[Case Lâm Sàng 159] Viêm Màng Não Mủ

Chia sẻ Rate this post

Một cậu bé 7 tuổi được đưa vào phòng cấp cứu vì đau đầu dữ dội, buồn nôn, và sốt. Theo lời kể của bố mẹ, bệnh nhi hoàn toàn khỏe mạnh cho đến 2 ngày trước, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện và ánh sáng dường như làm bệnh nhi khó chịu hơn. Khi thăm khám, bệnh nhi lơ mơ (lethargy) và trông rất mệt mỏi. Thân nhiệt 39° C. Cử động cổ dường như gây ra đau. Khám tim và phổi bình thường. Bệnh nhi từ chối gập đầu để cằm chạm vào ngực vì điều này khiến bệnh nhi rất đau.

  • Chẩn đoán có khả năng nhất?
  • Cơ chế giải phẫu?

Nội dung

Toggle
  • LỜI GIẢI ĐÁP:
  • TIẾP CẬN:
  • Tài liệu tham khảo:

LỜI GIẢI ĐÁP:

Viêm màng não mủ

Tóm tắt: Một cậu bé 7 tuổi vào viện vì 2 ngày đau đầu dữ dội, buồn nôn, sốt, và sợ ánh sáng (photophobia). Bệnh nhi lơ mơ (lethargy) và trông mệt mỏi. Thân nhiệt 39 ° C. Dấu hiệu cổ cứng dương tính (nuchal rigidity).

  • Chẩn đoán có khả năng nhất: viêm màng não mủ
  • Cơ chế giải phẫu: vi khuẩn xâm nhập vào màng não thông qua tỵ hầu hoặc thông qua đám rối mạch mạc của não thất

TƯƠNG QUAN LÂM SÀNG

Bệnh nhi này với 2 ngày sốt, đau đầu, buồn nôn, và sợ ánh sáng. Các triệu chứng này gợi ý nhiễm khuẩn huyết (sepsis), và dấu hiệu cổ cứng dương tính gợi ý viêm màng não. Những triệu chứng này gây ra bởi viêm, thiếu máu cục bộ và phù não. Tăng áp lực nội sọ có thể gây lơ mơ thậm chí gây co giật. Các tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là Streptococcus pneumoniae và Neisseria meningitidis (não mô cầu). Trước đây, Haemophilus influenzae là tác nhân hay gặp nhất nhất; tuy nhiên, do sự ra đời của vaccin H.influenzae, nên mầm bệnh này đã giảm. Chẩn đoán thường dựa vào chọc dò thắt lưng hay chọc dò dịch não tủy (lumbar puncture). Có thể phát hiện trong dịch não tủy bạch cầu (đặc biệt là bạch cầu trung tính) và các vi khuẩn gram dương. Phát ban dạng sẩn đỏ lan tỏa (diffuse erythematous maculopapular rash) sau đó xuất hiện đốm xuất huyết tại ban (ban xuất huyết hoạt tử hình sao) gợi ý viêm màng não do não mô cầu. Bắt đầu điều trị kháng sinh sớm theo kinh nghiệm đóng vai trò quan trọng nhất; chọn kháng sinh nhắm vào các tác nhân gây bệnh thường gặp và phải thấm được qua hàng rào máu-não (BBB).

TIẾP CẬN:

Các màng não và dịch não tủy

MỤC TIÊU

  • Xác định được các lớp của màng não
  • Vẽ được lưu thông của dịch não tủy từ các đám rối mạch mạc đến khoang dưới nhện
  • Xác định được các vị trí nơi nhiễm trùng có thể lan vào hộp sọ
  • Mô tả được chi phối thần kinh cho các màng não và sinh bệnh học của đau đầu

ĐỊNH NGHĨA

THIẾU MÁU CỤC BỘ (ISCHEMIA): giảm dòng máu động mạch đến một mô, thường do tắc động mạch nuôi dưỡng

PHÙ (EDEMA): sưng do tích tụ nước trong mô

ĐỐM XUẤT HUYẾT (PETECHIAE): đốm nhỏ trên da, thường do vỡ mao mạch

ĐÁM RỐI MẠCH MẠC (CHOROID PLEXUS): một lớp mô lót các não thất của não, là nơi tạo ra dịch não tủy (CSF) đổ đầy các não thất và khoang dưới nhện

VIÊM MÀNG NÃO (MENINGITIS): một nhiễm trùng rất nặng liên quan đến màng não, có thể là do virus hoặc vi khuẩn, có thể dẫn đến các di chứng lâu dài hoặc tử vong

BÀN LUẬN

Trong hộp sọ, não được bảo vệ bởi 3 lớp màng não. Màng cứng, một màng dày ngoài cùng. Áp vào mặt sâu màng cứng là màng nhện, đây là một màng mỏng mềm gần như trong suốt. Màng nuôi là lớp mỏng nhất, trực tiếp áp vào bề mặt của não. Có 3 khoang được tạo ra liên quan đến 3 lớp màng não này. Khoang ngoài cứng (epidural space) nằm màng xương (cốt mạc) vòm sọ và màng cứng. Bình thường, màng cứng áp sát vào xương, do đó, đây là một khoang tiềm tàng và sẽ trở thành khoang thực khi có mặt máu hoặc mủ. Tương tự như vậy, màng nhện cũng áp sát vào màng cứng và khoang dưới cứng (subdural space) giữa 2 lớp này cũng là một khoang tiềm tàng. Khoang dưới nhện (subarachnoid space) nằm giữa màng nhện và màng nuôi. Khoang này bình thường chứa đầy dịch não tủy (CSF), đây chính là dịch ngoại bào của hệ thần kinh trung ương. CSF trong khoang dưới nhện cũng có chức năng bảo vệ não và tủy sống thông qua tác dụng đệm trước những shock cơ học.

CSF trong khoang dưới nhện được tạo ra bởi đám rối mạch mac trong lớp lót các não thất (màng não thất – ependyma) của não thất bên, não thất ba và não thất bốn. CSF được tạo ra trong não thất bên, sau đó chảy qua lỗ gian não thất (lỗ Monro) vào não thất ba, tiếp theo chảy qua cống não (cống Sylvius) để vào não thất bốn. Từ đây, CSF chảy qua lỗ Magendie và lỗ Luschka để vào khoang dưới nhện, nơi nó bao quanh não và tủy sống. Con đường tuần hoàn của CSF kết thúc ở các hạt màng nhện, nơi CSF được hấp thu trở lại hệ thống tĩnh mạch. Hầu hết các hạt màng nhện được tìm thấy lót trong các xoang tĩnh mạch lớn, nhưng các lông nhung (villi) màng nhện cũng có thể có mặt ở rễ của các dây thần kinh sống.

Viêm màng não tình trạng viêm của các màng não, nhưng trong thực hành lâm sàng, thuật ngữ này đề cập đến nhiễm trùng màng nuôi và màng nhện, thường liên quan đến cả CSF (Hình 35-1). Nhiễm trùng đi tới màng não bằng một vài con đường. Hầu hết các nhiễm trùng dường như di chuyển qua đường mạch máu (lan tràn theo đường máu). Về phía động mạch, vi khuẩn có thể xâm nhập qua các đám rối mạch mạc vào CSF. Về phía tĩnh mạch, có một vài con đường từ mặt đi vào trong sọ. Bình thường, máu tĩnh mạch ở mặt được dẫn lưu máu ra nông và xuống phía dưới thông qua đám rối tĩnh mạch chân bướm, các tĩnh mạch sau hàm dưới và tĩnh mạch mặt. Tuy nhiên các tĩnh mạch này cũng nối với các tĩnh mạch mắt trên và dưới. Advertisement Các tĩnh mạch mắt này mang máu từ ổ mắt vào xoang hang trong hố sọ giữa. Bởi vì các tĩnh mạch ở mặt không có van, nên một số nhiễm trùng có thể đảo ngược dòng chảy bình thường của máu để các mầm bệnh tới được xoang hang. Sau đó chúng có thể xâm nhập qua thành các xoang để vào CSF. Con đường thứ hai là thông qua tỵ hầu. Nhiễm trùng niêm mạc tỵ hầu có thể đi trực tiếp qua mảnh sàng của xương sàng để vào trong hố sọ trước.

Đau đầu dữ dội trong viêm màng não là do áp lực nội sọ gia tăng, dẫn đến kéo căng màng cứng và kích thích các sợi cảm giác đau từ thần kinh V3 (nhánh hàm dưới của thần kinh sinh ba) đi cùng với các nhánh của động mạch màng não giữa.

Tài liệu tham khảo:

Eugene C. Toy, MD

Vice Chair of Academic Affairs and Program Director Houston Methodist Hospital Obstetrics and Gynecology Residency Program Houston, Texas

Clinical Professor and Clerkship Director Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical School at Houston Houston, Texas

John S. Dunn Senior Academic Chair St. Joseph Medical Center Houston, Texas

Lawrence M. Ross, MD, PhD

Adjunct Professor Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas

Han Zhang, MD

Associate Professor, Research Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas

Cristo Papasakelariou, MD, FACOG

Clinical Professor, Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical Branch Galveston, Texas Clinical Director of Gynecologic Surgery St.Joseph Medical Center  Houston, Texas

Tham khảo bản dịch của nhóm “Chia sẻ ca lâm sàng”

Xem tất cả case lâm sàng tại:

https://ykhoa.org/category/khoa-hoc/ca-lam-sang/

Từ khóa » Case Lâm Sàng Viêm Màng Não Mủ