Câu Chuyện đằng Sau Những Hang đá Chúa Hài Đồng Vào Lễ Giáng ...
Có thể bạn quan tâm
Khi mỗi mùa Giáng sinh về, các ngõ hẻm xung quanh nhà thờ Tử Đình, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh lại chuyển mình thành một vương quốc hang đá mini lấp lánh ánh đèn.
Nổi bật hơn cả là hang đá nhân tạo cao khoảng 3 mét ngay trước nhà của gia đình anh Nguyễn Gia Luân. Tháng 12 vừa tới, cha anh và những hàng xóm khác đã rộn ràng chuẩn bị dựng giàn giáo kim loại và phủ lên một tấm bạt xám than được nhàu và tạo hình để trông như đá thật. Rồi họ lại tô điểm cho tác phẩm thêm những sợi đèn nhỏ và đính thêm xung quanh hình khuôn mặt thiên thần với đôi cánh.
Bên trong hang động là tượng của Chúa Hài Đồng, cha mẹ của Ngài (Maria và Giuse), một con lừa và một con bò: Một phiên bản Việt Nam về cảnh Chúa giáng sinh. Cảnh hang đá này khiến nhiều người phải thắc mắc: Tại sao vị cứu tinh của Cơ đốc giáo lại ra đời trong một hang đá?
Luân, sinh viên đại học 25 tuổi, khẳng định là “Chúa Giêsu được sinh ra trong một hang đá.” Niềm tin vững vàng này của người Việt khiến nhiều du khách phương Tây ngạc nhiên. Ở các nước phương Tây, bao gồm cả châu Mỹ, hầu như mọi người đều hình dung cảnh Chúa giáng sinh trong chuồng gỗ cho súc vật, chứ không phải trong hang đá.
Nhưng ở Việt Nam từ Bắc vào Nam, cứ mỗi dịp Giáng sinh là phía ngoài các nhà thờ, tư gia và cơ sở kinh doanh thuộc cộng đồng Cơ đốc giáo lại bày trí những hang đá to lớn lộng lẫy.
Có nơi chỉ làm hang đá nhỏ bằng cái ghế, nơi thì lớn hơn cả một chiếc xe buýt hai tầng. Một số thì dùng giấy thiếc bạc, cái thì phủ nylong trắng và bị nhàu nát để trông như tuyết; nơi thì được tô đen, lởm chởm và hoành tráng đến mức trông như miệng của một hang động thật. Nhiều chỗ còn dựng hoạt cảnh đơn giản về Thánh Gia cùng một vài con vật, đôi khi còn có sự góp mặt của dàn nhân vật như thiên thần thổi kèn và người tuyết.
Tất cả các hang đá tự làm này được treo thêm những sợi dây đèn nhỏ, vài ngôi sao, hoặc thậm chí còn được đầu tư cả đèn sân khấu. Khi trời sập tối, những chiếc đèn này bắt đầu phát huy công dụng. Cả con hẻm nhỏ bỗng chốc được thắp sáng bừng lên, nổi bật cả khoảng trời. Dấu hiệu một mùa Giáng sinh lại đến.
Thật ra, nói Chúa Giêsu ra đời trong hang động cũng không hoàn toàn sai. Nhà thờ Giáng Sinh (the Church of the Nativity), một trong những thánh địa của đạo Thiên chúa, được xây dựng ở Bethlehem (đọc là Bêlem) phía nam Jerusalem vào thế kỷ thứ 4. Nhà thờ nằm trên một hang động mà những người theo đạo Thiên chúa ban đầu tin rằng Chúa Giêsu đã được sinh ra ở đấy. Theo Vatican, nơi đặt trụ sở của Giáo hội Công giáo La Mã, cảnh Chúa giáng sinh đầu tiên được Francis of Assisi xây dựng vào thế kỷ 13 trong một hang động ở Ý, vì nó khiến ông nhớ đến vùng nông thôn ở Bethlehem.
Nhưng ngược lại, những câu chuyện Kinh thánh được đọc trong thánh lễ Giáng sinh ở các nhà thờ Công giáo lại không đề cập đến hang đá nào hết. Đoạn trong Phúc âm Luca chỉ nói rằng Đức mẹ Maria “hạ sinh con trai đầu lòng, quấn khăn cho cậu bé và đặt cậu bé trong máng cỏ, vì quán trọ không chứa chấp họ.”
Vì vậy mà trong các nhà thờ phương Tây, máng cỏ - một cái hộp hoặc cái máng dùng để cho gia súc ăn – là nơi Chúa Giêsu được sinh ra đời. Đó là lý do tại sao mà truyền thống đón Chúa giáng sinh ở phương Tây và phương Đông lại khác biệt đến vậy.
Chẳng ai biết cảnh Chúa giáng sinh trong hang đá được xây dựng ở Việt Nam lần đầu là khi nào. Đến thế kỷ 17, các nhà truyền giáo Dòng Tên theo Công giáo La Mã đã thành lập các cộng đồng Cơ đốc giáo tại Việt Nam. Cơ đốc giáo lan rộng trong thời kỳ Pháp thuộc vào những năm 1800 và 1900, mặc dù ngày nay chỉ có khoảng 10% dân số Việt Nam theo đạo Cơ đốc.
Tuấn Hoàng, học giả nghiên cứu Việt Nam học tại Đại học Pepperdine ở California, cho biết việc dựng cảnh Chúa giáng sinh trong hang đá đã có từ trước Chiến tranh Việt Nam và có lẽ còn trước Chiến tranh thế giới thứ hai. Một trong những bài thánh ca Giáng sinh phổ biến nhất ở Việt Nam là “Hang Bêlem,” được viết vào năm 1945 bởi nhạc sĩ Công giáo Phanxicô Hải Linh ở tỉnh Nam Định.
Ông Hoàng cũng cho biết là vào khoảng thời gian đó, âm nhạc Công giáo chủ yếu là thánh ca Gregorian, Thánh ca Latinh, hoặc những bài thánh ca tiếng Pháp hiện đại hơn được dịch sang tiếng Việt. Nhưng giữa những năm 1940 lại nổi lên tinh thần dân tộc và các sáng tác âm nhạc bản địa, từ đó cho ra đời các bài hát về Đức Mẹ Đồng Trinh, hay còn gọi Nữ vương Hòa bình.
Một phần lời của bài “Hang Bêlem” mô tả:
"Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa
trong hang Bêlem ánh sáng toả lan tưng bừng,
nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng"
Ông Hoàng cho biết, "Vấn đề là có phải chính bài hát này đã làm phổ biến hình ảnh Chúa giáng sinh trong hang đá, hay nó chỉ góp phần củng cố một niềm tin sẵn có từ trước? Tôi nghĩ là trước đây, có một số nhà thờ đã dựng cảnh Chúa giáng sinh trong hang đá, và bài thánh ca này lại xác nhận thêm mối liên hệ giữa Chúa giáng sinh và hang đá.”
“Vào những năm 1960, hay thậm chí trước đó, hình ảnh Chúa giáng sinh trong hang đá có thể bắt gặp ở tất cả các nhà thờ, sau đó lại dần len lỏi vào một số tư gia. Những bộ trang trí hang Chúa giáng sinh cũng được bày bán trên đường phố Sài Gòn.”
Cũng giống như nhiều người Công giáo ở Gò Vấp, gia đình ông Luân di cư từ Bắc vào Nam vào giữa những năm 1950. Khi đó, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước đang bị chia cắt thành hai. Tổng thống của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, Ngô Đình Diệm, là người Công giáo. Ngô Đình Diệm đã khuyến khích cộng đồng Công giáo di cư về miền nam và cảnh báo họ về sự đàn áp của những người cộng sản vô thần. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, ngay từ khi thành lập, Đảng đã ban hành các chính sách bảo đảm quyền tự do tôn giáo , tín ngưỡng và người Công giáo đã góp phần “nâng cao uy tín quốc gia”.
Giáo xứ Tử Đình được thành lập năm 1954, và khi khu dân cư xung quanh phát triển, giáo xứ này đã tăng lên đến 3.000 giáo dân, trong đó có gia đình của ông Luân. Gần đó cũng có hai giáo xứ lớn khác là giáo xứ Thái Bình và giáo xứ Bắc Dũng, tất cả đều cách nhau chỉ vài trăm mét.
Những con hẻm chằng chịt xung quanh khu vực giáo xứ được trang hoàng các hang đá đủ màu hồng, đen, trắng, be, và xám. Những hang đá này được đặt kế bên bức tượng Đức Mẹ Maria hoặc Thánh Giuse trong các quảng trường nhỏ mà cư dân thường tụ tập để cầu nguyện vào ban đêm. Tuần này, du khách từ khắp thành phố ghé qua đây đều trầm trồ trước những ngõ hẻm rực sáng lộng lẫy.
Dựng hang đá Chúa giáng sinh ngay tại khu đất nhỏ chỗ bốn con hẻm gặp nhau bên ngoài nhà ông Luân là truyền thống lâu đời trong xóm ít nhất đã 10 năm. Ngay tại góc đường này, ông Luân kể, vào tháng 12, các hộ gia đình trong khu phố lại rộn ràng lôi trong kho nào là giàn giáo, vải bạt, dây đèn, tượng trang trí, và dành hẳn vài ngày để dựng hang đá.
Trước Covid-19, hang đá này được chăm chút và quy mô lớn hơn, nhưng với điều kiện tài chính eo hẹp như hiện nay thì không còn làm rình rang như thế được nữa.
Ông Luân tâm sự, “Là một người theo đạo Cơ đốc, tôi thấy việc dựng hang đá hàng năm rất thiêng liêng. Đây là một cách để tôn vinh ngày quan trọng nhất trong năm, khi Chúa Giêsu được Đức Chúa Trời ban cho sự sống để cứu nhân loại, và duy trì bản sắc và truyền thống.”
Cảnh Chúa giáng sinh thể hiện ý nghĩa thực sự, thuần tuý của lễ Giáng sinh. Nhưng khi Giáng sinh bị thương mại hoá quá mức, truyền thống dựng hang đá có nguy cơ mất đi sự thiêng liêng sơ khai.
Ngay sân Giáo xứ Thánh Đa Minh ở Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh dựng hẳn một hang đá hai tầng khổng lồ. Cha John Nguyễn, linh mục Công giáo tại giáo xứ này, nhìn cảnh tượng xa hoa trước mắt trong lo ngại. Thậm chí người ta còn tổ chức một cuộc thi xem ai dựng hang đá hoành tráng nhất.
Cha kể, “Họ chỉ đến và bình luận, ‘Hang này rất lớn, hang này rất đẹp’. Cha nghĩ ý nghĩa thực sự của việc dựng hang đá là phải lột tả Chúa giáng sinh trong tư thế khiêm nhường, nghèo khó, và gần gũi. Điều này rất quan trọng."
Trong một góc hẹp sát nhà thờ Tử Đình, ông Hải có thể nhìn thấy ba hang đá Chúa giáng sinh từ ngưỡng cửa nhà mình. Từ khi gia đình ông Hải chuyển từ Hà Nội ra Sài Gòn sống hồi 1954, dựng hang đá to bằng chiếc tủ lạnh ngay chỗ bức tường cách ngưỡng cửa nhà ông vài bước chân đã trở thành một thói quen mỗi dịp Noel về.
Ông Hải cùng chú của mình hơ lửa những chiếc túi nylon trắng rồi vò nát để tạo thành bề mặt lởm chởm của đá phủ tuyết. Năm ngoái, họ đã mua một bức tượng Chúa Hài đồng mới cùng một số dây đèn với giá 350.000 đồng và họ giữ hang đá cho đến Tết mới gỡ xuống.
Ông Hải nói: “Chúng tôi dựng hang đá để kỷ niệm ngày Chúa Giêsu ra đời. Nhờ vậy tôi mới cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ."
Jenny Phan đã đóng góp cho bài viết này.
Chuyển ngữ bởi Bích Trâm
Từ khóa » Hình Chúa Hài đồng Nằm Trong Máng Cỏ
-
Máng Cỏ Và Chúa Hài đồng - Website Mẹo Vặt , Cuộc Sống Mỗi Ngày
-
146 Hình ảnh Miễn Phí Của Máng Cỏ Giáng Sinh - Pixabay
-
Chúa Hài Đồng Và Trẻ Thơ - Tốp Ca Thiếu Nhi PDF Mp3 Lyric Lời Bài Hát
-
Ý NGHĨA HÌNH ẢNH CHÚA HÀI ĐỒNG NẰM TRONG MÁNG CỎ ...
-
CHÚA HÀI ĐỒNG NẰM TRONG MÁNG CỎ - YouTube
-
CHÚA HÀI ĐỒNG VÀ TRẺ THƠ (Hình Minh Họa Theo Lời Bài Hát)
-
[PDF] CHIÊM NGẮM CHÚA HÀI ĐỒNG NẰM TRONG HANG ĐÁ MÁNG CỎ
-
Truyền Thông Yên Trạch - “Chúa Hài Đồng Nằm Trong Máng Cỏ Nụ ...
-
Chúa Hài Đồng Trong Máng Cỏ - Xuân Mai [Official] - Dailymotion
-
Trong Máng Cỏ đơn Sơ Có Chúa Hài Đồng Ngây Thơ
-
Hãy đến Với Chúa Hài Ðồng đang Nằm Trong Máng Cỏ
-
Một Trẻ Sơ Sinh Bọc Tã, Nằm Trong Máng Cỏ