Cầu Phú Xuân - Hay Còn được Gọi Là Cầu Mới Theo Dân Huế - Huế ...

Nằm khoảng giữa hai cầu Trường Tiền (Tràng Tiền) và Dã Viên. Tọa lạc gần tuyến đò ngang Thừa Phủ dài 317,5m, rộng 12m. Cầu do hãng Eiffel thiết kế và tổ chức thi công trong 2 năm 1970-1971.

So với cầu Trường Tiền, cầu Phú Xuân không có thẩm mỹ bằng nhưng rất hữu dụng đối với việc giao thông vận tải bằng đường bộ. Vào năm Mậu Thân (1968), sau khi cầu Trường Tiền bị đặt mìn đánh sập, người ta đã thiết lập một cầu phao ở vị trí cầu Phú Xuân hiện nay với trọng tải khá lớn dùng để phục vụ cho mục đích dân sự và quân sự. Cầu phao này được dùng trong hai năm 1968 và 1969.

Bấy giờ, chính quyền thị xã Huế thấy rằng cần thiết phải thay thế cầu phao ấy bằng một chiếc cầu kiên cố để đáp ứng nhu cầu giao thông và nhu cầu phát triển của đô thị Huế cũng như các vùng phụ cận. Do đó, vào năm 1970, cầu Phú Xuân đã được hãng Eiffel của Pháp thiết kế và tổ chức thi công. Cầu được xây dựng trong hai năm thì hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Cầu được xây dựng bằng bê-tông cốt thép. Cầu dài 374,65m, rộng 17m, riêng lòng cầu rộng 12m; tải trọng của cầu là 18 tấn. Hai bên cầu đều có lề dành cho người đi bộ và có xây lan can để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Từ 1971 đến nay, cầu Phú Xuân được tu bổ nhiều lần, lần tu bổ lớn gần đây nhất là năm 1998. Năm 2009, cầu cũng được tu bổ thêm một phần.

Lúc mới xây xong (1971), cầu được đặt tên theo tên dòng sông mà nó bắc qua, cầu Sông Hương. Sau năm 1975, nó được chính quyền đổi tên là cầu Phú Xuân. Nhưng từ ngày chiếc cầu này hoàn thành, người dân địa phương thường gọi một cách nôm na, dễ nhớ, ngắn gọn là cầu Mới, với hàm ý là chiếc cầu được xây dựng gần đây nhất so với cầu Trường Tiền và cầu Dã Viên (thời xưa, xe máy di chuyển chung cầu với cầu đường sắt).

Tags: Cầu MớiCầu Phú XuânHuếHue InsideHuế Trong TôiKhám pháLịch sử HuếSông HươngThừa Thiên Huế

Từ khóa » Cầu Phú Xuân ở Huế