Câu Chuyện Truyền Cảm Hứng Của Người Phụ Nữ Chiến Thắng Liên ...

Đây là câu chuyện về một người phụ nữ yêu cuộc sống thiết tha. Chị đã trải qua mọi nỗi đau trần gian, mang trong mình hai căn bệnh ung thư nhưng vượt lên tất cả, chị đã sống và chiến thắng”

Khi kim đồng hồ đang nhích dần về thời điểm giao thừa, TS.BS Phạm Thị Việt Hương (Khoa Nội Nhi, Bệnh viện K Trung ương) đang cùng gia đình chờ đón phút giây đất trời chuyển mình sang năm mới, một tin nhắn gửi đến làm cho chị không khỏi bồi hồi xúc động.

Tin nhắn của một bệnh nhân đã được chị điều trị khỏi cách đây 6 năm: “Chị ơi, em thật hạnh phúc khi được đón xuân 2017. Em là bệnh nhân Hán Thị Hiển, bệnh nhân của chị từ 2004 điều trị đến năm 2011 với 2 căn bệnh ung thư. Trải qua những năm tháng đó để chiến thắng được bệnh tật, em nhớ ơn chị rất nhiều! Chị là bác sĩ của em, người chị, mẹ hiền…

Chụp màn hình tin nhắn gửi lại cho tôi, BS Việt Hương như có một niềm vui muốn “khoe”. Chị vui, mừng cho bệnh nhân. Chị bảo: “Ca bệnh này gian truân mà cũng kỳ diệu lắm! Bệnh nhân đã vượt qua năm thứ 5 sau khi điều trị, vậy là hai căn bệnh ung thư đều đã được đẩy lùi hẳn rồi!

Lần đầu tiên tôi gặp chị Hán Thị Hiển (sinh năm 1976 trú tại Văn Lương, Tam Nông, Phú Thọ) – người bệnh nhân đã nhắn tin cho BS Việt Hương – là trong một buổi tối nhiều gió ở Hà Nội.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về người phụ nữ chất phác này là đôi mắt, một đôi mắt thật kỳ lạ, vừa hằn sâu những khắc khổ lại vừa ánh lên những tia nhìn đầy quyết tâm.

Tôi đọc được trong đôi mắt ấy không phải là lời kể lể về những nỗi thống khổ mà chị đã phải trải qua mà chỉ có một niềm yêu tha thiết. Tình yêu đó, chị dành cho cuộc đời, cho sự sống mà chị đã giành giật từng giây từng phút để giữ lấy. Chị Hiển là một người có hoàn cảnh éo le đặc biệt. Gia cảnh khó khăn, sinh được 3 người con thì 2 cháu mất vì bệnh tật, cháu đầu thì bị tai nạn giao thông suýt phải cắt bỏ chân.

Vừa vật lộn với kinh tế vừa phải trải qua những nỗi đau vì các con, năm 2004, chị Hiển lại phát hiện mắc ung thư dạ dày giai đoạn 4, khối u đã choán gần hết dạ dày. Chị được bác sĩ tại bệnh viện 108 phẫu thuật cắt bỏ 4/5 dạ dày.

Căn bệnh ung thư dạ dày tạm yên ổn được 2 năm thì năm 2006 chị Hiển lại được phát hiện có u ở vú. Cùng lúc đó, chồng chị lại bị viêm gan cấp tính, chị phải nhường quyền điều trị bệnh, cũng có nghĩa là nhường quyền sống cho chồng.

Tôi hỏi chị: “Giữa lúc căn bệnh của chị đang vào hồi nguy cấp, chị lại dừng điều trị để nhường cho chồng chữa bệnh, chị có sợ chết không?

Chị Hiển trả lời: “Lúc đấy tôi nghĩ rằng trước sau gì mình cũng chết, nhưng tôi hy vọng mãnh liệt là mình sẽ chữa khỏi cho chồng. Đứng giữa 2 sự lựa chọn thì tôi không sợ chết, tôi rất mạnh mẽ, tôi sẵn sàng chết để cho anh được sống.

Tuy thế, mọi chuyện không được như chị Hiển tính toán và hy vọng. Dù một mực đưa chồng đi chữa bệnh để nhường quyền sống cho anh nhưng anh đã không qua khỏi, còn căn bệnh ung thư vú của chị thì vẫn tiếp tục phát triển và đã bước vào giai đoạn muộn, mất cơ hội sống.

Theo BS Việt Hương mô tả, năm 2009 chị Hán Thị Hiển vào điều trị tại bệnh viện K Trung ương trong tình trạng u vú đã bị sùi loét thâm nhiễm thành ngực đến mức không mổ được, phải điều trị hóa chất tiền phẫu co nhỏ khối u dọn đường cho phẫu thuật.

Ngay BS Việt Hương cũng nghĩ bệnh nhân chỉ có thể sống được vài tháng.

Sau khi chồng mất đi, kinh tế gia đình kiệt quệ, chị Hiển không dám quay lại viện vì không có tiền chữa bệnh. Tuy nhiên lúc này chị lại tha thiết muốn sống để chăm lo cho đứa con còn trẻ dại. Chị tìm đến thuốc Nam với hy vọng gặp thầy gặp thuốc sẽ được chữa khỏi bệnh.

Đã có lúc chị theo đuổi một phương pháp rất ấu trĩ là dùng gai bưởi đào bỏ khối u. Người phụ nữ kiên cường nhốt mình trong phòng, tự cầm gai bưởi để tìm cách loại bỏ khối u ra khỏi ngực.

Cách chữa bệnh sai lầm và đầy rùng rợn ấy đã khiến chị Hiển rơi vào cảnh thập tử nhất sinh, các bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới đều lắc đầu khuyên gia đình nên đưa chị về nhà lo hậu sự. Sự sống của chị lúc này chỉ còn tính được bằng nửa ngày, một ngày, thậm chí bác sĩ e ngại chị không đi hết được con đường về tới nhà.

Chị Hiển nhập viện K Trung ương vào lúc 4 giờ sáng, trong tình trạng khối u hoại tử nghiêm trọng, mất máu, không tìm được ven để truyền nước, tim chỉ còn đập thoi thóp. Các bác sĩ ở đây ai cũng ái ngại nhưng cũng ngạc nhiên vì sức sống mãnh liệt của chị.

Với bệnh nhân điều trị ung thư, truyền hóa chất là một nỗi ám ảnh. Khi giọt hóa chất đầu tiên được truyền vào, bệnh nhân cảm thấy rất rõ từng cơn nóng bừng rồi lại chuyển sang cơn rét run, cảm giác rạo rực, nôn ọe… Nhiều người bị hóa chất quật ngã trước khi bệnh có biến chuyển.

Với một sức khỏe yếu lại không có điều kiện ăn uống đầy đủ để nâng cao sức khỏe, chị Hiển vẫn tìm mọi cách để sống sót.

Chị cho biết những bệnh nhân khác rất sợ hóa chất nên gia đình có thể thấy áp lực quá nên đã làm tốc độ truyền nhanh hơn để sớm được tránh xa hóa chất. Nhưng điều kiên trì nhất của chị là làm đúng chỉ định của bác sĩ. Đến giờ phút này nghĩ lại chị cho rằng mình đã chiến thắng bệnh tật một phần là nhờ vào sự tuân thủ phác đồ điều trị.

Nhưng trên hết, trong suốt quá trình chữa bệnh, chị Hiển giữ được lòng ham sống, khát vọng sống vì chị còn muốn lo lắng cho đứa con cuối cùng còn nhỏ dại. Chị nói: “Tôi mong muốn được sống thêm dù chỉ một ngày. Sống thêm được một ngày thì lo cho con được một ngày, sống thêm được một tuần thì lo cho con được một tuần, sống thêm được 1 tháng thì lo cho con được 1 tháng. Nếu tôi chết đi, tôi sợ con mình không biết nương tựa vào đâu“.

Là một người “ngoại đạo”, tôi (người viết bài) chỉ cảm thấy rằng một người có thể vượt qua trăm nỗi đau, chiến thắng liên tiếp 2 căn bệnh ung thư là một kỳ tích không dễ gặp trong ngành y. Đem cảm nhận này nói với BS Việt Hương, chị cũng công nhận đây là một điều kỳ diệu vì cả 2 bệnh ung thư đều ở giai đoạn muộn, tiên lượng rất xấu, nhưng cuối cùng bệnh nhân vẫn vượt qua được để sống sót.

Tôi hỏi chị: “Khó khăn như vậy mà sao vẫn có thể thành công?“, BS Việt Hương cho rằng, để thành công là nhờ nhiều yếu tố, trong đó có 2 yếu tố mà chị gọi là “bí quyết“:

Thứ nhất, về mặt chuyên môn, cần phải lựa chọn được phương pháp điều trị đúng.

Bác sĩ cần phải chọn được một phác đồ tốt cho cụ thể bệnh ung thư đó, giai đoạn đó, giải phẫu bệnh đó và trên bệnh nhân cụ thể đó chứ không phải là một phác đồ chung chung, càng không phải là một phác đồ cao sang, đắt tiền mà bệnh nhân không theo đuổi được. Ngược lại, cũng không thể vì bệnh nhân nghèo hay đã ở giai đoạn muộn rồi mà chọn một cách điều trị tạm bợ.

Thứ 2 là nghị lực phi thường của bệnh nhân và sự quyết tâm cao của bác sĩ.

Bệnh nhân không quyết tâm thì bác sĩ không thể áp dụng các phương pháp điều trị trên người bệnh được. Còn bệnh nhân có nghị lực và ý chí kiên cường nhưng bác sĩ cảm thấy tiên lượng xấu mà không muốn áp dụng phương pháp triệt để thì cũng không thể thành công. Ở ca bệnh này, cả bệnh nhân và bác sĩ đều rất quyết tâm, bệnh nhân thì có một lòng ham sống rất mãnh liệt, còn bác sĩ thì cũng quyết tâm điều trị vì cảm nhận được ý chí của bệnh nhân. Cộng với 1 phác đồ điều trị đúng, điều đó mới làm thành cái duyên giúp người bệnh chiến thắng.

No related posts.

Từ khóa » Kể Chuyện Ung Thư