Canon PowerShot G11 đọ ảnh

Canon PowerShot G11 đọ ảnh 09/11/09

Bài test sau đây đánh giá khả năng khử nhiễu của Canon PowerShot G11 bên cạnh hai đối thủ Olympus E-P1 và Panasonic Lumix DMC-GF1.

Canon-PowerShot-G11-đọ-ảnh

Canon PowerShot G11. Ảnh: Highsnobiety.

Canon PowerShot G11 là phiên bản kế nhiệm của G10 - model từng gây tiếng vang lớn trên thị trường máy ảnh du lịch cao cấp năm 2008. Mặc dù thua kém "tiền bối' về một vài thông số kỹ thuật như độ phân giải, độ lớn màn hình, song G11 lại được đánh giá cao hơn nhờ khả năng khử nhiễu ưu việt và chất lượng ảnh thuộc hàng chuyên nghiệp. Theo Dpreview, sự kết hợp tuyệt vời giữa cảm biến CCD kích thước lớn (1,17 inch) và thuật toán xử lý mới nhất trên chip DIGIC 4 đã giúp G11 khử nhiễu tốt hơn phiên bản tiền nhiệm tới 2-stop. Ống kính góc rộng với dải zoom 5x cùng công nghệ ổn định ảnh quang học đem lại khả năng tùy biến linh hoạt trong nhiều điều kiện chiếu sáng. Ngoài ra, những tính năng tự động trên máy cũng giúp người dùng dễ dàng chụp được những tấm ảnh đẹp với mức độ tối ưu hóa cao.

Bài test dưới đây đánh giá khả năng khử nhiễu của Canon PowerShot G11 bên cạnh hai đối thủ "đình đám" là Olympus E-P1 và Panasonic Lumix DMC-GF1. Cần lưu ý rằng, E-P1 và GF1 đều là những model thuộc phân khúc máy ảnh Micro Four Thirds với mức giá cao hơn G11 tới hơn 250 USD.

Theo đánh giá chung, mặc dù có sự chênh lệch khá lớn về đẳng cấp nhưng G11 lại không thua kém nhiều so với hai "ông lớn" trên nếu xét riêng khả năng khử nhiễu tại ISO cao.

Bài test thực hiện trên GF1 và EP-1 bằng ống kính Lumix G 20 mm f/1.7, thiết lập khẩu độ f/5.6. G11 được điều chỉnh về mức zoom sao cho bao quát trường nhìn tương tự hai model kể trên. Tính năng khử nhiễu trên mỗi máy đều được đặt về mức chuẩn. Chế độ tối ưu hóa dải tương phản được tắt vì đây là nguyên nhân làm tăng nhiễu tại các vùng thiếu sáng. Khu vực ảnh test được crop 100% từ file gốc JPEG.

Canon-PowerShot-G11-đọ-ảnh

Tại ISO 80, chất lượng ảnh cho bởi G11 không có gì đánh phàn nàn. Ảnh có màu trung tính, không xuất hiện sắc sai viền như các model máy ảnh ngắm - chụp bình dân. Olympus E-P1 và Panasonic GF1 không có tùy chọn chụp tại mức ISO này.

Canon-PowerShot-G11-đọ-ảnh

Tại ISO 100, E-P1 và GF1 cho ảnh rất nét. Điều này có thể lý giải là do chất lượng ống fix Lumix G 20 mm f/1.7 tốt hơn hẳn ống zoom Canon 28-140 mm f/2.8-4.5. Màu sắc trên hai máy Micro Four Thirds có vẻ hơi ngả vàng và xỉn so với G11. Chất ảnh cho bởi "đàn em" G11 vẫn rất ổn dù rằng đã xuất hiện một số đốm nhỏ khó nhận thấy tại vùng tối của đối tượng.

Canon-PowerShot-G11-đọ-ảnh

Tại ISO 200 và ISO 400, nhiễu bắt đầu xuất hiện và có thể nhìn thấy rõ trên ảnh chụp bởi cả 3 máy. Mặc dù ảnh không có quá nhiều sạn hay bị vỡ pixel tại mức ISO 400, nhưng G11 lại có xu hướng làm giảm bão hòa màu và mất chi tiết trên vật thể. Trong khi đó, hai model Micro Four Thirds không làm thay đổi nhiều chất ảnh, ngoại trừ việc xuất hiện khá nhiều đốm mờ tại các vùng tối. Đặc biệt, ảnh cho bởi E-P1 có vẻ bị biến đổi nặng nề nhất, mặc dù sản phẩm có cảm quang lớn hơn nhiều G11. Điều này có thể lý giải do thuật toán làm nét ảnh của Olympus phát huy tác dụng quá mạnh tại thiết lập mặc định, khiến khả năng khử nhiễu bị thu hẹp. Hậu quả là các pixel có xu hướng bị vỡ, các hạt sạn (noise) không được trơn nhẵn như hai đối thủ còn lại.

Canon-PowerShot-G11-đọ-ảnh

Tại ISO 800, nhược điểm cảm quang nhỏ đã buộc G11 phải vận dụng tới khả năng khử nhiễu ưu việt của vi xử lý DIGIC 4. Ảnh vẫn không xuất hiện quá nhiều đốm nhiễu và những đốm nhiễu này cũng không quá thô cứng để làm hỏng ảnh. Tuy nhiên, độ nét và bão hòa màu đi xuống khá rõ rệt. Ngược lại, hai model Micro Four Thirds vẫn giữ được hầu hết chi tiết trên ảnh. Các đốm nhiễu màu trên GF1 khiến ảnh bị "bẩn", một hiện tượng hầu như không gặp trên các model sử dụng vi xử lý DIGIC 4 của Canon.

Canon-PowerShot-G11-đọ-ảnh

Tại ISO 1600, chất lượng ảnh trên cả 3 model đều đi xuống. Ảnh cho bởi G11 rất mờ, tương phản và màu sắc đi xuống. Tình hình trên E-P1 và GF1 có vẻ khá hơn một chút về khả năng giữ chi tiết và tương phản, dù các đốm nhiễu có phần to và nổi rõ hơn so với G11.

Canon-PowerShot-G11-đọ-ảnh

Tăng lên ISO 3200, chất lượng ảnh cho bởi 3 model gần như ngang nhau. Nhiễu làm một số vùng màu trên GF1 bị biến dạng lạ. Trong khi đó, ảnh của EP-1 cũng không khá hơn, nhiễu rất to và thô. Ảnh cho bởi G11 có lẽ là dễ chịu nhất vì ít ra nhiễu cũng không làm vướng mắt người xem như 2 model kia. Bù lại, ảnh rất mờ như bị phủ sương.

Canon-PowerShot-G11-đọ-ảnh

Olympus EP-1 còn cung cấp thêm tùy chỉnh nâng ISO lên 6400, tuy nhiên, không gây nhiều ngạc nhiên vì chất lượng ảnh tệ đến mức không thể sử dụng để in ảnh dù là cỡ nhỏ.

Không hài lòng bài viết

Từ khóa » Canon G11 đánh Giá