Cảnh Giác Với Tội Phạm Lừa đảo Qua điện Thoại Di động

Thời gian gần đây, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của nhiều người, không ít đối tượng đã trục lợi hàng chục triệu đồng chỉ qua một vài tin nhắn, hay cuộc điện thoại. Thực hư ra sao ?

Ông K. (trái) kể lại vụ bị lừa đảo mất 35 triệu đồng với phóng viên.

Mất tiền trong chớp mắt

Bị lừa mất 35 triệu đồng thông qua cuộc gọi đe dọa, ông K. ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, bức xúc: “Tôi thường xuyên đọc báo, xem đài tuyên truyền cảnh giác tội phạm lừa đảo qua điện thoại di động. Không ngờ khi đến mình thì dễ bị lừa như vậy. Nó điện thoại nói chuyện mà như “thôi miên”, nói gì tôi cũng nghe”.

Ông K. kể, khoảng 10 giờ của một ngày trung tuần tháng 2 vừa rồi, ông nhận cuộc điện thoại di động của một người đàn ông giọng Bắc nói tôi có nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng nhiều năm qua sử dụng điện mà không đóng tiền, đến nay đã hơn 58 triệu đồng, rồi yêu cầu trong ngày hôm đó phải thanh toán, nếu không sẽ chuyển hồ sơ qua cảnh sát điều tra.

Lúc này, ông K. khẳng định là nào giờ sống ở Tân Hòa, cuộc sống chỉ đủ ăn thì có tiền đâu mua nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, người đàn ông đầu dây bên kia khẳng định là ông có nhà ở trển và không đóng tiền điện, rồi yêu cầu ông chờ để kết nối với lực lượng cảnh sát điều tra.

Vài giây sau, có một người đàn ông khác giọng Bắc nói ông đang dính líu đến đường dây ma túy xuyên quốc gia, công an đang điều tra, yêu cầu ông khai báo thành khẩn. Ông K. chưa kịp trả lời thì người đàn ông trên tiếp lời, hỏi ông nào giờ có vay tiền của ngân hàng không? “Tình thiệt, nói thật, tôi trả lời là có, vì trước đây có vay tiền để trang trải cuộc sống”, ông K. kể lại.

Sau đó, người đầu dây bên kia hỏi ông K. hiện tại trong tài khoản ngân hàng còn bao nhiêu tiền, đó chính là phần trăm của các vụ mua bán ma túy xuyên quốc gia mà ông có được. Rồi yêu cầu ông K. ra một ngân hàng ở xã Tân Phú Thạnh mở tài khoản, sau đó nạp số tiền ấy vào tài khoản đó để được xem xét giảm án.

Tưởng là thật, ông K. ra một ngân hàng ở xã Tân Phú Thạnh mở tài khoản, rồi bán chiếc nhẫn 5 chỉ vàng đang đeo cộng với số tiền trong tài khoản cũ, tổng cộng là 35 triệu đồng nạp vào tài khoản mới.

Trong quá trình mở tài khoản ngân hàng, đối tượng trên thường xuyên điện thoại cho ông yêu cầu thực hiện nhanh, đặc biệt không cho bất cứ người thân nào trong gia đình biết việc này.

Sau khi ông mở tài khoản và nhập mật khẩu thì đối tượng trên yêu cầu ông cung cấp mật khẩu và mã OTP. Sau đó, thấy điều bất thường, ông yêu cầu người đàn ông trên điện thoại bằng zalo để thấy hình ảnh, thế nhưng người đầu dây bên kia cúp máy.

Qua ngày hôm sau, ông ra ngân hàng để kiểm tra số tiền trong tài khoản mà hôm trước nạp vào thì mới biết không còn đồng nào. “Mỗi lần điện thoại cho tôi, đối tượng trên sử dụng số thuê bao khác nhau. Biết bị lừa, tôi mới điện thoại lại cho các số mà người đàn ông đó điện thoại cho tôi, nhưng không có số nào đổ chuông”, ông K. cho biết.

Hay mới đây, chị Y., ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, bị lừa mất 24 triệu đồng chỉ một vài tin nhắn qua điện thoại di động.

Chuyện là khoảng 10 giờ 40 phút của một ngày cuối tháng 2, chị Y. nhận được cuộc gọi từ thuê bao 08693789xx nói nào giờ chị chưa vay ngân hàng nào, nên được ưu đãi vay 70 triệu đồng với lãi suất 0,7%/tháng và chị đồng ý vay. Sau đó, người này yêu cầu chị tải app “viettin” làm thủ tục để vay.

Sau khi tải app về, chị làm theo hướng dẫn của các tin nhắn và chuyển 24 triệu đồng để làm thủ tục vay. Thế nhưng, sau khi chuyển tiền số thuê bao trên liên lạc không được. “Lúc đó, tôi cần tiền để trang trải cuộc sống, tưởng vay như thế thủ tục mau và lãi suất thấp, không ngờ...”, chị Y. than.

Cần chủ động phòng, ngừa

Đó chỉ là hai trong khá nhiều vụ nạn nhân bị mất tiền vì tin những cuộc điện thoại lạ của đối tượng lừa đảo. Qua tìm hiểu, thủ đoạn của chúng rất tinh vi, chúng sử dụng những ngôn từ giống như lực lượng chuyên môn và đánh vào tâm lý sợ hãi của nhiều người để cung cấp thông tin cá nhân hay chuyển tiền để được “giảm án”, vay tiền. Khi thực hiện trót lọt “phi vụ” thì chúng nhanh chóng khóa máy hay bỏ các thuê bao mà chúng đã điện thoại.

Để phòng, chống các loại tội phạm này, thời gian qua, lực lượng chuyên môn Công an tỉnh và ngành chức năng tăng cường nhiều biện pháp để tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác phòng ngừa nhưng vẫn còn nhiều người “sập bẫy”.

Ngành công an khuyến cáo, người dân cần thận trọng trước những cuộc gọi, tin nhắn bất thường, nhất là bình tĩnh, cảnh giác khi nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Người dân cần tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào từ những cuộc gọi trên như: không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, trong đó có căn cước công dân, địa chỉ nhà, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân.

Trong trường hợp nhận được tin nhắn từ người thân, bạn bè trên trang mạng xã hội hỏi vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại… mọi người cần cẩn trọng, nhanh chóng gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để xác nhận thông tin.

“Khi cần vay tiền thì người dân nên trực tiếp đến các ngân hàng uy tín để được tư vấn hồ sơ vay vốn. Nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo dưới hình thức cho vay vốn với lãi suất thấp, yêu cầu nộp các khoản phí để hoàn tất thủ tục thì nhanh chóng báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý” trung tá Lê Quốc Hội, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh, khuyến cáo.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Từ khóa » Thôi Miên để Lừa đảo