Cầu Hy Vọng Nối Nhịp Bờ Vui - VnExpress

Sau lễ khởi công cầu Hy Vọng 161, ngày nào ông Nguyễn Văn Hùng cũng ra kênh Bà Giăng mong ngóng. Người đàn ông tuổi gần 60 bảo cây cầu là niềm mơ ước bấy lâu của hàng trăm người dân.

"Đoạn đường này hôm nào cũng có hơn chục người lạc đường. Đến đây không có cầu họ buồn hiu quay xe về. Sắp có cầu mới rồi, khỏi đi đường vòng, bà con ai biết tin cũng mừng lắm", ông Hùng nói.

Lễ động thổ cầu Bà Giăng, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Quỹ Hy Vọng

Lễ động thổ cầu Bà Giăng, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Quỹ Hy Vọng

Khu vực xây cầu Hy vọng 161 thuộc ô đê bao số 11 (xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành) rộng hàng trăm ha với ruộng lúa xanh mướt, vườn cây trĩu quả, nhưng việc đi lại vẫn cách trở bởi con kênh rộng chừng 100 m.

"Nhà tui bên này, vườn bên kia nhìn qua là thấy nhưng không có cầu phải đi vòng 4-5 km. Vừa bất tiện vừa tốn xăng", chị Nguyễn Thanh Nhã nhìn qua mảnh vườn một ha đang trồng chanh, mít cho biết.

Hoà chung niềm vui của hàng trăm nông dân có nhà, đất hai bên cầu, chị Nhã mong cầu sớm hoàn thành, giúp vận chuyển nông sản hay đi chăm sóc vườn thuận lợi hơn.

"Đường vòng nhỏ hẹp khó đi lắm. Có cầu nông dân tụi tui có nhiều thời gian chăm sóc mảnh vườn hơn, cũng không lo bị ép giá lúc bán", chị Nhã cười nói. Cầu xây mới dài 22 m rộng 3,5 m, tổng kinh phí 560 triệu đồng, trong đó BEST Express Việt Nam tài trợ 80 triệu còn lại do địa phương đối ứng.

Cầu Rạch Sậy được BEST Express Việt Nam tài trợ 120 triệu đồng. Ảnh: Ngọc Tài

Cầu Rạch Sậy (cầu Hy vọng 158) được BEST Express Việt Nam tài trợ 120 triệu đồng. Ảnh: Ngọc Tài

Cách huyện Châu Thành 40 km, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò vừa khởi công cầu Cầu Hy vọng 159. Cầu mới nối hai ấp Bình Hoà và Bình An. Do chưa có cầu bắc qua sông, nông dân muốn thăm vườn, ruộng thường chọn cách bơi xuồng, lội sông hoặc đi đường vòng xa hơn 4 km.

Ông Lê Thanh Dành, Trưởng ấp Bình Hoà, cho biết người dân hai bên cầu đều vui khi cầu chuẩn bị xây dựng. Mặc dù có các tuyến đường vòng để lưu thông qua bên kia cầu nhưng khá bất tiện và xa. Hơn nữa, khi vào mùa thu hoạch nông sản bị giảm giá do tuyến đường vận chuyển cách trở.

"Sắp tới bán xoài, cam, mít đều nhẹ khâu vận chuyển", ông Dành chia sẻ. Cầu mới thiết kế dài 24 m rộng 3,9 m, có tổng kinh phí dự kiến gần 500 triệu đồng, trong đó BEST Express Việt Nam tài trợ 120 triệu đồng.

Kênh nối giữa hai ấp Bình Hoà và Bình An xã Bình Thành chưa được xây cầu người dân gặp nhiều khó khăn trong đi lại, vận chuyển nông sản. Ảnh: Ngọc Tài

Kênh nối giữa hai ấp Bình Hoà và Bình An xã Bình Thành chưa được xây cầu người dân gặp nhiều khó khăn trong đi lại, vận chuyển nông sản. Ảnh: Ngọc Tài

Đầu tháng 12, quỹ Hy vọng cùng địa phương khởi công 11 cây cầu tại tỉnh Đồng Tháp, trong đó BEST Express Việt Nam đồng hành cùng 4 cây. Ngoài cầu Hy vọng 159, 161, hai cầu khác là cầu Rạch Sậy (cầu Hy vọng 158) rộng 3,7 m, dài 29 m, tổng kinh phí xây dựng hơn 950 triệu đồng, trong đó BEST Express Việt Nam tài trợ 120 triệu đồng.

Riêng cầu Gộc Gừa (cầu Hy vọng 157) tổng kinh phí xây dựng hơn 920 triệu đồng (rộng 3,7 m dài 28 m). Sau lễ khởi công, những cầu mới đang khẩn trương tiến hành xây dựng dự kiến sẽ hoàn thành trong quý 1 năm 2022.

Trước đó, 6 cây cầu ở An Giang, Cần Thơ cũng bắt tay vào thi công với sự đồng hành của nhà tài trợ này. Đây là hoạt động nằm trong chương trình "Nâng bước em đến trường" do Quỹ Hy vọng khởi xướng, BEST Express Việt Nam đồng hành xây 10 cây cầu với tổng giá trị tài trợ 1 tỷ đồng.

Mỗi cây cầu vững chắc là sự chung tay của chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng. Để cùng Quỹ Hy vọng nâng bước em tới trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân đồng bằng Sông Cửu Long, độc giả có thể xem thêm thông tin và đồng hành tại đây.

Ngọc Tài

  • Miền Tây 'khát khao' những nhịp cầu vững chãi
  • Xây cầu nông thôn tặng người dân vùng sâu Cần Thơ
  • Chung tay xóa cầu tạm, cầu ván gỗ ở ĐBSCL

Từ khóa » Cầu Hy Vọng