Cảnh Báo Nguy Cơ Kiệt Sức, đột Quỵ Do Sốc Nhiệt Vì Nắng Nóng

Cảnh báo nguy cơ kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt vì nắng nóng

Theo dõi KTMT trên

Các tỉnh Bắc Bộ sắp bước vào chuỗi ngày nắng nóng với nhiệt độ cao nhất 36-39 độ C, có nơi lên tới 40 độ C. Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt với những người làm việc trực tiếp dưới nắng nóng.

Nắng nóng gay gắt quay trở lại

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên hôm nay (15/6), khu vực Bắc bộ và Trung bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất 35-37 độ, riêng vùng núi phía Tây khu vực Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 38 độ.

Dự báo từ mai (16/6), nắng nóng sẽ xảy ra trên diện rộng ở Bắc bộ và Trung bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi nắng nóng gay gắt trên 38 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến từ 45-60%. Thời gian có nhiệt trên 35 độ từ 12-17 giờ.

Cảnh báo nguy cơ kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt vì nắng nóng - Ảnh 1

Từ ngày 19/6, nắng nóng gay gắt tiếp tục gia tăng ở Bắc bộ và Trung bộ, nhiều nơi xuất hiện nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37-40 độ, có nơi trên 40 độ. Đợt nắng nóng này có khả năng kéo dài đến ngày 21/6 tại miền Bắc và kéo dài lâu hơn ở miền Trung.

Hà Nội từ ngày mai có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất 35-36 độ. Từ ngày 16-21/6 có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất 36-39 độ, nơi trên 39 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 50-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 12-17 giờ.

Tây Nguyên và Nam bộ từ nay đến 24/6 duy trì thời tiết điển hình của mùa mưa, ban ngày thời tiết mát mẻ, có nắng gián đoạn với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 31-33 độ, vào chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.

Đề phòng nguy cơ kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt

Theo các chuyên gia, nắng nóng kéo dài liên tục nhiều ngày gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Ai cũng có thể bị sốc nhiệt nhưng đáng lo ngại nhất vẫn là phụ nữ mang thai, người già, trẻ nhỏ.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai), nắng nóng tác động đến sức khoẻ rất nhiều. Nắng nóng không chỉ làm trẻ em, người già đổ bệnh mà ngay cả những thanh niên cũng “gục” vì say nắng, có trường hợp xuất huyết màng não vì nắng nóng, thậm chí tử vong. Năm nào khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cũng tiếp nhận những trường hợp đang đi ngoài đường nóng thì ngất xỉu, sốc được người dân đưa vào cấp cứu.

Những trường hợp này thường do làm việc kéo dài trong môi trường nắng nóng, đi dưới trời nắng lâu khiến cơ thể không dung nạp được nhiệt độ môi trường, rối loạn chuyển hoá nhiệt do tiếp xúc nhiệt độ cao trong thời gian dài khiến cơ thể bị tăng thân nhiệt, đã ghi nhận những ca tử vong, tổn thương não vì nắng nóng.

Để phòng chống sốc nhiệt, người lao động cần tránh làm việc ngoài trời nắng thời điểm gay gắt nhất từ 12 – 16 giờ hàng ngày, thời điểm này đi đường, làm việc lâu ngoài nắng sẽ rất nguy hiểm, có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, trụy mạch, tổn thương não.

Hãy luôn uống thật nhiều nước, khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, cùng với việc phải phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức, lại thiếu các phương tiện chống nắng cần thiết, không bù đủ nước so với lượng mồ hôi mất ra sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh. Do đó trong say nóng, tình trạng mất nước toàn thể là chủ yếu.

Ngoài ra, để phòng say nắng khi ra ngoài nắng cần mặc áo rộng, thoáng mát, thoát mồ hôi, có mũ che đỉnh đầu, che kín gáy. Với những người có đặc thù công việc phải thường xuyên ở môi trường nhiệt độ cao phải mặc quần áo chuyên dụng và có giờ giấc nghỉ ngơi hợp lý.

Cách Sơ cứu người bị sốc nhiệt do nắng nóng

Sốc nhiệt thường là hậu quả của việc tập luyện hay làm việc nặng trong môi trường nóng, đi kèm với việc không uống đủ nước. Trẻ nhỏ, người cao tuổi, những người béo phì và những người rối loạn bài xuất mồ hôi sẽ có nguy cơ cao bị sốc nhiệt. Những yếu tố nguy cơ khác bao gồm mất nước, sử dụng rượu bia, bệnh tim mạch và sử dụng một số loại thuốc.

Triệu chứng chính của sốc nhiệt là việc tăng đáng kể nhiệt độ của cơ thể, thường là trên 40 độ C, kèm theo tính trạng tâm thần thay đổi có thể từ thay đổi tính tình cho đến lú lẫn và hôn mê. Da có thể nóng và khô, tuy nhiên sốc nhiệt do gắng sức thì da thường ẩm.

Các bước sơ cứu người bị sốc nhiệt

Đưa nạn nhân vào bóng râm, cởi bớt quần áo, tưới nước mát hoặc nước hơi ấm lên người nạn nhân. Quạt để thúc đẩy ra mồ hôi và bốc hơi, đặt túi chườm đá ở nách và bẹn. Nếu nạn nhân còn tỉnh táo và có thể uống, hãy cho uống nước mát hoặc nước lạnh không chứa cồn và cafein.

Theo dõi thân nhiệt của nạn nhân thường xuyên, liên tục làm mát cho đến khi nhiệt độ giảm xuống còn khoảng 38,3 - 38,8 độ C.

Gọi cấp cứu nếu có thể. Nếu dịch vụ cấp cứu ở xa hay không đến ngay lập tức được có thể hỏi các nhân viên y tế cách cấp cứu nạn nhân.

Tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR) nếu người bệnh mất ý thức và không thấy có dấu hiệu tuần hoàn như tự thở, ho và cử động.

Phòng ngừa sốc nhiệt

Điều quan trọng trong phòng ngừa sốc nhiệt là tránh để cơ thể mất nước và không hoạt động mạnh trong những ngày thời tiết nóng ẩm. Nếu phải hoạt động nhiều trong những ngày nóng ẩm, cần uống nhiều nước (bao gồm nước lọc và các thức uống thể thao bù muối và chất khoáng), tránh uống các thức uống có cồn, cafein và đường vì có thể gây mất nước.

Cần bổ sung các chất điện giải (natri) và nước cho cơ thể nếu đổ mồ hôi nhiều, hoặc làm việc dưới ánh mặt trời lâu trong những ngày nắng nóng. Thường xuyên nghỉ giải lao, mặc quần áo mỏng nhẹ, sáng màu.

Thạc sĩ Vũ Hồng Anh

Hà Lan

Từ khóa » Sốc Kiệt Sức