Cạnh Tranh ảnh Hưởng Mỹ-Trung Tại Đông Nam Á

 

“Cái bóng” là phép ẩn dụ, nhưng cũng là một thực tế khách quan của việc Trung Quốc đang án ngữ trước ngưỡng cửa Đông Nam Á. Sự gần gũi về mặt địa lý, cùng với mối quan hệ văn hóa-lịch sử và trọng tâm là kinh tế của Trung Quốc là cơ sở cho Trung Quốc đề ra tầm nhìn về một “Cộng đồng cùng chung vận mệnh” với Đông Nam Á - một trật tự khu vực có thứ bậc, trong đó Bắc Kinh cho rằng các quốc gia nhỏ hơn phải chấp nhận vai trò lãnh đạo và vị trí trung tâm của mình như một lẽ tự nhiên.

Từ bên kia Thái Bình Dương, kể từ khi Thế chiến 2 kết thúc, Mỹ đã tìm cách thách thức “sự chuyên chế về địa lý” này bằng cách xây dựng sức mạnh hiện diện của mình thông qua ảnh hưởng kinh tế, hiện diện quân sự và tính toán chiến lược bền vững nhằm xác định tương lai của Mỹ gắn liền với tương lai của châu Á-Thái Bình Dương (hoặc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương).

Cách đây một thập kỷ, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton đã báo hiệu sự xoay trục sang châu Á của Chính quyền Obama khi tuyên bố rằng “Chúng tôi là một cường quốc thường trực ở châu Á - không chỉ là một cường quốc ngoại giao hay quân sự, mà còn là một cường quốc kinh tế. Và chúng tôi sẽ tiếp tục hiện diện tại đây”. Trong bối cảnh Chính quyền Biden sẽ thiết lập chính xác “Xoay trục sang châu Á phiên bản 2.0” của riêng mình, định hướng chiến lược này sẽ tiếp tục được thúc đẩy được gia tăng sức mạnh với việc Mỹ xem xét Trung Quốc như đối thủ cạnh tranh chiến lược đáng gờm nhất.

Chưa có sự cấp bách trong chiến lược của Mỹ

Tuy vậy, dù được coi như một chiến trường quan trọng trong cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ-Trung và sự ủng hộ hùng hồn của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đối với “vai trò chủ chốt của tính trung tâm của ASEAN ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, Đông Nam Á vẫn chỉ là một mắt xích yếu trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang hình thành của Chính quyền Biden.

Chính quyền Biden vì thế cho tới nay mới chỉ thể hiện một chút của tính cấp bách trong việc để Đông Nam Á cảm thấy rằng “Mỹ đang trở lại”. Các vị trí Đại sứ Mỹ tại Singapore và ASEAN vẫn bị bỏ trống kể từ tháng 1/2017. Các nhân sự Đại sứ mới cho Thái Lan và Indonesia vẫn chưa được công bố.

Tổng thống Joe Biden đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ trực tuyến, tiếp Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tại Nhà Trắng và hội đàm qua điện thoại với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ. Nhưng ông tới nay chưa có bất kỳ cuộc điện thoại nào với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á.

Tương tự như vậy, ông Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Seoul và Tokyo nhưng lại bỏ qua Đông Nam Á. Nếu có chăng thì tại Đối thoại Shangri-La 2021 ở Singapore, nơi ông Austin dự kiến sẽ có bài phát biểu về chiến lược của Mỹ đối với khu vực. Tuy nhiên, hội nghị này đã bị hủy bỏ vào phút chót vì đại dịch Covid-19.

Địa lý có vai trò trong tam giác Trung Quốc - Mỹ - Đông Nam Á bởi nó xác định ưu tiên của hai cường quốc đối với khu vực. Cựu quan chức ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan đánh giá, sự hiện diện của Mỹ tại khu vực không phải chỉ là địa lý mà còn là “kết quả của sự tính toán địa chính trị”. Do đó, “quyền lực hiện diện” của Mỹ đòi hỏi sự quan tâm, cam kết và đầu tư bền vững của Washington.

Với Trung Quốc, sự hiện diện của nước này tại khu vực là một vấn đề thực tế, là ưu tiên hàng đầu trong văn hóa chiến lược đưa ảnh hưởng của Trung Quốc ra thế giới bên ngoài thông qua các vòng tròn đồng tâm, trong đó Đông Nam Á là khu vực gần tâm nhất. Hơn nữa, khi sự tiếp nhận và nhận thức về ảnh hưởng của Trung Quốc đã xấu đi ở khắp các nước phương Tây, Bắc Kinh đã gia tăng hướng tới các quốc gia khéo léo hơn của khu vực Đông Nam Á, nơi trở thành mục tiêu chính của chiến dịch “tấn công quyến rũ” từ Trung Quốc.

Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Trung Quốc đã có nhiều cuộc hội đàm ngoại giao trực tiếp với các đối tác Đông Nam Á trong năm qua. Trong thời gian dịch Covid-19, việc bay tới các nước tham dự các cuộc gặp trực tiếp càng có nhiều ý nghĩa hơn. Điều này thể hiện cam kết và đầu tư kiên trì vào việc xây dựng mối quan hệ, bất chấp mọi rào cản hiện hữu từ những hạn chế do đại dịch gây ra. Kể từ tháng 10/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm tất cả các nước ASEAN, ngoại trừ Việt Nam. Tháng trước, ông có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Singapore, Indonesia, Philippines và Malaysia tại Phúc Kiến, Trung Quốc.

Khi các Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và ASEAN gặp lại nhau tại Trùng Khánh vào tháng 6/2021, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN sẽ huy động sự ủng hộ của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar, trong khi Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc nâng tầm quan hệ ASEAN-Trung Quốc lên thành “Đối tác Chiến lược Toàn diện”, dù ‘cái mác’ mới này sẽ ra sao và như thế nào, có khác biệt về cơ bản so với “đối tác chiến lược” hiện tại hay không thì vẫn chưa rõ ràng. Nếu điều này thành công, đây sẽ là một “lần đầu tiên” nữa củng cố sự hiện diện của Trung Quốc với tư cách là người đứng đầu giữa các Đối tác Đối thoại của ASEAN.

Mỹ đang bị tụt lại phía sau

Nếu cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc tại Đông Nam Á là một cuộc đua marathon kể từ ngày ông Biden nhậm chức, thì Bắc Kinh đã có một khởi đầu thuận lợi ngay trong chặng đầu tiên. Tháng 6/2021, các Bộ trưởng Ngoại giao Đông Nam Á sẽ bay đến Trùng Khánh để dự hội nghị đặc biệt ASEAN-Trung Quốc  với ông Vương Nghị. Trong khi đó, ngày 25/5, ông Blinken đã không thể tham dự hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ trực tuyến do chính Washington đề xuất vì sự cố liên lạc trên máy bay khi ông trên đường đến Trung Đông.

Dù thất vọng nhưng cũng không nên quá ngạc nhiên. Trước đây đã có những sự việc tương tự với những người tiền nhiệm của ông Blinken. Ông Warren Christopher (1994) và bà Condoleezza Rice hai lần (2005 và 2007) đã không tham dự các cuộc họp với ASEAN hàng năm vì bận tham gia vào các vấn đề cấp bách của Trung Đông. Ông James Baker (1992), bà Madeleine Albright (1998), bà Clinton (2009) và ông Mike Pompeo (2018) đã không tháp tùng các Tổng thống Mỹ tới các Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vì lý do tương tự.

Quyết định của ông Biden về việc rút số lính Mỹ còn lại khỏi Afghanistan cho thấy quyết tâm của Washington trong việc xoay chuyển từ cuộc chiến chống khủng bố sang cuộc cạnh tranh có hệ thống với Trung Quốc, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, như đã từng xảy ra với chiến lược xoay trục sang châu Á 1.0 (Asia Pivot 1.0) của cựu Tổng thống Barack Obama, sức hút từ Trung Đông là điều không thể cưỡng lại. Bình luận về cuộc gặp bị hoãn với ông Blinken, một nhà ngoại giao ASEAN cho biết “nó nhắc nhở chúng tôi rằng các ưu tiên của Mỹ là ở đâu.”

Nói cách khác, không phải siêu cường toàn cầu thỉnh thoảng bị phân tâm mà là một lời nhắc nhở về trật tự thứ cấp lâu đời của Đông Nam Á trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy vậy, cựu quan chức ngoại giao Singapore, ông Bilahari Kausikan nhận thấy mặt tích cực của điều này: “Đó không hẳn là một điều xấu. Điều đó có nghĩa là các vấn đề của chúng tôi không quá tệ như ở các khu vực khác."

Khủng hoảng ở Myanmar

Không phải là Đông Nam Á gần đây không gặp phải những vấn đề nghiêm trọng. Cuộc đảo chính quân sự hồi tháng Hai ở Myanmar và hậu quả bạo lực của nó đe dọa phá vỡ kế hoạch của ông Biden đối với khu vực. Đó là lý do chính khiến Washington đề xuất cuộc Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ và cũng lý giải tại sao ASEAN phải mất một thời gian để thích ứng.

Điểm cộng là bất chấp mọi sự lên án và trừng phạt đối với quân đội Myanmar, hay Tatmadaw, Chính quyền Biden cho đến nay vẫn thể hiện sự thực dụng và ủng hộ vai trò trung gian của ASEAN. Không nên coi nhẹ điều này trước sự cám dỗ và áp lực mạnh mẽ đối với Chính quyền Biden trong việc biến Myanmar trở thành tín vật của chương trình tái thiết dân chủ ở cả trong và ngoài nước.

Điều đó có nghĩa là, nếu cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar tiếp tục leo thang và ASEAN không tạo ra được những thay đổi tích cực, nó có thể đạt đến đỉnh điểm mà cách tiếp cận thông thường của Washington đối với ASEAN, đặc biệt là ở cấp độ hội nghị thượng đỉnh, sẽ không còn khả thi về mặt chính trị.

Phương Tây đã từng “trừng phạt ASEAN” vì vi phạm nhân quyền ở Myanmar vào cuối những năm 1990. Trong khoảng thời gian này, chi phí địa chính trị của một chính sách như vậy đối với cả Washington và Đông Nam Á sẽ cao hơn nhiều. Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Tatmadaw và chính sách đối ngoại của Myanmar không bị cản trở bởi cách tiếp cận dựa trên giá trị của phương Tây, mang lại cho Bắc Kinh nhiều lợi ích lớn hơn Washington trong việc giành lợi thế trong khu vực.

Mỹ cũng bị Trung Quốc bỏ lại phía sau trong chính sách ngoại giao vaccine đối với Đông Nam Á. Theo số liệu trực tuyến của “Our World in Data”, tỷ lệ người được tiêm chủng tại Campuchia hiện đứng thứ hai trong ASEAN (13,7%), nhờ nguồn cung cấp từ Trung Quốc và Nga. Campuchia chỉ đứng sau Singapore (36,5%) và tiếp theo là Lào (8,5%), quốc gia cũng chủ yếu nhận vaccine của Trung Quốc. Đứng cuối bảng là hai đồng minh của Mỹ, Philippines và Thái Lan (khoảng 3,2%) và Việt Nam (1%) -một đối tác kinh tế-an ninh ngày càng quan trọng đối với Washington. Chính sách ngoại giao vaccine của Mỹ cho đến nay đã giành ưu tiên cho Mexico và Canada (chia sẻ các liều AstraZeneca chưa sử dụng) và Ấn Độ (gửi các nguyên liệu cần thiết để sản xuất vaccine), một lần nữa cho thấy các ưu tiên của Mỹ thực sự đang nằm ở đâu.

Chính quyền Biden không nên lãng phí thời gian và nên đẩy mạnh hợp tác với Đông Nam Á. Người Đông Nam Á rất nhiệt tình với chính quyền mới. Theo Báo cáo Khảo sát Thực trạng Đông Nam Á năm 2021 do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) thực hiện, có 68,6% trong số 1.008 người được hỏi kỳ vọng sự can dự của Mỹ ở Đông Nam Á sẽ tăng lên dưới thời ông Biden, trái ngược hẳn với con số 77% cho rằng mức độ can dự của Mỹ đã giảm dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc khảo sát năm 2020.

Sẽ là không khôn ngoan nếu để những quan điểm thiện chí này dần hao mòn trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng không hồi kết và bất ổn khó lường xảy ra như hiện nay. Rốt cuộc, tuyên bố về sự hiện diện thường trực của Mỹ tại khu vực phải phù hợp với sự hiện diện lâu dài và các hành động cụ thể của nước này.         

Hoàng Thị Hà, Chuyên viên nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ((ISEAS), Singapore. Bài viết được đăng trên The Straits Times.

Từ khóa » Cạnh Tranh Mỹ Trung ở đông Nam á