Cặp Súng Ngắn Nổi Tiếng Nhất Của Liên Xô Trong Thế Kỷ 20

Trong cuộc chiến chống lực lượng Bạch Vệ giai đoạn 1917-1922, Hồng quân Liên Xô chỉ được trang bị súng ngắn ổ quay Nagant M1895 đã quá lạc hậu của Bỉ. Điều này buộc Liên Xô tự phát triển những mẫu súng ngắn mới để trang bị cho quân đội, dẫn tới sự ra đời của bộ đôi súng ngắn được nhiều chuyên gia coi là "huyền thoại" của ngành công nghiệp quốc phòng nước này, theo RBTH.

Tokarev TT-30 (K-54)

TT-30 có tên đầy đủ là "Súng ngắn Tokarev tự nạp đạn mẫu 1930", trong đó TT là viết tắt của Tula-Tokarev. Mẫu TT-30 được Fedor Tokarev phát triển từ đầu thập niên 1930, trở thành súng ngắn chủ lực của quân đội Liên Xô cho tới khi bị thay thế vào năm 1952. Với khoảng 1,7 triệu khẩu được sản xuất, TT-30 vẫn được biên chế trong lực lượng vũ trang của nhiều quốc gia hiện nay.

Về ngoại hình, TT-30 có nhiều nét giống súng ngắn M1903 Browning của Mỹ, còn máy súng sử dụng cơ cấu hãm giật ngắn như khẩu M1911. Tới năm 1936, khoảng 93.000 khẩu TT-30 đã được chế tạo, trước khi Liên Xô chuyển sang biên chế biến thể TT-33 với nhiều cải tiến trong thiết kế.

Mẫu TT-33 được Trung Quốc sao chép từ năm 1954 và cho ra đời súng Type-54, hay còn gọi là K-54.

Các phiên bản TT-30 sử dụng đạn Tokarev 7,62x25 mm, dựa trên mẫu 7,63x25 Mauser do Đức phát triển. Loại đạn của Liên Xô có uy lực mạnh và đường đạn căng, đủ sức xuyên thủng các lớp vải dày và một số loại áo giáp chống đạn thời đó. Bản thân khẩu súng cũng có độ bền cao, bảo đảm hoạt động tốt trong mọi điều kiện chiến trường khắc nghiệt.

"TT-30 là vũ khí đáng tin cậy, được binh sĩ Liên Xô yêu thích. Tuy nhiên, khẩu súng này không có chốt an toàn riêng biệt, dễ gây nguy hiểm trong quá trình sử dụng", nhà phân tích quân sự Dmitry Safonov cho biết.

Súng ngắn Makarov (K-59)

Không lâu sau khi Thế chiến II kết thúc, Liên Xô khởi động dự án thay thế súng ngắn TT-33 và M1895 trong biên chế. Việc biên chế súng trường AK khiến súng ngắn mất đi vai trò trước đó. Quân đội Liên Xô đòi hỏi loại súng ngắn nhỏ nhẹ, chỉ dùng cho tự vệ, khiến dòng TT-30/33 không còn chỗ đứng do quá cồng kềnh và uy lực không còn hiệu quả như Thế chiến II.

Quân đội Liên Xô đánh giá loại đạn 9x18 mm của B.V. Semin là phù hợp nhất với mẫu súng ngắn mới, nhờ sức sát thương cao và độ giật thấp, cho phép chế tạo những vũ khí với cơ cấu đơn giản và rẻ tiền. Mức độ an toàn, dễ sử dụng, độ chính xác cao và kích thước nhỏ là những yêu cầu hàng đầu với loại súng ngắn mới.

Sau hàng loạt thử nghiệm, súng ngắn Makarov (PM) trở nên nổi bật nhờ sự đơn giản, độ tin cậy cao, dễ tháo lắp. Trong đợt đánh giá tháng 4/1948, loại súng này có tỷ lệ hỏng hóc thấp hơn 20 lần so với các đối thủ cạnh tranh. Súng ngắn PM chính thức được biên chế từ tháng 12/1951 với nhiều cải tiến so với thiết kế nguyên gốc.

Súng ngắm Makarov do Liên Xô sản xuất. Ảnh: RBTH.

Súng ngắn PM trở thành trang bị tiêu chuẩn cho các lực lượng vũ trang Liên Xô và Nga cho tới khi bị thay thế bởi mẫu PYa vào năm 2003. Tuy nhiên, nhiều đơn vị quân đội và cảnh sát Nga vẫn sử dụng loại vũ khí này cho tới năm 2012. Súng ngắn Makarov cũng được biên chế đại trà tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Trung Quốc trang bị đại trà mẫu súng ngắn này cho quân đội vào năm 1959 với tên gọi Type-59, hay còn gọi là K-59, với một chút khác biệt so với bản gốc ở rãnh sắt của khe trượt và cấu hình chốt an toàn.

Súng ngắn Makarov thậm chí còn được trang bị cho Yuri Gagarin trong chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ ngày 12/4/1961, nhằm giúp ông ấy tự vệ trước động vật hoang dã nếu hạ cánh sai địa điểm. "Các phi hành gia Liên Xô và Nga sau này cũng được trang bị súng PM với lý do tương tự", chuyên gia quân sự Viktor Litovkin cho biết.

Dù được đánh giá cao, mẫu PM vẫn có nhiều nhược điểm, đặc biệt là với các đơn vị đặc nhiệm của Liên Xô và Nga, như tay cầm súng không thoải mái và khó thay đạn nhanh trong tình huống chiến đấu. "Đầu ruồi của súng quá nhỏ, khiến việc ngắm bắn gặp không ít khó khăn", chuyên gia Litovkin nhận xét.

Theo Theo Vnexpress

Từ khóa » Súng P64