Cao Huyết áp Là Gì? Nguyên Nhân, Cách Kiểm Soát

Nội dung bài viết / Table of Contents

Toggle
  • Cao huyết áp là gì? Tăng huyết áp là gì?
  • Ý nghĩa chỉ số huyết áp là gì?
  • Tại sao bạn nên quan tâm về cao huyết áp?
  • Những dấu hiệu và triệu chứng cao huyết áp
    • Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
    • Những biến chứng có thể xảy ra của cao huyết áp là gì?
  • Nguyên nhân huyết áp cao
    • Nguyên nhân tăng huyết áp là gì?
  • Những ai có nguy cơ mắc cao huyết áp?
  • Điều trị hiệu quả
    • Làm thế nào để chẩn đoán huyết áp cao?
    • Những xét nghiệm y tế khác có thể giúp chẩn đoán bệnh cao huyết áp là gì?
    • Những phương pháp nào dùng để điều trị huyết áp cao?
  • Chế độ sinh hoạt phù hợp
    • Làm thế nào bạn có thể hạn chế diễn tiến của bệnh cao huyết áp?
  • Lời kết

This post is also available in: English

Cao huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” vì bệnh thường không có triệu chứng, người bệnh được chẩn đoán tình cờ khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc sau khi xảy ra một biến cố lớn như nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Việc không biểu hiện triệu chứng làm cho bệnh không được chẩn đoán và điều trị sớm, điều này để lại nhiều hậu quả đáng tiếc khi biến chứng đã âm thầm diễn ra mà mọi người vẫn còn chưa hay biết gì.

Chẩn đoán cao huyết áp không khó nhưng vì chúng ta chưa có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ nên tỷ lệ bệnh bị bỏ sót chẩn đoán trong cộng đồng khá cao.

Cao huyết áp là gì? Tăng huyết áp là gì?

Cao huyết áp, hay còn được gọi là tăng huyết áp, là một tình trạng áp lực máu đẩy vào thành động mạch khi tim bơm tống máu đi quá cao. Nếu áp lực này tăng lên cao theo thời gian, nó có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác.

Một số loại cao huyết áp chính bao gồm:

  • Cao huyết áp vô căn (EHT), hay còn gọi là cao huyết áp tự phát;
  • Tăng huyết áp thứ phát;
  • Cao tăng huyết áp tâm thu;
  • Tiền sản giật, hay được gọi là cao huyết áp thai kỳ.

Ý nghĩa chỉ số huyết áp là gì?

Máu lưu thông trong cơ thể với một tốc độ nhất định. Chỉ số huyết áp của bạn bao gồm 2 chỉ số:

  • Huyết áp tâm thu, là giá trị cao hơn, đo áp suất trong động mạch khi tim đập tống máu đi (khi cơ tim hoạt động).
  • Huyết áp tâm trương, là giá trị thấp hơn, đo áp lực máu trong động mạch giữa các nhịp tim (giữa hai lần đập của tim).

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, tăng huyết áp có thể được phân loại như sau:

  • Tiền tăng huyết áp: 120/80 mmHg hoặc cao hơn;
  • Tăng huyết áp độ 1: 140/90 mmHg hoặc cao hơn;
  • Tăng huyết áp độ 2: 160/100 mmHg hoặc cao hơn;
  • Cao huyết áp cấp cứu (một tình trạng đe dọa đến tính mạng): 180/110mmHg hoặc cao hơn.

Theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, đối với huyết áp dưới 120/80 mmHg được coi là bình thường. Khi bị cao huyết áp, máu sẽ lưu thông qua các động mạch ở áp suất cao, gây sức ép nhiều hơn vào các mô và gây tổn hại các mạch máu.

Bạn được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp nếu huyết áp của bạn là luôn trên 140/90 mmHg.

Chỉ số huyết áp cao

Tại sao bạn nên quan tâm về cao huyết áp?

Theo Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, cao huyết áp là một tình trạng nghiêm trọng ảnh hưởng đến 1/4 số người trưởng thành ở Việt Nam. Nó được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi vì người bệnh thường không có triệu chứng, nhưng nó có thể dẫn đến một số bệnh nghiêm trọng và đôi khi thậm chí gây tử vong.

Đây là một tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến bệnh mạch vành, suy tim, đột quỵ, suy thận và các vấn đề sức khỏe khác khi không được điều trị kịp thời.

Những dấu hiệu và triệu chứng cao huyết áp

Huyết áp có thể tăng lên mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Đó là lý do tại sao huyết áp cao được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Hiếm khi, đau đầu có thể xảy ra.

Bạn có thể mắc bệnh này và không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào cho đến khi bạn gặp một cơn đột quỵ hoặc đau tim.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Ở một số người, cao huyết áp nặng có thể dẫn đến chảy máu cam, đau đầu hoặc chóng mặt. Bởi vì căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến bạn mà bạn không biết mình đang mắc bệnh. Do đó, việc theo dõi huyết áp thường xuyên rất quan trọng nếu bạn đang có các nguy cơ bị bệnh cao. Bạn nên gặp bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường hoặc huyết áp của bạn quá cao.

Những biến chứng có thể xảy ra của cao huyết áp là gì?

Khi huyết áp vẫn cao theo thời gian, nó có thể gây hại cho cơ thể. Các biến chứng của huyết áp cao bao gồm:

  • Suy tim. Suy tim là một tình trạng mà trong đó tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Điều này làm cho trái tim to ra và trở nên yếu hơn;
  • Phình bóc tách động mạch. Một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ nơi nào trong cơ thể của bạn. Khi bị phình bóc tách động mạch, bạn có thể phải đối mặt với tình trạng chảy máu nội bộ và có thể đe dọa tính mạng;
  • Suy thận. Các mạch máu trong thận có thể trở nên hẹp lại và gây suy thận;
  • Nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Động mạch bị hẹp ở một số nơi trong cơ thể, từ đó dẫn đến việc hạn chế lưu lượng máu (đặc biệt là cho tim, não, thận và chân). Điều này có thể gây ra một cơn đau tim, đột quỵ, suy thận, hoặc người bệnh phải phẫu thuật cắt bỏ một phần chân;
  • Bệnh mắt: Các mạch máu trong mắt vỡ hoặc chảy máu. Điều này có thể dẫn đến những thay đổi về thị lực hoặc thậm chí là mù lòa.

Nguyên nhân huyết áp cao

Nguyên nhân tăng huyết áp là gì?

Hầu hết các trường hợp huyết áp cao thường không có nguyên nhân. Đây được gọi là cao huyết áp nguyên phát. Một số tình trạng sức khỏe liên quan đến thận hoặc tim mạch có thể gây ra huyết áp cao, được gọi là cao huyết áp thứ phát.

Một số loại thuốc như thuốc tránh thai hoặc thuốc cảm cũng có thể gây ra huyết áp cao. Ở một số phụ nữ, mang thai hoặc các liệu pháp hormone có thể làm huyết áp tăng.

Cao huyết áp gây ra do thuốc,  sau khi ngừng thuốc có khả năng không thể trở lại bình thường ngay lập tức, nó có thể mất vài tuần. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, nếu huyết áp của bạn không trở lại bình thường.

Trẻ em dưới 10 tuổi mắc bệnh thường là cao huyết áp thứ phát do bệnh khác gây ra, ví dụ như bệnh thận. Điều trị các nguyên nhân gây bệnh có thể giải quyết được căn bệnh này.

Những ai có nguy cơ mắc cao huyết áp?

Bạn có nguy cơ tăng huyết áp nếu bạn có một hoặc nhiều yếu tố được liệt kê dưới đây:

  • Tuổi: người lớn tuổi có nguy cơ bị bệnh hơn.
  • Giới tính: phụ nữ sau mãn kinh có nhiều khả năng sẽ mắc cao huyết áp hơn, và đàn ông dưới 45 tuổi có nhiều khả năng mắc cao huyết áp hơn so với phụ nữ.
  • Chủng tộc: người Mỹ gốc Phi có nhiều khả năng bị bệnh hơn.
  • Tiền sử gia đình: nếu các thành viên trong gia đình của bạn (cha mẹ hoặc anh chị) mắc bệnh cao huyết áp, bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh.

Đối với người lớn tuổi, những yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh cao huyết áp bao gồm:

  • Thừa cân;
  • Không tập thể dục thường xuyên;
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh;
  • Tiêu thụ quá nhiều muối;
  • Uống rượu;
  • Hút thuốc lá;
  • Mắc chứng ngưng thở lúc ngủ;
  • Căng thẳng.
  • Thừa Vitamin B2.

Điều trị hiệu quả

Làm thế nào để chẩn đoán huyết áp cao?

  • Bác sĩ của bạn sẽ tham khảo các yếu tố nguy cơ của bạn, tiền sử gia đình, khám lâm sàng và huyết áp của bạn để chẩn đoán chính xác bệnh.
  • Bác sĩ hoặc y tá sẽ đo huyết áp của bạn bằng cách sử dụng máy đo huyết áp bao gồm một ống nghe (hoặc cảm biến điện tử) và băng quấn đo huyết áp.

Để chuẩn bị cho kiểm tra huyết áp, bạn nên:

  • Không uống cà phê hay hút thuốc lá trong 30 phút trước khi kiểm tra. Những việc này có thể gây ra tăng huyết áp trong ngắn hạn.
  • Đi vệ sinh trước khi kiểm tra huyết áp. Bàng quang đầy nước có thể thay đổi huyết áp của bạn.
  • Ngồi yên trong 5 phút trước khi kiểm tra. Sự di chuyển có thể gây tăng huyết áp trong ngắn hạn.

Nếu huyết áp của bạn là 140/90 mmHg hoặc cao hơn theo thời gian, bác sĩ sẽ chẩn đoán bạn bị cao huyết áp. Nếu bạn có bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận mãn tính, huyết áp 130/80 mmHg hoặc cao hơn sẽ được chẩn đoán là bị bệnh.

Những xét nghiệm y tế khác có thể giúp chẩn đoán bệnh cao huyết áp là gì?

Các xét nghiệm khác có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm nước tiểu;
  • Điện tâm đồ (ECG);
  • Chụp X-quang ngực;
  • Chụp cắt lớp điện toán (CT scan).

Các xét nghiệm này để loại trừ bất kỳ nguyên nhân khác có thể có của căn bệnh này. Nếu không có nguyên nhân khác, bạn sẽ được chẩn đoán mắc cao huyết áp nguyên phát.

Điều trị huyết áp cao hiệu quả

Những phương pháp nào dùng để điều trị huyết áp cao?

Mục tiêu điều trị thường là để giữ cho huyết áp của bạn dưới 140/90 mmHg. Nếu bạn có bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận mãn tính, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị nghiêm ngặt để giữ cho huyết áp của bạn dưới 130/80 mmHg.

Thay đổi lối sống

Điều trị huyết áp cao bao gồm việc thay đổi lối sống và sử dụng thuốc. Nếu bệnh cao huyết áp của bạn không phải là nghiêm trọng, bạn nên thay đổi lối sống nhằm kiểm soát mức huyết áp tốt hơn.

Khi huyết áp của bạn đạt mức kiểm soát, bạn vẫn sẽ cần điều trị. “Đạt mức kiểm soát” có nghĩa là chỉ số huyết áp của bạn là ở mức bình thường. Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên kiểm tra huyết áp thường xuyên. Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn biết bao lâu thì nên kiểm tra huyết áp.

Thuốc

Nếu việc thay đổi lối sống không làm tình trạng bệnh khá hơn hoặc bạn mắc bệnh huyết áp cao nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ kê toa thuốc. Thuốc giúp làm hạ huyết áp cao bao gồm:

  • Thuốc lợi tiểu;
  • Thuốc ức chế Beta;
  • Thuốc ức chế hấp thụ canxi;
  • Các chất ức chế men chuyển ACE;
  • Thuốc giãn mạch.
Điều trị trong trường hợp khẩn cấp

Điều trị trong trường hợp khẩn cấp

Bác sĩ sẽ theo dõi diễn tiến bệnh và có thể tăng liều hoặc thay đổi và thêm thuốc cho đến khi tìm ra phác đồ điều trị phù hợp nhất cho bạn. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về các phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn.

Đối với người bị cao huyết áp cấp cứu, người bệnh cần phải được điều trị tại phòng cấp cứu hoặc chăm sóc đặc biệt, vì bệnh có thể gây tử vong. Người bệnh sẽ được theo dõi tình trạng tim và mạch máu. Bác sĩ có thể cho người bệnh thở oxy và thuốc giúp ổn định lại huyết áp xuống mức an toàn.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Người bị cao huyết áp nên tuân thủ các chế độ sinh hoạt dưới đây để tránh việc bệnh tình tiến triển nặng hơn và giảm triệu chứng bệnh:

  • Tập thể dục thường xuyên, đều đặn. Thói quen này sẽ giúp bạn có trái tim và cơ thể khỏe mạnh hơn, điều hòa huyết áp tốt hơn.
  • Tránh thức khuya và ngủ đủ giấc: nên ngủ từ 6 – 8 tiếng/ngày giúp điều hòa hormone trong cơ thể, giữ huyết áp ổn định.
  • Người cao huyết áp nên nghỉ ngơi nhiều hơn: giảm bớt những rối loạn ở hệ tim mạch do làm việc gắng sức lâu ngày.
  • Tránh mệt mỏi, stress: hệ thần kinh – cảm xúc cũng có thể ảnh hưởng đến huyết áp. Vì vậy hãy học cách giúp tinh thần thư thái, thả lỏng.

Làm thế nào bạn có thể hạn chế diễn tiến của bệnh cao huyết áp?

Bạn cần phải kiên trì với quá trình điều trị. Việc điều trị có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn các vấn đề liên quan đến bệnh huyết áp cao và giúp bạn sống và hoạt động tốt hơn. Nếu bạn có tiền sử bệnh gia đình mắc cao huyết áp, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc giảm thiểu nguy cơ bệnh cho bạn.

Ngoài ra, bạn có thể kiểm soát mức huyết áp của bạn bằng cách:

  • Có chế độ ăn lành mạnh và ít muối;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Cố gắng duy trì một cân nặng lý tưởng;
  • Bỏ hút thuốc;
  • Uống thuốc điều trị bệnh huyết áp cao theo hướng dẫn của bác sĩ;
  • Theo dõi huyết áp của bạn thường xuyên ở nhà với một thiết bị theo dõi.

Các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp như béo phì, ăn mặn, hút thuốc lá, lối sống tĩnh tại kém vận động hoàn toàn có thể cải thiện được khi chúng ta thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày.

Đối với những người trong gia đình có người thân bị cao huyết áp hoặc có tiền sử đột quỵ, nhồi máu cơ tim thì nên kiểm tra huyết áp thường xuyên từ khi còn trẻ.

Khi bệnh xảy ra, thay đổi lối sống và thói quen ăn uống là điều đầu tiên trong quản lý bệnh, sau đó mới đến vai trò của các thuốc hạ áp. Cao huyết áp nguyên phát – chiếm hơn 90% nguyên nhân gây huyết áp cao – là bệnh phải điều trị suốt đời, ngay cả khi huyết áp đã trở về mức bình thường vẫn phải tiếp tục dùng thuốc đều đặn.

Bạn đừng quên rằng chính vì có thuốc nên huyết áp mới được kiểm soát. Bỏ thuốc rất nguy hiểm vì có thể làm huyết áp cao đột ngột dẫn đến trường hợp tăng huyết áp cấp cứu, biến chứng tai biến mạch máu não hoặc nhồi máu cơ tim và có thể gây ra đột tử.

Lời kết

Hy vọng những thông tin chúng tôi cung cấp có thể giúp bạn và gia đình phòng chống bệnh cao huyết áp và điều trị bệnh hiệu quả hơn. Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Pacific Cross Việt Nam cung cấp các chương trình bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm du lịch phù hợp với từng yêu cầu và ngân sách của khách hàng. Cho dù là chương trình bảo hiểm cho cá nhân bạn, cho gia đình bạn hoặc doanh nghiệp của bạn, chúng tôi ở đây để đảm bảo rằng bạn nhận được sản phẩm bảo hiểm tốt nhất.

Để được tư vấn miễn phí, đầy đủ về thông tin bảo hiểm sức khỏe, anh chị có thể để lại thông tin để được tư vấn miễn phí TẠI ĐÂY!

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Tăng nhãn áp: Bệnh lý về mắt thường gặp
  • Tìm hiểu chung về huyết áp thấp và các triệu chứng thường gặp
  • Chế độ ăn uống lành mạnh cho trái tim
  • 13 thực phẩm có khả năng diệt tế bào ung thư

Từ khóa » Nguyên Nhân Huyết áp Cao Bất Thường