Căng Thẳng Thần Kinh (stress) Là Gì? Triệu Chứng & Thuốc • Hello Bacsi

Tìm hiểu chung

Căng thẳng thần kinh là gì?

Căng thẳng thần kinh (stress) là một yếu tố vật lý, hóa học hoặc cảm xúc do những bất ổn về tinh thần gây ra. Khi bạn căng thẳng, cơ thể phản ứng như lúc bạn gặp nguy hiểm bằng cách tiết ra các hormone giúp cung cấp năng lượng mạnh mẽ cho các cơ và làm tăng nhịp tim, khiến bạn thở nhanh hơn (phản ứng chống căng thẳng).

Căng thẳng tích cực sẽ có ảnh hưởng tốt,  giúp chúng ta tập trung, đáp ứng các tình huống khó khăn, đây là phản ứng cần thiết trong cuộc sống. Căng thẳng tích cực buộc mỗi người phải hành động để có nhận thức và quan điểm mới thú vị hơn.

Tuy nhiên, nếu căng thẳng xảy ra thường xuyên hoặc kéo dài quá lâu sẽ gây tác động xấu. Căng thẳng có liên quan đến đau đầu, bụng, lưng và khó ngủ, làm suy yếu hệ thống miễn dịch, gây khó khăn cho việc điều trị bệnh. Nếu bạn đã mắc bệnh, căng thẳng có thể làm tình trạng sức khỏe tồi tệ hơn. Bạn cũng thường xuyên buồn, lo âu hay chán nản, gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội cũng như công việc và học tập.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng căng thẳng thần kinh là gì?

7-dau-hieu-cua-su-cang-thang

Stress gây ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần, cảm xúc và hành vi của một người. Các dấu hiệu stress và triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Thể chất: mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, đau nhức/chuột rút cơ bắp (đặc biệt là cổ, vai và lưng), tim đập nhanh, đau ngực và buồn nôn
  • Tinh thần: giảm tập trung và trí nhớ, thiếu quyết đoán, lơ ngơ, lú lẫn và mất khả năng hài hước.
  • Cảm xúc: lo âu, căng thẳng, trầm cảm, tức giận, thất vọng, lo lắng, sợ hãi, khó chịu, thiếu kiên nhẫn và nóng tính.
  • Hành vi: hối hả, bồn chồn, ăn uống nhiều, hút thuốc, uống rượu, khóc, la hét, đổ lỗi và thậm chí đập vỡ hay ném đồ vật xung quanh.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập khi mắc chứng chăng thẳng thần kinh. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng hoặc biểu hiện stress nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây căng thẳng thần kinh

ảnh hưởng của stress

Nguyên nhân stress gồm hai yếu tố: bên ngoài và bên trong.

  • Yếu tố bên ngoài: bao gồm các sự kiện lớn trong cuộc sống như mất việc, mất mát người thân hoặc do các môi trường sống như ánh sáng hoặc tiếng ồn quá mức.
  • Yếu tố bên trong: xảy ra trong cơ thể, do chính bản thân tự tạo áp lực vào cuộc sống, ví dụ như có những kỳ vọng không thực tế, tiêu cực với bản thân hoặc sử dụng quá mức caffeine hay rượu và thiếu ngủ liên tục.

Nguy cơ mắc phải

Đối tượng dễ bị căng thẳng thần kinh

Stress là tình trạng rất phổ biến và ảnh hưởng tới mọi người bất kể độ tuổi, giới tính, chủng tộc. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Yếu tố làm tăng nguy cơ stress

Đối phó với stress

Mức độ căng thẳng trong cuộc sống phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố cá nhân như sức khỏe thể chất, các mối quan hệ, cam kết và trách nhiệm của mỗi người. Ngoài ra, mong đợi từ bản thân hay xã hội, sự hỗ trợ từ người khác và những thay đổi về sức khỏe hay điều kiện sống cũng là những yếu tố gây stress.

Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của căng thẳng. Những người có mối quan hệ xã hội rộng rãi (bao gồm gia đình, bạn bè, các tổ chức tôn giáo hoặc các nhóm xã hội) thường ít căng thẳng và có sức khỏe tâm thần tốt hơn so với những người khác. Những người không ăn đủ chất dinh dưỡng, ngủ không đủ giấc hoặc có thể chất không tốt cũng không thể kiểm soát áp lực và căng thẳng với mức độ cao trong cuộc sống hàng ngày. Một số yếu tố gây stress thường liên quan đến các nhóm tuổi nhất định hoặc các giai đoạn phát triển. Trẻ em, thanh thiếu niên, sinh viên, bố mẹ và người già là những người thường xuyên phải đối mặt với căng thẳng do thay đổi trong cuộc sống.

Những người đang chăm sóc cho người thân lớn tuổi hoặc ốm yếu cũng có thể gặp rất nhiều căng thẳng. Nếu trong gia đình có một thành viên thường xuyên căng thẳng, thì mức độ căng thẳng của những người còn lại sẽ tăng lên.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Kỹ thuật y tế chẩn đoán stress

Các bác sĩ sẽ loại trừ bất kỳ các nguyên nhân bệnh về thể chất hoặc tinh thần gây ra các triệu chứng. Bác sĩ cũng xem xét bệnh sử và hoàn cảnh của bạn, bao gồm bất kỳ yếu tố gây stress nào có thể xuất hiện trong cuộc sống và cố gắng xác định mức độ căng thẳng và khả năng bạn đối phó với căng thẳng.

Những phương pháp nào dùng để điều trị căng thẳng thần kinh?

tư thế chó ngửa mặt

Để điều trị giảm stress, bạn cần kết hợp thay đổi lối sống, tư vấn bác sĩ, thư giãn và kiểm soát căng thẳng. Các thuốc điều trị căng thẳng sẽ tùy thuộc vào loại triệu chứng bạn đang trải qua và mức độ nghiêm trọng của chúng. Việc điều trị có thể dao động từ chữa trị triệu chứng đơn giản đến chăm sóc và kiểm tra tình hình sức khỏe khi nhập viện.

Khi đã loại trừ các nguyên nhân bệnh gây ra các triệu chứng và xác định các yếu tố liên quan đến stress, bác sĩ sẽ đưa ra một số biện pháp giảm căng thẳng phụ thuộc vào tính cách và lối sống, bao gồm:

  • Tập thể dục thường xuyên
  • Thói quen ăn uống và dinh dưỡng lành mạnh
  • Kiểm soát cảm xúc
  • Phản hồi với thay đổi của cơ thể
  • Tập yoga hoặc các hình thức tương tự
  • Thiền
  • Châm cứu
  • Tư vấn với các chuyên gia sức khỏe tâm thần khi cần thiết
  • Can thiệp y tế cho bất kỳ vấn đề sức khỏe nào được phát hiện.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của tình trạng căng thẳng thần kinh?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Nhận biết các yếu tố gây stress, phản ứng cảm xúc của cơ thể, đừng bỏ qua những điều nhỏ. Bạn nên xác định những điều gì là khó khăn với mình, những khó khăn đó có làm bạn lo lắng hay khó chịu không và tìm cách điều khiển cơ thể phản ứng với sự căng thẳng đó.
  • Thay đổi những yếu tố gây stress bằng cách tránh hoặc loại bỏ chúng hoàn toàn hoặc giảm cường độ, tần số và rút ngắn thời gian căng thẳng (nghỉ ngơi, rời khỏi môi trường gây căng thẳng).
  • Giảm cường độ phản ứng cảm xúc với stress. Bạn hãy thử xem căng thẳng như là một điều quen thuộc hơn là một cái gì đó áp đảo mình.
  • Điều chỉnh phản ứng cơ thể với stress. Bạn hãy thử tập thở sâu, chậm, điều này sẽ giúp nhịp tim và hô hấp trở lại bình thường.
  • Kỹ thuật thư giãn, như trị liệu thư giãn Jacobson, có thể làm giảm căng thẳng cơ bắp. Sử dụng phản hồi sinh học có thể giúp bạn tự kiểm soát căng thẳng cơ, nhịp tim và huyết áp. Massage và làm nóng các cơ bắp căng cứng để cải thiện lưu thông máu và giúp cơ bắp thư giãn.
  • Xây dựng một lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục dành cho tim mạch 3-4 lần một tuần (như đi bộ, bơi lội, đạp xe hoặc chạy bộ). Bạn cần ăn đủ chất, đủ bữa, duy trì cân nặng hợp lí. Bạn cũng nên tránh sử dụng quá mức nicotine, caffeine và các chất kích thích khác. Ngủ đủ và đúng nhịp sinh học sẽ giúp bạn hạn chế căng thẳng.
  • Duy trì lối sống tinh thần lành mạnh: bằng cách thiết lập các mối quan hệ có lợi, giúp đỡ lẫn nhau. Bạn cần nhận biết, chấp nhận những cảm xúc và giới hạn của riêng mình. Bạn cũng cần theo đuổi mục tiêu của chính bản thân thay vì mục tiêu của người khác và hãy dành thời gian để thư giãn và tận hưởng.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Căng Thẳng Là Triệu Chứng Của Bệnh Gì