Câu Chuyện Rùa Và Thỏ Chạy đua [Truyện Ngụ Ngôn Cho Bé]
Có thể bạn quan tâm
Câu chuyện ngụ ngôn Rùa và Thỏ chạy đua
Câu chuyện ngụ ngôn Rùa và Thỏ chạy đua nổi tiếng khắp thế giới với bài học sâu sắc cho những ai có tính kiêu ngạo, chủ quan, coi thường người khác.
Nội dung kể về cuộc chạy thi giữa Rùa và Thỏ: Rùa khiêm tốn, cố gắng nên tới đích trước. Thỏ chủ quan, tự đắc nên thua cuộc.
Trời mùa thu mát mẻ. Trên bờ sông có một con Rùa đang cố sức tập chạy. Một con Thỏ trông thấy, mỉa mai nói đùa với Rùa:
– Chậm như cậu mà cũng đòi tập chạy à?
Rùa đáp:
– Anh đừng giễu tôi. Anh với tôi thử chạy thi coi ai hơn?
Thỏ vểnh tai lên tự đắc:
– Được, được! Cậu dám thi chạy với tôi sao? Tôi chấp cậu một nửa đường đó!
Rùa không nói gì. Nó biết mình chậm chạp, nên cố sức chạy thật nhanh. Thỏ nhìn theo mỉm cười. Nó nghĩ:
– Ta chưa cần phải chạy vội, đợi Rùa gần tới đích, ta phóng cũng vừa.
Thỏ nhởn nhơ trên đường, nhìn trời, nhìn mây. Thỉnh thoảng, nó lại nhấm nháp vài ngọn cỏ non, có vẻ khoan khoái lắm.
Bỗng Thỏ nghĩ đến cuộc thi, ngẩng đầu lên thì thấy Rùa đã gần tới đích. Thỏ cắm cổ chạy miết nhưng không kịp nữa. Rùa đã tới đích trước nó.
Truyện ngụ ngôn Rùa và Thỏ chạy đua Nguồn: Tập đọc lớp 4 phổ thông, tập 1, trang 30, NXB Giáo dục – 1977 – TheGioiCoTich.Vn –
Câu chuyện Sên chạy thi với Thỏ
Sên chạy thi với Thỏ là truyện ngụ ngôn thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức với nhau đồng thời cũng là bài học cho những ai chủ quan, coi thường đối thủ.
1. Thỏ nâu coi thường Sên
Ở giữa một khu rừng già, có một cái hồ rộng, mặt nước trong veo. Ven bờ cỏ mọc xanh tươi, hoa nở bốn mùa. Họ hàng nhà Sên đang sống yên vui thì một hôm Thỏ nâu đến quấy rối. Thỏ nghịch làm cho hoa cỏ nát như. Lăn lộn chán trên bờ, nó lại hất đất, sỏi xuống hồ khiến nước đục ngầu.
Thấy động, Sên già lên tiếng trách móc Thỏ:
– Sao bác lại đến phá chỗ chúng tôi ở thế?
Thỏ nâu hách dịch, quát bảo:
– Chú im ngay đi! Yếu như Sên mà còn đòi giữ hồ nước à? Liệu có đủ sức cùng ta thi chạy ba vòng quanh hồ này không? Thua thì đừng có hòng ở lại mảnh đất này nữa!
Bị Thỏ nâu coi thường, Sên già tức lắm. Chợt Sên nghĩ ra một mẹo, bèn thủng thỉnh đáp:
– Được, bác đã thách thì chúng tôi xin nhận vậy.
Thỏ tin chắc là mình sẽ thắng, vội vã giục luôn:
– Thế thì thi ngay đi!
– Khoan, bây giờ đã chiều rồi. Sáng mai, bác lại đây, chúng ta cùng thi.
2. Sên chạy thi với Thỏ
Sáng hôm sau, sương đêm còn ướt đẫm hoa cỏ ven hồ, Thỏ nâu đã đến gọi Sên để chạy thi. Nghe tin có cuộc thi kì lạ, muông thú trong rừng tấp nập rủ nhau đến xem. Gà rừng gáy lên một hồi dài, báo tin cuộc thi sắp bắt đầu. Chú Sóc chạy đi chạy lại để giữ trật tự. Chuẩn bị xong xuôi, chú nhảy lên trên hòn đá cao ven đường vẫy đuôi ra hiệu cho Thỏ và Sên cùng chạy.
Nhưng Thỏ nâu khinh thường không chịu chạy ngay. Thấy Sên già khom lưng cặm cụi leo dốc. Thỏ nâu bật cười khanh khách. Chơi đùa chán chê một lúc rồi Thỏ nâu mới chạy một hơi vòng quanh hồ. Nhìn trước nhìn sau không thấy Sên đâu, Thỏ lên tiếng hỏi:
– Sên đâu rồi?
Thì ngay từ lùm cây trước mặt, chú Sên chạy ra, vẫy cái râu trả lời:
– Sên đây rồi!
Giật mình đánh thót một cái, Thỏ cụp tai lại, chạy miết một hơi. Liệu đã xa, Thỏ chạy chậm lại, lên tiếng hỏi:
– Sên đâu rồi?
Ngay từ một bụi cây trước mặt, chú Sên chạy ra, vẫy vẫy cái râu trả lời:
– Sên đây rồi!
Thấy thế, Thỏ tức lắm. Tuy đã mệt nhoài, nhưng Thỏ cũng cố gắng dồn hết sức chạy một hơi nữa, Thỏ mới ngừng lại, chân cẳng rã rời, vừa thở hổn hển vừa cất tiếng hỏi:
– Sên… đâu… rồi…?
Ngay từ bụi cây trước mặt, một chú Sên vẫy vẫy cái râu trả lời:
– Sên đây rồi!
3. Thỏ chịu thua Sên
Vừa mệt, vừa xấu hổ, Thỏ nâu lủi thủi định rút khỏi khu rừng thì Sên già gọi lại:
– Này bác Thỏ ơi, chúng tôi tuy thắng bác thực đấy, nhưng mời bác cứ ở lại đây chơi với chúng tôi, miễn là bác đừng có phá phách như trước nữa là được!
Thỏ nâu bẽn lẽn nhận lời:
– Thôi thế cũng được. Tôi chịu thua cuộc rồi. Thật không ngờ bác Sên lại chạy nhanh đến thế!
– Ồ có gì lạ đâu! Liệu dùng sức không thắng được bác nên chúng tôi chia nhau ra mỗi người đứng đợi sẵn ở một bụi cây ven đường đón đầu bác đấy thôi!
Nghe rõ mưu trí của Sên già, Thỏ nâu càng mến phục sự thông minh và đoàn kết của họ nhà Sên.
Câu chuyện Sên chạy thi với Thỏ Nguồn: Chuyện kể 1, trang 40, NXB Giáo dục – 1981 – TheGioiCoTich.Vn –
Bài học từ truyện Thỏ và Rùa chạy đua và câu chuyện Sên chạy thi với Thỏ
Đây là hai truyện ngụ ngôn rất có ý nghĩa về cuộc thi chạy giữa Thỏ với Rùa và Sên. Người ta thường nói: Nhanh như Thỏ – Chậm như Rùa – Yếu như Sên.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì Rùa và Sên không bao giờ thắng được Thỏ. Nhưng vì Thỏ chủ quan, coi thường mọi người, nên khi thi với Rùa đã thua Rùa, nay thi với Sên, con vật bé nhỏ hơn, Thỏ cũng vẫn thua. Bởi vậy, câu chuyện cho ta thấy: không nên kiêu ngạo, chủ quan, coi thường người khác, kể cả những người yếu kém hơn mình.
Thế giới truyện ngụ ngônTruyện thơ ngụ ngôn Thỏ và Rùa của La Phông-ten
La Phông-ten (1621 – 1695) là nhà văn, nhà thơ Pháp, con trai một viên chức làm công việc quản lí rừng, nên từ nhỏ đã sống gần gũi và yêu mến thiên nhiên, đặc biệt là các loài vật.
Ông nổi tiếng với hàng trăm bài thơ ngụ ngôn xinh xắn, phần lớn kể chuyện loài vật, nhưng ngụ ý để nói chuyện loài người và nêu lên những bài học luân lí, những triết lí một cách kín đáo.
Thế giới cổ tích xin giới thiệu 3 bản dịch câu chuyện này của các tác giả khác nhau.
Con Thỏ và con Rùa [Bản dịch Nguyễn Văn Vĩnh]
Đi cho sớm, việc gì tất tả Chuyện Thỏ Rùa nghĩ đã hay thay! Rùa kia gọi Thỏ bảo: – Này Thi cùng ta chạy từ đây qua đường Thỏ bảo Rùa: – Chị thường hóa dại Hãy uống xong thuốc tẩy vài liều Họa chăng ta có nhận keo Rùa càng thách tợn, giải treo thật nhiều Thỏ tức khí bao nhiêu cũng đắt Đem giải kia mà đặt bên đường Những gì lọ kể dài dang Ai ngồi chủ cuộc, phân tường nói chi Thỏ ra sức chỉ đi ba bước Là đến nơi lấy được như không Vội chi mà chẳng thong dong Vừa đi vừa bỡn cũng không chậm gì Đứng gặm cỏ, có khi cũng sớm Mặc kệ Rùa, Thỏ hợm ta đây Chàng dàng chân dép chân giầy Trong khi Rùa nọ ai hay vội vàng Biết thân nặng lại càng cố gắng Cứ từ từ rảo cẳng bước lên Sá chi thân phận Rùa hèn Thỏ càng đủng đỉnh ở bên vệ đường Nhường chạy trước thêm càng danh giá Muốn lúc nào mà chả đến nơi Vừa đi, vừa nghỉ, vừa chơi Nghe hơi gió thổi, xem trời kéo mây Rùa thấm thoát đến ngay trước đích Thỏ vội vàng một mạch chồn chân Nhưng mà chửa được đến gần Thì Rùa đã tới nơi ăn giải rồi Lại còn nhiếc một hồi: – chú Thỏ Đã bảo mà, nhanh có làm chi! Ví chăng nhà cũng đội đi Như ta đây nữa, chú thì bước sao?
Nguyễn Văn Vĩnh dịch Nguồn: Thơ ngụ ngôn La Phông-ten, Cảo thơm, 1970
Câu chuyện Thỏ và rùa [Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm – Hà Khắc Nguyện]
Đâu cần phải chạy mất công Khởi hành đúng lúc là mong thắng người Rùa thách Thỏ đua tài nhanh nhẹn Nhắm đích trồng hai bạn tiến lên Tới trước sẽ được ăn tiền Thỏ rằng: “Rùa hỡi! Chị điên thực rồi” – Dẫu điên thực thì tôi cũng cá Thỏ tự tin ha hả nhận lời Chỉ cần bốn bước tới nơi Nhẩn nha gặm cỏ, nhìn trời gió đưa Và dẫu ngủ cũng chưa có trễ Mặc cho Rùa lễ mễ mang mai Muốn cho chiến thắng xứng tài Vinh dự chiến thắng thêm oai hơn nhiều Khởi hành trễ, phải sao thật trễ Thì Rùa kia mới nể mặt mình Nghĩ xong nhìn lại hoảng kinh Đích kia, Rùa đã tới gần ngay bên Thỏ vội vã phi lên không kịp Rùa thành công nói miệt Thỏ rừng: – Ấy là thiên bẩm anh nhanh Nếu mang mai nữa thì anh thế nào!
Đỗ Khắc Siêm – Hà Khắc Nguyện dịch Nguồn: Ngụ ngôn La Fontaine, NXB Tân Văn, 1992
Truyện Thỏ và Rùa chạy đua [Bản dịch của Huỳnh Lý – Nguyễn Đình]
Chạy ích chi? Cốt đi đúng lúc, Chuyện Thỏ, Rùa ngẫm thực rõ thay. Rùa rằng: “Ta đánh cuộc này: Đích kia chạy đến, anh tày tôi chăng?
– Chị điên chắc! Nghĩ xằng mơ hão Chạy hơn ta? Tẩy não đi thôi!” Khăng khăng Rùa cứ giữ lời: – “Điên hay không, tôi vẫn chơi cuộc này”. Họ vào cuộc theo y Rùa thách,
Giải hai bên, cạnh đích cùng bày, Hỏi chi vật nọ món này! Lại cần chi biết ai đây trọng tài! Thỏ chỉ việc nhảy vài bốn cái (Cái nhảy khi suýt phải sa cơ,
Nhảy làm bầy chó ngẩn ngơ Rượt theo mà chẳng bao giờ bén chân) Vâng! Thỏ đủ giờ ăn giờ ngủ Giờ vểnh tai nghe gió đông tây, Mặc cho cái ả Rùa này
Như ông quan cụ khoan thai lê mình. Rùa rời gót tận tình, tận lực Ì ạch lê từng bước… cố mau Hợm mình, Thỏ định chạy sau, Khởi hành cùng lúc, hơn nhau quá thường.
Thỏ nghĩ bụng: “Không bươn bả vội Càng phất phơ càng nổi tài ba!” Thỏ gặm cỏ, Thỏ lê la, Thỏ nằm Thỏ nghỉ,… nhởn nhơ đủ trò. Nhơn nhơn chẳng buồn lo tranh cuộc,
Cuối cùng… khi Thỏ ngước nhìn lên Đích kia Rùa đã kề bên, Thỏ ta vội phóng như tên bay vù. Nhưng bay, nhảy quá ư vô ích. Chị Rùa ta tới đích nhanh thay!
Rùa cười: “Tôi nói chẳng sai, Có ăn ai được cái tài chạy nhanh? Tôi thì thắng còn anh lại bại Nếu anh bê một cái mai vào Thì còn ì ạch đến đâu?”
Huỳnh Lý – Nguyễn Đình dịch Nguồn: Văn học 7, tập 2, trang 74, NXB Giáo dục – 2000
Thơ ngụ ngôn La Phông-tenTừ khóa » Tả Câu Chuyện Rùa Và Thỏ
-
Kể Lại Câu Chuyện Rùa Và Thỏ - TopLoigiai
-
Những Bài Văn Hay - Kể Chuyện Rùa Và Thỏ - 123doc
-
Kể Lại Câu Chuyện đã Học: "Rùa Và Thỏ" - Soạn Bài Online
-
Kể Lại Câu Chuyện đã Học: Rùa Và Thỏ
-
Rùa Và Thỏ - Kho Tàng Truyện Cổ Tích Chọn Lọc
-
Câu Chuyện Rùa Và Thỏ “tân Thời" Và Bài Học Trong Kinh Doanh
-
Em đã đọc Truyện Rùa Và Thỏ? Em Hãy đặt Mình Vào Vai Thỏ để Kể ...
-
Kể Bài Trong Bài Văn Kể Chuyện, Câu 1. Sau đây Là Một Số Kết Bài Của ...
-
Hãy Kể Lại Một Câu Chuyện ( Rùa Và Thỏ ) Ko Chép Mạng - Lazi
-
Tìm đoạn Mở Bài Trong Câu Chuyện Rùa Và Thỏ
-
Ý Nghĩa Và Bài Học Rút Ra Từ Truyện Ngụ Ngôn Rùa Và Thỏ