Câu đơn Là Gì? Câu Ghép Là Gì? Cho Ví Dụ - Thiết Bị Vệ Sinh Công ...

Câu đơn và câu ghép là 2 dạng câu cơ bản nhất trong tiếng Việt mà bất kỳ một học sinh lớp 5 nào cũng cần phải nắm được. Bài viết dưới đây của Palada.vn sẽ giúp các em hệ thống lại câu đơn là gì, câu ghép là gì bằng phần lý thuyết và ví dụ cụ thể nhất.

Tóm tắt

  • 1 Câu đơn là gì?
    • 1.1 Khái niệm về câu
    • 1.2 Dấu hiệu nhận biết câu
    • 1.3 Câu đơn là gì lấy ví dụ
    • 1.4 Phân loại câu đơn
  • 2 Câu ghép là gì?
    • 2.1 Khái niệm
    • 2.2 3 cách để nối các vế trong một câu ghép
    • 2.3 Mối quan hệ giữa các vế trong câu ghép là gì?
  • 3 Bài tập thực hành

Câu đơn là gì?

Khái niệm về câu

Câu là tập hợp từ ngữ kết hợp với nhau theo một quy tắc nhất định nhằm diễn đạt một ý tương đối trọn vẹn, thực hiện một mục đích nào đó.

Dấu hiệu nhận biết câu

Câu phải có ngữ điệu kết thúc khi nói; còn khi viết, cuối câu phải đặt một trong các dấu câu sau: dấu chấm hoặc dấu chấm hỏi hoặc dấu chấm than.

Câu đơn là gì câu ghép là gì?

Câu đơn là gì lấy ví dụ

Câu đơn là câu do một cụm chủ ngữ và vị ngữ (thường gọi tắt là cụm chủ vị) tạo thành.

Ví dụ: Mùa xuân đã về. Chủ ngữ là Mùa xuân. Vị ngữ là đã về.

Phân loại câu đơn

Câu đơn là gì

Câu đơn có thể chia làm 3 loại: câu đơn đặc biệt, câu đơn bình thường và câu rút gọn.

– Câu đơn bình thường là dạng câu đơn có đủ 2 bộ phận chính làm nòng cốt câu.

– Câu đơn rút gọn là câu đơn nhưng không có đầy đủ cả 2 bộ phận chính làm nòng cốt câu (một trong hai bộ phận, đôi khi là cả 2 bộ phận của câu đã bị lược bỏ. Tuy nhiên khi cần thiết, ta vẫn có thể hoàn thiện các bộ phận bị lược bỏ).

Ví dụ:

– Minh ơi, bao giờ lớp mình phải đi lao động?

– Chiều mai cậu nhé.

Nòng cốt câu ở đây đã bị lược bỏ, nếu hoàn thiện lại sẽ là: chiều mai, lớp mình sẽ đi lao động cậu nhé.

– Câu đơn đặc biệt là dạng câu chỉ có một bộ phận làm nòng cốt, nhưng không xác định được đó là bộ phận gì. Điều khác với câu rút gọn là người ta không thể xác định được bộ phận làm nòng cốt của câu đặc biệt này là Chủ ngữ hay Vị ngữ. Câu đặc biệt thường dùng để biểu lộ cảm xúc hoặc nêu lên nhận xét về một sự vật, hiện tượng.

Danh từ là gì?

Câu ghép là gì?

Khái niệm

Câu ghép là một câu do nhiều vế câu ghép lại với nhau.

Mỗi vế câu trong câu ghép thường có cấu tạo giống một câu đơn (có cụm chủ ngữ – vị ngữ). Giữa các vế của câu ghép luôn có những mối quan hệ nhất định.

Ví dụ: Hễ con chó mà đi chậm, con khỉ lại cấu hai tai con chó giật giật. Con chó mà chạy sải thì con khỉ sẽ gò lưng như người phi ngựa.

3 cách để nối các vế trong một câu ghép

– Nối bằng từ ngữ nối.

– Nối trực tiếp chứ không dùng từ ngữ nối. Trong trường hợp này thì giữa các vế câu phải dùng dấu như dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc là dấu hai chấm.

Ví dụ: Cảnh tượng xung quanh tôi giống như đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học

– Nối các vế trong câu bằng quan hệ từ: Giữa các vế trong câu ghép có nhiều kiểu quan hệ khác nhau. Nếu muốn biểu thị những quan hệ đó, chúng ta có thể sử dụng các quan hệ từ để nối vế câu với nhau.

Ví dụ:

+ Quan hệ từ: nhưng, và, rồi, thì, hay, hoặc, …

+ Các cặp quan hệ từ: vì … nên (cho nên) … ; do … nên (cho nên) …; tại … nên … (cho nên)… ; bởi … nên (cho nên) …; chẳng những … mà còn …; nhờ … mà …; nếu … thì …; hễ .. thì …; tuy … nhưng …; mặc dù … nhưng … ; không chỉ … mà còn …; để … thì …

Mối quan hệ giữa các vế trong câu ghép là gì?

Quan hệ thứ nhất: Nguyên nhân và kết quả:

Để thể hiện quan hệ nguyên nhân và kết quả giữa hai vế ta có thể sử dụng:

– Quan hệ từ: bởi vì, vì, do, nên…

– Cặp quan hệ từ: bởi vì … cho nên…, vì … nên…

Ví dụ: Vì hôm nay trời mưa to nên lớp chúng ta hoãn lao động.

Quan hệ thứ hai: điều kiện và kết quả; giả thiết và kết quả

Để thể hiện quan hệ điều kiện và kết quả; giả thiết và kết quả giữa hai vế câu trong câu ghép, ta có thể sử dụng;

– Quan hệ từ: nếu, giá, thì, …

– Cặp quan hệ từ: giá … thì …; nếu … thì …; hễ .. thì …; hễ mà … thì …

Ví dụ: Nếu bạn Minh chăm chỉ học tập thì bạn ấy sẽ có khả năng đạt học sinh giỏi.

Quan hệ thứ ba: tương phản

Để thể hiện được quan hệ tương phản giữa hai vế trong câu ghép, có thể sử dụng:

– Quan hệ từ: tuy, mặc dù, dù, nhưng, …

– Cặp quan hệ từ: mặc dù … nhưng, tuy … nhưng …, dù … nhưng …

Ví dụ: Tuy bị gãy chân nhưng bạn Long vẫn đi học đều đặn.

Quan hệ thứ tư: tăng tiến

Để thể hiện được quan hệ tăng tiến giữa các vế câu, có thể sử dụng các cặp quan hệ từ sau:

– Không chỉ … mà còn; không những… mà còn…

Ví dụ: Không những bạn Minh học giỏi mà bạn ấy còn vẽ rất đẹp.

Quan hệ thứ 5: mục đích

Để biểu thị được quan hệ mục đích giữa các vế trong câu ghép, có thể sử dụng:

– Quan hệ từ: để, thì, …

– Cặp quan hệ từ: để … thì …

Ví dụ: Chúng em luôn cố gắng học tập tốt để có tương lai sáng sủa.

Nối các vế trong một câu ghép bằng cặp từ hô ứng.

Giữa các vế trong câu ghép có nhiều kiểu quan hệ khác nhau. Để thể hiện những mối quan hệ đó, ngoài việc sử dụng các quan hệ từ, hay các cặp quan hệ từ thì chúng ta có thể sử dụng các cặp từ hô ứng để nối các vế câu với nhau.

Một số cặp từ hô ứng thường được dùng để nối các vế câu trong câu ghép:

– mới … đã …; vừa … đã … ; chưa … đã …; vừa … vừa …; càng … càng …

Ví dụ: Ngày chưa tắt hẳn mà trăng đã lên rồi.

Trời càng nắng gắt thì hoa giấy càng bồng lên rực rỡ.

– đâu … đấy; sao … vậy; nào … ấy; ai … nấy …; bao nhiêu … bấy nhiêu …; gì … ấy…

Ví dụ: Chúng tôi đi đến đâu là rừng ào ào chuyển động đến đấy.

Câu nghi vấn là gì?

Câu ghép là gì?

Bài tập thực hành

Bài 1:

Hãy cho biết các câu trong đoạn văn dưới đây là câu đơn hay câu ghép. Tìm chủ ngữ, vị ngữ của chúng.

Đêm xuống, mặt trăng trở nên tròn vành vạnh. Cảnh vật huyền ảo. Mặt ao bỗng sóng sánh, một mảnh trăng bồng bềnh trôi trên mặt nước.

Bài 2:

Phân loại các câu dưới đây thành câu đơn và câu ghép. Tìm chủ ngữ, vị ngữ của chúng.

  1. a) Mùa thu 1929, Lý Tự Trọng trở về nước, ông được giao nhiệm vụ làm liên lạc, chuyển và nhận tài liệu trao đổi với các đảng bạn qua đường tàu biển.
  2. b) Lương Ngọc Quyến dù đã hi sinh nhưng tấm lòng trung thành với nước của ông còn sáng mãi.
  3. c) Mấy con chim từ hốc cây bay ra hót râm ran.
  4. d) Mưa rơi rào rào trên sân gạch, mưa đổ đồm độp trên phên nứa.

Bài 3:

Có thể tách các vế trong câu ghép tìm được ở bài 2 thành các câu đơn được hay không, tại sao?

Bài 4:

Câu nào sau đây không phải câu ghép:

  1. a) Em được mọi người yêu mến bởi vì em chăm ngoan và học giỏi.
  2. b) Vì em đã chăm ngoan học giỏi nên em được mọi người yêu mến.
  3. c) Em muốn được mọi người đều yêu mến nên em cố gắng chăm ngoan học giỏi.
  4. d) Nhờ chăm ngoan học giỏi mà em đã được mọi người yêu mến.

Bài 5:

Hãy cho biết những câu sau đây là câu đơn hay câu ghép. Tìm chủ ngữ, vị ngữ của chúng:

  1. a) Ánh nắng ban mai đang trải xuống cánh đồng màu vàng óng, xua tan dần đi hơi lạnh đầu đông.
  2. b) Làn gió nhẹ thoảng qua, những chiếc lá lay động giống như những đốm lửa vàng bập bùng cháy.
  3. c) Nắng lên, nắng như chan mỡ gà trên những cánh đồng lúa chín.

Bài 6:

Tìm và viết lại những câu ghép có trong đoạn văn sau:

Sau một hồi len lỏi mải miết, rẽ bụi rậm, chúng tôi đã nhìn thấy một bãi cây khộp. Rừng khộp hiện ra ngay trước mắt chúng tôi, lá úa vàng hệt như cảnh mùa thu. Tôi dụi dụi mắt. Những sắc vàng bỗng động đậy. Mấy con mang màu vàng hệt như lá khộp đang ăn cỏ non. Những chiếc chân vàng của chúng dẫm lên thảm lá vàng và sắc nắng cũng đang rực vàng trên lưng nó. Chỉ có mấy vạt cỏ xanh biếc giữa cái giang sơn vàng rợi.

Đáp án

Bài 1:

Đêm / xuống, mặt trăng / trở nên tròn vành vạnh. Cảnh vật / huyền ảo. Mặt ao / bỗng sóng sánh, một mảnh trăng / bồng bềnh trôi trên mặt nước.

– Câu 1, 3: là câu ghép

– Câu 2: là câu đơn

Bài 2:

  1. a) Mùa thu 1929, Lý Tự Trọng / trở về nước, ông được giao nhiệm vụ làm liên lạc, chuyển và nhận tài liệu trao đổi với các đảng bạn qua đường tàu biển.
  2. b) Lương Ngọc Quyến / dù đã hi sinh nhưng tấm lòng trung thành với nước của ông / còn sáng mãi.
  3. c) Mấy con chim từ hốc cây bay ra / hót râm ran.
  4. d) Mưa / rơi rào rào trên sân gạch, mưa / đổ đồm độp trên phên nứa.

– Câu ghép: câu b) và câu d)

Bài 3:

Không thể tách được, vì nội dung của các vế câu đều có quan hệ mật thiết với nhau.

Bài 4:

Đều là câu ghép.

Bài 5:

  1. a) Ánh nắng ban mai / đang trải xuống cánh đồng màu vàng óng, xua tan dần đi hơi lạnh đầu đông.

Đây là câu đơn.

  1. b) Làn gió nhẹ / thoảng qua, những chiếc lá / lay động giống như những đốm lửa vàng bập bùng cháy.

Đây là câu ghép.

  1. c) Nắng / lên, nắng / đang chan mỡ gà trên những cánh đồng lúa chín.

Đây là câu ghép.

Bài 6:

Các câu ghép có trong đoạn trích gồm:

Câu ghép thứ nhất: Rừng khộp hiện ra ngay trước mắt chúng tôi, lá úa vàng hệt như cảnh mùa thu.

Câu ghép thứ hai: Những chiếc chân vàng của chúng dẫm lên thảm lá vàng và sắc nắng cũng đang rực vàng trên lưng nó.

Với bài viết vừa rồi, Palada.vn hi vọng rằng các em học sinh đã có thể nắm vững khái niệm câu đơn là gì câu ghép là gì rồi. Chúng mình còn rất nhiều bài viết bổ ích hỗ trợ việc học tập của các em như từ ghép là gì, điệp ngữ là gì, nhân hóa là gì… Hãy tìm đọc để củng cố thêm kiến thức của mình nhé. Chúc các em học tập tốt và đạt kết quả cao trong những kỳ thi sắp tới.

Từ khóa » Câu Ghép Là Gì Cho Vd