Cao Sơn Lưu Thủy Là Gì? - Thủ Thuật Phần Mềm

Mục lục nội dung

  • Cao sơn Lưu thủy
  • Khúc nhạc Cao sơn Lưu thủy và câu chuyện "Du Bá Nha đập dàn tạ tri âm"

Bạn đã từng nghe đến câu thành ngữ "Cao sơn lưu thủy, tri kỷ khó tìm"? Vậy cao sơn lưu thủy là gì? Cùng ThuThuatPhanMem tìm hiểu ý nghĩa câu nói này cùng với những điển tích đằng sau đó.

Cao Sơn Lưu Thủy

Cao sơn Lưu thủy

Cao sơn Lưu thủy – một trong 10 danh khúc cổ đại của đất nước Trung Hoa, gồm hai ca khúc là Cao sơn (núi cao) và Lưu thủy (nước sâu). Đây chính là khúc nhạc được viết ra để ca ngợi tình bạn giữa Bá Nha và Tử Kỳ.

"Dao cầm đập nát đau lòng phượng, Đàn vắng Tử Kỳ, đàn với ai? Gió xuân khắp mặt bao bè bạn, Muốn kiếm tri âm, ôi khó thay!"

Cũng chính từ điển tích này, câu thành ngữ "Cao sơn lưu thủy, tri kỷ khó tìm" được ra đời. Quả thật, trong cuộc sống của chúng ta, không có gì quý hơn một người bạn tri âm tri kỷ, có thể thấu hiểu được chúng ta. Một người thôi, đã quá đủ cho một kiếp người rồi.

Khúc nhạc Cao sơn Lưu thủy và câu chuyện "Du Bá Nha đập dàn tạ tri âm"

Câu chuyện bắt đầu vào thời xuân thu trên đất nước Sở. Du Bá Nha từ nhỏ đã được biết đến là một người thông minh tài giỏi, vô cùng yêu thích âm nhạc. Là người đã được Thành Liên – một vị cầm sư nổi tiếng dạy dỗ trở thành một người tài giỏi. Sau khi phụng chủ vua Tấn đi sứ nước Sở trở về, nhân lúc Trung thu trăng sáng, phong thủy hữu tình, Bá Nha đặt hết tâm hồn để đàn một khúc nhạc trầm bổng lay động lòng người. Khi ấy, Bá Nha đã gặp được người tiều phu Chung Tử Kỳ, một người có thân phận thấp kém nhưng có thể hiểu thấu tiếng đàn, cũng là tấm chân tình của Bá Nha.

Khúc nhạc Cao sơn Lưu thủy và câu chuyện Du Bá Nha đập dàn tạ tri âm

Qua những màn đối đáp, đàm đạo, hai người nhanh chóng trở thành tâm giao, sau đó lại kết nghĩa anh em. Bá Nha có ý muốn mời Tử Kỳ cùng mình về kinh thế nhưng Tử Kỳ đã từ chối vì muốn báo hiếu cha mẹ tuổi già. Không thể thuyết phục được Tử Kỳ, Bá Nha đã ước hẹn trung thu năm sau, hai người sẽ hội ngộ tại ghềnh đá chân núi Mã Yên. Thế nhưng, Tử Kỳ qua đời trước dịp hẹn ước, trước khi mất bèn để lại di ngôn muốn được mai táng ở chân núi Mã Yên để hoàn thành lời hẹn ước với Bá Nha.

Mùa thu, khi Bá Nha quay trở lại chốn cũ, không thấy Tử Kỳ đâu chỉ thấy nấm mộ dưới chân núi Mã Yên. Trước nấm mộ của Tử Kỳ, Bá Nha dốc hết tâm lực đàn khúc "Thiên thu trường hận". Sau khi tấu xong khúc nhạc, Bá Nha vái cây Dao cầm một vái, tay nâng đàn lên cao, đập mạnh vào phiến đá trước mộ Tử Kỳ. Dao cầm vỡ tan, trục ngọc phím đồng rơi lả tả. Kể từ đây, Bá Nha không bao giờ đánh đàn nữa, bởi lẽ, người có thể thấu hiểu được tiếng đàn của ông nay đã không còn trên đời.

Cao sơn và Lưu thủy là hai khúc đàn Bá Nha thường tấu

"Cao sơn" và "Lưu thủy" là hai khúc đàn Bá Nha thường tấu. Đây chính là hai khúc đàn mà chỉ có Tử Kỳ mới có thể cảm nhận được tiếng đàn của Bá Nha. Một người chơi đàn hay, một người nghe đàn càng giỏi, quả xứng bậc tri kỷ. Kể từ đấy, người đời sau đã dùng hai điển cố "Cao sơn" và 'Lưu Thủy" để ví tình bạn giữa những người bạn tri âm tri kỷ, hiểu đối phương hơn cả bản thân mình.

"Hồng trần như mộng, người tỉnh mộng tan. Nhân sinh như kịch, người tản kịch tàn."

Trong xã hội ngày nay, khi thật giả lẫn lộn, khó lường, tìm cho mình một người bạn trước sau như một đã khó, huống chi một tri kỷ. Cuộc đời mỗi người, hạnh phúc nhất không phải là có một cuộc sống giàu sang, phú quý, có tất cả mọi thứ khiến người đời nhìn vào trầm trồ ngưỡng mộ mà là có một tri âm, một người bạn tri kỷ. Đối với một kiếp người, chỉ cần một người tri kỷ đã là hạnh phúc lắm rồi.

Hy vọng thông qua bài viết này bạn đọc đã tìm được cho mình câu trả lời "Cao sơn Lưu thủy là gì?". Chúc các bạn trên đường đời sớm gặp được một người tri âm, tri kỷ và biết trân trọng những người bạn đó.

Từ khóa » đàn Vắng Tử Kỳ đàn Với Ai