Cao Tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ: Thúc đẩy Phát Triển ...

cao-toc-Trung-Luong-My-Thuan

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ khi hoàn thành sẽ thúc đẩy kinh tế Tây Nam Bộ. Ảnh: Phạm Ngôn/Zing

Hiện thực hóa giấc mơ hơn 10 năm

Chỉ còn 1 năm nữa, tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ hoàn thành. Thế nhưng nhìn lại lịch sử xây dựng và hình thành tuyến đường được mệnh danh “xương sống” kinh tế của các tỉnh miền Tây lại như một đoạn trường bi ai.

Khởi công từ tháng 11/2009, sau 10 năm “đắp chiếu”, tiến độ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ đạt 10% khối lượng. Đến tháng 3/2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án. Chỉ mất hơn 1 năm tái khởi động, dự án đã đạt được những cột mốc quan trọng và sẽ hoàn thành trong năm 2021.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 12.500 tỷ đồng, chiều dài 51,1 km. Trong đó, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang).

Thời điểm tiếp nhận lại dự án, ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng Giám đốc Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, với phương châm “muốn thông đường thực địa, phải thông đường trách nhiệm, dự án chậm 1 ngày là thêm 1 ngày mắc nợ với người dân”, doanh nghiệp dự án đã lập tiến độ gắn trách nhiệm cho chính mình và các bên liên quan.

“Cán bộ, kỹ sư và công nhân làm việc ngày, đêm bám sát công trường, cùng vượt khó, biến thách thức thành cơ hội và biến sự hoài nghi thành động lực để lấy lại lòng tin đã mất. Khi tiếp quản, doanh nghiệp điều hành đã loại bỏ nhà đầu tư và nhà thầu năng lực yếu kém từng thao túng, gây trở ngại chính cho dự án, thông qua công tác kiểm toán, thực hiện biện pháp quản chi trực tiếp…”, ông Nguyễn Tấn Đông cho hay.

Còn nhớ tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (hiện là Chủ tịch nước) đã có lời hứa với hơn 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về phát triển hạ tầng giao thông cho khu vực. Trước hết là triển khai tuyến đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Đến nay, sau hơn 10 năm với kỳ vọng lớn từ người dân, doanh nghiệp cũng như chính quyền các địa phương, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang băng băng về đích. Hiện tuyến cao tốc này đã có thể phục vụ người dân đi lại thuận tiện dịp Tết Nguyên đán 2022.

Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn nhưng các đơn vị đã tập trung xử lý vướng mắc. Tiến độ thi công vẫn chưa bị ngưng và luôn bám sát theo kế hoạch.

Thực hiện châm "3 tại chỗ", tất cả cán bộ, công nhân viên trong thời gian qua đã bám trụ lại với dự án. Hiện nay, cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đã chính thức được thông xe kỹ thuật vào ngày 19/1 và cho xe lưu thông tạm 2 chiều từ ngày 25/1-10/2. Đoạn qua huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã hoàn thiện thảm nhựa, sơn vạch kẻ đường, dải phân cách, lan can, lưới chống chói và đường dân sinh. Hệ thống lưới chống chói, biển báo trên cao tốc cũng đã được lắp đặt. 39 cây cầu bắc qua sông trên toàn tuyến hiện đã hoàn thành, ô tô có thể lưu thông, chỉ còn một số công đoạn cuối như vệ sinh mặt cầu và lắp đặt thiết bị cần thiết.

“Dự án đã hoàn thành cơ bản phần nền đường, công tác thảm bê tông nhựa sẽ hoàn thành toàn bộ trong những ngày tới, sau đó là thi công hệ thống ATGT, biển báo, thông tin liên lạc. Các đơn vị đang tập trung giữ mục tiêu hoàn thành cuối năm 2021 để phục vụ người dân đi lại thuận tiện dịp Tết năm nay.”, ông Nguyễn Tấn Đông thông tin.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đánh giá việc hoàn thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ góp phần lưu thông hàng hóa thuận lợi, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương. Đồng thời “chia lửa” cho QL1 hiện hữu đang quá tải, đặc biệt trong dịp cuối tuần, lễ, Tết.

Tiếp tục hoàn thiện kết nối thúc đẩy kinh tế vùng

Những ngày này, trên công trường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các đơn vị cũng đang “rốt ráo” thi công để bù lại tiến độ do ảnh hưởng từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4. Công tác giải phóng mặt bằng cũng đang được các địa phương triển khai, chỉ còn khoảng 1 km chưa được bàn giao.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài gần 23 km, khởi công từ đầu năm 2021. Trong 23 km toàn tuyến thì có hơn 10 km đi qua Đồng Tháp, còn lại trên địa bàn Vĩnh Long. Điểm đầu dự án nằm tại phường Tân Hòa, TP. Vĩnh Long, điểm cuối tại nút giao cầu Chà Và, kết nối QL1, thuộc xã Thuận An, TX. Bình Minh.

Tuyến cao tốc 4.800 tỷ đồng giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, bề rộng cầu 17,5 m, vận tốc 80 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh tuyến đường được thiết kế với vận tốc100 km/h, quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32 m.

Dự kiến, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dự tính hoàn thành năm 2022, đưa vào khai thác toàn bộ giai đoạn 1 trong năm 2023.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường nhận định, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là sự trông chờ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Cần Thơ cũng như người dân của cả vùng ĐBSCL. Tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại từ TP.HCM về TP.Cần Thơ từ 3-4 giờ xuống còn khoảng 2 giờ, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc giao thông, giao thương của người dân ĐBSCL.

Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho rằng, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 khi hoàn thành sẽ giải quyết nhu cầu vận tải trên tuyến QL1, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực và dần hoàn thiện tuyến cao tốc theo quy hoạch.

Vùng ĐBSCL có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, trung tâm sản xuất lúa gạo, thủy hải sản và trái cây hàng đầu của cả nước. Những năm qua, vùng ĐBSCL đạt nhiều kết quả trong phát triển, tuy nhiên, hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn lớn nhất khiến khu vực này chưa phát triển như kỳ vọng dù có nhiều dư địa.

Tại Hội nghị thẩm định quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra vào cuối tháng 11/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng để phát triển vùng ĐBSCL. Muốn phát triển được vùng ĐBSCL thì việc đầu tiên là cần tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT và đơn vị tư vấn lập quy hoạch vùng ĐBSCL phải đặc biệt chú trọng hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ, thông suốt. Cụ thể là ưu tiên phát triển hệ thống đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược của vùng.

Toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ hoàn thành vào năm 2023. Đây là tuyến đường huyết mạch thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối các tuyến chính đã và đang xây dựng tại ĐBSCL, tạo ra mạng lưới giao thông hoàn chỉnh. Ngoài ra, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cũng đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Bức tranh giao thông ĐBSCL gần đây đã tạo ra được các điểm sáng với hệ thống đường bộ, cầu vượt sông lớn, cụm cảng và luồng, các sân bay trong vùng được đầu tư. Và trong 5 - 10 năm nữa, khi hạ tầng giao thông có sự thay đổi lớn thì kinh tế - xã hội của các địa phương vùng ĐBSCL từ đó cũng được phát triển, đồng thời thu hút các nhà đầu tư từ lâu đã nghiên cứu vùng đất màu mỡ này.

Bài liên quan Doanh nghiệp dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chây ì nợ mua vật liêu xây dựng?Doanh nghiệp dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chây ì nợ mua vật liêu xây dựng? Lâm Đồng quyết tâm làm cao tốc Bảo Lộc - Liên KhươngLâm Đồng quyết tâm làm cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương Gần 50 ha đất rừng bị ảnh hưởng nếu làm cao tốc Tân Phú - Bảo LộcGần 50 ha đất rừng bị ảnh hưởng nếu làm cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc Ô tô được lưu thông trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận từ 25/1 - 10/2/2022Ô tô được lưu thông trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận từ 25/1 - 10/2/2022

Từ khóa » Tiến độ Cao Tốc Trung Lương Cần Thơ