Câu Hỏi ôn Thi KTHP Môn Triết Học Có Gợi ý Giải - ĐH Tài Chính ...

CÂU HỎI ÔN THI KẾT THÚC HỌC PHẦN MÔN TRIẾT HỌC CÓ ĐÁP ÁN

TRƯỜNG ĐH TÀI CHÍNH MARKETING

Câu 1: Phân tích mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức. Ý nghĩa phương pháp luận của mối quan hệ đó?

Lời giải:

1.Quan niệm của chủ nghĩa duy vật biện chứng về vật chất và ý thức:

  • Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác.
  • Ý thức là phạm trù triết học đối lập với phạm trù vật chất, chỉ toàn bộ hoạt động tinh thần của con người, là sự phản ánh hiện thực khách quan vào bộ óc con người một cách năng động, sáng tạo.

2.Mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức và Vai trò quyết định của vật chất đối với ý thức

  • Vật chất là tính thứ nhất, sinh ra và quyết định ý thức, còn ý thức là sự phản ánh thế giới vật chất vào bộ óc con người. Điều này thể hiện trong xã hội ở chỗ tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội.
  • Thế giới vật chất là nguồn gốc khách quan của ý thức.
  • Vật chất quyết định nội dung, phương thức và kết cấu của ý thức.

3. Sự tác động trở lại của ý thức đối với vật chất

  • Ý thức do vật chất sinh ra và quyết định, song sau khi ra đời, ý thức có tính độc lập tương đối nên có sự tác động trở lại đối với vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người.
  • Nếu ý thức phản ánh đúng đắn sâu sắc thế giới khách quan thì sẽ thúc đẩy sự phát triển của các điều kiện vật chất.
  • Nếu ý thức phản ánh sai lệch thế giới khách quan sẽ kìm hãm sự phát triển của các điều kiện vật chất.

Ý nghĩa phương pháp luận của mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức

  • Vật chất có trước, ý thức có sau, vật chất là nguồn gốc của ý thức, quyết định ý thức nên trong nhận thức và hoạt động thực tiễn con người phải xuất phát từ thực tễ khách quan, lấy thực tế khách quan làm căn cứ cho mọi hoạt động của mình.
  • Ý thức có thể tác động trở lại vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người, do vậy con người phải phát huy tính năng động chủ quan, tức là phát huy vai trò tích cực của ý thức, vai trò tích cực của nhân tố con người.

Câu 2: Trình bày nội dung phạm trù hình thái kinh tế - xã hội và ý nghĩa phương pháp luận trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.

Lời giải:

1.Phạm trù hình thái kinh tế - xã hội:

  • Hình thái kinh tế - xã hội là một phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch sử dùng để chỉ xã hội ở từng giai đoạn lịch sử nhất định, với một kiểu quan hệ sản xuất đặc trưng cho xã hội đó, phù hợp với một trình độ nhất định của lực lượng sản xuất, và với một kiến trúc thượng tầng tương ứng được xây dựng trên những quan hệ sản xuất ấy.
  • Hình thái kinh tế - xã hội là một hệ thống hoàn chỉnh có cấu trúc phức tạp, trong đó có các mặt cơ bản là lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng. Mỗi mặt của hình thái kinh tế - xã hội có vị trí riêng và tác động qua lại lẫn nhau, thống nhất với nhau.
  • Lực lượng sản xuất là nền tảng vật chất – kỹ thuật của mỗi hình thái kinh tế - xã hội. Hình thái kinh tế xã hội khác nhau có lực lượng sản xuất khác nhau. Suy đến cùng, sự phát triển của lực lượng sản xuất quyết định sự hình thành, phát triển và thay thế nhau của các hình thái kinh tế - xã hội.
  • Các quan hệ sản xuất tạo thành cơ sở hạ tầng của xã hội và quyết định tất cả mọi quan hệ xã hội khác. Mỗi hình thái kinh tế - xã hội có một kiểu quan hệ sản xuất đặc trưng cho nó. Quan hệ sản xuất là tiêu chuẩn khách quan để phân biệt các chế độ xã hội.
  • Kiến trúc thượng tầng được hình thành và phát triển phù hợp với cơ sở hạ tầng, nhưng nó lại là công cụ để bảo vệ, duy trì và phát triển cơ sở hạ tầng đã sinh ra nó.
  • Ngoài các mặt cơ bản đã nêu trên, các hình thái kinh tế - xã hội còn có quan hệ về gia đình, dân tộc và các quan hệ xã hội khác. Các quan hệ đó đều gắn bó chặt chẽ với quan hệ sản xuất, biến đổi cùng với sự biến đổi của quan hệ sản xuất.

2. Ý nghĩa phương pháp luận:

  • Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội phải từng bước xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Muốn vậy phải coi giáo dục – đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở đó xác lập các loại hình quan hệ sản xuất hợp lý, chấp nhận sự tồn tại khách quan của các thành phần kinh tế. Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa phải dần dần giữ vị trí thống trị, đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa.
  • Thực hiện cuộc cách mạng trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, nhằm làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội.
  • Các yếu tố của hình thái kinh tế - xã hội tác động biện chứng theo quy luật, do đó phải luôn tôn trọng trong quy luạt khách quan,vận dụng đúng đắn quy luật

Câu 3: Phân tích nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và ý nghĩa phương pháp luận của nó.

Lời giải:

1.Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến

  • Mối liên hệ là phạm trù triết học dùng để chỉ sự quy định, sự tác động qua lại, sự chuyển hóa lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng hay giữa các mặt của một sự vật, của một hiện tượng trong thế giới.
  • Mối liên hệ có ba tính chất cơ bản: Tính khách quan, tính phổ biến và tính đa dạng, phong phú:
  • Tính khách quan của mối liên hệ biểu hiện: các mối liên hệ là vốn có của mọi sự vật, hiện tượng; nó không phụ thuộc vào ý thức của con người.
  • Tính phổ biến của mối liên hệ biểu hiện: bất kỳ sự vật, hiện tượng nào; ở bất kỳ không gian nào và ở bất kỳ thời gian nào cũng có mối liên hệ với những sự vật, hiện tượng khác. Ngay trong cùng một sự vật, hiện tượng thì bất kỳ một thành phần nào, một yếu tố nào cũng có mối liên hệ với những thành phần, những yếu tố khác.
  • Tính đa dạng, phong phú của mối liên hệ biểu hiện: sự vật khác nhau, hiện tượng khác nhau, không gian khác nhau, thời gian khác nhau thì các mối liên hệ khác nhau. Có thể chia các mối liên hệ thành nhiều loại: mối liên hệ bên trong, mối liên hệ bên ngoài, mối liên hệ chủ yếu, mối liên hệ thứ yếu... các mối liên hệ này có vị trí, vai trò khác nhau đối với sự tồn tại và vận động của sự vật hiện tượng.
  • Phép biện chứng duy vật nghiên cứu các mối liên hệ phổ biến chi phối sự vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng

2.Ý nghĩa phương pháp luận

Quan điểm toàn diện:

  • Vì các mối liên hệ là sự tác động qua lại, chuyển hóa, quy định lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng và các mối liên hệ mang tính khách quan, mang tính phổ biến nên trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn con người phải tôn trọng quan điểm toàn diện, phải tránh cách xem xét phiến diện, một chiều.
  • Quan điểm toàn diện đòi hỏi chúng ta nhận thức về sự vật trong mối liên hệ qua lại giữa các bộ phận, giữa các yếu tố, giữa các mặt mặt của chính sự vật và trong sự tác động qua lại giữa sự vật đó với sự vật khác, kể cả mối liên hệ trực tiếp và mối liên hệ gián tiếp. Chúng ta phải biết phân biệt từng mối liên hệ và có phương pháp tác động phù hợp nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.
  • Quan điểm lịch sử - cụ thể:
  • Vì các mối liên hệ có tính đa dạng, phong phú - sự vật, hiện tượng khác nhau, không gian thời gian khác nhau các mối liên hệ biểu hiện khác nhau nên trong nhận thức và hoạt động thực tiễn con người phải quán triệt quan điểm lịch sử - cụ thể.
  • Quan điểm lịch sử cụ thể đòi hỏi chúng ta khi nhận thức về sự vật và tác động vào sự vật phải chú ý điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, môi trường cụ thể trong đó sự vật sinh ra, tồn tại và phát triển.

Câu 4: Phân tích mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Ý nghĩa phương pháp luận của mối quan hệ đó đối với việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.

Lời giải:

1.Khái niệm cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng

  • Cơ sở hạ tầng là toàn bộ những quan hệ sản xuất hợp thành cơ cấu kinh tế của một xã hội nhất định.
  • Kiến trúc thượng tầng là toàn bộ những quan điểm chính trị, pháp quyền, triết học, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật... cùng với những thiết chế xã hội tương ứng như nhà nước, đảng phái, giáo hội, các đoàn thể xã hội... được hình thành trên cơ sở hạ tầng nhất định.

2.Mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng

Vai trò quyết định của cơ sở hạ tầng đối với kiến trúc thượng tầng:

  • Mỗi cơ sở hạ tầng sẽ hình thành nên một kiến trúc thượng tầng tương ứng với nó. Tính chất của kiến trúc thượng tầng là do tính chất của cơ sở hạ tầng quyết định. Trong xã hội có giai cấp, giai cấp nào chiếm địa vị thống trị về mặt kinh tế thì cũng chiếm địa vị thống trị về mặt chính trị và đời sống tinh thần của toàn xã hội.
  • Cơ sở hạ tầng thay đổi thì sớm hay muộn, kiến trúc thượng tầng cũng thay đổi theo. Quá trình đó diễn ra không chỉ trong giai đoạn thay đổi từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái kinh tế - xã hội khác, mà còn diễn ra ngay trong bản thân mỗi hình thái kinh tế - xã hội.

Tác động trở lại của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng:

  • Toàn bộ kiến trúc thượng tầng cũng như các yếu tố cấu thành nên nó có tính độc lập tương đối, trong quá trình vận động và phát triển nó cũng tác động ngược lại đối với cơ sở hạ tầng. Trong xã hội có giai cấp, nhà nước là yếu tố có tác động mạnh nhất vì đó là bộ máy bạo lực tập trung của giai cấp thống trị về kinh tế.
  • Sự tác động của kiến trúc thượng tầng diễn ra theo hai chiều. Nếu kiến trúc thượng tầng tác động phù hợp với quy luật kinh tế khách quan thì nó là động lực cơ bản thúc đẩy kinh tế phát triển; ngược lại, nó sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế, kìm hãm phát triển xã hội.

3.Ý nghĩa phương pháp luận

  • Để xây dựng được chủ nghĩa xã hội phải xây dựng được nền tảng kinh tế của nó. Cần coi phát triển kinh tế là động lực để phát triển xã hội, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, thực hiện nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức...
  • Luôn lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động. Mọi chủ trương chính sách của đảng, nhà nước phải xuất phát từ nền tảng đó đồng thời tôn trọng thực tế khách quan, xuất phát từ thực tế khách quan. Chú trọng việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
  • Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh để ngang tầm với vai trò và vị trí lãnh đạo của mình; xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Câu 5: Phân tích nguyên lý về sự phát triển và ý nghĩa phương pháp luận của nó.

Lời giải:

1.Nguyên lý về sự phát triển:

  • Phát triển là một phạm trù triết học dùng để chỉ quá trình vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn của sự vật.
  • Phát triển có ba tính chất cơ bản: Tính khách quan, tính phổ biến và tính đa dạng, phong phú:
  • Sự phát triển bao giờ cũng mang tính khách quan. Bởi vì, nguồn gốc của sự phát triển nằm ngay trong bản thân sự vật. Đó là quá trình giải quyết liên tục những mâu thuẫn nảy sinh trong sự tồn tại và vận động của sự vật. Nhờ đó sự vật luôn luôn phát triển. Do đó sự phát triển là tiến trình khách quan, không phụ thuộc vào ý thức của con người.
  • Sự phát triển mang tính phổ biến. Tính phổ biến của sự phát triển được hiểu là nó diễn ra ở mọi lĩnh vực: tự nhiên, xã hội, tư duy; ở bất cứ sự vật, hiện tượng nào của thế giới khách quan. Ngay cả các khái niệm, phạm trù phản ánh hiện thực cũng nằm trong quá trình vận động và phát triển; chỉ trên cơ sở của sự phát triển, mọi hình thức của tư duy, nhất là các khái niệm và các phạm trù, mới có thể phản ánh đúng đắn hiện thực luôn vận động và phát triển.
  • Sự phát triển còn có tính đa dạng, phong phú. Phát triển là khuynh hướng chung của mọi vật, mọi hiện tượng, song mỗi sự vật, mỗi hiện tượng lại có quá trình phát triển không giống nhau. Đồng thời trong quá trình phát triển của mình, sự vật còn chịu sự tác động của các sự vật, hiện tượng khác, của rất nhiều yếu tố, điều kiện. Sự tác động đó có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của sự vật, đôi khi có thể làm thay đổi chiều hướng phát triển của sự vật, thậm chí làm cho sự vật thụt lùi.
  • Mặc dù sự vật, hiện tượng có thể có những giai đoạn vận động như thế này hoặc như thế khác, nhưng xem xét toàn bộ quá trình thì chúng vẫn tuân theo khuynh hướng chung: khuynh hướng phát triển.

3.Ý nghĩa phương pháp luận:

  • Nguyên lý về sự phát triển cho thấy trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn con người phải tôn trọng quan điểm phát triển.
  • Quan điểm phát triển đòi hỏi khi nhận thức, khi giải quyết một vấn đề nào đó con người phải đặt chúng ở trạng thái động, nằm trong khuynh hướng chung là phát triển.

{-- Xem đầy đủ nội dung tại Xem online hoặc Tải về--}

Trên đây là trích dẫn một phần Câu hỏi ôn thi KTHP môn Triết học có gợi ý giải - ĐH Tài Chính Marketing, để xem đầy đủ nội dung đề thi và đáp án chi tiết các em vui lòng đăng nhập website hoc247.net chọn Xem online hoặc Tải về máy tính. Chúc các em học tốt và thực hành hiệu quả!

Từ khóa » đề Thi Triết Học Mác Lênin Ufm