Cánh Thép F-5 – Trần Văn Lương - Bến Cũ
Có thể bạn quan tâm
Phạm Huy Sảnh
(Để tặng những người yêu Không Quân, thích bay bổng.)
“Như nước Đại Việt ta, dẫu mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có…” Nguyễn Trãi – Bình Ngô Đại Cáo.
Chiều Seattle một ngày lộng gió, bầu trời vần vũ báo hiệu sắp mưa. Ánh hoàng hôn xuyên qua tấm cửa kính, rọi trên khuôn mặt thanh thoát không một nét nhăn của người thiếu phụ ngồi đối diện với tôi: Chị Cao Hoa tức bà quả phụ Trung Úy Trần Văn Lương, phi công phản lực F5, thuộc Phi Đoàn 544, Không Đoàn 63 Chiến Thuật, Sư Đoàn 3 Không Quân.Chị Cao Hoa chỉ tách nước trước mặt tôi mời uống, và câu chuyện bắt đầu.
Cao Hoa biết anh Lương từ thuở còn là học trò vì gia đình hai người ở gần nhau. Lương sinh năm 1944. Anh say mê bay bổng, thích mạo hiểm. Anh tình nguyện vào Không Quân năm 1969 rồi trở thành Pilot phản lực cơ A 37. Năm 1971, anh chuyển sang lái F5. Năm 1972, anh thành hôn với người yêu, khi đó Cao Hoa mới 20 tuổi, và đang đi dạy học. Ngày 14 tháng 6 năm 1974, hai người có đứa con trai đầu lòng, Lương đăt tên con là Trần thanh Vũ.
Ngày 9 tháng 7 năm 1974, một phi tuần 3 phản lực cơ chiến đấu F5, trong đó có phi công Trần Văn Lương thực hiện phi vụ oanh kích quân CS để yểm trợ lực lượng bộ binh tại mặt trận Tây Ninh. Chiếc F5 của Lương đã bị trúng đạn phòng không của địch bắn rớt. Sau đó, vào ngày 15/ 7/1974, chị nhận được thư báo của BTL /SDD 3 Không Quân do Chuẩn Tướng Huỳnh Bá Tính ký cho biết:”… Trong một phi vụ hành quân, Trung Úy Trần Văn Lương đã mất tích tại tọa độ XT 140 745, vào ngày 9/7/1974 lúc 12 giờ 15…”
Khi Lương mất tích, con trai của Anh mới được 20 ngày, và người vợ trẻ chỉ mới vừa tròn 22 tuổi. Từ đó, theo vận nước nổi trôi, chị Hoa ôm nỗi đau buồn bất tận, thương con, ngóng chồng mòn mỏi… đột nhiên vào cuối năm 1976, qua bưu điện, chị nhận được thư của Lương cho biết Anh hiện đang bị CS giam ở trại giam Yên Bái, Bắc Việt.
Chị tức tốc cố gắng dò hỏi để xin phép được đi thăm chồng nhưng CS không cho phép, mãi đến đầu năm 1979, chị Hoa mới được họ chấp thuận. Lúc này Lương đã chuyển về trại giam Đô Lương, Hà Tĩnh. Mùa Xuân năm 1979, chị Hoa dẫn theo con trai là Trần Thanh Vũ, 5 tuổi, đi thăm chồng, và thăm cha.
Gặp chồng tại trại tù Đô Lương, chị ngạc nhiên khi thấy sức khỏe của chồng đã quá yếu! Anh không đi nổi, phải có cán binh CS của trại tù cõng Anh ra nơi thăm nuôi. Thân hình anh gầy tọp, mắt bên phải của Anh băng kín, mặt Anh bị sưng, và biến đổi khác thường. Anh cho biết Anh bị bệnh viêm mũi nặng, phát tác trên mắt và bệnh hành khiến Anh bị nhức đầu triền miên.
Vì quá xúc cảm nên trong gần một giờ thăm viếng, chị không nói được một lời nào mà chỉ biết khóc. Phút cuối của cuộc thăm nuôi, Lương ôm chặt hai mẹ con chị vào lòng và an ủi:”Em giữ gìn sức khỏe và cố gắng nuôi con!”Chị Hoa trở về Sàigòn tìm kiếm mua thuốc trụ sinh, hai tháng sau Chị trở lại Hà Tĩnh thăm và đưa thuốc cho chồng. Kỳ thăm nuôi lần thứ hai theo Chị Hoa thì tình trạng sức khỏe của Lương còn tệ hơn kỳ trước.
Khoảng tháng 10/ 1979, trong lúc Chị Hoa đang làm việc, có một người nào đó đã để lại tại nhà Chị một bức thư, trong đó ghi vắn tắt tin Anh Trần Văn Lương đã từ trần tại trại cải tạo AH 118 NT K2, Nghệ Tĩnh, Bắc Việt, vào hồi 17 giờ 15 phút ngày 15/ 08/ 1979, kèm theo một bản nhạc mang tên”Cung buồn cho một cánh chim”, thơ Trần Văn Lương, nhạc Văn Thùy.
Năm 1982, Chị Hoa và cháu Trần Thanh Vũ vượt biển tìm tự do. Chị đến Singapore, và sau đó được định cư tại Hoa Kỳ. Cháu Vũ đã có gia đình sau khi tốt nghiệp Cao Học Hóa Học và đang làm việc tại San Jose.
Tôi hỏi Chị Hoa có thể cho tôi coi bản nhạc ấy được không? Chị đồng ý. Trở vào phòng riêng, khi ra, Chị cầm một bao thư lớn đựng giấy tờ, hình ảnh riêng của gia đình. Chị đưa cho tôi tờ giấy cỡ 8 ½ x 11 được gập làm 8, trong đó với những hàng chữ viết chì ghi lại bài” Cung buồn cho một cánh chim”.
Tôi không thấy ghi nhạc và lời sáng tác năm nào, nhưng có thể vào thời điểm trước khi Lượng vĩnh viễn từ giã các bạn tù tại trại giam ở Hà Tĩnh. Người phổ nhạc tức nhạc sĩ Văn Thùy chắc cũng là bạn tù của Trung Úy Lương.
Tôi thấy Chị nâng niu bản nhạc như một di sản trân quý duy nhất của Lương để lại. Tôi đề nghị Chị Hoa hát cho tôi nghe. Bằng giọng trong vắt nhẹ nhàng và truyền cảm, không cần nhìn bản nhạc, Chị trình bày bản
“Cung buồn cho một cánh chim Thơ Trần Văn Lương, nhạc Văn Thùy. buồn, chầm chậm”
với các lời:
1. Người tìm vào đời đôi cánh chim bay Phi đạo hẹn hò mở lối tung bay Đường mây vút xa dâng đầy trong mắt ai Ngày vui vẫn hẹn đợi chờ hòa khúc hát tương lai.
2. Người tình học trò đôi mắt như sao Mơ vùng trời hồng gửi giấc chiêm bao Ngày vui ái ân không dài như ước mơ Tình trong nét mực ngọc ngà, buồn khóe mắt ngây thơ.
ĐK1. Rồi một chiều thu mây mờ che kín non xanh Người vợ hiền mơ bé thơ nào đâu thấy mặt anh Trời buồn lộng gio, gió âm thầm đưa lá xa cành Trời còn in mây, tình người còn đây, cớ sao người yên giấc mơ say.
ĐK2. Người lặng tìm về hương khói mong manh Xin một lời buồn để hát cho anh Ngàn mây vẫn xanh như chờ mong dáng anh Và đôi mắt buồn học trò đậm vết long lanh Xếp đôi cánh bằng, ngàn thu an giấc cho anh.
Tôi ngồi chăm chú nghe Chị Hoa trình bày trọn bản nhạc. Lời ca thấm vào óc tôi tạo nên cảm giác vừa thương cảm vừa khâm phục tôn vinh mối tình giữa người chiến sĩ Trần Văn Lương và giai nhân Cao Hoa, theo tôi đó là một chuyện tình đẹp. Dẫu rằng định mệnh oan khiên đã bắt” nửa đường chim bằng gãy cánh”, nhưng từ cổ kim những mối tình đẹp đã được thế gian truyền tụng không phải là những cặp uyên ương ăn ở đến khi đầu bạc răng long!
Không muốn kéo dài cuộc nói chuyện vì sợ tạo thêm sự xúc động đến cho Chị Hoa, tôi xin tạm biệt để về hoàn tất bài viết “Cánh Thép F5: Trần Văn Lương”.
Hôm nay ngồi viết những giòng này từ nơi xa xôi cách Việt Nam cả nhiều ngàn dậm, trong óc tôi hình dung đám tang của Người Anh Hùng Trần Văn Lương 34 năm về trước tại một góc rừng nào đó gần trại tù cải tạo Đô Lương thật giản dị: Không thân nhân, không bằng hữu, không lễ nghi quân cách, không tuyên dương, truy thăng, truy tặng, không hồi kèn vĩnh biệt, không tiếng súng tiễn đưa và không có cả hòm gỗ với quốc kỳ (VNCH) !
Bài viết của tôi cũng như lời tri ân đối với tất cả những người đã hy sinh cho chúng ta, con cháu chúng ta được sống và cho miền Nam Việt Nam được tồn tại trên hai thập niên.
Phạm Huy Sảnh Seattle
Nguồn: http://canhthep.com/modules.php?op=modload&name=Forum&file=view&site=kq&bn=kq_anhhung&key=1254800392&first=300&last=359
Từ khóa » Canh Thep Khong Quan
-
Canh Thep
-
Cánh Thép Channel - YouTube
-
Cánh Thép Blog's
-
Canh Thep - Home | Facebook
-
KHÔNG QUÂN QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA
-
ThaiDuong-Jupiters 530
-
Canh Thep - Văn-phò | Năm 2022
-
Lịch Sử Ngàn Người Viết, VŨ XUÂN THÔNG: NHỮNG CÁNH THÉP ...
-
Muỗng Canh Thép Không Gỉ 304 Của Nhật Bản, Muỗng ... - Shopee
-
Cánh Thép Một Thời Để Nhớ
-
Vá Múc Canh Thép Không Gỉ 667 | Shopee Việt Nam
-
Vá Canh Thép Không Rỉ Cán ốp 30x8cm Chung Mộc Hùng