điều 55 Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 quy định xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường quy định tại các Điểm a, b, d, đ, e, h, i và k Khoản 1 Điều này. Do đó, xe máy phải có bộ phận giảm thanh thì mới đủ điều kiện để tham gia giao thông.

Đẹp hơn, âm thanh giòn hơn, tốc độ tốt hơn nhưng việc thay đối kết cấu bộ phận giảm thanh cũng khiến chủ xe tốn khá nhiều tiền phạt. (Ảnh minh họa).

Cùng với đó, theo Điểm đ Khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, xử phạt từ 100 - 200 nghìn đồng với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không có tác dụng, không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn.

Tiếp nữa, Điểm c Khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng nêu rõ, phạt tiền từ 400 - 600 nghìn đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.

Theo Luật gia Nguyễn Thế Hiển, Công ty luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại TP Hà Nội) cho biết, để một phương tiện giao thông được bày bán, sử dụng trên thực tế, sản phẩm phải đáp ứng được những điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định, trong đó có những yêu cầu nhất định về lượng khí thải, về âm thanh khi khởi động phương tiện.

Như vậy, rõ ràng độ/chế bộ phận giảm thanh là hành vi vi phạm pháp luật. Về mức phạt, theo Khoản 3 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 - 2 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe…

Có thể thấy rằng, rất nhiều phiền toái, rủi ro và hệ lụy phát sinh khi tự ý thay đổi đặc tính xe (ở đây là độ/chế bộ phận giảm thanh) và cố tình tham gia giao thông, tuy nhiên, chế tài xử phạt hiện nay xem ra chưa đủ sức răn đe.

Do đó, bên cạnh yêu cầu cần tiếp tục có những thay đổi mạnh mẽ trong công tác xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung văn bản pháp luật để người dân nhận thức rõ hơn quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong quá trình tham gia giao thông, thì lực lượng chức năng phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đặc biệt trên các tuyến đường huyết mạch nhiều làn, trục giao thông quan trọng, cũng như đẩy mạnh áp dụng chế tài "phạt nguội" khi có đủ căn cứ hành vi vi phạm từ nguồn video clip hay hình ảnh mà người dân cung cấp.../.

Từ khóa » Tiêu Chuẩn âm Thanh Pô Xe