Cao Ngạn - "Thành đồng Tổ Quốc"

Thôn Cao Ngạn, xã Bình Lãnh (Thăng Bình) là thung lũng, bao quanh bởi đồi núi rất hiểm trở, giáp ranh với huyện Hiệp Đức và Tiên Phước. Trong kháng chiến, vùng đất này có 20 hộ dân trụ bám đều là cơ sở cách mạng.

Cánh máy bay địch bị quân ta bắn rơi năm xưa còn lưu giữ tại Cao Ngạn. Ảnh: T.V
Cánh máy bay địch bị quân ta bắn rơi năm xưa còn lưu giữ tại Cao Ngạn. Ảnh: T.V

Quân khu 5 xây dựng thành chiến khu Lê Lợi, nơi tăng gia sản xuất của Đại đội 2 Tiểu đoàn 108. Đây cũng là kho vũ khí của ta trong hai thời kỳ cách mạng; là địa bàn đặt trụ sở của Huyện ủy và Trạm Y tế huyện Thăng Bình trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, mảnh đất này đã chứng kiến biết bao trận đánh ác liệt, nhưng với vị trí chiến lược quan trọng, sự mưu trí dũng cảm, cùng với thế trận lòng dân vững chắc nên ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Năm 1960, Cao Ngạn được Đảng và Nhà nước công nhận là vùng đất “Thành đồng Tổ quốc”.

Một minh chứng cho vùng đất “Thành đồng” năm xưa là hiện nay nhà bà Lưu Thị Nhiên cơ sở cách mạng từ thời kỳ chống Pháp cho đến chống Mỹ, đã được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh; Nhà truyền thống Thành đồng Tổ quốc cũng đã được xây dựng, đây là nơi lưu giữ những kỷ vật minh chứng cho những năm tháng cách mạng hào hùng của địa phương, đồng thời là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Tình cờ trong một chuyến đi khám phá ở vùng đất Cao Ngạn cùng với người bạn, tôi phát hiện gia đình ông Nguyễn Phước Quang (Dư) đang lưu giữ 1 súng DKZ và 1 quả đạn súng thần công. Theo ông Quang, súng DKZ do bộ đội Trung đoàn 31, Quân khu 5 sử dụng đánh địch tại khu vực Cao Ngạn. Đến khi bộ đội rút đi, để lại khẩu súng, ông lấy chuyển về gần nhà cất giấu. Vì sợ địch phát hiện ông đã chuyển lên núi chôn, năm 1976 ông đào về giữ làm kỷ niệm. Có lần địa phương tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ đã mượn khẩu súng này để giới thiệu. Còn đạn súng thần công do bà Nguyễn Thị Tép - mẹ của ông Quang nhặt được tại khu vực Cao Ngạn. Mặc dù trong chiến tranh gia đình đã nhiều lần chuyển nhà nhưng mẹ ông vẫn tìm mọi cách để lưu giữ, sau khi mẹ mất, ông tiếp tục giữ làm kỷ niệm.

Hay như gia đình ông Huỳnh Tấn Công còn giữ một cánh máy bay HU1A bị quân và dân Cao Ngạn bắn rơi năm 1966. Ông quyết giữ lại làm kỷ niệm.

Chiến tranh đã lùi xa gần 45 năm, những hiện vật một thời người dân nơi đây còn lưu giữ là minh chứng sống động cho vùng đất “Thành đồng Tổ quốc” năm xưa. Thiết nghĩ cơ quan chuyên môn sớm tiếp cận những hiện vật này để sưu tầm lưu giữ nhằm tiếp tục nghiên cứu lịch sử địa phương và trưng bày giới thiệu cho công chúng.

Từ khóa » Hồ Cao Ngạn Bình Lãnh Thăng Bình Quảng Nam