Cảnh Giác Với Chiêu Trò Lừa đảo Trên Mạng
Có thể bạn quan tâm
Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra làm rõ hành vi lừa đảo trên mạng xã hội.
Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Ninh) nhận được đơn trình báo của anh Nguyễn Trọng Hùng (tên người bị hại đã được thay đổi) trú tại phường Việt Hưng, thành phố Hạ Long. Qua một trang web “tìm người yêu” trên mạng, anh Hùng quen biết một người phụ nữ tự giới thiệu tên là “Thương”, sinh năm 1989, nhà ở quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.
Người này tâm sự với anh Hùng là đã ly hôn. Sau một thời gian trò chuyện, Thương nói có nảy sinh tình cảm với anh Hùng và giới thiệu đang tham gia thị trường ngoại hối trên một sàn Forex có tên là “usdcgloballimited.com”, muốn rủ anh tham gia đầu tư chung một tài khoản. Anh Hùng đồng ý và được Thương giới thiệu tài khoản Telegram của một nhân viên chăm sóc khách hàng của sàn Forex, để giúp anh mở tài khoản và đầu tư. Theo gợi ý của nhân viên chăm sóc khách hàng, anh Hùng cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân cùng địa chỉ e-mail và số điện thoại cho người này để lập tài khoản.
Nghe theo Thương và nhân viên chăm sóc khách hàng sàn Forex, từ ngày 28/12/2021 đến ngày 7/2/2022, anh Hùng đã nhiều lần chuyển khoản đến các số tài khoản khác nhau để tham gia đầu tư và nộp các loại thuế, phí với tổng số tiền là 307 triệu 900 nghìn đồng. Ngoài ra, một vài lần Thương lấy lý do, như: mẹ ốm nằm viện cần đóng viện phí và mua sim điện thoại…, yêu cầu chuyển tiền và anh Hùng đã chuyển hai lần với tổng số tiền là 39 triệu đồng. Sau đó, Thương và các đối tượng tiếp tục yêu cầu anh Hùng phải chuyển khoản để nộp các loại thuế phí thì mới có thể rút được tiền đầu tư.
Nghi ngờ bị lừa đảo, anh Hùng đã yêu cầu Thương gửi thông tin, hình ảnh căn cước công dân và địa chỉ nơi ở để xác minh, tuy nhiên những thông tin mà đối tượng Thương cho anh Hùng biết đều là giả mạo. Biết mình bị lừa, anh Hùng đã yêu cầu Thương trả lại tiền, nhưng đối tượng đã khóa Facebook, Zalo..., chặn liên lạc và chỉ có thể liên lạc trên ứng dụng Telegram. Không chỉ vậy, qua ứng dụng Telegram, đối tượng còn dọa anh Hùng nếu không kiếm tiền nộp cho chúng thì sẽ bị tung các hình ảnh nóng, khỏa thân của anh lên mạng xã hội. Sau đó, anh Hùng đã đến cơ quan công an trình báo sự việc.
Trung tá Nguyễn Trọng Hà, Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội thuộc Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: Cách đây vài năm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh liên tiếp xảy ra bốn vụ các đối tượng sử dụng tài khoản Facebook lừa đảo chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng của bốn phụ nữ tại thành phố Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên và huyện Vân Đồn.
Tại thời điểm đó, một tài khoản tên “James Jerry” kết bạn, làm quen với chị Trần Thị Nhung (tên nạn nhân đã được thay đổi), trú tại thành phố Cẩm Phả qua Facebook. Đối tượng cho biết mình sinh năm 1970, đang sống tại Vương quốc Anh và làm việc tại công ty dầu khí Victoria. Một tháng sau, James Jerry nói muốn tặng chị Nhung trang sức và 500 nghìn USD. Sau đó, một người tự xưng là nhân viên công ty chuyển hàng gọi điện thông báo về món hàng gửi qua đường hàng không từ nước Anh, nếu muốn nhận thì chị Nhung phải nộp nhiều khoản phí khác nhau. Do tin tưởng James Jerry, chị Nhung đã ba lần chuyển tổng số 517 triệu đồng vào các tài khoản khác nhau của các chi nhánh ngân hàng tại thành phố Hồ Chí Minh cho đối tượng trên. Sau khi nhận được tiền, bọn chúng tắt máy, khóa tài khoản Facebook.
Thượng tá Đinh Ngọc Văn, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn. Chúng thường sử dụng sim “rác” để thực hiện các cuộc gọi, đồng thời thuê sinh viên, những người lao động tự do để mở tài khoản tại nhiều ngân hàng. Sau khi nhận được tiền của nạn nhân, chúng nhanh chóng chuyển, rút tiền lòng vòng qua nhiều ngân hàng, gây khó khăn cho việc phong tỏa tài khoản.
Kết quả điều tra cho thấy đối tượng thường tạo các tài khoản mạng xã hội, như: Zalo, Facebook, Whatsapp rồi đóng vai người nước ngoài, sống độc thân, có việc làm, thu nhập ổn định, điều kiện kinh tế dư dả để làm quen, kết bạn với bị hại. Sau một thời gian tạo được lòng tin, đối tượng đề nghị tặng, gửi các món quà có giá trị như: laptop, dây chuyền, trang sức, máy tính bảng, ngoại tệ hoặc đề nghị gửi tiền cho bị hại để làm từ thiện. Khi “con mồi” đồng ý, nhóm đối tượng ở Việt Nam sẽ vào vai cán bộ hàng không, hải quan hoặc nhân viên an ninh sân bay, nhân viên công ty chuyển phát nhanh gọi điện và yêu cầu nạn nhân nộp phí thông quan, nộp phạt vì trong gói quà có nhiều tiền USD, thuê luật sư chứng minh gói hàng là hợp pháp. Các đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định, sau đó nhanh chóng chuyển tiền đi nhiều ngân hàng để chiếm đoạt tại nước ngoài.
Theo Thượng tá Đinh Ngọc Văn, để ngăn chặn hành vi lừa đảo trên, công tác tuyên truyền vẫn cần được tăng cường ngay từ tổ dân cư, khu phố. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần trao đổi thông tin thường xuyên với cơ quan chức năng, kịp thời phong tỏa những tài khoản có dấu hiệu khả nghi trước khi chúng tẩu tán, chiếm đoạt. Quan trọng hơn cả là người dân phải hết sức cảnh giác trong việc sử dụng mạng xã hội. Trước khi làm quen, kết bạn cần có sự chọn lọc những tài khoản mạng xã hội có tính chân thực cao, xác minh thông tin của những người bạn quen qua mạng trước khi có ý định tiến xa hơn. Đặc biệt, cần tỉnh táo trước những lời dụ dỗ, đề nghị của một ai đó chưa chính xác, nhất là những lời mời gọi có nghi vấn của hoạt động lấy thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong xu thế bùng nổ công nghệ thông tin, mạng internet, mạng xã hội, mọi người cần hết sức cẩn thận khi làm quen, kết bạn trên các nền tảng mạng. Để tránh rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo, mỗi người cần tỉnh táo từ chối mọi lời đề nghị khả nghi, trước những món quà tặng “từ trên trời rơi xuống”, những lời dụ dỗ “đường mật” và hứa hẹn. Khi nói chuyện, nhắn tin trên mạng xã hội, tuyệt đối không cung cấp, trao đổi thông tin, hình ảnh nhạy cảm để tránh bị lợi dụng, khống chế, cưỡng đoạt tài sản./.
Theo Nhân dân
Từ khóa » Các Trò Lừa đảo Trên Facebook
-
Điểm Danh 8 Chiêu Trò Lừa đảo Phổ Biến Qua Mạng Cần Cảnh Giác
-
22 Hình Thức Lừa đảo Phổ Biến Trên Mạng Xã Hội Mới Nhất
-
Dấu Hiệu Bạn Sắp Bị Lừa đảo Trên Facebook-dau Hieu Ban Sap Bi Lua ...
-
Đừng Bấm Vào Tin Nhắn Facebook Nếu Thấy Những Chữ Này, Lừa đảo ...
-
Làm Cách Nào để Tránh Lừa đảo Trên Facebook?
-
Cảnh Báo: Chiêu Trò Lừa Gạt Mới Trên Facebook, Cẩn Thận Nếu Thấy ...
-
Những Chiêu Lừa Tiền Qua Facebook, điện Thoại, Online Thời Covid
-
Vạch Mặt Chiêu Trò, Thủ đoạn Mạo Danh Lừa đảo Qua Facebook, Zalo
-
Những Chiêu Trò Lừa Tiền Qua Facebook Gây Rúng động | NDTP | ANTG
-
Mất Sạch Gần 70 Triệu đồng Vì "dịch Vụ Hỗ Trợ Facebook", Cảnh Giác ...
-
Điểm Mặt Những Chiêu Trò Lừa đảo Qua Facebook - Công An Nhân Dân
-
Cảnh Giác Với Các Hành Vi Lừa đảo Trên Facebook - An Toàn Thông Tin
-
Chiếm Dụng Hơn 400 Tài Khoản Facebook để Lừa đảo Hơn 10 Tỉ đồng
-
Các Thủ đoạn Nhắn Tin Lừa đảo Trên Facebook Ngày Càng Tinh Vi