Cấp Cứu Sốc Phản Vệ: Quy Trình Xử Lý Theo đúng Trình Tự Từng Bước

Cấp cứu sốc phản vệ cần thực hiện càng sớm càng tốt, đây được xem là tình trạng y tế khẩn cấp. Do đó, thời gian cứu người tính bằng giây, nếu không những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong có thể xảy ra do suy hô hấp cấp và tụt huyết áp.

cap cuu soc phan ve

Tại sao cần cấp cứu người bị sốc phản vệ ngay lập tức?

Dị ứng là tình trạng phản ứng của cơ thể khi lần đầu tiếp xúc với một trong số những chất gây dị ứng (dị nguyên). Đây cũng là lúc hệ thống miễn dịch học cách nhận ra kẻ xâm lược bên ngoài.

Sốc phản vệ là tình trạng phản ứng dị ứng cấp tính nguy hiểm, xảy ra sau vài giây đến vài phút tiếp xúc với dị nguyên. Tùy cơ địa nhạy cảm ở mỗi người mà cơ thể sẽ phản ứng với những chất gây dị ứng nhất định. Sốc phản vệ gây ra những tác động tiêu cực đến toàn bộ cơ thể như hệ thống miễn dịch, hệ hô hấp, da, hệ thống tuần hoàn, hệ thống tiêu hóa, hệ thống thần kinh trung ương nên các triệu chứng cũng phân bố khắp cơ thể, phổ biến như: Ngứa da, môi bị sưng vù, hắt hơi, chảy nước mắt, nôn mửa, tiêu chảy,… (1)

Ngoài ra, sốc phản vệ còn gây ra các vấn đề nghiêm trọng khác như:

banner tâm anh quận 7 content
  • Tình trạng giãn mạch làm giảm tưới máu và cung cấp oxy đến các mô – nguyên nhân gây ra những biểu hiện như da, môi, móng tay tím tái, phù mặt và cổ, huyết áp giảm, nhịp tim nhanh.… Nguy hiểm hơn có thể xảy ra là trụy tim mạch và tử vong.
  • Thể tích tuần hoàn giảm, thể tích mạch máu phân bố không đều, gây sốc tim.
  • Gây giãn mạch lớn thứ phát sau sự suy giảm tế bào mast (tế bào miễn dịch có trong khoảng giữa các mô niêm mạc và biểu mô và môi trường bên ngoài, chẳng hạn như trong ruột, phổi, da, xung quanh mạch máu). Từ đó giải phóng nhanh chóng các chất trung gian histamin, prostaglandin, leukotrien, gây ra những hiện tượng như tăng tính thấm thành mạch, tăng tiết niêm mạc ruột, niêm mạc phế quản, co thắt tiểu phế quản, đường tiêu hóa, giãn cơ trơn mạch máu,…

Khi rơi vào tình trạng sốc phản vệ, nạn nhân phải nhanh chóng được đưa tới các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu khẩn, tránh những biến chứng không kiểm soát, đe dọa tính mạng người bệnh. Thời gian vàng cấp cứu người bệnh bị sốc phản vệ là trong vòng 30 phút.

Đặc biệt, sau khi đã xử lý sốc phản vệ và điều trị kịp thời vẫn có thể tái diễn sau 8 – 72 giờ tiếp theo. Do đó, người bệnh cần phải được theo dõi kỹ bằng máy móc hiện đại, chuyên gia giàu kinh nghiệm.

Quy trình cấp cứu sốc phản vệ đúng kỹ thuật

Nguyên tắc cấp cứu sốc phản vệ

Nguyên tắc cấp cứu sốc phản vệ là nhanh chóng, chính xác và linh hoạt. Thực hiện cấp cứu tuần hoàn ngay tại chỗ nhằm đảm bảo duy trì tình trạng ổn định đường thở, tuần hoàn, hô hấp,… rồi mới vận chuyển người bệnh.

Nhanh chóng xác định chất gây dị ứng dẫn đến sốc phản vệ để cách xa người bệnh như các loại thuốc uống, bôi hay nhỏ; dịch truyền,…

xu ly soc phan ve
Sốc phản vệ là một cấp cứu nguy cấp, cần được xử trí nhanh chóng, hiệu quả, phòng ngừa biến chứng

Các bước xử lý cấp cứu sốc phản vệ

Cách cấp cứu sốc phản vệ có thể chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn sơ cấp cứu và giai đoạn đến bệnh viện.

Giai đoạn sơ cấp cứu

Nếu cảm thấy cơ thể đang rơi vào tình trạng sốc phản vệ nghiêm trọng, hãy lập tức gọi dịch vụ cấp cứu khẩn cấp. Kế đến, thực hiện các bước sơ cứu cấp cứu sốc phản vệ như sau:

  • Đưa nạn nhân vào một vị trí thoải mái, nâng cao chân để máu lưu thông đến các cơ quan quan trọng.
  • Nếu nạn nhân có sẵn bút tiêm tự động epinephrine (EpiPen), có thể dùng ngay khi các biểu hiện đầu tiên xuất hiện. Không nên cố gắng uống bất kỳ loại thuốc uống nào nếu đang trong tình trạng khó thở. Lưu ý, dù người bệnh thấy tình trạng sức khỏe tốt hơn sau khi sử dụng EpiPen thì vẫn đưa đến bệnh viện. Bởi nếu không được bác sĩ “khoanh vùng” yếu tố gây dị ứng thì người bệnh có thể bị tái phát khi hết thuốc hoặc tiếp tục bị sốc phản vệ lần sau. (2)
  • Nếu xảy ra sốc phản vệ do côn trùng đốt, hãy loại bỏ ngòi. Ví dụ ong chích, người bệnh có thể khều nhẹ ngòi, dùng nhíp gắp ra. Sau đó, rửa sạch vùng bị chích bằng xà bông và nước ấm. Đắp băng lạnh lên vết cắn để giảm đau và giảm sưng. Lưu ý: Không nên nặn ép hay bóp bằng tay chỗ côn trùng đốt để tránh nọc độc lan ra.
  • Trường hợp nạn nhân có biểu hiện ngưng thở, bạn nên thực hiện hô hấp nhân tạo cho đến khi nhân viên cấp cứu đến. Ngoài ra, nếu nhận thấy những biểu hiện: nổi mề đay, mệt mỏi, tay chân lạnh; làn da nhợt nhạt, lạnh và sần sùi; mạch yếu, nhanh; khó thở; lú lẫn; mất ý thức; nước tiểu màu đỏ hay tiểu ít,… cũng báo nhân viên y tế để tốt hơn cho việc điều trị.

Giai đoạn đến bệnh viện

Ngay khi người bệnh được đưa đến khoa Cấp cứu, bác sĩ sẽ tiêm ngay epinephrine qua đường tĩnh mạch hoặc cơ bắp đùi bên ngoài nhằm làm giảm mức độ nghiêm trọng của phản ứng dị ứng. (3)

  • Adrenalin tiêm bắp: Người lớn hoặc trẻ em trên 30kg tiêm bắp 0,5 ống mỗi lần, có thể lập lại sau 5 phút. Trẻ em nhỏ tiêm bắp 0,25ml – 0,3ml tùy theo cân nặng. Trẻ sơ sinh hoặc trẻ < 10kg tiêm bắp mỗi lần 0,2ml.

Tiêm nhắc lại sau mỗi 5-15 phút/lần (có thể sớm hơn 5 phút nếu cần) đến khi huyết áp trở lại bình thường (người lớn và trẻ em hơn 12 tuổi thì huyết áp tâm thu > 90 mmHg; trẻ 1-12 tuổi là > 70 mmHg + (2 x tuổi); trẻ từ 1 đến 12 tháng tuổi là > 70 mmHg).

  • Tiêm Adrenalin qua tĩnh mạch: Dùng trong trường hợp sau 3 lần tiêm bắp adrenalin (hoặc sau liều tiêm bắp thứ hai), tình trạng huyết động vẫn không cải thiện. Khi ấy, ở người lớn, cần thực hiện truyền adrenalin tĩnh mạch với liều khởi đầu: 0,1µg/kg/phút (khoảng 0,3mg/ giờ), điều chỉnh tốc độ truyền theo huyết áp, nhịp tim và SpO2 đến liều tối đa 2 – 4mg/giờ.

Nếu không có máy truyền dịch có thể thay thế bằng adrenalin theo liều lượng adrenalin (1mg/ml) 2 ống + 500ml dung dịch glucose 5% (dung dịch adrenalin 4µg/ml) hoặc pha andrenalin trong NaCl 0,9%. Tốc độ truyền với liều adrenalin 0,1 µg/kg/phút theo bảng sau:

Cân nặng (kg) Tốc độc truyền Cân nặng (kg) Tốc độ truyền
ml/ giờ Giọt/ phút ml/ giờ Giọt/ phút
6 9 3 40 60 20
10 15 5 50 75 25
20 30 10 60 90 30
30 45 15 70 105 45

Trường hợp không đặt truyền adrenalin tĩnh mạch có thể dùng dung dịch adrenalin 1/10.000 (pha loãng 1/10) tiêm qua ống nội khí quản hoặc màng nhẫn giáp với liều 0,1ml/kg/lần, tối đa 5ml ở người lớn và 3ml ở trẻ em.

  • Bác sĩ cũng có thể tiêm glucocorticoid và thuốc kháng histamin qua đường tĩnh mạch giúp giảm viêm trong đường thở, cải thiện khả năng hô hấp của nạn nhân.
  • Thuốc chủ vận beta như albuterol cũng có thể được chỉ định dùng giúp người bệnh dễ thở hơn hay bổ sung lượng oxy cần thiết cho cơ thể.
  • Bất kỳ biến chứng nào do sốc phản vệ gây ra cũng được điều trị.

Có thể bạn cần trang bị kỹ năng:

  • Cấp cứu ngưng tim ngưng thở ở trẻ em và người lớn đúng trình tự
  • Cách sơ cứu ong đốt: Hướng dẫn xử trí đúng cách ngay tại nhà

Theo dõi và điều trị sau khi sơ cứu sốc phản vệ

Một số lưu ý cho người từng bị sốc phản vệ (cách phòng tránh tái sốc phản vệ):

Sau khi trải qua tình trạng sốc phản vệ, người bệnh có thể đối diện nguy cơ gặp rủi ro tái sốc, vì vậy, người bệnh cần:

so cap cuu soc phan ve
Tránh xa các chất gây dị ứng, phòng tránh nguy cơ tái sốc phản vệ
  • Tránh càng xa càng tốt các chất gây dị ứng tiềm ẩn.
  • Nếu nguyên nhân gây ra phản ứng phản vệ là vết đốt của côn trùng, bạn nên thực hiện tiêm phòng dị ứng (liệu pháp miễn dịch) giúp giảm phản ứng dị ứng của cơ thể và ngăn ngừa phản ứng nghiêm trọng có thể xảy ra trong tương lai.

Ngoài ra, khi bị ong tấn công, hãy che kín vùng đầu, dùng tay bới đất cát hất lên để xua đuổi ong hoặc nếu biết bơi thì nên nhảy xuống ao, hồ gần đó và lặn xuống để tránh bị ong đốt. Dùng những chất tạo nhiều khói khi đốt như mùn rơm, giẻ tẩm dầu,… để xua ong đi nơi khác. Không nên dùng quần áo, vật dụng như que gậy để xua ong sẽ càng khiến ong tấn công ồ ạt hơn.

  • Mang theo bút tiêm tự động epinephrine đề phòng tình trạng sốc phản vệ tái diễn.
  • Nếu thành viên gia đình hay người thân cũng rơi vào nhóm nguy cơ, bạn nên chuẩn bị sẵn tình huống ứng phó khi bị sốc phản vệ. Chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, bao gồm cả tâm thể chủ động khi tình trạng này tái diễn. Điều này nhằm mục đích giảm thiểu thấp nhất những ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe cho bạn và người thân.
  • Nếu con bạn bị dị ứng nghiêm trọng với một loại dị nguyên nào đó hoặc từng bị sốc phản vệ, bạn nên tham vấn bác sĩ về những việc cần làm và chia sẻ kế hoạch này với giáo viên hay người chăm sóc, nuôi giữ trẻ. Đảm bảo rằng người chăm sóc trẻ luôn có một bút tiêm tự động epinephrine dự trữ khi cần thiết.

Xem thêm: Cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp: Lưu ý vị trí ép tim.

Trong trường hợp khẩn cấp cần sự trợ giúp của bác sĩ, bạn có thể liên hệ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Điều cuối cùng bạn cần lưu ý, cần phải thực hiện cấp cứu sốc phản vệ ngay cả khi nạn nhân có biểu hiện tốt hơn sau khi dùng bút tiêm tự động epinephrine. Bởi khả năng tái sốc có thể xảy ra sau đó khi thuốc hết tác dụng hoặc nạn nhân tiếp xúc lại với chất gây dị ứng.

Từ khóa » Sốc Và độc 2