Câu Cá Lóc đêm - VnExpress

Đầu đội đèn pin, anh Đức đi dọc bờ ruộng tìm vị trí đặt 60 cần câu. Cần dài 1,5 m, được vót từ thanh tre, phía đầu mũi buộc dây cước dài 1m. Lưỡi câu có ngạnh sắc nhọn được uốn cong từ sợi thép nhỏ. Mồi là giun đất hoặc nhái, ếch con.

"Tháng 9 lúa đang trổ đòng, nước từ các kênh tưới tiêu đổ về ruộng xấp xỉ 20-40 cm, là môi trường thích hợp để cá lóc sinh sống và phát triển. Cá đồng mùa này được xem là đặc sản, khi nấu lên béo ngậy, thịt rất mềm", anh Đức nói.

Anh Đức chuẩn bị hàng chục chiếc câu để cắm quanh bờ ruộng. Ảnh: Đức Hùng

Anh Đức chuẩn bị hàng chục chiếc câu để cắm quanh bờ ruộng. Ảnh: Đức Hùng

Để cá "dính bẫy", khâu quan trọng nhất là gắn mồi. Khi móc giun đất và nhái vào lưỡi câu, thợ phải để mồi dài ra để cá lóc nhanh phát hiện, nếu móc mồi không chuẩn dễ bị cua hay cá nhỏ ăn mất.

Câu cá lóc có rất nhiều kiểu, song câu cắm là cách truyền thống thường được lựa chọn. Chiếc cần dài 1,5 m được cắm sâu xuống bờ của các khoảnh ruộng. Sau khoảng nửa tiếng, "cần thủ" sẽ đi quan sát một lần xem cá dính câu hay chưa. Nếu để cá mắc câu quá lâu sẽ chết, dẫn đến bị ươn, ăn không ngon.

Cá lóc có thói quen đi săn mồi, kiếm ăn và tìm chỗ ngủ sát bờ ruộng vào ban đêm. "Tôi và nhóm bạn ra đồng vào lúc 19h hàng ngày, ngoài để tránh nắng nóng thì đặt câu thời điểm này dễ trúng đậm hơn ban ngày", anh Đức giải thích.

Người dân gỡ lưỡi câu ra khỏi cá. Ảnh: Đức Hùng

Người dân gỡ lưỡi câu ra khỏi cá. Ảnh: Đức Hùng

Câu cá lóc là nghề làm thêm của người dân xã Cẩm Sơn. Lúc nông nhàn, bất kỳ ai cũng có thể ra đồng đặt mồi câu trong một tháng thời kỳ lúa trổ đòng. Đến lúc lúa chín vàng, nước tại ruộng được tháo hết để thu hoạch thì cá sẽ theo dòng nước bơi ra các kênh, mương thủy lợi, sông hồ để sinh trưởng.

Mỗi đêm, từ 19h đến 22h, anh Đức bắt được khoảng 3 kg cá lóc, mỗi con nặng 1-4 lạng, một số nặng gần một kg. Lúc giật cá dưới ruộng lên cần nắm chặt mình cá không cho giãy giụa, sau đó mới từ từ lấy lưỡi câu ra. Nếu đưa cả ngón tay vào miệng cá để gỡ câu thì dễ bị thương khi chúng quẫy mạnh.

Ngoài để cá sống trong xô nhựa, một số người đốt rơm rạ nướng sơ qua, sau đó đưa ra chợ ở xã Cẩm Sơn bán với giá 80.000-100.00 đồng một kg. "Chịu khó làm cũng kiếm được mỗi đêm gần 300.000 đồng, có thêm kinh phí trang trải một số khoản cho gia đình", anh Đức nói.

Ngoài cá lóc, thỉnh thoảng còn có cá rô, cá trê dính câu. Ảnh: Đức Hùng

Ngoài cá lóc, thỉnh thoảng còn có cá rô, cá trê dính câu. Ảnh: Đức Hùng

Theo anh Thân Thế Lâm, 41 tuổi, trú xã Cẩm Sơn, câu cá lóc đêm không tốn nhiều chi phí. Với 50 chiếc cần, chỉ cần đầu tư khoảng 300.000 đồng mua dây cước và lưỡi câu là có thể dùng trong vài mùa. Một số người tiết kiệm tiền bằng cách đập bẹp một đầu của sợi thép, lấy dũa mài nhọn, dùng kìm uốn lưỡi câu.

Việc đi câu cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Buổi tối các loài côn trùng, bò sát như rắn đi kiếm ăn. Để tránh dẫm phải rắn và bị tấn công, khi ra đồng, thợ phải mang đồ bảo hộ, đi ủng và đeo găng tay.

Cá lóc hay còn gọi là cá quả, cá tràu, sống tại các cánh đồng, sông, kênh mương... Tại các chợ quê ở Hà Tĩnh, cá lóc được người dân mua về chế biến các món như nướng trui, kho tộ, xay chả viên, nấu canh chua hoặc cháo...

  • Nghề thả ống bắt lươn đồng ở Hà Tĩnh

Đức Hùng

Từ khóa » đồ Nghề Câu Cá Lóc