Cậu Bé Tự Kỷ, Khiếm Thính Thiên Tài, Giàu Nghị Lực Với Mong ước Giúp ...

Cậu bé có số phận éo le và người mẹ tần tảo

Trần Nam Long sinh năm 2005, cậu được nhiều người yêu mến gọi bằng danh xưng "họa sĩ nhí" khi liên tục sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đoạt giải thưởng lớn ở những triển lãm, cuộc thi mỹ thuật. Tranh của Nam Long chủ yếu là những bức tranh tĩnh vật vẽ hoa, hay những góc cảnh, sinh hoạt đường phố ở Hà Nội hoặc ở các vùng đất Nam Long đã được đặt chân đến. 

Chính giấy bút và những mảng màu là nơi cậu bé câm điếc, tự kỷ được thoải mái chìm đắm trong những suy nghĩ của riêng mình. Đây cũng là món quà khiến chị Phùng Thị Hiếu (41 tuổi) - mẹ của Long - cảm thấy ấm lòng sau 17 năm ròng rã đồng hành cùng ước mơ hội họa của con. 

Trong những lần tâm sự với báo chí, chị Hiếu kể, khi Long chưa tròn 1 tuổi, cậu bị viêm phổi nặng phải uống kháng sinh liều cao, khiến Long bị điếc vĩnh viễn.

Trần Nam Long (sinh năm 2005).
Trần Nam Long (sinh năm 2005).

Lên con 2 tuổi, bà mẹ trẻ tiếp tục nhận thấy điều bất thường khi Long chỉ “ú ớ” trong cổ họng, thích chạy trên đầu mũi chân và nằm dài dưới sàn nhà. Cậu bé rất khó chìm vào giấc ngủ mỗi ngày. Thấy con không bình thường, chị Hiếu đưa con đi khám và chỉ biết khóc thầm khi bác sĩ thông báo Long  bị tự kỷ thể tăng động ở mức nặng.

Căn bệnh này khiến cậu rất khó ngủ vì trong đầu luôn đeo bám một ý nghĩ nào đó khiến cậu "chìm đắm". Thậm chí, bác sĩ còn khuyên chị Hiếu "nên sớm sinh thêm một đứa con nữa, chứ đứa này coi như bỏ đi rồi". Nhìn con khôi ngô, trắng trẻo, nhưng thiếu may mắn, chị Hiếu đau lòng đến nghẹn lời.

Lớn hơn một chút, Long lại được phát hiện liệt cơ bẩm sinh 2 chân. Tính tới thời điểm này Long đã phải trải qua 3 lần phẫu thuật, có thể tự đi lại được mà không bị đuối sức như trước.

Hành trình ấy không chỉ là sự nỗ lực đáng kinh ngạc của cậu bé 17 tuổi mà còn là những tháng ngày tỉ mỉ, kiên nhẫn cùng con trưởng thành của chị Hiếu.

Bức tranh vẽ về phố cổ Hà Nội của Long.
Bức tranh vẽ về phố cổ Hà Nội của Long.

Thương con bệnh tật, chị Hiếu đành bỏ ngang công việc cũ, về làm giúp việc theo giờ để có thời gian chăm sóc con. Chị gửi con vào Trường PTCS dân lập dạy trẻ câm điếc Nhân Chính (Hà Nội) và cùng con học cách giao tiếp bằng mắt, tập lắng nghe người khác. 

Khi con lên 3, chị Hiếu và cô giáo của con thấy cậu bé nguệch ngoạc vẽ những hình khối trên bảng nên quyết định đưa Long đi học vẽ. Cứ đến cuối tuần, chị chở con đi đến những con phố để cậu bé được tha thẩn vẽ ngoại cảnh.

Năm 2016, khi kinh tế gia đình tạm ổn, Long được mẹ đưa đến học tại một trung tâm mỹ thuật. Nhưng biến cố ập đến, bố Long mất đột ngột vì tai nạn giao thông. Gánh nặng kinh tế và chăm sóc hai con nhỏ dồn hết lên vai người mẹ trẻ, chị Hiếu chông chênh mất phương hướng và cho con nghỉ học ở trung tâm mỹ thuật.

1 trong 5 bức tranh của Long được gửi đi dự mỹ thuật dành cho người khuyết tật tại Italy năm 2021.
1 trong 5 bức tranh của Long được gửi đi dự mỹ thuật dành cho người khuyết tật tại Italy năm 2021.

Nhìn con có năng khiếu nhưng phải ở nhà, chị Hiếu đau lòng, trằn trọc. Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị quyết định đưa con đến trung tâm để cậu bé được học lại, sau 4 tháng kể từ ngày chồng mất.

Tháng 11/2016, được cô giáo cũ thông báo về cuộc thi vẽ dành cho thiếu niên mang tên "Cảm xúc trong em", chị Hiếu quyết định gửi 2 bức tranh của con đến cuộc thi và cậu bé xuất sắc giành giải đặc biệt. 

Bức tranh về phố cổ Hà Nội của Long được bán đấu giá 100 triệu đồng, ủng hộ một quỹ từ thiện cho trẻ em. Không những vậy, một thành viên ban giám khảo nhận xét tư duy của cậu bé không giống một đứa trẻ mà là một người trưởng thành. Đồng thời, ông nhận dạy miễn phí để cậu bé được phát triển năng khiếu hội họa. 

Bức tranh ký họa Biệt thự cổ Hà Nội.
Bức tranh ký họa Biệt thự cổ Hà Nội.

Được thầy giáo nổi tiếng dạy, Long lần đầu được dùng đến toan và cọ, cậu bé như sống trong thế giới của riêng mình khi có thể "vùi mình" vào những sắc màu hàng tiếng đồng hồ mà không biết chán. 

Từ khi con trai bước vào con đường hội họa chuyên nghiệp hơn, chị Hiếu tích cực tham gia vào các hội nhóm mỹ thuật, chia sẻ những bức tranh của Long trên mạng xã hội để cậu bé được học hỏi thêm.

Tấm lòng sẻ chia với cộng đồng

Hiện Long đang là thành viên của nhóm chuyên vẽ ngoại cảnh phố cổ Hà Nội gồm những họa sĩ và kiến trúc sư nổi tiếng, dù mới ở tuổi 17. Năm 2018, bức tranh ký họa của Long được nhóm chọn để gửi dự thi và giành được một vị trí trong triển lãm "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội".

Chị Hiếu kể, chị chưa bao giờ nghĩ niềm đam mê màu sắc, giấy bút của con trai lại có ngày "đơm hoa kết trái" như vậy. Mỗi khi chị đăng tranh của con lên Facebook, lại có nhiều người hỏi mua với giá trị lên tới hàng chục triệu đồng. 

Không những vậy, nhiều người cũng muốn đặt tranh Long vẽ, nhưng chị không nhận vì chỉ muốn cậu bé vẽ tự nhiên, theo cảm xúc mà không bị áp lực theo người khác. Giờ đây, Long đã sở hữu cả trăm bức tranh, cuộc sống của ba mẹ con cũng vì thế mà đỡ chật vật hơn phần nào.

Những bức tranh cổ vũ quân nhân, bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19 của Long.
Những bức tranh cổ vũ quân nhân, bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19 của Long.

Tiền bán tranh của Long đã giúp cậu mua được máy trợ thính và cậu bé 15 tuổi nghe được những âm thanh “kỳ diệu” của cuộc sống. Gia đình Long cũng được chuyển tới một căn nhà rộng rãi hơn hồi còn ở thuê.

Con trai đã nổi tiếng và có cuộc sống khá giả hơn nhưng chị Hiếu vẫn không quên dạy con tấm lòng sẻ chia với người khác. Chị thường xuyên cùng con tham gia những công tác xã hội, bán tranh thiện nguyện, để cậu bé được làm việc tốt từ chính những đam mê của mình. 

Cuối tháng 3/2020, Long đã gửi bức tranh "Biệt thự 39 Tô Hiến Thành" đến cuộc đấu giá tranh ủng hộ chính phủ chống dịch Covid-19. Bức tranh này được một người giấu tên mua với giá 25 triệu đồng. Một nửa số tiền đã được gửi vào tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một nửa được chị Hiếu dành cho chi phí phẫu thuật ghép xương cho Long.

Không chỉ tham gia một chương trình đấu giá tranh của nhóm Vietnam Art Space, chị Hiếu và cậu con trai còn gửi bức ký họa “Phố Châu Long” cho nhóm Usk Hà Nội để tiếp tục tham gia bán đấu giá ủng hộ Quỹ phòng chống Covid-19 của Chính phủ. Cậu bé sáng tác nhiều bức tranh để cổ vũ những chiến sĩ, những y bác sĩ, những nhân viên phục vụ đang trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Cậu bé tự kỷ, khiếm thính thiên tài, giàu nghị lực với mong ước giúp đỡ cộng đồng - Ảnh 6

Tháng 9/2021, 5 bức tranh của Long đã đại diện cho Việt Nam dự triển lãm mỹ thuật dành cho người khuyết tật tại Italy. Sau đó, cậu tiếp tục giành giải Nhất cuộc thi vẽ tranh dành về chủ đề "Quyền đi học của người khuyết tật" với 2 tác phẩm "Mình muốn được như anh ấy" và "Cùng bạn".

Hiện tại, Long đã ở tuổi 17, cao hơn 1m7 và là học sinh lớp 8 khoa khiếm thính trường Cao đẳng sư phạm nghệ thuật Trung ương. Chị Hiếu vẫn hàng ngày đồng hành cùng con thực hiện niềm đam mê. Còn cậu bé khiếm thính, tự kỷ dù súc khỏe yếu và đi lại còn vụng về nhưng vẫn vui vẻ dùng ký hiệu tay để miêu tả ước mơ của mình: "Em mong sau này trở thành một họa sĩ, kiếm được nhiều tiền để mẹ bớt vất vả".

Từ khóa » Cậu Bé Tự Kỷ Vẽ Tranh