Cao Bằng: Nhiều Tồn Tại, Sai Sót Trong Mua Sắm Thiết Bị Giáo Dục

Đây là một nội dung quan trọng trong kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Cao Bằng về việc chấp hành các quy định của pháp luật về giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm công và thực hiện các gói thầu liên quan đến Chương trình 775 giai đoạn 2016 -2020 tại Sở GD&ĐT.

Đối với các gói thầu mua sắm công, gói thầu xây dựng cơ bản bằng nguồn ngân sách và Chương trình 775 đã đạt được nhưng kết quả như: Đầu tư đúng đối tượng theo yêu cầu các nguồn vốn sự nghiệp, các chương trình, trong điều kiện địa bàn rộng, địa hình phức tạp, dân trí thấp và khó khăn, nguồn vốn hạn chế, hàng hóa đa chủng loại và hạng mục nhỏ lẻ... nhưng chủ đầu tư đã thực hiện đạt mục đích đầu tư (nâng cao chất lượng dạy và học) của các chương trình và nguồn vốn yêu cầu.

Trong quá trình triển khai thực hiện cũng còn nhiều tồn tại, sai phạm cần khắc phục như: Việc mua sắm trực tiếp, được pháp luật quy định, nhưng còn có sơ hở có thể nảy sinh hành vi xé nhỏ gói thầu, phát sinh khối lượng không hợp lý,...

Đối với công tác phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu của UBND tỉnh và Sở GD&ĐT: Sở Tài chính sử dụng chứng thư của Sở GD&ĐT để thẩm định giá hàng hóa trong công tác thẩm định dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu là không đúng. Nội dung các hợp đồng của Sở GD&ĐT với các đơn vị thẩm định giá, khi xác định đối tượng sử dụng kết quả thẩm định giá không có Sở Tài chính (bên thứ ba) theo quy định tại điểm b Khoản 2 Mục II của Thông tư số 28/2015/TT-BTC.

Sở GD&ĐT với Sở Tài chính, Phòng Giáo dục trung học với Phòng Kế hoạch - Tài chính của Sở GD&ĐT thực hiện công tác lập và thẩm định giá hàng hóa của dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đã sử dụng đồng chứng thư thẩm định là không đúng.

Giá hàng hóa của các gói thầu được Sở Tài chính cũng như được phòng chuyên môn Sở GD&ĐT thẩm định chưa thể đánh giá được là sát hay không sát giá thị trường.

Đoàn thanh tra cũng chưa so sánh được giá hàng hóa của các gói thầu với ít nhất một trong ba loại tài liệu cơ bản sau: Một là hồ sơ về thẩm định giá của các chứng thư; hai là chi phí sản xuất của hàng hóa (giá thành) và các chi phí cần thiết khác (chi phí vận chuyển...); ba là hàng hóa tương tự cùng thị trường và thời điểm theo quy định về giá thị trường hoặc cơ quan thẩm quyền phê duyệt (ba loại tài liệu này đoàn thanh tra không có)…

Qua đó, cơ quan thanh tra xác định: Chứng thư là do chủ đầu tư hợp đồng với đơn vị thẩm định giá trên cơ sở căn cứ hợp đồng nguyên tắc giữa đơn vị thẩm định giá và Sở Tài chính là do Sở Tài chính giới thiệu. Trách nhiệm thuộc Sở Tài chính.

Công tác lập, thẩm định dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Sở GD&ĐT với Sở Tài chính, của Phòng Giáo dục Trung học và Phòng Kế hoạch - Tài chính của Sở GD&ĐT chưa có báo cáo kết quả và hồ sơ thẩm định hành hóa (chưa thẩm định giá hành hóa - tài sản) của dự toán. Trách nhiệm thuộc Sở Tài chính; Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT.

Trong việc cung cấp, sử dụng và quản lý hàng hóa: Do chủ đầu tư và phòng GD&ĐT cấp huyện khảo sát lập kế hoạch mua sắm chưa sát thực tế, một số nhà thầu và đơn vị thụ hưởng chưa làm tốt về việc thực hiện kết quả đấu thầu và hậu đấu thầu của một số loại hàng hóa. Trách nhiệm thuộc chủ đầu tư, một số phòng GD&ĐT cấp huyện, nhà thầu và đơn vị thụ hưởng.

Đối với các gói thầu xây dựng cơ bản của nguồn ngân sách và Chương trình 775, cũng có những sai phạm như: Hồ sơ do tư vấn thiết kế, nhà thầu tính thiếu, tính sai, các đơn vị ủy thác quản lý dự án và cơ quan thẩm định, tổ chấm thầu có sai sót trong quá trình quản lý, rà soát… Trách nhiệm thuộc về tư vấn thiết kế, nhà thầu, tổ chấm thầu, các đơn vị ủy thác quản lý dự án.

Việc thi công thiếu khối lượng do nhà thầu thi công chưa tự giác, công tác giám sát (tư vấn giám sát, các đơn vị ủy thác quản lý dự án) chưa chặt chẽ. Trách nhiệm thuộc về nhà thầu, tư vấn giám sát, các đơn vị ủy thác quản lý dự án.

Từ những tồn tại, sai phạm trên đoàn thanh tra kiến nghị UBND tỉnh Cao Bằng, Sở GD&ĐT, Sở Tài chính tiến hành kiểm điểm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra những tồn tại, sai sót đã được nêu trong kết luận và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cuối năm 2021, trước những thông tin về giá thiết bị của Gói thầu "Mua sắm thiết bị trình chiếu, thiết bị văn phòng cho các cơ sở giáo dục năm 2021" do Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư, đơn vị này đã có Công văn số 1588/SGĐ&ĐT-KH, để lý giải cho giá của các trang thiết bị trúng thầu cao, trong đó có nội dung gói thầu này được thực hiện để cung cấp thiết bị cho 40 cơ sở giáo dục trực thuộc, trong đó có đơn vị cách xa trung tâm thành phố Cao Bằng tới 160km.

Có trường hợp không thể vận chuyển hàng hóa bằng ô tô mà phải trung chuyển băng xe thô sơ hoặc vận chuyển bộ. Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng cũng cho biết, khi trúng gói thầu này, nhà thầu phải bàn giao, lắp đặt, đảm bảo các điều kiện về bảo hành, bảo trì đối với hàng hóa thiết bị cho đơn vị sử dụng tại các địa điểm không thuận tiện về địa lý và giao thông. Đơn vị cung cấp phải cam kết dự trữ linh kiện chính hãng để sửa chữa, thay thế trong toàn thời gian bảo hành 12 tháng và bảo trì trong suốt 3 năm tiếp theo sau khi hết thời hạn bảo hành. Tất cả chi phí để thực hiện các nội dung trên phải được bao gồm trong giá gói thầu.  

Từ khóa » Sở Cao Bằng