Cảnh Giác Ngộ độc Thuốc Sát Khuẩn Chloramin B - UBND TP. Đà Nẵng

Đặc điểm của thuốc sát khuẩn chloramin B

Chloramin B là một hóa chất được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo sử dụng để sát khuẩn ở nhiều nơi như tại bệnh viện, trường học, nơi công cộng, kể cả nhà ở... Chúng chứa chất hoạt tính chlor nên có tác dụng diệt khuẩn ở trong nước, khử khuẩn các bề mặt hàng ngày thường tiếp xúc.

Hiện nay, chloramin B được sử dụng dưới hai dạng là viên nén và bột. Khi dùng phải pha đúng công thức hướng dẫn cụ thể ghi trên bao bì để bảo đảm an toàn, phòng tránh ngộ độc.

Sau khi pha xong phải sử dụng ngay, không được để quá 24 giờ vì sẽ mất tác dụng. Thông thường chloramin B được dùng khử trùng nguồn nước nhiễm bẩn hoặc nước ở vùng lũ lụt để phòng ngừa dịch bệnh lây truyền; khử trùng nhà ở gia đình hoặc những nơi công cộng như bệnh viện, trường học...; sát trùng vết thương; tẩy các vết bẩn ố vàng ở sàn nhà, dụng cụ y tế...

Nếu sử dụng để diệt khuẩn tại nhà ở, cần lau sạch bụi trên các bề mặt, vật dụng, sàn nhà... Sau đó dùng dung dịch chloramin B để lau sạch, tiếp theo lau lại các bề mặt bằng nước sạch và lau khô. Đối với đồ chơi của trẻ em, cần ngâm trong vòng 10 - 20 phút, rửa lại bằng nước sạch và phơi khô. Lưu ý khi sử dụng chloramin B để diệt khuẩn, nên dùng hai xô hoặc chậu riêng biệt chứa dung dịch hóa chất và nước sạch xả bẩn. Khăn lau cũng gồm khăn lau dung dịch hóa chất và khăn lau lại bằng nước sạch. Nếu thấy dung dịch khử khuẩn hay nước xả bẩn đục màu, nên thay mới vì dung dịch hóa chất sẽ không còn đủ tác dụng khử khuẩn.

Bên cạnh tác dụng khử trùng rất tốt và hiệu quả, chloramin B có thể gây độc đối với người tiếp xúc trực tiếp với hóa chất như: Tổn thương da, làm da bị nóng rát và khó chịu; Tổn thương mắt ở giác mạc, thậm chí làm mù mắt; Tổn thương hô hấp làm co thắt cơ trơn, khó thở... Khi gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn, cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí can thiệp kịp thời.

Cách xử trí khi bị ngộ độc chloramin B tại nhà

Khi ngậm hoặc nuốt phải viên hay bột hóa chất sát khuẩn chloramin B như trường hợp trẻ nhỏ đã nêu ở trên, nên cho trẻ uống ngay một lượng nước ấm, không được kích thích để cố gắng làm gây nôn và phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế nơi gần nhất để can thiệp.

Khi hít phải không khí có chứa hóa chất chlor hoạt tính đậm đặc của chloramin B, phải đưa ngay nạn nhân ra khỏi vùng không khí bị ô nhiễm và nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế nơi gần nhất để xử trí.

Khi bị bắn hóa chất vào mắt, phải rửa sạch mắt và mặt ngay bằng nước sạch nhiều lần, đồng thời cũng đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để kiểm tra.

Khi bị bắn hóa chất vào quần áo hoặc dính trên da, phải cởi bỏ ngay quần áo dính hóa chất, rửa sạch vùng da bằng nước sạch ấm và xà phòng.

Đối với trẻ nhỏ, cần lưu ý khi trông coi để trẻ không lấy đồ vật chơi không an toàn và nuốt phải các loại dị vật nguy hiểm, trong đó có các loại thuốc hoặc hóa chất không bảo quản thận trọng và để xa tầm tay với của trẻ. Lưu ý thuốc khử khuẩn và thuốc dùng ngoài da không được để chung với các loại thuốc uống.

CỔNG TTĐT TP TỔNG HỢP TỪ Suckhoedoisong.vn - CƠ QUAN NGÔN LUẬN CỦA BỘ Y TẾ

Từ khóa » Có Nên Dùng Cloramin B