Cảnh Giác Với Các Bệnh Ngoài Da ở Vùng Kín Nam Giới Sau
Có thể bạn quan tâm
Cảm giác đau, ngứa vùng kín nam không hề dễ chịu và đôi khi có thể làm bạn rơi vào các tình huống xấu hổ. Nhưng những dấu hiệu này rất đáng để tâm vì bạn có thể đã mắc bệnh ngoài da ở vùng kín nam giới.
Bệnh ngoài da ở vùng kín nam giới có thể gây cảm giác ngứa và đau đớn, khiến bạn cảm thấy rất khó chịu. Ngoài ra, những bệnh này có thể để lại nhiều tác động xấu tới tình dục và các mối quan hệ khác. Mỗi bệnh ngoài da đều có nguyên nhân và cách chữa trị riêng nên bạn hãy đọc để chữa trị bệnh của mình cho phù hợp nhé.
Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ phân tích theo các bệnh ngoài da ở vùng kín nam giới gây ngứa, gây đau, không lây qua đường tình dục và lây truyền qua đường tình dục.
>>> Đọc thêm: Đau dương vật là bệnh gì? 10 bệnh lý cần đi khám càng sớm càng tốt
Bệnh ngoài da ở vùng kín nam giới gây ngứa
Ngứa vùng sinh dục có thể do các bệnh ngoài da ở vùng kín nam giới sau:
1. Bệnh vùng kín nam: Ngứa hậu môn
Ngứa hậu môn là một trong những bệnh viêm da vùng kín nam phổ biến. Bệnh thường xảy ra khi da vùng hậu môn bị kích ứng.
Nguyên nhân gây ngứa hậu môn
Các tình trạng chung ảnh hưởng đến hậu môn và góp phần gây ngứa bao gồm:
- Viêm da
- Giun kim
- Bệnh vẩy nến
- Nhiễm nấm men, đặc biệt là nấm Candida albicans
- Nhiễm trùng do vi khuẩn bao gồm streptococci (viêm da liên cầu) hoặc Corynebacteria minutissimum (vi khuẩn gây bệnh erythrasma)
Ngoài ra, da hậu môn tiếp xúc với các chất kích thích cũng có thể dẫn đến phát ban (viêm da kích ứng). Phát ban sẽ càng ngày càng tệ hơn nếu bạn gặp các tình trạng:
- Gãi
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Tiếp xúc với xà phòng
- Ăn các loại thực phẩm có tính axit hoặc cay
>>> Đọc thêm: Tôi bị ngứa đầu dương vật, phải làm sao để khắc phục?
2. Bệnh ngoài da ở vùng kín nam giới: Viêm đầu dương vật
Viêm đầu dương vật cũng là một bệnh ngoài da ở vùng kín nam giới có thể làm bạn ngứa ngáy khó chịu.
Các triệu chứng viêm đầu dương vật
Viêm đầu dương vật có thể có các triệu chứng như:
- Ngứa và khó chịu
- Rỉ dịch bất thường
- Đỏ, sưng và đau quy đầu
- Phát ban màu hồng hoặc đỏ, có thể nhẵn hoặc có vảy, đốm hoặc loang lổ
- Trong trường hợp nặng, bạn có thể rút lại bao quy đầu (hẹp bao quy đầu)
Viêm đầu dương vật cũng có thể kèm theo viêm niệu đạo hoặc các vấn đề về da liễu khác.
Nguyên nhân gây viêm đầu dương vật
Viêm đầu dương vật là một thuật ngữ chung chỉ các tình trạng da và nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến dương vật. Những bệnh có thể dẫn đến viêm đầu dương vật gồm:
- Bệnh ghẻ
- Bệnh vẩy nến
- Bệnh giang mai
- Hội chứng Reiter
- Các dạng viêm da do dị ứng khi tiếp xúc với bao cao su, nước hoa hoặc thuốc chữa bệnh
Viêm đầu dương vật thường đi kèm với một số dấu hiệu khác trên cơ thể. Bác sĩ sẽ dựa vào các dấu hiệu này để xác định nguyên nhân gây viêm đầu dương vật. Nếu không tìm ra nguyên nhân cụ thể, viêm đầu dương vật có thể do vi khuẩn (pseudomonas, anaerobes) và nấm men (candida).
>>> Đọc thêm: Cảnh giác khi dương vật nổi mụn đỏ: Dấu hiệu 9 bệnh nguy hiểm
Các yếu tố nguy cơ gây viêm đầu dương vật
- Độ ẩm: Mồ hôi có thể tạo môi trường ẩm thấp cho các vi sinh vật phát triển mạnh. Viêm đầu dương vật hầu như luôn ảnh hưởng đến những người đàn ông không cắt bao quy đầu vì mô dưới bao quy đầu khó khô ráo hoàn toàn.
- Không giữ vệ sinh đúng cách: Việc không thường xuyên rửa và làm khô dương vật sẽ khiến vi khuẩn có cơ hội sinh sôi gây viêm. Ngược lại, rửa dương vật quá thường xuyên, đặc biệt là với xà phòng kiềm hoặc lau khô quá mạnh bằng khăn cũng có thể gây viêm đầu dương vật.
- Đái tháo đường: Bệnh này làm tăng khả năng nhiễm nấm Candida albicans.
- Nhiễm nấm vùng kín nam do lây từ bạn tình: Quan hệ với bạn tình bị nấm âm đạo có thể làm da bị kích ứng.
- Tiếp xúc với chất kích thích hóa học: Các chất hóa học như chất bôi trơn, kem trị liệu có thể gây kích ứng da.
- Chấn thương nhẹ: Chấn thương có thể bao gồm các hoạt động chà sát trong khi giao hợp.
- Béo phì: Bạn hãy kiểm soát cân nặng để nâng cao sức khỏe cơ thể nói chung và phòng tránh các bệnh ngoài da ở vùng kín nam giới.
3. Viêm da vùng kín nam: Lichen Simplex
Bệnh Lichen Simplex không chỉ là một dạng bệnh viêm da ở bộ phận sinh dục nam mà còn liên quan tới một số bệnh lý thần kinh.
Nguyên nhân gây ra Lichen Simplex
Bệnh Lichen Simplex thường xảy ra do bạn gãi, cọ xát và làm trầy xước một vùng da nào đó khi ngứa. Cơn ngứa có thể do các nguyên nhân như sau:
- Nhiễm nấm
- Bệnh vẩy nến
- Lichen phẳng
- Chàm dị ứng
- Vết cắn của côn trùng
- Tiếp xúc với bệnh chàm
- Bệnh lý thần kinh (radiculopathy)
Ngứa do thần kinh có thể là do các sợi dây thần kinh cảm giác bị kích thích do một số tổn thương ở dây thần kinh.
Những đối tượng dễ bị Lichen Simplex
Lichen Simplex có thể xảy ra ở cả nam và nữ trưởng thành nhưng hiếm gặp ở trẻ em. Căn bệnh này phổ biến hơn ở những người thường xuyên bị lo lắng hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Cách chẩn đoán Lichen Simplex
Thường thì bác sĩ sẽ tiến hành các kiểm nghiệm lâm sàng để chẩn đoán. Nhưng đôi khi, bạn có thể phải xét nghiệm như cấy da hoặc sinh thiết da.
Trong trường hợp bạn không có bất cứ vấn đề về da hoặc nhiễm trùng nào, hãy xem xét đến các tổn thương thần kinh. Bạn có thể sẽ phải thực hiện một số xét nghiệm như sau để kiểm tra cột sống xem có chấn thương nào gây ảnh hưởng đến dây thần kinh không:
- Chụp hình cột sống: Chụp X-quang, chụp CT, chụp MRI
- Dẫn điện thần kinh sinh lý
4. Bệnh viêm da dị ứng
Viêm da dị ứng là một trong các bệnh ở vùng kín nam giới gây ngứa khá phổ biến.
Viêm da dị ứng là gì?
Viêm da dị ứng hay còn gọi là chàm, là bệnh da liễu mãn tính, gây cảm giác ngứa ngáy rất phổ biến ở trẻ em nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đây là dạng viêm da phổ biến nhất.
Chàm thường xảy ra ở những người có cơ địa dễ dị ứng. Những người này có thể bị một trong ba hoặc cả ba căn bệnh có liên quan chặt chẽ với nhau là viêm da dị ứng, hen suyễn và viêm mũi dị ứng. Thường thì những căn bệnh này di truyền trong gia đình nên biết được tiền sử gia đình mắc bệnh hen suyễn, bệnh chàm hoặc viêm mũi dị ứng đặc biệt hữu ích trong việc chẩn đoán viêm da dị ứng ở trẻ sơ sinh.
Viêm da dị ứng phát sinh do sự tương tác giữa các yếu tố di truyền và môi trường. Ví dụ như da có một số khiếm khuyết trong chức năng bảo vệ cơ thể nên dễ bị kích ứng bởi xà phòng và các chất kích thích khác như thời tiết, nhiệt độ…
Biểu hiện của bệnh viêm da dị ứng
Có khá nhiều biểu hiện khác nhau của bệnh viêm da dị ứng. Nhưng hầu hết mọi người đều có các mảng bị viêm, đỏ, đôi khi phồng rộp và rịn nước khi bệnh bùng phát. Giữa các đợt bùng phát, da có thể bình thường trở lại hoặc bị khô, dày và ngứa.
Viêm da dị ứng có lâu khỏi không?
Các bác sĩ không thể dự đoán liệu bệnh chàm có tự cải thiện hay không. Những người có da nhạy cảm thường phải sống chung với bệnh suốt đời. Một thống kê gồm hơn 110.000 đối tượng bị chàm cho thấy 20% trẻ em bị chàm vẫn còn bệnh 8 năm sau đó và khoảng 5% người mắc bệnh kéo dài hơn 20 năm sau đó.
Bệnh chàm thường xuất hiện ở trẻ dưới 2 tuổi nhưng một số người lớn tuổi vẫn có thể mắc bệnh. Những trẻ mắc chàm dưới 2 tuổi có khả năng phục hồi cao hơn.
Một số nghề nghiệp như làm nông, làm tóc, lau dọn… sẽ khiến bạn tiếp xúc với các chất kích thích nhiều hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng bị ngứa da ở vùng kín nam giới.
Bệnh ngoài da ở vùng kín nam giới gây đau
Ngoài tình trạng vùng kín nam bị ngứa kể trên, lichen phẳng là một bệnh ngoài da ở vùng kín nam giới gây đau đớn cho người mắc.
Bệnh lichen phẳng là gì?
Bệnh lichen phẳng là một tình trạng đau mãn tính ảnh hưởng đến bề mặt niêm mạc, chủ yếu là miệng (bệnh lichen phẳng ở miệng) và bộ phận sinh dục (bệnh lichen phẳng sinh dục).
Bệnh lichen phẳng thường gồm bệnh lichen phẳng da hoặc các hình thức khác của lichen phẳng niêm mạc.
Những đối tượng dễ mắc bệnh lichen phẳng
Bệnh lichen phẳng thường ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi 40 đến 70.
Nguyên nhân gây bệnh lichen phẳng
Bệnh lichen phẳng là một rối loạn tự miễn dịch phá hoại không rõ nguyên nhân liên quan đến lympho bào T.
Bệnh ngoài da ở vùng kín nam giới không lây qua đường tình dục
Đôi khi các bệnh ngoài da ở vùng kín nam giới không phải là những bệnh lây truyền qua đường tình dục mà chỉ là một số viêm nhiễm.
1. Bệnh da liễu vùng kín nam giới do nhiễm khuẩn
Một số dạng nhiễm khuẩn da có thể kể đến như sau:
1.1. Nhọt
Các đặc điểm của nhọt
Nhọt là những đốm đỏ, cục u hoặc mụn mủ tập trung ở chính giữa nang lông. Đây là một dạng viêm nang lông sâu. Tụ cầu vàng gây viêm nang lông có thể phát triển do các tổn thương da.
Nhiều nhọt này sẽ tạo thành hậu bối và những mảng nhọt lớn hình thành áp xe tích tụ mủ. Bệnh viêm tế bào cũng có thể xuất hiện chung với nhọt, gây sốt và các bệnh khác.
Tại sao nhọt lại xuất hiện?
Hầu hết những người bị nhọt vùng sinh dục đều khỏe mạnh và có vệ sinh cá nhân tốt nhưng lại có vi khuẩn tụ cầu vàng trên bề mặt da. Ước tính có khoảng 10–20% dân số đều có mang tụ cầu trên người. Tụ cầu vàng thường xuất hiện ở lỗ mũi, vùng da dưới cánh tay, giữa hai chân và ở mông. Vi khuẩn này có thể lây lan từ lỗ mũi sang những nơi khác thông qua móng tay.
Khi da bị trầy do bụi hay các nguyên nhân khác, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào nang lông gây nhọt. Thường nhọt sẽ kéo dài khoảng 10 ngày. Mặc dù hầu hết những người bị nhọt đều có sức khỏe tốt nhưng đôi khi nhọt có liên quan đến thiếu hụt miễn dịch, thiếu máu, tiểu đường, hút thuốc hoặc thiếu sắt.
>>> Đọc thêm: Kiểm tra khả năng cương dương vật về đêm
1.2. Viêm nang lông
Viêm nang lông là tên chung cho các bệnh liên quan tới nang lông bị viêm. Biểu hiện của bệnh này là một đốm đỏ màu nhạt, thường chứa mủ ở bề mặt. Viêm nang lông có thể nông hoặc sâu và có thể ảnh hưởng đến bất cứ nơi nào có lông, bao gồm cả ngực, lưng, mông, cánh tay và chân. Các loại mụn cũng là một dạng viêm nang lông.
2. Nhiễm nấm bẹn
Nấm đôi khi có thể gây viêm nhiễm và nhiễm nấm bẹn là một bệnh ngoài da ở vùng kín nam giới có thể gây ngứa và khó chịu.
Nhiễm nấm bẹn là tên được sử dụng để chỉ vùng bẹn bị lây nhiễm với nấm dermatophyte thường thấy nhất ở nam giới trưởng thành. Nhiễm trùng thường xuất phát từ chân (nấm chân) hoặc móng tay (nấm móng tay) rồi lây lan sang bẹn do gãi hoặc sử dụng khăn bị nhiễm bệnh. (1)
Nấm bẹn có thể tạo một đường màu đỏ có vảy lan rộng xuống đùi bên trong từ háng hoặc bìu và các vòng đỏ trên mông. Tuy nhiên, nấm bẹn thường không có biểu hiện trên dương vật hoặc xung quanh hậu môn.
3. Bệnh ngoài da ở vùng kín nam giới do nhiễm virus
Nhiễm trùng da do virus bao gồm:
3.1. Herpes sinh dục
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây mụn nước hoặc lở loét. Tình trạng viêm da dương vật này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tình dục của phái nam.
Nguyên nhân gây Herpes sinh dục
Herpes sinh dục được gây ra bởi virus herpes simplex (HSV). Có hai loại virus herpes simplex chính: loại HSV 1 chủ yếu gây nhiễm trùng da mặt và loại HSV 2 chủ yếu gây nhiễm trùng bộ phận sinh dục.
Cả hai loại HSV đều ở trạng thái tiềm ẩn trong các dây thần kinh xúc giác dưới da. Khi hoạt động, HSV di chuyển vào các dây thần kinh, da hoặc màng tế bào rồi nhân lên và gây tổn thương lâm sàng. Sau khi gây bệnh, HSV sẽ quay trở lại dây thần kinh và đi vào trạng thái tiềm ẩn một lần nữa.
Độ nguy hiểm của Herpes sinh dục
HSV gây nhiễm trùng suốt đời vì loại virus này có khả năng tái hoạt động hoặc tái phát. HSV 2 thường gây Herpes sinh dục hơn nhưng cả hai loại này đều có thể gây nhiễm trùng ở vùng kín. Trên lâm sàng, có khoảng 60–70% ca nhiễm trùng sinh dục sơ cấp là do HSV 2.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có tới 1 trong 5 người lớn nhiễm HSV 2. Hầu hết những người này không có hoặc chỉ có các triệu chứng rất nhẹ nên không biết mình bị nhiễm bệnh.
Lây truyền Herpes sinh dục
Bệnh Herpes sinh dục lây nhanh nhất bằng cách tiếp xúc trực tiếp với HSV qua quan hệ tình dục. Virus này có thể có trong nước bọt và dịch tiết sinh dục ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng.
Chấn thương nhỏ cũng có thể làm lây lan virus. Ngoài ra, bệnh này còn có thể lây từ mẹ sang con. Tuy nhiên, HSV chết nhanh ở nhiệt độ phòng nên khó lây qua việc dùng chung khăn tắm.
3.2. Mụn cóc sinh dục
Mụn cóc sinh dục là nguyên nhân gây mụn phổ biến nhất ở dương vật.
Mụn cóc sinh dục là gì?
Mụn cóc sinh dục là một tổn thương da phổ biến ở vùng sinh dục do virus u nhú ở người (HPV) gây ra. Mụn cóc sinh dục cũng được gọi là sùi mào gà, mụn cóc hoa liễu và u nhú tế bào vảy.
Thông tin về virus u nhú ở người
Virus u nhú ở người (human papillomavirus – HPV) là một nhóm các virus DNA sợi kép. Có ít nhất 100 loại HPV khác nhau, ít nhất 40 loại có thể lây nhiễm vào vùng sinh dục. Nhiều loại khác gây mụn cóc trên các vùng da khác.
Ít nhất 75% người trưởng thành có hoạt động tình dục đã bị nhiễm ít nhất một loại HPV sinh dục vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. HPV xâm nhập vào các tế bào da và sinh sôi nảy nở, gây ra một mụn cóc có thể nhìn thấy được.
Mụn cóc sinh dục do HPV loại 6 và 11 gây ra có thể nhìn thấy bằng mắt thường sẽ dễ chẩn đoán. Một số chủng HPV gây ung thư đường sinh dục nhưng không gây mụn cóc nên khó chẩn đoán hơn.
Những đối tượng dễ bị mụn cóc sinh dục
Mụn cóc sinh dục thường được thấy ở thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 30 và rất dễ lây. Tuy nhiên, bệnh ngoài da ở vùng kín nam giới này hiếm gặp ở những người đã được chủng ngừa HPV trong thời thơ ấu trước khi bắt đầu hoạt động tình dục.
Bệnh ngoài da ở vùng kín nam giới lây qua đường tình dục
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (sexually transmitted infections – STI) cũng có thể được xem là bệnh ngoài da ở vùng kín nam giới.
1. Bệnh giang mai
Giang mai là một trong các bệnh da liễu ở vùng kín nam giới đáng lo ngoại. Giang mai nếu không chữa kịp thời thì không chỉ là một bệnh ngoài da ở vùng kín nam giới mà còn có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe não bộ, mắt và xương.
Bệnh giang mai là gì?
Bệnh giang mai là một nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Người bệnh thường trải qua các giai đoạn tiềm ẩn, vẫn bị nhiễm nhưng không có dấu hiệu hoặc triệu chứng.
Ban đầu giang mai có biểu hiện là một vết loét không đau (săng) nơi nhiễm trùng xâm nhập quanh bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc miệng và có thể không được chú ý. Trong giai đoạn giang mai thứ cấp, các phát ban lan rộng và các triệu chứng giống như cúm xuất hiện. Nếu không được điều trị, giang mai giai đoạn cuối có thể phát triển nhiều năm sau đó và gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến não, mắt, tim và xương.
Những đối tượng có nguy cơ bị giang mai
Đàn ông và phụ nữ đều có nguy cơ mắc bệnh giang mai. Tỷ lệ cao điểm phát sinh từ 15 đến 34 tuổi.
Những người có hoạt động tình dục không bảo vệ cũng có thể có nguy cơ bị giang mai, vì bệnh này lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp với loét giang mai hoặc máu của người bị nhiễm. Ngoài ra, nam giới quan hệ đồng tính cũng có nguy cơ mắc giang mai cao hơn.
Loét giang mai phổ biến nhất trên bộ phận sinh dục và vùng hậu môn nhưng cũng có thể được tìm thấy trên môi hoặc miệng. Do đó, quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng là cách chính để truyền bệnh từ người này sang người khác.
Cách lây truyền của bệnh giang mai
Bệnh giang mai có thể lây truyền qua một số đường như:
- Tiếp xúc với dịch cơ thể của người nhiễm bệnh khi truyền máu hay quan hệ tình dục.
- Từ mẹ sang con. Nếu một phụ nữ mang thai mắc bệnh giang mai, hậu quả của em bé phụ thuộc vào giai đoạn mang thai, nhiễm bệnh và liệu pháp điều trị.
2. Các bệnh ở vùng kín nam giới: Bệnh lậu
Bệnh lậu ngoài gây ảnh hưởng tới nam giới còn có thể ảnh hưởng tới phụ nữ đang mang thai và sắp sinh con.
Bệnh lậu là gì?
Lậu là nhiễm trùng do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục và cũng có thể được truyền từ mẹ sang con khi sinh qua ngả âm đạo nếu người mẹ bị nhiễm bệnh. Con bị lây bệnh lậu có thể bị viêm kết mạc (nhiễm trùng mắt).
Những đối tượng có nguy cơ bị bệnh lậu
Những người hoạt động tình dục không an toàn có nhiều nguy cơ mắc bệnh lậu nhất. Tuy nhiên, vẫn có một số nhóm người có nguy cơ mắc bệnh như:
- Những người có nhiều bạn tình
- Thanh thiếu niên có hoạt động tình dục
- Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt và mang thai
- Trẻ em bị lạm dụng tình dục bởi một người bị nhiễm bệnh
- Trẻ sơ sinh được sinh qua ngả âm đạo khi mẹ đang nhiễm bệnh
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lậu
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lậu cục bộ khác nhau giữa nam và nữ. Các dấu hiệu bệnh lậu ở nam gồm:
- Viêm niệu đạo
- Tiểu mủ dạng kem hoặc màu xanh lá cây từ dương vật
- Đi tiểu đau (cảm giác nóng rát)
- Đau rát tinh hoàn
Bệnh ngoài da ở vùng kín nam giới không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu mà còn có thể nguy hiểm tới sức khỏe. Bạn hãy quan sát các dấu hiệu thật kỹ để đi khám bác sĩ kịp lúc nhé.
[embed-health-tool-bmi]
Từ khóa » Các Bệnh Bộ Phận Sinh Dục Nam
-
Các Bệnh Thường Gặp ở Dương Vật | Vinmec
-
10 + Bệnh Nam Khoa Thường Gặp ở Nam Giới - Sức Khỏe 24 Giờ
-
Bệnh Thường Gặp ở Bộ Phận Sinh Dục Nam Và Phương Pháp Xử Lý
-
Các Bệnh ở Bộ Phận Sinh Dục Nam Thường Gặp Và Cách Xử Lý
-
Bệnh Lý Dương Vật Thường Gặp ở Nam Giới
-
10 Bệnh Nam Khoa Thường Gặp Tại đàn ông Và Cách Phòng Chống
-
Các Bệnh Về Bộ Phận Sinh Dục Của Nam Giới Phổ Biến Nhất
-
Các Bệnh Thường Gặp ở Bộ Phận Sinh Dục Nam Và Cách Phòng Tránh
-
Bệnh Nấm ở Bộ Phận Sinh Dục Nam: Nguyên Nhân - Triệu Chứng
-
[PDF] 20+ Bệnh Sinh Dục Nam Thường Thấy ở Nam Giới
-
5 Bệnh Nam Khoa Vùng Kín Thường Gặp Và Cách điều Trị Hiệu Quả Nhất
-
Bộ Phận Sinh Dục Nam - Các Vấn đề Thường Gặp
-
Nấm Dương Vật: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, điều Trị Và Cách Phòng ...
-
Nổi Hạch ở Bộ Phận Sinh Dục Nam Là Bệnh Gì? Có Nguy Hiểm Không?