Cập Nhật Mức Hưởng Bảo Hiểm Y Tế Cho Trẻ Sơ Sinh Mới Nhất

Đối tượng trẻ nhỏ luôn được ưu tiên trong việc chăm sóc sức khỏe một trong số đó là chế độ bảo hiểm y tế cho trẻ sơ sinh. Điều này giúp trẻ em có nhiều cơ hội được khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giảm bớt gánh nặng điều trị bệnh tật cho các bậc phụ huynh có trẻ nhỏ.

Bảo hiểm y tế cho trẻ sơ sinh

Quy định về mức hưởng BHYT cho trẻ sơ sinh

1. Bảo hiểm y tế cho trẻ sơ sinh là gì?

Căn cứ theo Thông tư 30/2020/TT-BYT và Nghị định 146/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế, từ ngày 01/03/2021 trẻ sơ sinh sẽ được cấp bảo hiểm y tế miễn phí ngay khi vừa sinh ra.

Theo đó, mức đóng bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng là trẻ sơ sinh sẽ do ngân sách Nhà nước đóng.

Bên cạnh đó, trẻ nhỏ dưới 6 tuổi sẽ được tổ chức BHYT cấp thẻ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế miễn phí và được hưởng mức thanh toán 100% chi phí khi khám, chữa bệnh BHYT đúng tuyến.

Như vậy, bảo hiểm y tế cho trẻ sơ sinh là hình thức bảo hiểm được áp dụng với đối tượng là trẻ sơ sinh để chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước thực hiện đóng và chi trả 100% chi phí điều trị, khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến.

Xem thêm:Luật bảo hiểm trẻ em dưới 6 tuổi các bố mẹ nên biết

2. Mức hưởng bảo hiểm y tế của trẻ sơ sinh

Bảo hiểm y tế cho trẻ sơ sinh nằm trong quy định áp dụng BHYT đối với trẻ em dưới 6 tuổi. Căn cứ theo quy định tại Điểm e, Khoản 3, Điều 12, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì việc chi trả BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi do ngân sách nhà nước đóng.

Mức hưởng bảo hiểm y tế của trẻ em sơ sinh được quy định tại Điều 22, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014. Theo đó mức hưởng BHYT của trẻ sơ sinh được tính như sau:

2.1 Khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến

Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 22, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung 2014 quy định:

“a) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các điểm a, d, e, g, h và i khoản 3 Điều 12 của Luật này. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 của Luật này được chi trả từ nguồn kinh phí bảo hiểm y tế dành cho khám bệnh, chữa bệnh của nhóm đối tượng này; trường hợp nguồn kinh phí này không đủ thì do ngân sách nhà nước bảo đảm.”

Như vậy, mức hưởng bảo hiểm y tế của trẻ em sơ sinh khi đi khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến là 100% chi phí KCB trong phạm vi được hưởng.

2.2 Khi đi khám chữa bệnh không đúng tuyến

Bảo hiểm y tế cho trẻ sơ sinh đối với trường hợp KCB không đúng tuyến được quy định tại Khoản 3, Điều 22, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014. Theo đó nếu bố mẹ cho trẻ tự đi KCB không đúng tuyến được hưởng mức hưởng như khi đi KCB đúng tuyến theo tỷ lệ như sau:

  • Hưởng 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương;

  • Hưởng 60% chi phí điều trị nội trú tính tuyến tỉnh đến ngày 31/12/2020 và 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 trong phạm vi cả nước;

  • Hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện từ ngày 01/01/2016.

Trong trường hợp trẻ sơ sinh đi KCB không đúng tuyến nhưng có bố mẹ thuộc 2 trường hợp gồm:

  • Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

  • Người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.

Hai trường hợp trên, trẻ sơ sinh được hưởng 100% chi phí KCB theo quy định. Để được hưởng BHYT tối đa ba mẹ nên đưa con đi KCB đúng tuyến. Trong trường hợp do yêu cầu của bệnh ba mẹ nên xin giấy giới thiệu của các bệnh viện tuyến dưới khi KCB vượt tuyến cho con.

cap-the-bao-hiem-y-te-mien-phi-cho-tre-so-sinh

Quy định về làm thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ sơ sinh

3. Cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em sơ sinh

Để được hưởng các quyền lợi từ BHYT mỗi trẻ em khi sinh ra bố mẹ cần xin cấp thẻ BHYT cho trẻ. Thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi được tính kể từ ngày sinh đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT đến ngày 30/9 của năm đó.

Căn cứ vào Khoản 2, Điều 15, Nghị định 146/2018/NĐ-CP, trong trường hợp trẻ mới sinh, chưa có bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh thì thủ trưởng cơ sở KCB và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định tại Khoản 1, Điều 27, Nghị định 146/2018/NĐ-CP và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.

Sau khi hoàn tất hồ sơ đăng ký BHYT cho trẻ ba mẹ sẽ nộp hồ sơ đến các cơ quan ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương (trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương) theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế để được cấp thẻ BHYT.

Sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định các tổ chức bảo hiểm y tế phải cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ.

Căn cứ Điều 17, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014 để trẻ sơ sinh được cấp thẻ BHYT tế bố mẹ cần chuẩn bị những giấy tờ sau:

  • Giấy khai sinh bản sao có công chứng

  • Sổ hộ khẩu bản gốc

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú có trách nhiệm lập hồ sơ cho các đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi và lập theo hộ gia đình. Sau khi hoàn thiện hồ sơ gửi về cơ quan BHYT có thẩm quyền, trong thời hạn 10 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định) thì tổ chức BHYT phải chuyển thẻ BHYT cho cơ quan, tổ chức quản lý đối tượng hoặc cho người tham gia BHYT.

Bảo hiểm y tế cho trẻ sơ sinh được hoàn toàn miễn phí, bố mẹ không phải đóng bất cứ chi phí tham gia BHYT nào. Đây là một trong những chính sách an sinh xã hội giúp trẻ em được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

Trên đây là những chia sẻ từ Bảo hiểm xã hội điện tử eBH về chế độ bảo hiểm y tế cho trẻ sơ sinh. Mong rằng có thể mang lại cho Quý độc giả những thông tin cần thiết và hữu ích nhất.

Từ khóa » Phí Làm Bảo Hiểm Y Tế Cho Trẻ Sơ Sinh