Cảnh Giác Kẻo Mua Phải Bao Tử Nhím Rởm - Công An Nhân Dân

Dứ dứ chiếc bao tử dáng hình tròn, đầy gân guốc được phơi khô cứng ngắc, người phụ nữ ngoài 30 tuổi lúc tiếp cận khách tại một quán cà phê vỉa hè ở khu vực Hồ Con Rùa (quận 1, TP Hồ Chí Minh), quả quyết rằng đấy là bao tử của nhím rừng chứ không phải nhím nuôi.

"Nhím nuôi chỉ ăn rau muống, rau xà lách, bí đỏ, khoai lang… chứ nhím rừng thì chuyên lùng ăn các loài cây thuốc. Nhờ vậy mà bao tử nhím rừng rất đắng. Như ông cha mình có câu, thuốc đắng dã tật, đem cái bao tử nhím này ngâm rượu khoảng 100 ngày để dành trị đau bao tử là nhứt xứ" - chị nọ quả quyết!

Mỗi chiếc bao tử nhím rừng được rao bán với giá 1 triệu đồng. Một số người sau khi xem hàng kỳ kèo trả giá và sau cùng phi vụ giao dịch "bao tử nhím rừng" cũng được tiến hành với giá chỉ còn 500.000 đồng/cái. Để giải tỏa hoài nghi của khách, sau khi "gả" 4 cái bao tử cho 4 "thượng đế", người phụ nữ nọ cho biết chị ta quê ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, khu vực này núi rừng trùng điệp, là đại bản doanh của nhím rừng nên mới chủ động được nguồn hàng và bán với giá hữu nghị như vậy!

Nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược với rêu rao của chị nọ. Ông Tùng, chủ quầy Đông dược ở khu Đông y Hải Thượng Lãn Ông, bật mí rằng có trên 90% bao tử nhím được rao bán trên thị trường có nguồn gốc từ bao tử heo. "Bao tử nhím nuôi cũng rất hiếm nói chi nhím rừng. Sau khi tuyển bao tử heo về với giá chỉ vài mươi ngàn đồng 1 cái, người ta chẻ nhỏ, tẩm màu, phơi khô, cắt tạo dáng, ngâm vào hỗn hợp cây lá rừng có vị đắng rồi bán cho khách ngờ nghệch. Nhiều người khi nếm thử thấy cái bao tử có vị đắng nên tin sái cổ là hàng rừng chính hiệu, do vậy đổ xô mua, họ đâu ngờ…".

Người phụ nữ với chiếc bao tử nhím mập mờ được quảng cáo là "hàng rừng chính hiệu".

Lương y Minh Đạo (phòng khám Kỳ Bá Linh, quận 5) cho biết trong Đông y, có rất nhiều bài thuốc từ cây cỏ dùng điều trị tốt chứng bệnh đau bao tử chứ không riêng gì bao tử nhím. "Chẳng có cơ sở gì chứng minh những cái bao tử nhím được bán tràn lan trên đường phố kia là bao tử nhím rừng. Mà dẫu có là nhím rừng thì càng không nên mua bởi loài nhím được Sách đỏ Việt Nam liệt vào nhóm động vật hoang dã cần bảo vệ, việc mua bán được xác định là hành vi vi phạm Pháp lệnh bảo vệ động vật hoang dã" - Lương y Đạo lưu ý: "Mua phải bao tử nhím không rõ nguồn gốc đem sử dụng, bệnh không những không thuyên giảm mà có khi đổ bệnh nặng hơn".

Để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, túi tiền, tránh vi phạm pháp luật và góp phần làm giàu bất chính cho phường bất lương…, mọi người tốt nhất cần tẩy chay việc mua bán trên. Dừng để đến khi biết được sự thật phũ phàng thì đã quá muộn!

Từ khóa » Cây Bao Tử Nhím