Cành Mai Nở Muộn - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

  • Xóm Liễu
  • Hiên chờ

Chiều cuối năm, nắng buông những sợi tơ mảnh mướt như tấm khăn voan của nàng thiếu nữ thẹn thùng làm duyên. Cô tần ngần đứng trước căn nhà mái bằng sơn màu vàng chanh, có tiếng trẻ con khóc léo nhéo, tiếng phụ nữ xoe xoé bên trong. Toan cất tiếng gọi, nghĩ thế nào cô đi thêm mấy bước về phía căn nhà ngói cũ bên cạnh, lách người qua cánh cổng sắt hoen gỉ, những bước chân nhẹ hẫng trên cái ngõ nhỏ khấp khểnh mòn lõm.

Cô dừng lại trước cây đào thắm đơm nụ lác đác trước hiên. Ngay bên cạnh, chậu hoa mai nhỏ cô cất công đem từ Sài Gòn về cách đây ba năm giờ đã vươn thêm mấy cành rườm rà, không còn cái thế rồng phượng ban đầu. Cây vẫn rậm rịt lá, dù cô nhớ đã gọi điện nhắc mẹ ngắt lá cách đây hơn một tháng để hoa nở kịp Tết. Cô ngồi bệt xuống thềm, bần thần ngắt từng chiếc lá mai vùi xuống gốc. Một cơn gió thốc tới, đám lá vẩn lên va vào bức tường vàng loá bên cạnh rồi rơi lạt xạt xuống khoảng sân trống hoác. Nhìn lên hai cánh cửa gỗ sứt sẹo gá vào nhau bởi chiếc khoá cũ hoen, cô nén tiếng thở dài. Nghèn nghẹn.

Có tiếng mở cổng ken két. Mẹ cô chống gậy lộc cộc đi vào. Cô ngẩng lên thoáng giật mình. Mới đó mà lưng mẹ đã còng rạp. Cô chạy ra đỡ mẹ, bà cụ đưa cho con cái bị cói nặng trĩu, nhổ bã trầu vào gốc cây mít, líu ríu nói:

- Ơ, mẹ tưởng chiều mai cô mới về? May quá, hồi trưa mẹ ủ nồi cá kho giềng. Mẹ nhớ cô chỉ thích cá kho thôi. Mùa này kho nồi cá, luộc ngồng cải đông dư ăn là nhất. Cô đi ra ngoài ăn cao lương mĩ vị chả bằng…

- Vâng, con được về trước một ngày mẹ ạ. Về cách ly tại nhà thêm hai tuần, vẫn kịp đi chợ Tết với mẹ.

Bà mẹ lần mở khoá cửa, rướn người bật công tắc điện. Cô đặt cái bị cói xuống phản rồi quay ra hiên kéo chiếc va ly của mình vào nhà. Như một thói quen mỗi khi trở về, việc đầu tiên sau khi bước qua bậu cửa bao giờ cô cũng thắp nhang lên ban thờ cha. Ngực cô thắt lại khi nhìn vào ánh mắt đăm đắm ấy của cha như đang nhìn cô với bao yêu thương trìu mến và nhắc nhở. Cô cúi đầu vái lạy, cố thở ra thật khẽ. Gian nhà nhỏ vẫn gọn gàng như bản tính nhu mì mà nghiêm ngắn của mẹ.

Bỗng cô sững lại. Căn buồng mẹ vẫn dành riêng cho cô đã bị cắt đi để nhường chỗ cho cậu em trai xây cái nhà mái bằng vững chãi bên cạnh. Không gian hẹp lại sao lòng cô tự nhiên thấy trống trải. Đâu phải cô tiếc căn buồng hơn chục mét vuông ấy, mà bỗng có một điều gì đó như hụt hẫng, vụn vỡ. Cái giường ọp ẹp của mẹ như nhỏ lại bên bức tường xám ngoét. Căn nhà kiên cố  khoác màu vàng chanh ấm áp, chỉ có mấy mét vuông áp vào gian nhà cũ vẫn là màu xi măng lạnh ngắt. Bà mẹ dường như hiểu tâm trạng của cô, nói như thanh minh:

- Giờ con về, hai mẹ con mình nằm chung giường cho ấm. Các cụ vẫn bảo ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu…

Mẹ tưởng cô vẫn giữ cái nết "văn minh thị thành" muốn có một không gian riêng kín đáo giữa nếp nhà quê kiểng. Cái căn buồng bên trái ấy mẹ từng dành riêng cho cô để thi thoảng cô trở về chơi dăm ba ngày có thể khép cửa kéo tấm ri-đô xanh lét mà ngủ nướng đến tận trưa. Căn buồng dành cho cô con gái tha hương, căn buồng chờ đợi suốt quãng đời lay lắt của bà mẹ già. Nếp nhà ba gian hai chái là công sức cả đời ki cóp dụm dành của người đàn bà tảo tần. Khoảng không gian nhỏ ấy từng gắn bó với tuổi thơ, giờ là nơi duy nhất cô có thể trở về sau chuỗi ngày lang bạt của mình.

Cành mai nở muộn -0
Minh họa: Đỗ Dũng

Căn nhà của cậu em trai hoàn thiện dịp Tết năm ngoái. Cái nhà ấy hai phần tiền là của cô. Cô muốn mẹ già được ở một chỗ khang trang hơn trong những ngày cuối đời. Vậy mà chẳng hiểu sao mẹ cô lên "nhà trên"  ở được một tháng thì nhất định đòi xuống "nhà dưới". Thuỷ, em dâu cô gọi điện thanh minh rằng mẹ lạ nhà không ngủ được nên cứ nửa đêm lại trở dậy bật điện ngồi nói một mình khiến mấy đứa trẻ con hoảng sợ. Cô ấy còn dẫn lời thầy phong thuỷ bảo rằng mẹ mệnh Hoả, con trai mệnh Kim, nếu ở chung thì khắc nhau, con sẽ làm ăn lụn bại mà mẹ cũng không thọ.

Thuỷ chụp cho cô xem cái bảng tương sinh tương khắc có những mũi tên chỉ lên chỉ xuống tạo nên hình ngôi sao năm cánh. Có người mẹ nào khắc con mình đâu, nhất là với đứa con mà mẹ khao khát đánh đổi bằng cả tuổi thanh xuân mới có được. Mẹ già trái tính, hay dỗi hờn như trẻ nhỏ, không lựa được mẹ thì thành ra xung khắc thôi. Đến ngay cả việc mở cái cửa ngách đi từ nhà trên xuống nhà dưới cho tiện, Thuỷ cũng nghe lời thầy phán  rằng không được hướng, nếu mở cửa hướng này thì tài lộc sẽ chảy đi mất. Thế nên gần nhà xa ngõ, cùng trên một khoảnh đất mà nhà trên ríu rít tiếng nói cười của con trẻ, nhà dưới mẹ già vẫn cứ lụi mụi sống qua ngày chỉ với tiếng thở dài làm bạn.

Cô bày ra mâm một bát cá kho thơm đậm vị tương, một đĩa ngồng cải luộc. Mẹ tẩn mẩn gắp mấy khúc cá cho vào cái bát mèo tàu rộng miệng, nhẩn nha nói một mình: "Kho nhừ vậy rồi không biết lũ trẻ có sợ xương nữa không". Cô vừa xới cơm mời mẹ thì Thuỷ đi vào, đặt lên bàn bát đậu phụ om dưa, nói xoe xoé qua lớp khẩu trang y tế:

- Ô, chị Duyên về rồi ư? Đợt này chị về chơi lâu không? Mấy năm rồi chị không về ăn Tết làm mẹ mong lắm đấy.

- Chị cũng đang tính…

- Sài Gòn vẫn loạn lên vì dịch, em xem trên ti vi thấy nhiều người bỏ phố về quê lắm…

- Mợ để cho chị ăn cơm đã. Mang bát cá kho về cho lũ trẻ, nhớ để phần bố nó đi làm ca đêm về có cái mà ăn - Mẹ cô cắt ngang lời con dâu.

Như chỉ đợi có thế, Thuỷ bưng ngay bát cá kho ngoay ngoảy bước ra sân. Cô nhìn bát đậu phụ om dưa lỏng chỏng nguội ngắt, nước mắt chực ứa ra, miếng cơm nghẹn lại bã bứ trong miệng.

- Mẹ cũng đang tính hỏi cô… lần này về có được lâu không? Thân con gái lang bang mãi thế, mẹ thương lắm. Cơm người khó nuốt. Thôi ở nhà với mẹ, đặng rau cháo cùng vui, rồi xem có đám nào ưng ưng mẹ gả chồng cho...

Bao năm nay, lần nào cô về cũng chỉ nghe mẹ nói một câu thao thiết như thế. Vậy mà cô vẫn phải bươn bả đi. Chẳng ai biết cô làm nghề gì ở đất Sài Gòn phồn hoa khi trong tay chỉ có tấm bằng cấp ba. Người làng kháo nhau trong đó chắc dễ kiếm sống nên hàng tháng vẫn thấy mẹ cô lóc cóc ra bưu điện nhận tiền. Rồi căn nhà ba gian hai chái được sửa sang cái mái, cơi thêm khoảng hiên. Thằng Phúc em trai cô được học Cao đẳng Cơ điện, vừa ra trường lại lấy vợ sinh con.Và ngôi nhà mái bằng kiên cố mọc lên như một niềm hãnh diện giữa cái xóm nghèo heo hút này.

Cô đã cất tờ giấy báo trúng tuyển đại học sâu trong hộc tủ khi cha cô đột nhiên đổ bệnh. Một cơn tai biến đã khiến người đàn ông cả đời phiêu bạt ấy phải dán chặt vào giường bệnh, giao tiếp với mọi người xung quanh chỉ bằng ánh mắt đờ đẫn bất lực, khi thì hằn học trách cứ, lúc lại ngân ngấn hối lỗi. Hơn mười năm nay, cô lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn. Cô ngược lên cao nguyên, cô xuôi xuống miệt vườn, bước chân vào bao nhiêu quán cà phê từ bình dân đến sang trọng, khi thì bưng bê dọn bàn, có lúc phải nhắm mắt đưa chân dấn thân mình vào những căn phòng tối bưng dập dìu mùi xác thịt. Cô làm mọi việc để có tiền gửi về quê trả nghĩa mẹ. Cô đi mọi nơi để tìm người đàn bà trong tấm ảnh nhỏ mà cha đã giấu giếm đưa cho cô trong lúc còn tỉnh táo nhất.

Một cái tên quá ư mờ nhạt: Băng Sương. Một dòng địa chỉ cũng không rõ ràng: Quán cà phê Chiều Tím. Tìm người như thể tìm chim. Có lúc tưởng chừng đã tìm ra trong ngập tràn hi vọng, háo hức niềm vui hội ngộ nhưng rồi hoá ra không phải, lại hẫng hụt bẽ bàng ê chề xa xót. Nhiều lúc mệt mỏi, cô toan buông xuôi. Tại sao cứ phải bỏ lại sau lưng tuổi thanh xuân của mình để đi tìm người đàn bà đã coi sự ra đời của cô như trút bỏ một món nợ sau cuộc tình lầm lỡ với người đàn ông đào hoa để quyết tâm làm lại cuộc đời. Người ta đâu mong đợi sự ra đời của cô như bà mẹ tội nghiệp đã đón nhận cô như nhận một món quà và tảo tần nuôi cô lớn khôn. Nhưng cứ mường tượng ra ánh mắt đau đáu tha thiết của cha cô lúc run run đưa cô tấm ảnh nhỏ, cả cái cảm giác xa xót khi bàn tay nắm chặt của cha lỏng dần trong phút lâm chung, là cô lại cồn lên quyết tâm. Hẳn đó là người đàn bà mà cha nặng tình nhất? Cô miên mải đi tìm người đàn bà có cái tên đẹp, có nốt ruồi duyên trên khoé môi, có cặp mắt thăm thẳm vời vợi. Người ta vẫn bảo đàn bà có đôi mắt đẹp hẳn là người trọng tình. Vậy sao người ấy lại vô tình bỏ quên núm ruột của mình bao năm nay !?

Không ai có quyền lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng chẳng ai lại không muốn biết nguồn cội của mình cả. Từ lúc lớn lên, cô lờ mờ hiểu được những câu đùa ác ý của vài người nhiều chuyện trong làng. Mẹ cô, người đàn bà tội nghiệp lấy chồng hơn chục năm, chữa chạy cầu vái tứ phương mà chưa có được mụn con. Nghe thầy bói phán phải nhận một đứa con nuôi để nó "gánh vác" cho thì mới mong mọi sự suôn sẻ, cha mang cô về cho mẹ. Thật kì diệu, gần hai năm sau mẹ sinh được thằng Phúc. Nhưng cha cô vẫn đi biền biệt, năm thì mười họa mới trở về, chẳng mang được gì về nhà ngoài những tiếng thở dài.

Cô đã lớn lên từ những giọt nước mắt chảy ngược của người đàn bà cả đời chấp nhận mình là chốn ghé chân. Cô chẳng biết mình có gánh đỡ được gì cho mẹ hay không. Hay chính mẹ mới là người gánh đỡ cuộc đời cô. Cho đến tận bây giờ, cô vẫn nhớ như in cái cảm giác tim mình đập thình thịch mỗi lúc bắt gặp ánh mắt đăm đắm hoài nghi của mẹ khi bà khẽ vuốt tóc mân mê ngắm thật kĩ khuôn mặt, đôi tai của cô. Chỉ đến khi bà mẹ ôm chặt cô vào lòng mà thủ thỉ: "Con là con của mẹ, mẹ thương, mẹ thương lắm…" thì cô mới thở ra nhè nhẹ.

Khi Phúc ra đời, mẹ ít ngắm nhìn ôm ấp cô hơn nhưng mỗi lần có ai đó bâng quơ: "Con Duyên nhìn giống bố hơn cả thằng Phúc ấy nhỉ!" thì mẹ lại sẵn sàng đốp trả họ những câu chao chát hiếm khi phát ra từ khuôn miệng hiền lành. Và khi cô quyết tâm vào Nam lập nghiệp, ánh mắt tha thiết của mẹ là điều duy nhất khiến cô thấy lưu luyến miên man, trăn trở dằn lòng, da diết nhớ thương về nơi mình được lớn lên.

Sài Gòn oằn mình trong cơn đại dịch, cuộc sống của cô mỗi lúc thêm ngặt nghèo. Cô vẫn kiên trì bám víu với khát khao tìm được nguồn cội của mình. Nhưng sau khi vượt qua lằn ranh sống chết, từ căn phòng màu trắng trở về cái xóm trọ đã hụt vắng quá nửa, cô mới ngộ ra rằng chẳng có điều gì đáng quý hơn sự sống. Được sống đã là một đặc ân của tạo hoá dành cho mình. Dẫu sự sống của cô chỉ như một hạt bụi nhỏ nhoi bám lên tấm áo choàng hoa lệ. Cô ngộ ra sự ra đời của mình là vô duyên với người này nhưng lại hữu duyên với người kia. Không thể cứ mải miết tìm về quá vãng đã nhuốm màu hư ảo. Cha sinh không bằng mẹ dưỡng. Cô muốn trở về với bà mẹ già đôn hậu, với vợ chồng cậu em trai tính tình bộc trực vô tâm, với gian nhà nhỏ ấm áp mùi hương trầm vấn vít bên tấm di ảnh của cha. Đó mới thực là gia đình, là nguồn cội của cô.

Chợ quê ngày giáp Tết vắng hoe hắt khi tất cả đang thực hiện giãn cách. Cô đưa mẹ đi chợ, dìu mẹ qua mấy dãy hàng phơ phất. Bàn tay cô nắm chặt tay mẹ như cách đây hơn hai mươi năm mẹ vẫn cầm chặt tay cô trong phiên chợ cuối năm vì sợ lạc mất cô con gái bé xíu. Qua hàng vàng mã, mẹ dừng lại mua mấy xấp tiền vàng, vài bộ quần áo mũ mã cho cha và cả một hình nhân thế mạng. Cô chợt nhớ ra đó là thói quen cố hữu của mẹ. Năm nào mẹ cũng đốt một hình nhân trong lễ tất niên. Mẹ bảo hình nhân ấy sẽ gánh vác những lo toan xui rủi của cả nhà trong năm tới. Có lúc cô cười thầm cái đức tin mơ hồ ấy của mẹ, lại có khi xa xót nghĩ phận mình cũng giống như tấm hình nhân mỏng manh ấy. Nhưng giờ đây, cầm đôi bàn tay khô sạm gầy guộc của mẹ, cô bỗng muốn mình bé lại để được háo hức loe xoe giúp mẹ đốt mâm vàng mã, một niềm vui nhè nhẹ mà thăm thẳm miên man khi thấy má mẹ ửng đỏ, mắt long lanh ngân ngấn nhìn ngọn lửa liếm nhanh bức hình nhân mỏng dính.

Hai mẹ con về đến nhà thì trời đã quá trưa. Cô đang lúi húi mở cửa nhà thì mẹ chợt reo lên: "Duyên ơi, cây mai có nụ rồi này". Cô sà xuống bên chậu mai. Một chùm nụ mới đơm bông nõn bé xíu như những hạt đậu xanh.

- Cây giờ có nụ thế này chắc hơn tuần nữa thì hoa mới nở mẹ ạ.

- Ừ, rồi hoa sẽ lác đác nở qua rằm tháng giêng ấy nhỉ.

Cô cứ ngỡ chút sắc màu phương Nam ấy sẽ lạc lõng chơ vơ bên cây đào thắm đang trổ bông chi chít. Nhưng bắt gặp những tia vui vừa ánh lên trong đôi mắt đục mờ của mẹ, lòng cô chợt nhẹ bẫng. Vạt nắng cuối đông bồi hồi đậu xuống sân nhà, ửng màu vàng ấm cả bức tường của căn nhà mái bằng bên cạnh. Mai nở muộn, nhưng xuân vẫn dịu dàng ấm áp rưng rưng…

Từ khóa » Cây Mai Nở Muộn