Cầu Sông Hàn – Niềm Tự Hào Của Người Đà Nẵng

Đây cũng là năm kết thúc thiên niên kỷ thứ hai. So với nhiều cầu khác trong nước đã được xây dựng, thì cầu Sông Hàn không có tầm vóc quy mô, bề thế như cầu Long Biên, cầu Thăng Long, hay cầu Thanh Trì bắc qua sông Hồng ở thủ đô Hà Nội và cũng không mang vóc dáng hoành tráng, hiện đại như cầu dây văng Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền, nhưng nó có những đặc điểm riêng mà các cây cầu khác không có nên được nhiều người nói đến… Đã có hàng chục bài văn, bài thơ viết về cây cầu này. Đây là cây cầy quay đầu tiên ở Việt Namdo kỹ sư trong nước tự thiết kế và thi công với tốc độ xây dựng nhanh kỷ lục theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Số tiền mà các tầng lớp nhân dân đóng góp chiếm đến 30% kinh phí để xây cầu.

Lế khánh thành Cầu Sông Han (3-2000). Ảnh Báo Đà Nẵng

Cầu dài 456,46 mét gồm 13 nhịp, hai nhịp giữa có thể quay theo chiều dọc của dòng sông để tàu có trọng tải lớn, cột buồm cao có thể đi qua, vào các cảng ở sâu trong nội địa.

Nếu tính từ khi thành phố “nhượng địa” Tourane được lập (1888) cho đến ngày có cây cầu đẹp và bề thế nối liền đôi bờ sông Hàn là 112 năm. Trong hơn một thế kỷ ấy, người dân thành phố hằng ngày phải qua lại trên sông bằng những chiếc đò ngang ọp ẹp, và về sau có thêm được chiếc phà máy nhỏ. Khổ nhất là vào mùa mưa to, gió lớn, nước sông Hàn lên cao chảy xiết, việc qua sông không an toàn. Điều đáng nói ở đây là giá như cảnh này diễn ra ở nơi ngoại ô thì chẳng nói làm gì, đằng này nó lại ở ngay trung tâm thành phố Đà Nẵng, bên này là quận I (nay mang tên quận Hải Châu) và bên kia là quận 3 (nay mang tên quận Sơn Trà). Sau ngày giải phóng, do những khó khăn thực tế, cho nên tình trạng này cũng phải lại dài thêm 25 năm nữa mới kết thúc.

Câu ca dao mang nỗi buồn hiu hắt từ thời mất nước vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều người Đà Nẵng:

Đứng bên ni sông Hàn Ngó bên tê Hà Thân nước xanh như tà lá. Đứng bên tê Hà Thân Ngó về Hàn phố xá nghênh ngang!

Bên tê Hà Thân đâu chỉ có “nước xanh như tàu lá”, mà cái nghèo của người dân cũng phơi bày ra giữa thanh thiên bạch nhật với những dãy nhà chồ chắp vá đặt trên những chiếc cọc gỗ khẳng khiu và những chiếc thuyền câu nhỏ bé buộc bên dưới. Đó là nơi tá túc nhếch nhác, tối tăm, của những kiếp người lao động khuân vác, buôn gánh bán bưng, hay bám lấy những đám ruộng rau cải, hành ngò để sống, những ngư dân đánh bắt tôm cá ven bờ v.v… Cái nghịch cảnh của cuộc sống giữa hai bờ của một con sông, một bên là “phố xá nghênh ngang” ngập tràn ánh điện về đêm, một bên là những dãy nhà chồ rách nát, ban đêm le lói vài ngọn đèn dầu tù mù kéo dài hơn một thế kỷ, chỉ thực sự bắt đầu chấm dứt từ khi có những nhịp cầu hiện đại nối liền đôi bờ đông – tây với tên gọi cầu Sông Hàn.

Cây cầu nối từ đoạn cuối của đường Lê Duẩn bên quận Hải Châu sang bên kia là quận Sơn Trà ở đầu đường Phạm Văn Đồng rộng 45 m chạy thẳng đến bãi tắm Mỹ Khê, nối thông với con đường ven biển từ Bãi Bụt bên núi Sơn Trà đến thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, vào tận Hội An, và mai đây sẽ vượt Cửa Đại đến Chu Lai, Dung Quất.

Cầu Sông Hàn hiện nay

Giờ đây, từ quân Hải Châu sang quận Sơn Trà chỉ cần ba phút xe máy để qua cầu, và nếu đi bộ thì cũng chỉ khoảng 10 phút. Giao thông phát triển thuận lợi đã khơi dậy những tiềm năng, mà trước mắt là dịch vụ và du lịch của hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn nằm ở vị trí một bên là sông Hàn, một bên là biển Đông. Từ khi có cây cầu nối liền đôi bờ, giá đất ở khu vực này tăng lên gấp hàng chục lần. Các doanh nhân từ nơi khác, kể cả từ Hà Nội, Sài Gòn đổ về đây mua đất xây nhà, khách sạn, phát triển dịch vụ, du lịch. Nhờ vậy, hàng ngàn thanh niên đã tìm được việc làm, có thu nhập cao. Sau năm năm kể từ ngày cầu Sông Hàn được đưa vào sử dụng (2000 - 2005) hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn đã không còn hộ thiếu đói. Những khu dân cư được quy hoạch lại, nhiều con đường được chỉnh sửa, mở rộng, những nhà cao tầng, biệt thự, công sở, trường học chùa chiền, khách sạn mọc lên san sát. Không gian đô thị của thành phố đang nới rộng về phía đông và phía nam với tốc độ nhanh.

Cầu Sông Hàn không chỉ góp phần thuận lợi cho giao thông đô thị và phát triển kinh tế của vùng đất ở phía đông thành phố như đã nói ở trên, mà còn là một biểu tượng văn hóa khá độc đáo của một thành phố nơi cửa biển. Dáng đứng của trụ cầu dây văng vút cao, đẹp một cách thanh nhã nổi bật trên dòng sông Hàn lộng gió, in hình lên phông màu xanh đậm phía sau là cụm núi Sơn Trà. Nhiều thợ nhiếp ảnh đã bám trụ trên cầu để hành nghề nhằm đáp ứng nhu cầu khách thập phương từng đến đây muốn có một kỷ niệm về cảnh đất Hàn. Cũng cần nói thêm rằng chính sự chỉnh trang đầy sáng tạo của đôi bờ sông nơi chiếc cầu bắc qua - bên này là đường Bạch Đằng, bên kia là đường Trần Hưng Đạo - đã tạo nên một cái khung làm tôn thêm vẻ đẹp của bức tranh cầu sông Hàn.

Từ khóa » Cảng Sông Hàn đà Nẵng