Cảnh Báo Về Vi Khuẩn Lam Gây độc ở Vùng Biển Bình Thuận

c

Khuẩn lam thường sống trong nước biển.

Vi khuẩn lam là loại thực vật bậc thấp chưa có nhân, sống đơn lẻ hoặc liên kết với nhau tạo thành các tập đoàn hình cầu (kích thước từ vài chục micromet đến vài cm) hoặc các bó sợi lớn, có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng phát triển trong các môi trường khác nhau, từ nước ngọt đến nước mặn, thậm chí sống trên đất ẩm hoặc cộng sinh trên các loài thực vật bậc cao thuộc họ đậu.

Một số loài vi khuẩn lam sản sinh các độc tố hòa tan trong nước, gây hại cho những người tiếp xúc với chúng. Chẳng hạn, Microcystis spp có độc tố microcystin; Anabaena có độc tố anatoxin; Trichodesmium erythraeum có độc tố thần kinh neurotoxin làm chết các loài thủy sản nuôi. Còn khuẩn lam Lyngbya majuscula (thủ phạm gây các ca nhiễm độc ở Bình Thuận) sản sinh độc tố Lyngbyatoxin và debromoaplysiatoxin.

Vi khuẩn lam Lyngbya majuscula phân bố khá phổ biến dọc bờ biển Việt Nam, phát triển trên cát, đá hoặc bám trên rong biển, cỏ biển và các vật bám rắn khác. Khi có gió lớn, chúng tách rời vật bám và phát triển nhanh dưới ánh sáng mạnh. Những người tiếp xúc với chúng sẽ có hiện tượng bỏng da, ngứa ngáy ở các vùng nhạy cảm (bộ phận sinh dục, hậu môn) hoặc xuất hiện các nốt đỏ giống như mề đay. Bệnh nhân còn bị đỏ mặt, sưng tấy kết mạc mắt và màng nhầy của mũi khi các bộ phận này tiếp xúc với vi khuẩn. Các bộ máy tiêu hóa và hô hấp cũng có ảnh hưởng tương tự nếu bệnh nhân ăn nhầm hoặc hít phải Lyngbya majuscula. Các triệu chứng trên có thể xuất hiện sau vài giờ và kéo dài đến 12 ngày.

Hội chứng nhiễm độc do Lyngbya majuscula được các nhà khoa học Australia gọi là bệnh Swimmers Itch. Trên thế giới chưa có thuốc đặc trị bệnh này. Biện pháp sơ cứu hữu hiệu là rửa sạch nhiều lần vùng da đã tiếp xúc với vi khuẩn lam bằng nước sạch và xà phòng; sau đó dùng khăn ướt đắp lên vết thương và bôi các loại kem làm mát da.

Để hạn chế các trường hợp nhiễm độc do khuẩn lam độc hại, theo các chuyên gia y tế, cần có một chương trình giám sát vi khuẩn này trên 2 khía cạnh: vệ sinh thực phẩm, nước uống và vệ sinh vùng biển. Tại các bãi tắm, bãi biển phát hiện có vi khuẩn lam, nên đặt các biển báo cho du khách và người dân biết.

(Theo Thanh Niên)

Từ khóa » độc Tố Vi Khuẩn Lam Là Gì