Câu Chuyện đằng Sau 'Ngôi Nhà điên' - Người Đô Thị
Có thể bạn quan tâm
"Ngôi nhà điên" là đứa con tinh thần của kiến trúc sư Đặng Việt Nga, và gần như cả sự nghiệp của bà gắn liền với quần thể kiến trúc này. Nó đã trải qua một câu chuyện lịch sử thăng trầm thú vị kéo dài ba thập kỷ. Từ chỗ mọc lên giữa Đà Lạt nguyên sơ, từng chịu bão táp dư luận phản đối gay gắt bởi cách trình hiện dị biệt, thì giờ đây, "Ngôi nhà điên" đã là một phần không thể tách rời của Đà Lạt, một điểm đến du lịch tất yếu dành cho du khách trong và người nước mỗi khi đến với thành phố này. Không những vậy, giữa vô vàn công trình xi măng sắt thép phục vụ thương mại đang chạy đua nhô lên đe dọa cảnh quan của Đà Lạt, "Ngôi nhà điên" lại trở thành một không gian biệt lập bảo lưu sự thuần nhiên và tĩnh lặng đặc trưng vốn có nơi đây.
Kiến trúc "Ngôi nhà điên". Ảnh: Crazy House.
Thực ra, mặc dù mang tên "Ngôi nhà điên", nhưng không có nghĩa là chủ thể sáng tạo của công trình này bị “điên” hay lập dị. Tên gọi nguyên thủy của "Ngôi nhà điên" là Biệt thự Hằng Nga, còn "Ngôi nhà điên" chỉ là cái tên phái sinh xuất phát từ dân gian. Người dân bình thường gọi nó là "Ngôi nhà điên" bởi kiến trúc kỳ dị lệch chuẩn khác với quy ước truyền thống. Song, chủ nhân của nó, trái lại, là một người duy mỹ, yêu cái đẹp đến tận cùng, đồng thời được đào tạo và tiếp thu các trường phái nghệ thuật phương Tây một cách bài bản. Có một quy luật tất yếu rằng khi cái đẹp và trình độ của thị hiếu chưa có sự tương xứng, thì cái đẹp chưa hẳn đã được tiếp nhận và lĩnh hội tức thì. Thế nhưng rồi theo thời gian, cư dân Đà Lạt lẫn du khách bắt đầu hiểu và thưởng ngoạn được vẻ đẹp độc đáo của nó.
Cuốn sách Ngôi nhà điên (Crazy House – 瘋 狂 屋 – СУМАСШЕДШИЙ ДОМ, Nxb Thế giới, 2021), với lời bình của tác giả – kiến trúc sư Trần Trọng Chi, cùng tư liệu ảnh phong phú sinh động do các nhiếp ảnh gia kinh nghiệm đảm nhiệm, và phần chuyển ngữ Anh, Trung, Nga công phu được thực hiện bởi các dịch giả Nguyễn Hải Hoành, Phạm Minh Quân… đưa người đọc cùng trải nghiệm một cuộc du ngoạn với đầy khiêu khích giác quan, không chỉ vào thế giới kiến trúc của "Ngôi nhà điên", mà còn cả thế giới nghiệm sinh sáng tạo của kiến trúc sư Đặng Việt Nga.
Bìa cuốn sách "Ngôi nhà điên"
Bằng một lối kể chuyện hào hứng lôi cuốn đi từ diện đến điểm, hòa quyện với sự am hiểu chuyên môn, tác giả Trần Trọng Chi, như một hướng dẫn viên mẫn cán, dẫn dắt bạn đọc đặt chân đến Đà Lạt rồi bước vào khuôn viên "Ngôi nhà điên". Để từ đó, được khám phá, được nhìn thấy, được yêu và được hiểu từng cấu kiện, từng đơn nguyên, từng chi tiết, từng tác phẩm điêu khắc cụ thể nằm trong quần thể kiến trúc trên diện tích hơn bốn nghìn mét vuông giữa lòng Đà Lạt này.
Mỗi một thành tố bên trong "Ngôi nhà điên" chứa đựng một câu chuyện, một điển tích, một ý nghĩa biểu tượng của riêng nó, được tác giả diễn giải. Đó có thể là những hốc cây rừng nguyên sinh mang thông điệp bảo vệ sinh thái, thủy cung biểu đạt vẻ đẹp khoáng đạt của trí tưởng tượng cổ tích, hoặc Vườn Địa Đàng như một tấm gương phản chiếu sự suy đồi của nhân gian…
Ngôi nhà gốc cây. Ảnh: Crazy House
Dưới góc nhìn của họa sĩ, nhà nghiên cứu nghệ thuật kỳ cựu Nguyễn Quân, "Ngôi nhà điên" là một chỉnh thể nghệ thuật tổng hòa (Gesamtkunstwerk), một phức hợp “khu vườn – cấu trúc” với tư cách là điểm giao thoa của nhiều loại hình nghệ thuật như kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc và ca múa, phong thủy và hương vị... và còn là cả nơi hội tụ giữa nhiều phong cách kiến trúc khác nhau như kiến trúc phỏng sinh và kiến trúc công năng, kiến trúc dân gian và kiến trúc quý phái, giữa các trường phái hội họa, điêu khắc như siêu thực, tượng trưng và biểu hiện…
Cuốn sách còn cho thấy, đằng sau "Ngôi nhà điên", thực chất, là câu chuyện cuộc đời sáng tạo của kiến trúc sư Đặng Việt Nga. Bà có một thân phận đặc biệt. Sinh năm 1940 tại làng Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định), Đặng Việt Nga chính là ái nữ của cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Tuy nhiên, dường như xuất thân không mấy ảnh hưởng đến con đường làm nghệ thuật độc lập của bà cho tới nay. Nhưng ít ai biết rằng, để đạt đến sự độc lập và tự do hoàn toàn trong sáng tạo, bà đã trải qua không ít vui buồn, chông gai và khó khăn. Bởi cương vị quan trọng của cha mình, nên tuổi thơ của bà là một hành trình rong ruổi từ quê lên Hà Nội, rồi lên chiến khu Việt Bắc sinh sống.
Năm 11 tuổi bà sang học tại Trường thiếu nhi ở Quế Lâm, Trung Quốc. Giữa năm 1954, bà được cử sang Moskva, Liên Xô cũ (nay là Nga) đi học, và tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Moskva vào năm 1965, cho tới năm 1972 bà bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cũng tại Moskva. Về nước, bà công tác tại các Viện Thiết kế kiến trúc của Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa.
Kiến trúc sư Đặng Việt Nga. Ảnh: Crazy House |
Là người trải qua quá trình tu nghiệp bài bản từ nước ngoài trở về, lại với một điều kiện lai lịch như vậy, hẳn ai cũng nghĩ Đặng Việt Nga sẽ có một hoạn lộ thênh thang, làm đến một chức vị cao. Nhưng thật ngạc nhiên, bà chủ động rút lui khỏi cuộc sống công chức cán bộ. Như một khẳng định tình yêu với nghề, với nghệ thuật, bà đã rời xa trung ương và chuyển tới Đà Lạt vào năm 1983, nơi lúc bấy giờ vẫn còn là phố núi thơ mộng nguyên sơ, để triển khai ý đồ về một kiến trúc gần gũi thiên nhiên lẫn kết hợp đa dạng phong cách của mình. Và thế là, một nhà nghỉ Công Đoàn với sự pha trộn giữa kiến trúc Cổ điển Pháp và nhà sàn Tây Nguyên, hay Cung Thiếu nhi Đà Lạt với hình tượng gợi mở như một rừng măng nhú lên mang ước vọng trẻ thơ, rồi nhà thờ Liên Khương mang kiến trúc Thiên Chúa giáo theo xu hướng hiện đại dưới bàn tay thiết kế của Đặng Việt Nga đã hiện diện.
Khi nhìn Đặng Việt Nga trong sự phát triển nghệ thuật, đặc biệt là kiến trúc, ở nước ta, Nguyễn Quân đã đặt bà vào một vị trí quan trọng: “Không biết khi khởi công khu vườn ở Đà Lạt này liệu tác giả có tiên đoán được một xu hướng nghệ thuật mới hay không. Song ba mươi năm sau, trong thời đại kỹ thuật số và công nghệ nghe nhìn, xu hướng nghệ thuật tổng hòa, liên ngành đa phương tiện, đa phong cách đang trở thành một chủ lưu của thực hành nghệ thuật đương đại và vô hình trung đặt kiến trúc sư Việt Nga vào vị trí tiền phong.”
Ở một nền nghệ thuật non trẻ, mới vượt thoát khỏi những giới hạn kiềm tỏa, cần hơn hết những người đi tiên phong kháng cự lại sự câu thúc của đại tự sự, để tạo ra những tiểu tự sự cho riêng mình, và cho nghệ thuật. Đứng giữa thời đoạn quan liêu bao cấp, dưới áp lực của tư duy giáo điều trì trệ duy ý chí, Đặng Việt Nga muốn thay đổi cái nhìn về kiến trúc, để đưa ra một lối kiến trúc khác, phong phú hơn những tòa nhà xù xì đương thời, nhưng đồng thời vẫn khoa học và hiệu quả. Nhờ tư duy mang tính chất tiên phong khai phóng (avant-garde) của bà, mà "Ngôi nhà điên" đã được khai sinh, còn bản lĩnh của một người nghệ sĩ dấn thân đã khiến bà dũng cảm táo bạo với những thể nghiệm kiến trúc độc đáo, nếu không muốn nói là kỳ quái, tạo nên thương hiệu cho công trình. Được thực hiện "Ngôi nhà điên", cũng chính là khi Đặng Việt Nga sống giấc mơ đời mình, tự do thể hiện thích thú và đam mê trong sáng tạo nghệ thuật kiến trúc.
Sân khiêu vũ Thủy cung. Ảnh: Crazy House
Ban đầu chỉ là một khu vườn 1.000m2 vào năm 1991, "Ngôi nhà điên" đã liên tục triển nở, phát triển và mở rộng quy mô gấp bốn lần. Nó chưa bao giờ là một công trình đã hoàn kết, cứng đặc. Trái lại, nó là một sinh thể sống, luôn là cái đang trở thành (trong tiếng Đức gọi là das Werden), luôn luôn khởi sinh, luôn luôn tiếp tục hoàn thiện thêm.
Cho dù đã hơn 80 tuổi, nhưng kiến trúc sư Đặng Việt Nga vẫn ngày ngày phác thảo và cụ thể hóa những ý tưởng mới cho đứa con tinh thần của mình. Như chính lời bà chia sẻ trong cuốn sách: “Những trải nghiệm buồn vui của tôi trong cuộc sống đã cho tôi kiến thức, nghị lực và niềm đam mê để làm nên khu vườn "Crazy House" này. Đây là đỉnh cao tư duy của tôi. Tất cả sự sáng tạo đã kết hợp với nhau trong cấu trúc này. Với "Crazy House", tôi mong muốn tạo nên một thứ kiến trúc – điêu khắc mang tính tiên phong và khác biệt. Càng làm việc, tôi càng thấy mình vẫn còn nhiều thiếu sót, vẫn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Tưởng chừng như công việc không bao giờ kết thúc.”
Nói không ngoa, "Ngôi nhà điên" là sinh mệnh nghệ thuật của Đặng Việt Nga, khi bà tồn tại, thì nó vẫn còn hằng dang dở và hứa hẹn đầy triển vọng sáng tạo mới.
Phạm Minh Quân
Từ khóa » đặng Việt Nga Crazy House
-
Crazy House In Vietnam By Đặng Việt Nga - Amazing Architecture
-
Crazyhouse
-
ĐẶNG VIỆT NGA - Crazy House
-
The Story Behind Vietnam's 'Crazy House' - CNN
-
Hằng Nga Guesthouse - Wikipedia
-
Biệt Thự Hằng Nga – Wikipedia Tiếng Việt
-
KTS Đặng Việt Nga Và Crazy House ở Đà Lạt - YouTube
-
VIETNAM: The Crazy House By Artist Đặng Việt Nga – Đà Lạt
-
Người đàn Bà 'điên' Xây Nhà Gốc Cây - Báo Thanh Niên
-
Tiến Sĩ Đặng Việt Nga: Cứ Liều đi, Người Có đầu óc Lúc Nào Cũng đi ...
-
This World Famous Bizarre And Beautiful 'Crazy House' In Vietnam ...
-
Đặng Việt Nga Crazy House In Vietnam - INEWS
-
Crazy House By Hang Nga